Ngứa vùng da quanh mắt: Nguyên nhân và cách điều trị khỏi
Ngứa vùng da quanh mắt là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Bệnh thường không gây nguy hiểm tuy nhiên khiến người bệnh rất khó chịu và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân ngứa vùng da quanh mắt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa da xung quanh mắt. Các nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:
1. Viêm da mí mắt
Viêm da mí mắt là thuật ngữ chỉ chung các bệnh viêm da xảy ra xung quanh mắt. Da xung quanh mắt thường rất mỏng manh và nhạy cảm. Do đó nếu tiếp xúc với các tác nhân kích ứng hoặc dị ứng sẽ gây đỏ, sưng, khô và ngứa ngáy. Hầu hết tình trạng này thường không nghiêm trọng và có thể điều trị bằng kem chống ngứa hoặc sản phẩm dưỡng ẩm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để ngăn ngừa bệnh tái phát.
2. Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là tình trạng viêm da ở xung quanh mí mắt do tụ cầu khuẩn hoặc các loại vi khuẩn khác gây ra. Các triệu chứng viêm bờ mi phổ biến bao gồm:
- Ngứa vùng da quanh mắt
- Chảy nước mắt
- Mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng
- Rụng lông mi
3. Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng bên trong và xung quanh mắt. Đôi khi nhiễm trùng có thể xâm nhập sâu vào các mô bên dưới da và máu. Viêm mô tế bào xung quanh mắt là một tình trạng nghiêm trọng không chỉ gây ngứa vùng da quanh mắt mà còn khiến người bệnh đau đớn, ngứa và dẫn đến tình trạng mắt lồi ảnh hưởng thị lực.
Viêm mô tế bào có thể được gây ra bởi các chấn thương, vết cắn của côn trùng hoặc các bệnh viêm da như chàm và chốc lở. Bệnh không truyền nhiễm sang người khác nhưng cần được điều trị kịp lúc để tránh các biến chứng bao gồm cả mù lòa.
4. Vẩy nến trên mặt
Tình trạng vùng da quanh mắt bị ngứa có thể liên quan đến bệnh vẩy nến. Khi bệnh xuất hiện ở gần mi mắt, các lớp da bong tróc có thể che phủ lông mi và mí mắt làm cho mắt bị khô, đỏ và dẫn đến tình trạng ngứa ngáy hoặc châm chích nhẹ trên da.
Hiện tại vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh vẩy nến cũng như vẩy nến trên mặt. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng các cách làm ẩm, làm mềm da để hạn chế tối đa những tổn thương do vẩy nến gây ra.
5. Viêm da tiếp xúc
Tình trạng viêm da tiếp xúc xảy ra khi da chạm vào các yếu tố gây kích ứng ở bên ngoài môi trường. Ở những người thường xuyên trang điểm, da xung quanh mắt sẽ tiếp xúc với nhiều loại hóa chất, mỹ phẩm,…do đó rất dễ bị viêm và gây ngứa ngáy.
Các dạng viêm da tiếp xúc mí mắt phổ biến bao gồm:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Là tình trạng da xung quanh mắt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm mỹ phẩm hoặc kim loại, chẳng hạn như niken.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Là tình trạng da mí mắt tiếp xúc trực tiếp với một chất nào đó làm tổn thương màng bảo vệ của da và gây ngứa ngáy.
6. Dị ứng
Một số chất dị ứng có sẵn trong nhà hoặc ở môi trường sống có thể kích ứng da mắt và làm ngứa vùng da quanh mắt. Các tác nhân ngoài trời có thể kích thích da mắt bao gồm:
- Phấn hoa
- Cỏ dại
- Mạt bụi
- Nấm mốc
- Lông thú cưng
- Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
- Kem chống nắng
- Kem dưỡng ẩm, kem dưỡng mi
Ngoài ra, các yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch suy yếu đôi khi cũng có thể dẫn đến tình trạng ngứa da xung quanh mắt.
7. Các nguyên nhân không phổ biến
Ngoài các bệnh lý nói trên thì tình trạng ngứa vùng da quanh mắt có thể liên quan đến các nguyên nhân như:
- Viêm da tiết bã là tình trạng khiến da bị viêm và bong tróc. Bệnh thường xảy ra trên da đầu nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng da dầu, như mí mắt.
- Da khô, thiếu độ ẩm, không được khỏe mạnh có thể dẫn đến tình trạng ngứa ngáy và đau rát.
