Buồn nôn là biểu hiện của bệnh gì? Cách xử lý và điều trị
Buồn nôn là triệu chứng đặc trưng của tình trạng “ốm nghén” khi mang thai. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như say tàu xe, căng thẳng, mắc các bệnh về đường tiêu hóa, cao huyết áp, rối loạn tiền đình,…
Buồn nôn là biểu hiện của bệnh gì?
Buồn nôn là cảm giác muốn nôn ói, khó chịu, có thể đi kèm với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác.
Chức năng của hệ tiêu hóa chịu sự tương tác giữa hệ thống thần kinh trung ương và đường ruột. Buồn nôn xảy ra khi dạ dày gia tăng hoạt động sóng chậm, đi kèm với hiện tượng tăng beta endorphin, epinephrine, norenpinephrine và cortisol trong máu.
Các yếu tố này gây buồn nôn có thể bị kích hoạt do những nguyên nhân sau:
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị và thức ăn bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng.
Hiện tượng có thể gây đau ngực và cổ họng, vướng khi nuốt, miệng tiết nhiều nước bọt, buồn nôn và ói mửa. Cảm giác buồn nôn do trào ngược dạ dày thực quản có xu hướng khởi phát sau khi ăn hoặc khi nằm.
2. Hội chứng Mallory-Weiss
Hội chứng Mallory-Weiss xảy ra khi niêm mạc thực quản và dạ dày bị rách do nôn ói quá mức. Hội chứng này xảy ra khi uống quá nhiều rượu và có triệu chứng điển hình là buồn nôn, ói mửa trong nhiều giờ.
Vết rách ở thực quản và dạ dày có phục hồi lại sau một thời gian. Tuy nhiên ở những người nôn ói kéo dài, áp lực ổ bụng có thể tăng lên và gây xuất huyết tiêu hóa trên (biểu hiện: nôn ra máu hoặc dịch có màu bã cà phê).
3. Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến nhất ở đường tiêu hóa. Bệnh xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị viêm và loét do dịch vị tăng tiết quá mức.
Ở người mắc bệnh lý, triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, chướng bụng,… có thể khởi phát sau khi ăn no hoặc khi bụng đói.
4. Khối u đường tiêu hóa
Khối u đường tiêu hóa có thể xuất hiện ở thực quản, dạ dày hoặc đại – trực tràng. Trong trường hợp mắc phải khối u ác tính, bạn có thể nhận thấy cảm giác buồn nôn, nôn mửa, chán ăn,… kéo dài.
Tuy nhiên khi khối u này phát triển lớn, các triệu chứng nghiêm trọng như nôn ra máu, người sụt cân bất thường, choáng váng, đại tiện ra máu tươi, người mệt mỏi, thiếu tập trung,… có thể xảy ra.
5. Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là một trong những bệnh lý có liên quan đến hiện tượng buồn nôn kéo dài. Khối u ác ở vòm họng hiếm khi gây ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu hoặc chỉ làm phát sinh các triệu chứng mơ hồ.
Tuy nhiên khi khối u phát triển dần theo thời gian, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu như luôn có cảm giác buồn nôn, khó nuốt, đau ngực, mệt mỏi, giảm cân, nôn ói, chán ăn, mất ngủ,…
6. Ốm nghén khi mang thai
Nồng độ hormone HCG tăng cao trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra hội chứng “ốm nghén”. Hội chứng này đặc trưng bởi triệu chứng nôn mửa, buồn nôn và khó chịu khi ăn uống.
Ốm nghén khi mang thai là tình trạng thông thường và ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên ở một số sản phụ, triệu chứng có thể diễn ra với mức độ nặng nề và gây suy nhược cơ thể.
7. Mắc các bệnh nhiễm trùng
Nhiễm trùng ở các cơ quan có thể khiến cơ thể mất nước và làm tăng cảm giác buồn nôn. Trong trường hợp này, buồn nôn thường đi kèm với triệu chứng khô miệng, sốt, ớn lạnh, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn,…
Các bệnh nhiễm trùng có thể gây buồn nôn, bao gồm: Cảm cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa, sốt phát ban, sởi,… Tuy nhiên buồn nôn cũng có thể khởi phát do các bệnh nhiễm trùng nặng nề hơn như viêm cầu thận, viêm tinh hoàn, viêm tụy, viêm ruột thừa,…
8. Rối loạn tiền đình
Tiền đình là cơ quan nằm sau ốc tai, đảm bảo khả năng phối hợp giữa các cơ quan và duy trì trạng thái thăng bằng cho cơ thể.
Tuy nhiên cơ quan này có thể bị tổn thương do tắc nghẽn mạch máu, tai biến, biến chứng của viêm tai giữa, viêm dây thần kinh hoặc do uống quá nhiều rượu bia. Rối loạn tiền đình đặc trưng bởi triệu chứng chóng mặt, đau đầu, choáng váng, mất thăng bằng, ù tai và buồn nôn.
9. Cao huyết áp
Cao huyết áp là tình trạng tăng áp lực máu lên thành động mạch. Đây là bệnh lý mãn tính và có xu hướng hình thành ở người cao tuổi. Cao huyết áp có thể xảy ra không rõ nguyên nhân hoặc do hội chứng Cushing, suy thận cấp, hẹp động mạch thận, mắc các bệnh về tuyến yên, tuyến giáp,…
Bệnh lý này có thể gây đau đầu, chóng mặt, choáng váng, tê và ngứa các chi, chảy máu mũi, đau tim và buồn nôn.
