Viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính: Bệnh lý chớ xem thường
Viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm vi khuẩn Hp, lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá. Căn bệnh này không chỉ gây sưng viêm, phù nề niêm mạc mà còn tạo ra các vết trợt loét trong dạ dày dẫn đến xuất huyết.
Viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính là gì?
Đây là căn bệnh gây sưng viêm, phù nề niêm mạc và các mạch máu bên trong dạ dày kèm theo tình trạng chảy máu, xung huyết. Lúc này, niêm mạc dạ dày xuất hiện nhiều tổn thương nhỏ dưới dạng các vết trợt, xước. Bệnh có tính chất dai dẳng, tái phát nhiều đợt trong năm dẫn đến suy giảm sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh.
Bệnh viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mãn tính có diễn tiến khá phức tạp, khó điều trị dứt điểm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính
Bệnh tiến triển khi không được phát hiện sớm hoặc điều trị tốt ở giai đoạn cấp tính. Nguyên nhân gây bệnh có sự kết hợp của nhiều yếu tố, chủ yếu bắt nguồn từ chính thói quen ăn uống, sinh hoạt và lối sống của người bệnh. Dưới đây là một số thủ phạm gây bệnh thường gặp:
- Do nhiễm khuẩn: Vi khuẩn gây bệnh có thể tấn công vào dạ dày do ăn uống kém vệ sinh hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Vi khuẩn Hp được tìm thấy trong dịch vị dạ dày của rất nhiều trường hợp mắc bệnh.
- Sử dụng các chất kích thích trong thời gian dài: Bia, rượu hay thuốc lá đều chứa chất độc hại. Chúng gây kích ứng niêm mạc dạ dày và nếu lạm dụng quá mức sẽ khiến dạ dày bị viêm, xung huyết và xuất hiện vết trợt loét.
- Tác dụng phụ của thuốc tây: Việc tự ý sử dụng một số loại thuốc tây bừa bãi có thể khiến niêm mạc dạ dày bị ăn mòn, tổn thương, viêm loét và chảy máu. Phổ biến nhất là thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm steroid.
- Cẳng thẳng kéo dài: Stress có thể tác động xấu đến sức khỏe của hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày trợt xung huyết.
- Chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý: Ăn nhiều đồ cay nóng, nhai nuốt vội vàng, không tập trung khi ăn, thức khuya, ngủ không đủ giấc, ít vận động.
XEM THÊM: Stress Gây Đau Dạ Dày – Tình Trạng Phổ Biến
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính
Khi dạ dày bị viêm trợt xung huyết mãn tính, các triệu chứng xuất hiện khá rõ ràng, đặc biệt là ở cơ quan tiêu hóa. Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp:
- Đau thượng vị là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Tùy theo mức độ tổn thương trong dạ dày mà cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội nhưng thường kéo dài. Nếu để bụng đói hoặc sau một bữa ăn quá no, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chướng bụng, ăn không tiêu, đầy hơi.
- Hoạt động của các cơ co bóp trong dạ dày bị rối loạn khiến cho người bệnh có cảm giác buồn nôn thường xuyên và nặng hơn là ói mửa, nhất là sau khi ăn xong.
- Ợ nóng, ợ chua do nồng độ axit trong dạ dày tăng cao
- Các dấu hiệu khác: Ăn uống không ngon miệng, chán ăn, sụt cân
Bệnh viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính có nguy hiểm không?
Ở giai đoạn mãn tính, bệnh viêm dạ dày trợt xung huyết nếu không được kiểm soát tốt có thể tái đi tái lại nhiều đợt trong năm. Điều này gây tổn thương nghiêm trọng cho dạ dày.
