Chảy Dịch Mũi Sau: Nguyên Nhân và Cách Trị Hiệu Quả
Chảy dịch mũi sau là hội chứng khá phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể gặp phải ít nhất một lần trong đời. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tùy theo từng trường hợp bệnh sẽ có các triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Hội chứng chảy dịch mũi sau là gì?
Các cơ quan mũi – họng và xoang có nhiệm vụ tiết chất nhầy liên tục để giữ ẩm và bảo vệ đường thở không bị khô. Đồng thời, nó còn có tác dụng chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng và loại bỏ dị vật. Bình thường, lượng dịch nhầy được tiết ra vừa đủ và bạn thường nuốt chúng trong vô thức không nhận ra.
Tuy nhiên với sự tác động của các tác nhân gây dị ứng như vi khuẩn, virus… khiến các cơ quan này tiết ra dịch nhầy quá mức, tích tụ ở phía sau cổ họng và gây ra hàng loạt các triệu chứng bệnh ho, đau họng, vướng nghẹn… Đây được gọi là hội chứng chảy dịch mũi sau (tên tiếng Anh là Postnasal Drips).
Hội chứng này thường kéo dài rất dai dẳng và tái đi tái lại thường xuyên kéo dài thành mạn tính. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể gặp phải từ người lớn cho đến trẻ em, đặc biệt ở những người có sức đề kháng yếu kém hoặc đang mắc các bệnh lý mạn tính chưa điều trị dứt điểm.
Nguyên nhân gây chảy dịch mũi sau
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng chảy dịch mũi sau, chủ yếu là do những thay đổi nhất định trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài. Phổ biến nhất là các nguyên nhân sau:
Dị ứng
Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các triệu chứng chảy dịch mũi sau.
- Người bệnh có thể bị dị ứng theo mùa do sự giải phóng của phấn hoa vào mùa xuân. Khi tiếp xúc với tác nhân này, cơ thể sẽ tự tiết ra chất nhờn để loại bỏ các bào tử phấn hoa.
- Dị ứng với thời tiết lạnh, độ ẩm thấp gây kích ứng mũi, khô cổ họng. Lúc này, cơ thể cũng sẽ sản sinh ra nhiều chất nhầy để duy trì độ ẩm và giữ ấm đường thở.
- Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus phát triển, gây ra các bệnh về đường hô hấp như cảm mạo, viêm xoang, viêm phế quản, viêm thanh quản… Và hầu như các bệnh này đều có thể gây ra tình trạng chảy dịch mũi sau.
Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh nguyên nhân dị ứng, hội chứng chảy dịch mũi sau cũng có thể xuất phát từ các yếu tố khác như:
- Có dị vật mắc kẹt bên trong mũi;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc trị bệnh;
- Mắc một số bệnh hô hấp mạn tính như viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, nhiễm virus, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi…
- Nhiễm khuẩn phối hợp với một số tình trạng khác như hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết… cũng có thể gây ra hội chứng này.
- Do tiếp xúc với các loại hóa chất gây kích ứng như sữa tắm, dầu gội, sản phẩm tẩy rửa, nước hoa…
- Có dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương gây vẹo/ lệch vách ngăn mũi, bóng sàng quá to. mỏm móc phát triển quá mức lấn át vào đường giữa, bịt kín khe giữ, cuốn mũi xoang hơi hoặc quá phát… Những nguyên nhân này khiến chất nhầy không thể thoát ra khỏi cơ thể, tích tụ trong mũi và gây chảy dịch mũi sau.
- Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị chảy dịch mũi sau.
- Chế độ ăn uống không khoa học, ăn thức ăn quá cay…
Dấu hiệu nhận biết tình trạng chảy dịch mũi sau
Khi bị chảy dịch mũi sau thì triệu chứng đặc trưng nhất sẽ là khó chịu do sổ mũi, chất nhầy chảy liên tục xuống mũi và tích tụ ở khu vực phía sau cổ họng. Đi kèm theo đó là một số triệu chứng khác như:
- Đau rát, ngứa họng;
- Luôn muốn khạc mạnh hoặc hắng giọng để đẩy nước mũi, dịch nhầy ra ngoài;
- Nuốt dịch nhầy thường xuyên;
- Ho có đờm, đặc biệt ho nhiều vào ban đêm hoặc lúc sáng sớm;
- Buôn nôn, nôn ói do nuốt quá nhiều dịch nhầy xuống dạ dày;
- Hôi miệng, lỗ mũi có mùi hôi khó chịu do dịch nhầy bị viêm nhiễm;
- Thở khò khè, sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy theo mức độ của bệnh.
- …
Chẩn đoán, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây chảy dịch mũi sau
Để chẩn đoán và tầm soát tìm ra nguyên nhân gây chảy dịch mũi sau, bác sĩ sẽ dựa vào thăm khám kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, quan sát bằng mắt thường trạng thái bên trong mũi, họng để có những nhận định ban đầu về tình trạng bệnh. Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cần thiết để có cơ sở dữ liệu chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh nặng hay nhẹ.
Một vài các xét nghiệm chẩn đoán thường được áp dụng cho người bệnh chảy dịch mũi sau như:
- Xét nghiệm dị ứng trên da hoặc xét nghiệm máu;
- Chụp X – quang ngực, xét nghiệm chức năng phổi;
- Nội soi khoang mũi;
- Chụp CT Scan mũi và xoang;
- …
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, nghi ngờ nguyên nhân gây chảy dịch mũi sau là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện phương pháp cần thiết, đáp ứng chẩn đoán và tiết kiệm chi phí tối đa.
