Viêm Loét Miệng Mãn Tính: Giải Pháp Chữa Trị, Ngăn Ngừa
Viêm loét miệng mãn tính là tình trạng niêm mạc miệng, môi, má, mô nướu… bị viêm nhiễm và hình thành vết loét. Đây là bệnh lý phổ biến, xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có đặc tính dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, không chỉ gây đau nhức, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng gây hại cho sức khỏe nếu không điều trị kịp thời.
Viêm loét miệng mãn tính là gì?
Viêm loét miệng mãn tính là giai đoạn nghiêm trọng được phát triển từ các triệu chứng viêm loét miệng ban đầu nhưng không được điều trị dứt điểm. Về cơ bản, viêm loét miệng mãn tính cũng là những tổn thương, vết loét với nhiều hình dạng, kích thước lớn nhỏ khác nhau, xuất hiện trên bề mặt niêm mạc miệng, lưỡi hoặc mô nướu lợi. Những tổn thương này thực chất không nguy hiểm nhưng lại gây ra các triệu chứng đau nhức, rát xót, khó chịu triền miên.
So với viêm loét miệng thông thường chỉ kéo dài vài ngày sẽ tự thuyên giảm, viêm loét miệng mãn tính lại có tính chất dai dẳng, tái đi tái lại thường xuyên, mỗi lần kéo dài đến vài tuần, rất lâu lành. Điều này khiến việc điều trị dứt điểm trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, trong một số trường hợp còn gây ra các biến chứng nặng nề làm ảnh hưởng đến việc ăn uống, giao tiếp hàng ngày, đời sống tinh thần và sức khỏe toàn diện.
Nguyên nhân gây viêm loét miệng mãn tính
Các chuyên gia cho biết y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm loét miệng mãn tính. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn có những yếu tố được cho là có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các triệu chứng viêm loét miệng mãn tính. Trong đó bao gồm:
Nguyên nhân khởi phát
Các nguyên nhân khởi phát thường xuất phát từ những yếu tố khách quan, đơn giản, thậm chí là những tác động vật lý hay kích thích tại chỗ cũng có thể gây ra viêm loét miệng. Tuy nhiên, chúng không phải là lý do khiến bệnh trở thành mãn tính, việc người bệnh chủ quan, lơ là trong điều trị cũng như vô tình hoặc cố ý thực hiện thường xuyên những yếu tố này mới chính là nguyên nhân gây ra viêm loét miệng mãn tính.
Cụ thể như sau:
- Đánh răng quá mạnh gây xước, chảy máu niêm mạc miệng hoặc dùng kem đánh răng/ nước súc miệng có chứa thành phần sodium lauryl sulfate gây kích ứng quá mức.
- Đối với trẻ nhỏ thường xuyên dùng các vật cứng nhọn, sắc bén chọt vào miệng gây tổn thương, dẫn đến viêm loét.
- Thường xuyên ăn đồ chua cay, nóng gây bỏng hoặc chứa nhiều gluten làm tổn thương khoang miệng.
- Vô tình cắn mạnh vào niêm mạc miệng, môi, nướu, lưỡi trong lúc nói chuyện, ăn nhai, phát sinh tổn thương và hình thành vết viêm loét.
- Rối loạn nội tiết tố do đang mang thai, sau khi sinh, đến tuổi dậy thì hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Thiếu hụt các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu (vitamin B12, PP, kẽm sắt…) khiến niêm mạc miệng kém phát triển.
- Stress, chịu áp lực quá lớn từ công việc hay các mối quan hệ khiến tinh thần kiệt quệ, suy giảm chức năng miễn dịch và hình thành vết viêm loét miệng.
- Suy giảm chức năng gan khiến các độc tố không được đào thải ra khỏi cơ thể, dẫn đến nóng trong người. Từ đó phát sinh các triệu chứng của viêm loét miệng.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như do niềng răng, vệ sinh răng miệng kém, mất ngủ triền miên, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, nổi mụn rộp môi, thực hiện hóa – xạ trị liệu ung thư… cũng là những nguyên nhân khởi phát viêm loét miệng và dần dần chuyển thành viêm loét miệng mãn tính.
Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh các nguyên nhân khởi phát, viêm loét miệng mãn tính cũng có thể xảy ra như một dấu hiệu sớm cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng như:
Nhiễm khuẩn, nấm, virus
Các chuyên gia cho rằng việc nhiễm một số loại vi khuẩn, nấm và virus cũng là nguyên nhân gây ra viêm loét miệng mãn tính. Có thể kể đến như:
- Virus: Loét miệng do Hepes simlex virus, Varicella zoster virus (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), Coxsackie virus (gây bệnh tay chân miệng), virus Epstein – Barr (EBV), virus Rubella…
- Vi khuẩn – nấm: Helicobacter pylori, nấm Candida…
Các bệnh mạn tính
Một số bệnh lý mạn tính (thường là các bệnh tự miễn hoặc suy yếu miễn dịch) được đánh giá có mối liên hệ trực tiếp với viêm loét miệng mãn tính như:
- Bệnh lichen phẳng vùng miệng: Đây là một bệnh lý mạn tính biểu hiện trực tiếp đến lớp niêm mạc vùng miệng. Cơ chế gây bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công chống lại các tế bào niêm mạc miệng không rõ nguyên nhân hoặc thường thông qua trung gian tế bào lympho T. Bệnh đặc trưng với các vết loét sâu, mô sưng đỏ kèm theo các mảng màu trắng đan xen nhau, gây đau nhức, nóng bỏng rát khi ăn uống, nói chuyện. Các triệu chứng thường xuất hiện chủ yếu ở niêm mạc má phía sau 2 bên, lưỡi, sàn miệng, nướu lợi, môi, khẩu cái… Ngoài miệng, thì bệnh lý này còn ảnh hưởng đến da, móng, bộ phận sinh dục…
- Bệnh loét áp-tơ (loét apthe): Đây là một loại loét miệng cực kỳ phổ biến và gây ra các triệu chứng viêm loét mãn tính, vô cùng đau nhức và khó chịu. Các vết loét thường có màu đỏ hoặc bị bao phủ bởi một lớp màng màu vàng/ xám trắng. Chúng thường xuất hiện ở bên trong má, môi hoặc xung quanh lưỡi khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp.
- Bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng: Đây là những bệnh lý mạn tính phổ biến về đường ruột làm suy giảm trầm trọng chức năng của hệ miễn dịch. Bệnh càng nặng càng làm xuất hiện nhiều tổn thương tại khắp các vùng khác nhau trên cơ thể, trong đó có khoang miệng, cụ thể thông qua các vết viêm loét lớn nhỏ, đau nhức triền miên.
- Bệnh đái tháo đường type 1: Những người mắc bệnh lý này thường là do hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Hậu quả là làm tăng lượng đường trong máu, gây tổn thương đến hàng loạt các cơ quan như mạch máu, tim, não, mắt, thần kinh… và cả răng miệng. Và viêm loét miệng mãn tính được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh do răng miệng nhiễm trùng, nấm.
- Bệnh HIV/ AISD: Loét miệng là triệu chứng khá phổ biến khi bị nhiễm HIV/AIDS với tỷ lệ từ 32 – 46% trường hợp gặp phải. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch suy yếu khi nhiễm bệnh, tăng nguy cơ nhiễm thêm nhiều loại virus khác (điển hình là hepres simplex hay HSV)
- Bệnh Celiac: Những người mắc bệnh Celiac thường không thể sử dụng các loại thực phẩm có chứa gluten – 1 protein có nhiều trong các loại lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc… Chất này khi vào trong ruột non sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tấn công vào đường tiêu hóa, gây viêm nhiễm. Ngoài các triệu chứng tại đường tiêu hóa, bệnh còn gây ra viêm loét miệng mãn tính với các triệu chứng đau nhức tại các lớp niêm mạc miệng, tiêu chảy, nổi mụn rộp, đau xương khớp…
- Bệnh Behcet: Đây là một chứng bệnh khá hiếm gặp, tuy nhiên nếu chẳng may mắc phải người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng viêm toàn thân, bao gồm cả vùng miệng.
- Bệnh Lupus ban đỏ: Đây là một bệnh ngoài da đặc trưng với tình trạng phát ban toàn thân. Ngoài phát ban, đau khớp vì viêm loét miệng mãn tính được xem là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lý này. Vết loét chủ yếu xuất hiện ở 2 bên miệng hoặc nướu, tập trung ở vòm miệng.
