Bé ho liên tục không ngừng là bị gì, chữa thế nào? CHUYÊN GIA TƯ VẤN
Bé bị ho liên tục không ngừng thường là triệu chứng của bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hen phế quản, dị ứng,… Bên cạnh đó, triệu chứng này cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân ít gặp hơn như trào ngược dạ dày thực quản, bệnh tim bẩm sinh hoặc do nhiễm vi khuẩn lao.
Trẻ bị ho liên tục không ngừng là bị gì?
Ho là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp. Trong trường hợp bé bị ho liên tục không ngừng, bố mẹ nên xem xét các nguyên nhân sau đây:
1. Dị ứng
Dị ứng là một trong những nguyên nhân khiến bé bị ho liên tục và không ngừng. Khi tác nhân dị ứng (thường là phấn hoa, lông chó mèo) xâm nhập vào khoang mũi và đường hô hấp, cơ thể sẽ giải phóng histamine vào các tế bào. Hoạt động này kích thích triệu chứng ho liên tục, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt,…
Nếu ho do dị ứng, trẻ thường không bị sốt hay đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, có thể kèm theo nổi mề đay mẩn ngứa ở trên da khiến trẻ khó chịu.
2. Cảm lạnh/ cảm cúm
Cảm lạnh và cảm cúm là các bệnh viêm nhiễm do virus thường gặp ở trẻ nhỏ. Virus thường gây viêm ở niêm mạc mũi họng, từ đó làm phát sinh triệu chứng ho kéo dài, ngứa họng, chảy nước mũi, sốt, khàn tiếng,…
=> ĐỌC THÊM: Trẻ bị ho về đêm (khi ngủ) – Nguyên nhân, cách chữa HIỆU QUẢ NHẤT
3. Viêm họng/ viêm amidan
Viêm họng và viêm amidan xảy ra khi niêm mạc hầu họng và amidan bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Triệu chứng đầu tiên của bệnh lý này là tình trạng sưng họng, đau rát và vướng nghẹn khi nhai nuốt. Tuy nhiên sau 1 – 2 ngày phát bệnh, trẻ có thể bị ho nhiều – đặc biệt là khi ăn các thực phẩm có tính cay nóng hoặc khô cứng.
4. Các bệnh về phế quản
Hen phế quản, viêm phế quản, giãn phế quản,… là các bệnh về phế quản thường gặp. Các bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và làm bùng phát triệu chứng ho liên tục, kéo dài.
5. Viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang xảy ra khi mô lót của xoang bị viêm do dị ứng hoặc nhiễm trùng. Tình trạng viêm ở cơ quan này làm gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch tiết hô hấp, gây ra triệu chứng chảy nước mũi, ho, nghẹt mũi, thở khò khè,…
Tương tự như cảm lạnh, viêm mũi xoang thường khiến trẻ ho nhiều và liên tục vào ban đêm. Triệu chứng bùng phát đột ngột, khiến trẻ giật mình thức giấc và quấy khóc.
6. Hội chứng chảy dịch mũi sau
Ho liên tục vào ban đêm là triệu chứng điển hình của hội chứng chảy dịch mũi sau. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng dịch từ xoang chảy qua mũi và di chuyển xuống thành sau họng.
Trẻ mắc hội chứng chảy dịch mũi sau ngoài bị nghẹt mũi còn dễ bị hôi miệng, đau họng, buồn nôn và vướng nghẹn ở cổ họng. Hội chứng này thường xảy ra do trẻ bị dị ứng kéo dài, lệch vách ngăn mũi, nhiễm trùng xoang,…
7. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành – đặc biệt là những người thường xuyên hút thuốc lá, ăn uống không khoa học và căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên bệnh lý này cũng có thể xảy ra ở một số trẻ nhỏ.
Hiện tượng trào ngược axit dịch vị từ dạ dày lên thực quản và cổ họng có khiến bé ho liên tục không ngừng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn ói. Nếu mắc hội chứng này, bạn sẽ nhận thấy trẻ thường xuyên ho sau khi ăn no hoặc ho khi nằm.
8. Do vướng dị vật
Vướng dị vật ở cổ họng khiến đường thở bị chặn và buộc cơ thể phải phản xạ bằng cách ho để loại bỏ dị vật. Nếu trẻ ho không ngừng do nguyên nhân này, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý. Trong trường hợp vướng dị vật có kích thước lớn, trẻ có thể bị tắc đường thở, dẫn đến suy hô hấp và một số tình huống rủi ro khác.
9. Các nguyên nhân khác
Trẻ bị ho liên tục không ngừng cũng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác như:
- Phế quản tăng mẫn cảm sau khi nhiễm virus
- Bệnh tim bẩm sinh
- Dị tật đường hô hấp bẩm sinh
- Hít khói thuốc lá thụ động trong một thời gian dài
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm
- Nhiễm vi khuẩn lao
Trẻ bị ho liên tục không ngừng có nguy hiểm không?
Tình trạng trẻ ho liên tục không ngừng, kéo dài gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ, sức khỏe và đời sống sinh hoạt của trẻ. Nhất là trong giai đoạn phát triển, trẻ thường có dấu hiệu chậm lớn, sụt cân và gầy gò.
Hơn nữa, ho dai dẳng còn gây khàn tiếng, đau rát cổ họng, mệt mỏi và tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng như phì đại amidan, phì đại VA, viêm mũi dị ứng quanh năm, viêm amidan mãn tính,…
Ở một số ít trường hợp, trẻ bị ho liên tục có thể là do nhiễm vi khuẩn lao. Ho lao là bệnh lý rất nghiêm trọng, lây lan nhanh và có thể gây ra một số biến chứng như tổn thương gan/ thận, viêm màng não, lao xương hoặc thậm chí là tử vong.
Cách xử lý và chăm sóc trẻ ho liên tục không ngừng
Để làm giảm tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Cho trẻ uống trà gừng mật ong hoặc nước lá hẹ hấp đường phèn để làm dịu vùng cổ họng và ức chế vi khuẩn;
- Kê gối cao khi ngủ để giảm thiểu tình trạng buồn nôn và ho liên tục;
- Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên;
- Dùng máy tạo độ ẩm trong nhà để giảm kích thích niêm mạc mũi;
- Vệ sinh không gian sống nhằm loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc;
- Giữ nhiệt độ trong nhà ở mức vừa phải, tránh để nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh;
- Tuyệt đối giữ trẻ tránh xa môi trường nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá;
- Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung ngũ cốc, thịt, cá, trứng và rau xanh nhằm nâng cao thể trạng và cải thiện hệ miễn dịch.
Bé bị ho liên tục không ngừng thường là do các bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ra. Nhưng cũng không loại trừ các bệnh lý nhiễm trùng, tiêu hóa hay do vướng dị vật. Tốt nhất, phụ huynh nên xem xét các biểu hiện của con trẻ và chủ động đến bệnh viện trong những trường hợp cần thiết.
THAM KHẢO THÊM
- Bệnh ho gà ở trẻ em – Triệu chứng và cách chữa
- Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh nguy hiểm không? Chữa thế nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!