Viêm họng có lây không? Giải đáp từ bác sĩ
Hầu hết các trường hợp, viêm họng thường xảy ra kèm với cảm cúm hoặc ho. Do đó, không ít người bệnh lo lắng không biết viêm họng có lây không? Thông tin bên dưới sẽ giúp giải đáp nhanh.
Tổng quan về viêm họng
Viêm họng là tình trạng đau họng và khó nuốt. Hầu hết các trường hợp viêm họng thường xảy ra ở những tháng lạnh và đi kèm các triệu chứng bệnh cảm. Ngoài ra, viêm họng có thể là kết quả của việc nhiễm virus hoặc một số loại vi khuẩn có hại trong không khí.
Thời gian ủ bệnh viêm họng thường kéo dài từ 2 – 7 ngày. Các triệu chứng đi kèm thường bao gồm:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Đau đầu
- Ho
- Mệt mỏi hoặc nhức mỏi cơ thể
- Sốt (sốt nhẹ đối với cảm lạnh và sốt cao hơn nếu người bệnh bị cúm)
Thông thường các triệu chứng viêm họng thường kết thúc trong 10 ngày nếu được điều trị đúng cách. Do đó, điều trị sớm giúp người bệnh tránh khỏi các cơn đau, khó chịu và các biến chứng có thể xảy ra.
Viêm họng có lây không?
Về cơ bản viêm họng không phải là bệnh truyền nhiễm. Bởi vì viêm họng thông thường không hẳn là một bệnh lý. Đây chỉ là hậu quả của cảm lạnh, cảm cúm hoặc các loại nhiễm trùng khác. Các trường hợp viêm họng do dị ứng, ngộ độc, chấn thương hoặc ung thư không thể truyền nhiễm.
Mặc dù viêm họng không lây nhiễm, tuy nhiên các nguyên nhân gây viêm họng lại hoàn toàn có thể lây nhiễm. Các chất nhầy, nước mũi hoặc nước bọt của người bệnh có thể mang virus hoặc vi khuẩn truyền sang người khác và gây đau họng. Do đó, việc tiếp xúc cự ly gần hoặc hành động thân mật như hôn nhau, đều có thể khiến vi khuẩn tấn công, lây nhiễm và gây bệnh.
Ngoài ra, vi khuẩn gây viêm họng có thể tồn tại trong một thời gian nhất định trên các vật dụng cá nhân. Do đó, nếu dùng chung khăn mặt, bàn chải hoặc quần áo của người bệnh thì việc lây nhiễm có thể xảy ra.
Viêm họng khi nào cần gặp bác sĩ?
Liên hệ với bác sĩ ngay khi nhận thấy các triệu chứng viêm họng. Hoặc nếu:
- Đau họng kéo dài hơn một tuần
- Viêm họng đi kèm việc nổi mề đay mẩn ngứa
- Sưng hạch bạch huyết
- Sốt cao
- Gọi cho cấp cứu ngay lập tức khi:
- Người bệnh bị chảy nước dãi
- Khó thở
- Khó ăn hoặc không thể nuốt thức ăn, kể cả các chất lỏng
Điều trị viêm họng như thế nào?
Tùy vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị khác nhau. Cách điều trị viêm họng tốt nhất là kết hợp việc chăm sóc tại nhà và sử dụng thuốc.
Chăm sóc tại nhà:
Tình trạng viêm họng có thể được chăm sóc tại nhà nếu các triệu chứng không quá nguy hiểm. Các biện pháp này bao gồm:
- Uống nhiều nước (tốt nhất là nước ấm) để tránh mất nước và làm ẩm cổ họng.
- Súc miệng bằng nước muối ấm.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để tránh làm khô không khí.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tốt nhất là cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.
- Để giảm đau và hạ sốt, hãy cân nhắc dùng thuốc không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Ngoài ra viên ngậm trị đau họng cũng có thể hữu ích trong việc làm dịu cổ họng đau đớn, khó chịu.
- Uống mật ong trị viêm họng.
Các loại thảo dược thiên nhiên có thể hỗ trợ điều trị viêm họng một cách hiệu quả, nhưng cần hỏi bác sĩ trước khi dùng. Một số loại thảo dược được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:
- Cây kim ngân hoa
- Cam thảo
- Gừng
- Rễ Thục quỳ
Điều trị y tế:
Trong một số trường hợp, viêm họng có thể cần tiếp nhận điều trị y tế. Đặc biệt là khi viêm họng do nhiễm vi khuẩn gây ra.
Thông thường việc điều trị viêm họng thường được sử dụng thuốc kháng sinh như Amoxicillin và Penicillin. Liệu trình điều trị hường kết thúc trong 7 – 10 ngày. Do đó, sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Việc tự ý ngưng thuốc có thể làm giảm hoặc mất tác dụng điều trị của phương pháp.
ĐỌC NGAY: Có nên dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm họng cấp?
Biện pháp phòng ngừa viêm họng
Mặc dù không thể ngăn ngừa tất cả các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm giảm nguy cơ viêm họng bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi xì mũi hoặc sau khi chăm sóc người bệnh bị viêm họng.
- Nếu ai đó trong nhà bạn bị viêm họng, hãy giữ dụng cụ ăn uống và ly uống nước tách biệt với những người khác trong gia đình. Rửa kỹ những đồ vật này bằng xà phòng và khử trùng bằng nước nóng.
- Nếu trẻ mới biết đi bị viêm họng, hãy vệ sinh kỹ những đồ vật cá nhân của bé (bao gồm đồ chơi, quần áo, chăn, gối,…) trong xà phòng khử trùng, sau đó rửa sạch bằng nước nóng.
- Nhanh chóng vứt bỏ bất kỳ khăn giấy su khi xì mũi và hắt hơi. Rửa tay ngay sau đó.
Hầu hết các trường hợp viêm họng đều được điều trị thành công tại nhà. Tuy nhiên một số trường hợp nghiêm trọng có thể cần được điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp chuyên môn khác. Trao đổi với bác sĩ khi có bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về bệnh.
TÌM HIỂU THÊM:
- Chữa viêm họng cho bé không dùng kháng sinh – Cần lưu ý gì?
- Viêm họng kéo dài có thành mãn tính hay ung thư không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!