- Các bệnh răng miệng: Sâu răng, viêm nướu răng, viêm quanh răng, viêm tủy răng, viêm nha chu… là một số bệnh về răng miệng phổ biến. Chúng có thể gây nhiễm trùng các vùng mô niêm mạc, từ đó hình thành các vết loét trong miệng.
Các bệnh ác tính
Nguy hiểm hơn các bệnh mãn tính, một số bệnh lý ác tính dưới đây cũng hoàn toàn có thể gây ra các triệu chứng viêm loét miệng mãn tính:
- Ung thư miệng: Đây là căn bệnh khá phổ biến và là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh ung thư xảy ra bên trong miệng, môi, lợi, vòm miệng, khẩu cái, má, tuyến nước bọt… Hầu hết các trường hợp bị ung thư miệng thường không có cảm giác đau trong giai đoạn sớm, chỉ đến khi bệnh phát triển nặng mới phát sinh những đặc điểm như xuất hiện các đốm nhỏ trắng, đỏ, sưng tấy, hình thành vết loét tái phát nhiều lần trong miệng và kèm theo đau nhức dữ dội, khạc đờm lẫn máu, hơi thở có mùi hôi.
- Thiếu máu ác tính: Bệnh lý này thường xảy ra ở người lớn tuổi do sự thiếu hụt của một loại protein được tạo ra bởi các tế bào lót trong dạ dày nhằm hỗ trợ ruột non hấp thu vitamin B12. Tuy nhiên, khi thiếu hụt chất này cơ thể sẽ không đủ lượng vitamin cần thiết và dẫn đến thiếu máu cũng như không còn khả năng tổng hợp ADN.
Dấu hiệu nhận biết viêm loét miệng mãn tính
Có thể thấy, viêm loét miệng mãn tính được hình thành từ rất nhiều nguyên nhân nên các triệu chứng và biểu hiện của bệnh cũng sẽ khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nhưng nhìn chung hầu hết các trường hợp bệnh đều sẽ có các biểu hiện sau đây:
- Xuất hiện các vết loét lớn nhỏ trong khoang miệng kèm theo nóng đỏ, sưng đau gây khó chịu khi nhai nuốt, ăn uống;
- Có thể gây ra áp xe dưới niêm mạc hoặc dưới lưỡi;
- Trong những đợt bùng phát viêm loét miệng cấp, ngoài đau nhức còn kèm theo sốt cao, nổi hạch góc hàm.
Phương pháp điều trị viêm loét miệng mãn tính
Bản chất của viêm loét miệng mãn tính chính là các triệu chứng viêm loét miệng tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt và tinh thần của người bệnh. Vì vậy, để giảm bớt sự khó chịu bạn cần thực hiện các biện pháp kiểm soát triệu chứng và dứt điểm nguyên nhân gây ra dưới sự hướng dẫn chỉ định của chuyên gia, bác sĩ.
1. Điều trị bằng thuốc
Hầu hết các trường hợp viêm loét miệng mãn tính đều không thể tự thuyên giảm do mức độ tổn thương khá nghiêm trọng. Lúc này, việc dùng thuốc chữa viêm loét miệng mãn tính là điều cần thiết nhằm cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Một số loại thuốc thường dùng như:
- Dung dịch sát khuẩn: Một vài loại dung dịch sát khuẩn có chứa thành phần chlorhexidine (như Eludril, Cyteal…) hoặc dung dịch Tetracycline, Hydrogen peroxide 1%… thường được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng nhằm tăng khả năng sát khuẩn, chống viêm nhiễm trong khoang miệng. Đồng thời, xoa dịu niêm mạc tổn thương, ngăn chặn vết loét mãn tính lan rộng và thúc đẩy quá trình tự làm lành.