Cách điều trị chứng chảy dịch mũi sau
Mỗi trường hợp bệnh khác với mức độ và nguyên nhân khác nhau sẽ có các điều trị khác nhau. Để điều trị hội chứng chảy dịch mũi sau thường áp dụng nguyên tắc sau:
- Điều trị triệt để tình trạng viêm nhiễm hệ thống mũi xoang nhiễm khuẩn.
- Chủ động tránh xa và bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố nghi ngờ gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, thực phẩm, lông động vật, sợi bông vải…
1. Điều trị nội khoa
Hầu hết các trường hợp bị chảy dịch mũi sau đều đáp ứng điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất và phòng ngừa tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định về liều dùng, cách dùng của bác sĩ.
- Áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc kháng histamine tổng hợp nhằm làm loãng dịch nhầy, dễ đào thải ra ngoài và tăng cường khả năng miễn dịch để dứt điểm bệnh.
- Kết hợp điều trị tại chỗ nhằm cải thiện triệu chứng, chống phù viêm tích cực bằng phương pháp nội soi rửa hốc mũi xoang và khoang họng bằng nước muối sinh lý 0.9% hoặc dung dịch kháng sinh, dùng các loại thuốc dạng xịt tại chỗ….
2. Điều trị ngoại khoa
Với những trường hợp mắc chứng chảy dịch mũi sau nghiêm trọng gây biến chứng hoặc do dị hình cấu trúc mũi sẽ được cân nhắc thực hiện phẫu thuật nội soi mũi xoang tối thiểu (MIST). Phương pháp này giúp xử lý các dị hình cấu trúc ở vùng phức hợp các lỗ ngách OMC (Ostiomeatal Complex) gây cản trở quá trình dẫn lưu dịch từ các xoang ra hốc mũi.
Phương pháp phẫu thuật này yêu cầu người thực hiện phải có tay nghề chuyên môn cao, tiến hành cắt bỏ một phần các cấu trúc này để giải phóng đường dẫn lưu dịch qua các xoang phía trước và đảm bảo không gây tổn thương các mô tế bào xung quanh. Sau khi phẫu thuật xong người bệnh sẽ được hút rửa hốc mũi, khoang họng, hệ thống xoang trước, xoang sau để làm sạch hoàn toàn, phòng ngừa viêm nhiễm tái phát.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa hội chứng chảy dịch mũi sau
Bên cạnh áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp, người mắc hội chứng chảy dịch mũi sau cũng cần lưu ý về cách chăm sóc trong quá trình điều trị hoặc hậu phẫu để nhanh chóng phục hồi và phòng ngừa tái phát.
Về cách chăm sóc
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng để tiêu diệt các ổ khuẩn, viêm, loại bỏ dịch nhầy và các dị nguyên tồn tại bên trong mũi.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm và các loại nước ép giàu vitamin C, trà mật ong… tăng cường sức đề kháng. Nước sẽ giúp giữ ẩm cho cơ thể, nhất là vùng khoang mũi, hỗ trợ làm loãng dịch đờm tích tụ trong cổ họng. Tránh uống các loại chứa caffein như trà, cà phê, soda vì chúng sẽ làm cơ thể dễ bị mất nước.
- Ăn uống đầy đủ, bổ sung các dưỡng chất cần thiết, tránh các loại thực phẩm có hại, không có dinh dưỡng và thay bằng rau xanh, củ quả, trái cây tươi, cá béo… để tăng cường sức đề kháng nhanh chóng khỏi bệnh.
- Giữ ấm cho cơ thể, nhất là vào mùa lạnh, thay đổi thời tiết hoặc cơ thể đang bị cảm lạnh, hệ miễn dịch suy yếu.
- Khi ngủ vào ban đêm nên nâng cao đầu bằng gối để giúp dịch dễ thoát ra ngoài hơn, giảm thiểu tối đa lượng dịch tích tụ trong cổ họng và đường thở.
- Tắm nước ấm hoặc xông hơi nước nóng cũng là mẹo hay giúp làm thông mũi xoang.
Cách phòng ngừa tái phát
Hội chứng chảy dịch mũi sau không quá nguy hiểm cho sức khỏe và hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua các biện pháp đơn giản sau:
- Dùng máy phun sương, tạo ẩm cho không khí để giảm thiểu sự kích ứng xoang mũi, tăng tiết chất nhờn. Đặc biệt nên sử dụng vào mùa khô hoặc trong phòng điều hòa. Tuy nhiên, cần phải thường xuyên vệ sinh máy lạnh để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Nên uống thuốc chống dị ứng hoặc tiêm phòng dị ứng nếu bạn thuộc tuýp người có cơ địa dễ dị ứng theo mùa.
- Thường xuyên giặt giũ chăn, drap, gối, nệm để loại bụi bẩn, vi khuẩn trú ngụ xung quanh.
- Loại bỏ các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao đối với cơ thể.
- Đeo khẩu trang che kín vùng mũi, họng khi ra ngoài, đến những nơi đông người hoặc nơi có chứa nhiều tác nhân gây dị ứng.
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng chảy dịch mũi sau có thể tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do các nguyên nhân đặc thù, có biến chứng sẽ không thể khỏi nếu không được điều trị. Vì vậy, người bệnh cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp, phòng ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
- Dịch đờm chảy từ mũi xuống họng gây khó chịu làm sao hết?
- Cách rửa mũi bằng xi lanh & nước muối sinh lý từ A-Z
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!