Các vết trợt nhỏ có thể tiến triển thành vết loét lan rộng và ăn sâu vào trong dạ dày. Chúng gây đau nhiều, chảy máu và khiến người bệnh phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm như:
- Xuất huyết dạ dày ồ ạt
- Mất máu nhiều dẫn đến thiếu máu, da dẻ xanh xao
- Choáng, mất ý thức
- Thủng dạ dày
- Teo niêm mạc
- Ung thư dạ dày
Một số trường hợp gặp biến chứng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, nếu được chẩn đoán sớm, bạn nên đi chủ động đi khám định kỳ và tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Cách điều trị viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính
Để chữa bệnh viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính, bác sĩ thường kê đơn một số loại thuốc có tác dụng kháng axit, bảo vệ niêm mạc dày dày và giảm nhẹ các triệu chứng liên quan. Tùy theo mức độ bệnh mà chỉ định loại thuốc cùng liều lượng cho phù hợp.
1. Thuốc ức chế bơm Proton
Thuốc ức chế bơm Proton (PPI) là loại thuốc có khả năng ức chế bài tiết axit dạ dày, làm giảm lượng axit được sản xuất trong dịch vị. Nhờ đó mà PPI có thể chống lại tình trạng trào ngược dạ dày, giảm thiểu tác hại của axit tới niêm mạc ruột, góp phần kiểm soát tốt phản ứng viêm xung huyết trong dạ dày và ngăn chặn vết trợt loét rộng hơn.
Trong trường hợp bị viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính do nhiễm vi khuẩn Hp, thuốc ức chế bơm Proton thường được chỉ định phối hợp chung với thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Các thuốc ức chế bơm Proton được chỉ định rộng rãi trong điều trị viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính bao gồm:
- Esomeprazole
- Lanzoprazole
- Rabeprazole
- Omeprazole
- Pantoprazole
Một số tác dụng phụ có thể gặp như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, táo bón…
2. Thuốc chống axit
Thuốc chống axit được chỉ định cho hầu hết các trường hợp mắc bệnh. Thuốc giúp chống viêm loét dạ dày, bảo vệ khu vực bị bệnh bằng cách giảm thiểu tác động của Acid Chlohydric tới lớp niêm mạc dạ dày.
Các thuốc chống axit hoạt động bằng cách trung hòa các ion H có trong dung dịch HCl, làm cho nồng độ pH tăng lên trên mức 3. Điều này có thể khiến đặc tính của axit bị thay đổi , ngăn ngừa vết trợt trong dạ dày rộng hơn.
Thuốc chống axit được phân làm nhiều nhóm. Bạn có thể được bác sĩ kê đơn một trong các nhóm thuốc sau:
- Thuốc kháng Acid ion (-) (anion)
Như Cacbonate monosodique, Cacbonate Canxi… Có tác dụng trung hòa axit nhanh chóng nhưng không được sử dụng kéo dài. Thường chỉ dùng loại thuốc này trong 1 – 2 ngày.
- Thuốc chống Acid ion (+) (cation)
Bao gồm thuốc Maalox, Gasterine hay Phossphalugel… được sử dụng nhiều lần trong ngày để duy trì được sự ổn định của nồng độ pH trong dạ dày nằm ở mức từ 3 – 3,5 trở lên.
3. Thuốc bọc niêm mạc dạ dày
Nhóm thuốc này có khả năng kháng axit, bảo vệ niêm mạc dạ dày nhưng tác dụng nhẹ hơn so với thuốc chống Acid. Khi được sử dụng, các hoạt chất trong thuốc có khả năng kết dính với dịch nhầy có trong dạ dày. Từ đó tạo thành một lớp màng bao phủ toàn bộ niêm mạc dạ dày đang bị tổn thương, không để tiếp xúc với axit. Điều này có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành các vết trợt cùng tổn thương viêm xung huyết trong dạ dày.
Để chữa trị viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính, bạn có thể được bác sĩ kê đơn một trong các thuốc tạo màng bọc sau:
- Silicate (nhôm) bao gồm Kaolin, Smecta
- CBS
- Gastropulgite (Silicate Mg)
- Bismuth subcitrat
Thuốc bọc niêm mạc dạ dày thường được chỉ định với tần suất sử dụng là 4 lần trong ngày, mỗi lần uống 120mg. Thời gian điều trị bằng thuốc có thể kéo dài đến 30 ngày. Sau đó, bạn cần ngưng uống thuốc một thời gian trước khi chuyển sang một đợt điều trị mới.
