Viêm họng đỏ là gì và các thông tin cần biết
Viêm họng đỏ là tình trạng niêm mạc họng bị nhiễm trùng, viêm sưng và xung huyết đỏ. Tình trạng này khiến người bệnh đau rát họng, mệt mỏi kéo dài nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm họng đỏ là gì?
Viêm họng xảy ra khi có nhiễm trùng hoặc kích ứng khiến cổ họng bị viêm sưng. Tình trạng này được phân thành nhiều dạng, gồm viêm họng giả mạc, viêm họng hạt, viêm họng đỏ…
Trong đó viêm họng đỏ là thuật ngữ chỉ tình trạng nhiễm trùng niêm mạc họng, khiến vùng cổ họng và amidan sưng tấy, đỏ ửng lên. Đây là một dạng viêm họng cấp tính, có triệu chứng kéo dài dưới 2 tuần. Bệnh thường không nghiêm trọng với những dạng viêm họng khác.
Triệu chứng của bệnh viêm họng đỏ
Những triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm họng đỏ gồm:
- Niêm mạc họng đỏ rực, xung huyết đỏ;
- Cảm giác khô nóng trong họng, dần dần chuyển sang đau rát;
- Đau rát khi nuốt;
- Đau rát khi nói chuyện;
- Đau rát lan lên tai;
- Amidan sưng to, bề mặt amidan có chất nhầy bao phủ;
- Từ bên ngoài, có thể quan sát thấy cổ nổi hạch, sưng đau;
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi;
- Ho khan;
- Khàn tiếng nhẹ;
- Sốt, có thể sốt cao lên đến 39 – 40 độ C;
- Đau nhức mình mẩy;
- Ớn lạnh;
- Chán ăn, ăn ít;
- Xuất hiện đờm khi ho.
Nguyên nhân gây ra viêm họng đỏ
Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus là nguyên nhân chính của bệnh viêm họng đỏ. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác.
- Thời tiết thay đổi, rét lạnh khiến niêm mạc họng bị kích thích;
- Virus tấn công: Những loại virus thường gây viêm họng đỏ là virus sởi, virus cúm,…;
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Thường liên quan đến vi khuẩn liên cầu, vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn có sẵn trong họng,…
- Thuốc lá, khói bụi: Trong khói thuốc lá, khói bụi từ môi trường chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi tấn công vào cổ họng, chúng sẽ gây kích ứng và viêm nhiễm niêm mạc họng.
Biến chứng
Viêm họng đỏ là chứng bệnh không nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường sẽ kéo dài trong vòng 3 – 4 ngày. Nếu có sức đề kháng tốt, bệnh nhanh chóng thuyên giảm, người bệnh cảm thấy khá hơn.
Ở những trường hợp nặng, viêm họng đỏ sẽ khiến người bệnh mệt mỏi. Đôi khi gây biến chứng viêm tai, viêm mũi, hoặc viêm phế quản.
Chẩn đoán viêm họng đỏ
Thông thường, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm họng đỏ bằng cách quan sát những dấu hiệu sau:
- Đau họng;
- Niêm mạc họng sưng đỏ;
- Sốt cao đột ngột;
- Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu không tăng.
Phương pháp điều trị viêm họng đỏ
Điều trị viêm họng đỏ thường gồm những phương pháp sau:
1. Điều trị bằng thuốc
Điều trị viêm họng đỏ thường tập trung vào việc điều trị tại chỗ và khắc phục triệu chứng. 3 nhóm thuốc thường dùng gồm:
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Paracetamol, Ibuprofen…;
- Thuốc sát khuẩn và giảm đau tại chỗ: Dung dịch clorat kali 1% dùng để súc miệng, glycerin borat 5% dùng để bôi tại chỗ,…;
- Thuốc kháng sinh: Thuốc được dùng đẻ tiêu diệt vi khuẩn và trị nhiễm trùng.
Lưu ý: Luôn dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
XEM THÊM: Các thuốc trị viêm họng tốt nhất, giảm nhanh đau rát
2. Điều trị tại nhà
Người bệnh viêm họng đỏ có thể tự chăm sóc sức khỏe tại nhà để giảm các triệu chứng, cải thiện sức khỏe chung.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh;
- Ăn uống đầy đủ chất, ăn nhiều rau củ tươi, trái cây tươi để dung nạp vitamin cho cơ thể, giúp sức đề kháng được tăng cường;
- Uống nước ấm, ăn thực phẩm mềm và dễ nuốt. Tránh ăn thực phẩm thô cứng, thực phẩm cay nóng và nhiều dầu mỡ để không làm tổn thương vùng cổ họng, kích thích tình trạng sưng viêm;
- Kiêng bia rượu, thuốc lá, thức uống lạnh;
- Súc miệng bằng nước muối hàng ngày để loại bỏ vi khuẩn ở trong cổ họng;
- Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi.
ĐỌC NGAY: Bị viêm họng nên ăn gì, kiêng gì? 18 thực phẩm tốt nhất
3. Điều trị dự phòng
Để tránh tái phát bệnh viêm họng đỏ, bệnh nhân có thể điều trị dự phòng bằng những cách sau:
- Phẫu thuật cắt bỏ amidan nếu viêm họng đỏ tái phát nhiều lần;
- Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân với người đang mắc viêm họng đỏ như khăn mặt, bát đũa, cốc uống nước,…;
- Tránh tiếp xúc với người bệnh;
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Biện pháp phòng tránh
Viêm họng đỏ là căn bệnh do tác nhân từ bên ngoài môi trường (thời tiết, khói bụi, vi khuẩn, virus,…) gây ra. Bệnh viêm họng đỏ là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa nhiễm bệnh, mỗi người trong chúng ta nên thực hiện những biện pháp sau:
- Hạn chế dùng thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá;
- Sử dụng khẩu trang khi phải tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, phấn hoa, khói thuốc lá;
- Tránh dùng chung ly tách, bát đũa, khăn mặt,… với người khác và người đang mắc bệnh viêm họng đỏ;
- Rửa tay thường xuyên để giữ tay luôn sạch sẽ;
- Có một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng;
- Tránh ăn thực phẩm cay nóng, khô cứng, nhiều dầu mỡ, thức uống có chứa đá lạnh,… Các loại thức ăn này sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc cổ họng.
Viêm họng đỏ là tình trạng viêm họng cấp tính, thường chỉ kéo dài trong vòng vài ngày, sau đó sẽ dần dần hồi phục. Người bệnh có thể điều trị bằng cách dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc tự điều trị tại nhà bằng cách giữ ấm, nghỉ ngơi,…
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Bé bị sốt viêm họng có nguy hiểm không? Cách xử lý
- Súc miệng, ngậm nước muối trị viêm họng có nhanh khỏi không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!