- Gel bôi hoặc thuốc xịt gây tê tại chỗ: Những loại thuốc này có tác dụng giống như chất bôi trơn có tác dụng bao phủ vết loét, làm mềm, xoa dịu kích ứng và ngăn chặn sự tác động của các yếu tố bên ngoài đến vết loét. Trong các loại thuốc này có chứa các hoạt chất dược lý được điều chế dưới dạng gel bôi, thuốc mỡ hoặc thuốc xịt, đem lại hiệu quả giảm đau, giảm sưng viêm khó chịu nhanh chóng, tuy nhiên chỉ là duy trì tạm thời trong vài giờ. Một số loại được dùng phổ biến như: lidocaine 2%, benzocaine, fluocinonide, amlexanox, tramcinlone…
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Người bị viêm loét miệng mãn tính gây đau nhức khó chịu có thể dùng Paracetamol dạng viên uống hoặc viên sủi. Trường hợp đau nhức nhiều, dữ dội có thể được chỉ định dùng thêm prednisolon, cimetidine (thuốc dạ dày) và colchicine (thuốc trị gout) để tăng hiệu quả giảm đau.
- Thuốc kháng sinh, kháng virus, kháng nấm: Tùy theo viêm loét miệng mãn tính do nhiễm khuẩn, virus hay nấm mà bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Trong đó:
- Nếu nhiễm virus dùng: Alcyclovir, Acyclovir hoặc Famciclovir;
- Nếu nhiễm vi khuẩn dùng: Sulfamethoxazole trimethoprim, metronidazol + spiramycin;
- Nếu nhiễm nấm dùng: Fluconazol, Itraconazol hoặc Nystatin;
- Thuốc chống viêm: Thuốc có tác dụng giảm tình trạng sưng viêm tại các vết loét miệng. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống viêm tại chỗ như Flucocinonide 0.05% hoặc toàn thân như thuốc chống viêm toàn thân dạng uống như Prednisolone hoặc Isoprinosine.
- Thuốc corticoid: Đây là loại thuốc chỉ được dùng trong các trường hợp viêm loét miệng mãn tính cực kỳ nghiêm trọng, khi mà việc sử dụng những loại thuốc trên không đem lại kết quả như ý muốn. Nhóm thuốc này là các loại kê đơn, chỉ dùng theo toa của bác sĩ, bao gồm nhiều dạng như viên uống, thuốc mỡ, gel bôi, dung dịch súc miệng… như Orabase, Mouthpaste, Oracortia, Fluocinonide, Clobetasol…
- Viên uống bổ sung: Những trường hợp bị viêm loét miệng mãn tính kéo dài được nhận định có liên quan đến các vấn đề về dinh dưỡng sẽ được khuyến nghị bổ sung các dưỡng chất thiếu hụt. Chẳng hạn như: viên uống vitamin B, C, PP, kẽm, sắt…
2. Các cách hỗ trợ điều trị tại nhà
Với những vết viêm loét miệng mãn tính thường rất khó để đáp ứng điều trị bằng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, việc thực hiện những cách này cũng góp phần không nhỏ trong việc xoa dịu giảm thiểu triệu chứng, giúp người bệnh thoải mái dễ chịu hơn. Một vài biện pháp tại nhà đơn giản bạn nên thử áp dụng như:
- Súc miệng nước muối: Nước muối có đặc tính sát trùng, diệt khuẩn và giảm viêm hiệu quả, rất phù hợp cho những người đang bị viêm loét miệng mãn tính. Mặc dù khi súc miệng bằng nước muối có thể khiến bạn có cảm giác hơi rát xót nhưng thường không quá nghiêm trọng, thay vào đó sự tác động này còn giúp cho vết loét lành lại nhanh chóng hơn.
- Súc miệng bằng nước cốt cùi dừa: Trong nước cốt cùi dừa chứa hàm lượng dầu dừa lớn có khả năng sát khuẩn, làm sạch khoang miệng và xoa dịu đau nhức. Không những vậy, việc thường xuyên súc miệng bằng nguyên liệu này từ 3 – 4 lần/ ngày còn giúp các vết loét lành lại nhanh hơn.
- Mật ong: Mật ong có khả năng kháng khuẩn, chống viêm và thúc đẩy quá trình tự phục hồi các tổn thương hiệu quả, trong đó có các vết viêm loét miệng mãn tính. Hàng ngày bạn dùng mật ong nguyên chất bôi trực tiếp lên vết loét hoặc pha loãng mất ong với nước ấm để súc miệng từ 2 – 3 lần/ ngày sẽ đạt hiệu quả rõ rệt.
