Viêm họng xuất tiết là gì? Sự nguy hiểm và thông tin cần biết
Viêm họng xuất tiết là tình trạng nhiễm trùng họng kéo dài đi kèm với hiện tượng xuất tiết ở mũi và cổ họng. Điều trị bệnh lý này bao gồm việc sử dụng thuốc và loại trừ các yếu tố nguyên nhân. Trong trường hợp để kéo dài, thể xuất tiết có thể chuyển sang thể quá phát và xơ teo.
Viêm họng xuất tiết là gì?
Viêm họng xuất tiết là giai đoạn đầu của viêm họng mãn tính. Bệnh xảy ra khi nhiễm trùng ở hầu họng kéo dài, có thể khu trú hoặc lan tỏa sang các cơ quan hô hấp khác.
Viêm họng xuất tiết đặc trưng bởi cổ họng sưng đỏ, có dịch nhầy tiết ra dính vào thành sau họng và nang lympho bắt đầu xuất hiện các hạt nhỏ. Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn quá phát (viêm họng hạt) và viêm họng mãn tính xơ teo.
Nguyên nhân gây viêm họng xuất tiết
Viêm họng xuất tiết có thể khởi phát do các nguyên nhân sau:
- Do dị hình cấu trúc mũi hoặc xuất hiện polyp mũi
- Mắc bệnh viêm xoang sau
- Các yếu tố cơ địa thuận lợi như tiểu đường, cơ địa dị ứng, suy giảm chức năng gan,… có thể khiến viêm họng cấp chuyển sang giai đoạn xuất tiết
- Tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố kích thích như hóa chất, rượu bia, thuốc lá, sinh sống trong môi trường ô nhiễm,…
Triệu chứng nhận biết viêm họng xuất tiết
Viêm họng xuất tiết có thể gây tổn thương niêm mạc họng và làm phát sinh một số triệu chứng cơ năng. Tuy nhiên các triệu chứng của viêm họng mãn tính thường có mức độ nhẹ hơn so với thời điểm mới khởi phát.
Triệu chứng cơ năng của viêm họng xuất tiết, bao gồm:
- Khi nhai nuốt có cảm giác nghẹn
- Cổ họng nóng rát, khô và ngứa rất khó chịu
- Ngủ dậy thường có cảm giác vướng ở họng và thường có xu hướng đằng hắng hoặc khạc để loại bỏ đờm
- Thường bị ho – nhất là vào ban đêm
- Giọng nói bị khàn đặc
Triệu chứng thực thể của nhiễm trùng họng giai đoạn xuất tiết, bao gồm:
- Thành sau họng xuất hiện tiết nhầy
- Niêm mạc hầu họng ướt và sưng đỏ
- Nang lympho có dấu hiệu nổi hạt và phù nề nhẹ
Mức độ nguy hiểm của viêm họng xuất tiết
So với giai đoạn cấp tính, nhiễm trùng họng kéo dài thường gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị. Nhưng nếu loại trừ các yếu tố kích thích và dùng thuốc theo chỉ định, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Ngược lại trong trường hợp để bệnh kéo dài, thể xuất tiết có thể chuyển sang giai đoạn viêm họng quá phát và viêm họng mãn tính xơ teo.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các bệnh lý mãn tính khác như:
- Viêm phế quản
- Viêm khí quả
- Viêm thanh quản mãn tính
- Áp xe amidan hoặc viêm amidan cấp tính.
Bên cạnh đó các triệu chứng do viêm họng xuất tiết còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây suy nhược thần kinh và cơ thể do cơn ho bùng phát dữ dội vào ban đêm.
Các phương pháp điều trị viêm họng xuất tiết
Điều trị viêm họng xuất tiết bao gồm sử dụng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh.