- Lupus ban đỏ đôi khi cũng khiến da quanh mắt bị ngứa. Các triệu chứng thường đi kèm với việc sốt, mệt mỏi, đổ nhiều mồ hôi, đau cơ và đau xương khớp.
- Mạch máu dưới da xung quanh mắt bị vỡ do chấn thương hoặc các nguyên nhân nào khác. Tình trạng này có thể làm da dưới mắt nổi nhiều đốm đỏ li ti và gây ngứa.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp ngứa vùng da quanh mắt đều không quá nghiêm trọng và có thể tự cải thiện sau một vài ngày. Tuy nhiên, hãy đến bệnh viện ngày khi:
- Tầm nhìn của bạn bị ảnh hưởng.
- Ngứa da đi kèm các dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao, đau đầu hoặc xuất hiện mẩn đỏ có mủ trên da.
- Ngứa, bong tróc, đỏ da.
- Các biện pháp tự chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả điều trị.
Bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ nhãn khoa có thể đánh giá tình hình, yêu cầu thực hiện xét nghiệm để tìm ra giải pháp tốt nhất để điều trị các dấu hiệu bệnh.
Điều trị ngứa vùng da quanh mắt
Để điều trị tình trạng ngứa vùng da quanh mắt, người bệnh cần nắm được nguyên nhân gây bệnh. Do đó, hãy đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu khác lạ ở vùng da gần mắt.
1. Điều trị tại nhà
Đối với một số trường hợp không nghiêm trọng, người bệnh có thể giữ cho da xung quanh mắt luôn sạch sẽ và tránh chạm vào hoặc gãi để không làm tổn thương da. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Giữ ẩm cho da mắt bằng kem chống ngứa và giảm khô. Các loại kem này có sẵn ở nhà thuốc mà không cần kê toa. Tuy nhiên, hãy trao đổi với dược sĩ kê đơn để chọn sản phẩm phù hợp nhất.
- Chườm lạnh hoặc chườm mát để làm dịu các cơn ngứa. Thực hiện phương pháp bất cứ lúc nào cảm thấy cần thiết.
- Đắp túi trà lên mắt cũng là một cách điều trị tình trạng ngứa vùng da quanh mắt phổ biến. Người bệnh có đắp túi trà sau khi pha lên mắt khoảng 30 phút mỗi lần.
2. Điều trị bằng thuốc
Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn hoặc khi tình trạng ngứa da xung quanh mí mắt làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, bác sĩ có thể kê các loại thuốc như:
- Thuốc ức chế Calcineurin được sử dụng để điều trị các rối loạn viêm, bao gồm viêm da dị ứng và bệnh vẩy nến.
- Thuốc Corticosteroid dang kem bôi trực tiếp lên mí mắt để điều trị viêm và giảm khô. Đối với các trường hợp viêm da trên diện rộng Corticosteroid có thể được dùng bằng đường uống. Việc sử dụng thuốc Corticosteroid cần được thực hiện theo chỉ dẫn và liều lượng của bác sĩ.
- Thuốc kháng Histamine đường uống cũng có thể hỗ trợ giảm ngứa và an thần. Tuy nhiên, một số thuốc kháng Histamine đường uống làm khô mắt. Do đó, trao đổi với bác sĩ để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất.
Biện pháp phòng ngừa
Người bệnh có thể hạn chế và ngăn ngừa tình trạng ngứa da xung quanh mắt bằng các biện pháp sau:
- Tránh gãi hoặc chà xát mí mắt, điều này có thể gây tổn thương thêm cho da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thực hiện thay đổi chế độ ăn uống, loại bỏ các sản phẩm dễ gây dị ứng như sữa, thịt gà, hải sản,… Tuy nhiên, hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng trước khi tiến hành thay đổi chế độ ăn uống.
- Chọn mỹ phẩm, kem dưỡng phù hợp, tốt nhất là chọn sản phẩm có thành phần thiên nhiên để tránh kích ứng da.
- Giữ ẩm thường xuyên cho mí mắt để ngăn ngừa các triệu chứng ngứa hình thành và tái phát.
- Hạn chế trang điểm, đặc biệt là khu vực xung quanh mắt.
Ngứa vùng da quanh mắt thường có thể điều trị dễ dàng và không quá tốn kém. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần, xin vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh vảy nến có lây không? Có chữa được không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!