- Cây cỏ mực: Hay còn được gọi là cây nhọ nồi được biết đến với khả năng sát khuẩn, cầm máu và làm lành vết thương hiệu quả do viêm loét miệng gây ra. Đây là mẹo dân gian được nhiều người áp dụng thành công. Bạn dùng lá cỏ mực, rửa sạch, giã và vắt lấy nước cốt, hòa thêm một ít mật ong rồi dùng tăm bông bôi lên vết loét. Đợi 30 phút rồi súc miệng lại bằng nước ấm. Kiên trì thực hiện 2 – 3 lần/ ngày sẽ đem lại kết quả rõ rệt.
Lưu ý: Các mẹo vừa kể trên chỉ mang tính hỗ trợ, hiệu quả còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Do đó hãy cần nhắc kỹ trước khi thực hiện để tránh mất thời gian.
3. Điều trị nguyên nhân
Hầu hết các cách trên đều chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng trong một khoảng thời gian nhất định. Trường hợp bị viêm loét miệng mãn tính bắt nguồn từ các bệnh lý nghiêm trọng bắt buộc người bệnh phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, thăm khám làm xét nghiệm chẩn đoán để biết được chính xác nguyên nhân gốc rễ là gì, từ đó có hướng điều trị đúng đắn.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau dựa vào vị trí vết loét, mức độ nghiêm trọng, thời gian và khả năng đáp ứng với các biện pháp hoặc phác đồ điều trị trước đó. Ngoài ra, để dứt điểm hoàn toàn tình trạng viêm loét miệng mãn tính, người bệnh cần phải loại bỏ các nguyên nhân tiềm ẩn như:
- Điều chỉnh trạng thái tinh thần, thực hiện lối sống lành mạnh bằng các thói quen sống lành mạnh. Khi cơ thể trở về trạng thái cân bằng, không còn áp lực đè nặng thì mọi vấn đề sức khỏe, bao gồm viêm loét miệng mãn tính sẽ tự động biến mất.
- Loại bỏ các loại thực phẩm gây dị ứng, chứa Gluten (đối với người mắc bệnh Celiac), trong bữa ăn hàng ngày để khắc chế tình trạng này.
- Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa, không quá nóng, chua, cay, đậm vị, tránh các loại thức ăn có tính acid, chứa chất kích thích.
- Giữ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, đánh răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên để làm sạch khoang miệng, hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn, đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ phát sinh viêm loét miệng.
- …
Cần làm gì để phòng ngừa viêm loét miệng mãn tính?
Điều trị viêm loét miệng mãn tính là quá trình kéo dài và phức tạp, nhất là khi nguyên nhân gây ra là các bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, để tránh phải đối mặt với tình trạng này, mỗi người nên tự ý thức trong việc chăm sóc và phòng ngừa các yếu tố gây viêm loét miệng.
- Đánh răng ít nhất 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch các mảng bám, ngăn chặn cơ hội phát triển của các loại vi khuẩn.
- Sử dụng bàn chải có đầu lông mềm mại, nhỏ gọn. Khi chải nhẹ nhàng, tránh dùng lực quá mạnh để không làm tổn thương mô nướu, chảy máu tạo điều kiện hình thành vết loét.
- Ưu tiên chọn lựa các loại kem đánh răng, nước súc miệng lành tính, không chứa chất ăn mòn niêm mạc.
- Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng hàng ngày để tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng, đánh bay mảng bám trên răng, kẽ răng, mô nướu.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ăn những món mềm, dễ nhai, nuốt, tiêu hóa, ít gia vị, nguội để hạn chế làm kích ứng niêm mạc miệng gây ra viêm loét.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin khoáng chất, tránh ăn các loại trái cây có tính axit hoặc chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá…
- Uống nhiều nước để duy trì độ ẩm cho khoang miệng, xoa dịu niêm mạc, hạn chế tổn thương và phòng ngừa viêm loét hiệu quả.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 1 – 2 lần/ nằm để tầm soát các bệnh lý và có hướng điều trị kịp thời (nếu có).
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm loét miệng mãn tính phổ biến. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho quý bạn đọc trong việc phát hiện, điều trị cũng như chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm. Đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm Niêm Mạc Miệng: Biểu Hiện và Biện Pháp Khắc Phục
- Viêm Loét Miệng Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Hướng Chữa Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!