1. Sử dụng thuốc
Thuốc được dùng trong quá trình điều trị viêm họng xuất tiết với mục đích đảm bảo quá trình lưu thông ở mũi và giải quyết các ổ viêm ở cơ quan hô hấp trên. Ngoài ra một số loại thuốc có thể được sử dụng nhằm cải thiện các triệu chứng cơ năng của bệnh.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm họng xuất tiết, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng hầu họng và một số cơ quan khác như mũi, amidan, xoang,…
- Thuốc rửa mũi (NaCl 0.9%): Rửa mũi với nước muối sinh lý 2 lần/ ngày nhằm dẫn lưu dịch tiết ra bên ngoài và đảm bảo sự lưu thông của mũi. Ngoài ra việc dùng thuốc rửa mũi còn hỗ trợ loại bỏ các yếu tố kích thích như hóa chất, bụi,…
- Súc miệng với dung dịch BBM: Dung dịch BBM chứa Menthol – hợp chất hữu cơ có tác dụng giảm kích ứng họng và mũi. Súc miệng với dung dịch này giúp giảm nhanh triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, đau rát cổ họng,…
- Khí dung chứa corticoid phối hợp với kháng sinh: Nhóm thuốc này được sử dụng trong điều trị tại chỗ bệnh viêm họng xuất tiết nhằm giảm dịch tiết hô hấp và làm sạch không giãn trong cổ họng, mũi,…
Viêm họng xuất tiết hiếm khi gây sốt cao như viêm họng cấp tính. Vì vậy trong giai đoạn này, bác sĩ có thể không chỉ định thuốc giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên nếu cổ họng sưng đau dữ dội, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được kê toa các loại thuốc thích hợp.
2. Xây dựng lối sống lành mạnh
Trong thời gian điều trị viêm họng xuất tiết, bạn cần loại bỏ một số thói quen thiếu khoa học và xây dựng lối sống lành mạnh nhằm tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.
Xây dựng lối sống trong quá trình điều trị bệnh viêm họng xuất tiết:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích như thuốc lá, bụi, phấn hoa,… Đồng thời nên kiêng dùng rượu bia, cà phê và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Nên uống nhiều nước, có thể bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng cách uống nước ép từ rau xanh và trái cây.
- Bổ sung các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng và giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng.
- Dành thời gian nghỉ ngơi trong thời gian điều trị, tránh sử dụng thức uống lạnh và nói quá nhiều.
- Giữ ấm cho cơ thể – đặc biệt là vùng cổ họng.
- Có thể uống trà gừng, bạc hà hoặc trà mật ong để làm loãng dịch tiết và cải thiện các triệu chứng do viêm họng mãn tính gây ra.
- Súc miệng bằng nước muối có thể giảm đau họng và ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng hầu họng.
Áp dụng song song các biện pháp điều trị y tế với lối sống lành mạnh có thể giúp bạn làm giảm triệu chứng và điều trị bệnh dứt điểm.
Phòng ngừa bệnh viêm họng tái phát
Khác với giai đoạn cấp tính, bệnh viêm họng ở thể xuất tiết có nguy cơ tái phát cao. Vì vậy sau quá trình chữa trị, bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hợp lý nhằm dự phòng trường hợp tái phát.
Các biện pháp làm giảm nguy cơ tái phát nhiễm trùng ở hầu họng, bao gồm:
- Từ bỏ thói quen sử dụng rượu bia và hút thuốc lá.
- Súc miệng bằng nước muối 2 lần/ ngày và chải răng thường xuyên.
- Bổ sung vitamin cho cơ thể, đồng thời cần đảm bảo uống đủ 2 lít nước/ ngày.
- Đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời và khi tiếp xúc với hóa chất, bụi bặm,…
- Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết thay đổi.
- Tập thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng và cải thiện thể trạng.
Viêm họng xuất tiết là một trong 3 hình thức của viêm họng mãn tính. Vì vậy cần điều trị bệnh ngay khi nhận thấy các triệu chứng lâm sàng. Trong trường hợp để kéo dài, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn quá phát và buộc phải can thiệp các thủ thuật ngoại khoa.
THAM KHẢO THÊM:
- 7 cách chữa viêm họng hạt tại nhà hiệu quả nhanh từ dân gian
- Ngứa họng nên ăn gì để làm dịu nhanh cơn ngứa
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!