10. Sau tàu xe
Say tàu xe xảy ra khi hệ thống thần kinh trung ương mâu thuẫn với các cơ quan cảm giác (mắt, mũi, tai,…). Say tàu xe đặc trưng bởi triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn ói. Buồn nôn khi say tàu xe thường không nguy hiểm và có dấu hiệu thuyên giảm sau vài giờ.
11. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, hiện tượng buồn nôn cũng có thể khởi phát do những nguyên nhân sau:
- Hội chứng tiền kinh nguyệt
- Hội chứng nôn ói chu kỳ
- Căng thẳng kéo dài
- Đau nửa đầu
- Ngộ độc thực phẩm
- Dị ứng thực phẩm
- Vướng dị vật trong cổ họng
- Viêm thực quản
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị
- Sau phẫu thuật/ nội soi
- Hóa xạ trị
Xử lý triệu chứng buồn nôn ngay tại nhà
Trong trường hợp buồn nôn nhẹ, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà để làm giảm triệu chứng này.
- Uống nhiều nước có thể bù lượng chất lỏng và điện giải thất thoát do nhiễm trùng.
- Bổ sung rau xanh và trái cây có thể giảm mệt mỏi, đắng miệng và hạn chế tình trạng buồn nôn. Ngoài ra bổ sung rau xanh còn trung hòa dịch vị dạ dày, giảm nhanh hiện tượng ợ nóng, nôn mửa và đầy bụng.
- Uống trà gừng hoặc trà bạc hà có thể đem lại cảm giác thư giãn và làm giảm cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, tinh chất bên trong bạc hà và gừng có thể phục hồi niêm mạc dạ dày và ức chế hoạt động của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
- Nằm ngả người về phía sau và kê gối cao để giảm áp lực ổ bụng và hạn chế tình trạng trào ngược dịch vị lên khoang miệng.
- Tránh xa các không gian ồn ào và có mùi khó chịu. Thay vào đó bạn nên nghỉ ngơi trong phòng để tránh chóng mặt, đau đầu, nôn mửa,…
- Tác động lên huyệt Thái dương giúp giảm choáng đầu, chóng mặt, buồn nôn và mệt mỏi.
Điều trị buồn nôn với phương pháp y tế
Trong trường hợp buồn nôn không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để sử dụng các loại thuốc chống nôn sau:
- Domperidone: Là chất kháng thụ thể dopamine nhằm hạn chế hoạt động co thắt môn vị, tâm vị và giảm tình trạng kích thích nhu động của ống tiêu hóa. Thuốc được sử dụng để giảm buồn nôn và nôn do các bệnh ở đường tiêu hóa, chứng đau nửa đầu, buồn nôn sau phẫu thuật,…
- Metoclopramide: Tương tự Domperidone, Metoclopramide có tác dụng phong bế dopamine tại hệ tiêu hóa. Thuốc giảm triệu chứng buồn nôn bằng cách đối kháng với thụ thể serotonin-5HT3.
- Prochlorperazine: Loại thuốc này được sử dụng ở liều thấp nhằm giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
- Thuốc kháng histamine H1: Nhóm thuốc này làm giảm cảm giác buồn nôn do dị ứng thực phẩm và say tàu xe.
Sử dụng thuốc chống buồn nôn có thể giảm nhanh các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên những loại thuốc này chỉ đem lại tác dụng tạm thời và không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Vì vậy bạn nên can thiệp các biện pháp chuyên sâu nhằm ức chế và kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn.
Phòng ngừa hiện tượng buồn nôn
Buồn nôn kéo dài có thể gây mệt mỏi, khó chịu, nôn mửa và suy nhược. Ngoài ra triệu chứng này còn làm giảm mức độ tập trung khi làm việc và gây ra nhiều bất lợi trong các hoạt động thường ngày.
Vì vậy ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị, bạn cần thực hiện các phương pháp nhằm giảm mức độ và tần suất của triệu chứng này.
- Nên chia nhỏ bữa ăn để tránh kích thích niêm mạc bị viêm loét và hạn chế tình trạng tăng tiết dịch vị quá mức.
- Chỉ sử dụng các thực phẩm lành mạnh, tránh ăn thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường, muối, tiêu, ớt, chất béo no,…
- Cần nghỉ ngơi và ngủ đúng giờ. Thức khuya và thiếu ngủ có thể kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị và làm phát sinh các triệu chứng bất lợi.
- Hạn chế tình trạng lo lắng và căng thẳng quá mức. Nên dành thời gian để chăm sóc bản thân nhằm giải phóng các cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.
- Vận động thường xuyên có thể ổn định hoạt động của tiền đình, hệ tiêu hóa và huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy, người thường xuyên vận động có thể hạn chế được tình trạng táo bón, buồn nôn, huyết áp cao, đột qụy, đau đầu, chóng mặt, ù tai,…
- Nên uống thuốc chống say tàu xe trước khi di chuyển khoảng 30 phút có thể hạn chế được tình trạng buồn nôn, mệt mỏi và chóng mặt.
Hiện tượng buồn nôn có thể nhanh chóng thuyên giảm sau khi thay đổi một số thói quen thiếu lành mạnh. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài và có dấu hiệu nghiêm trọng dần, bạn nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Tham khảo thêm: Cảm giác chán ăn buồn nôn – Nguyên nhân và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!