Các thuốc bọc niêm mạc dạ dày có thể giúp bảo vệ niêm mạc trước sự tấn công của axit nhưng cũng đồng thời làm giảm tác hại của vi khuẩn Hp tới khu vực ảnh hưởng.
Một số tác dụng phụ có thể gặp như buồn nôn, ói mửa, đen lưỡi, miệng… Không phải tất cả các trường hợp đều gặp những tác dụng phụ kể trên. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu gặp triệu chứng bất thường sau khi uống thuốc.
4. Thuốc chống bài tiết ức chế thụ thể H2
Đây cũng là loại thuốc các bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định cho bệnh nhân bị viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính. Loại thuốc được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1978 là Cimetidin (Cimet). Đến nay, nhiều loại thuốc ức chế thụ thể H2 mới đã ra đời với tác dụng mạnh và ít tác dụng phụ hơn.
Thuốc có tác dụng làm nhanh lành vết trợt loét trong dạ dày, làm giảm sản xuất axit và ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản. Đôi khi, thuốc chống bài tiết ức chế thụ thể H2 còn được sử dụng với mục đích dự phòng, ngăn ngừa tái phát vết trợt loét.
Các loại thường dùng:
- Cimetidin
- Famotidine
- Nizatidine
- Tagamet
- Ranitidine
Các tác dụng phụ có thể gặp như tiêu lỏng, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, ngứa da…
5. Điều trị viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính do vi khuẩn Hp bằng kháng sinh
Trong quá trình xét nghiệm chẩn đoán bệnh, nếu tìm thấy vi khuẩn Hp trong dạ dày của bạn, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phác đồ kháng sinh. Các loại thường được sử dụng bao gồm:
- Amoxicillin
- Clarithromycin
- Metronidazole
- Tinidazole
Trong phác đồ điều trị thường chứa ít nhất 2 thuốc kháng sinh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cân nhắc phối hợp chung với một số loại thuốc khác như: Thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm Proton, Bismuth… Chúng được sử dụng với mục đích làm giảm triệu chứng bệnh và hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn Hp.
Kết thúc một đợt điều trị, bạn cần quay trở lại bệnh viện để làm xét nghiệm lại, đánh giá kết quả cũng như mức độ thành công của phác đồ đang áp dụng.
ĐỌC NGAY: Nên Ăn Gì Để Diệt Vi Khuẩn Hp Dạ Dày Cho Hiệu Quả Cao?
Hướng Dẫn chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp
Để giảm thiểu tuần suất tái phát bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị, người bị viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính cần kết hợp dùng thuốc với các biện pháp chăm sóc, sinh hoạt tại nhà khoa học. Nếu đang mắc căn bệnh này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Ăn nhiều bữa trong ngày với số lượng thức ăn dung nạp ít hơn để giảm bớt gánh nặng cho đường tiêu hóa, giúp dạ dày có thêm thời gian nghỉ ngơi để sữa chữa tổn thương bên trong.
- Ưu tiên sử dụng các món ăn được chế biến với ít dầu mỡ, mềm, lỏng
- Đảm bảo bữa ăn có đầy đủ các nhóm chất để cơ thể không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc bị giảm cân. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giúp bổ sung thêm vitamin và khoáng chất như hoa quả, trái cây…
- Ăn đủ bữa, đúng giờ. Không được nhịn bữa sáng.
- Sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ và có tác dụng chống viêm, kháng axit tự nhiên như: Gừng, nghệ, bông cải xanh, chuối, táo, rau bina, cá béo, các loại hạt, ngũ cốc…
- Tránh dùng các thức ăn thô cứng như xương, sụn. Nhai kỹ trước khi nuốt.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể để hệ tiêu hóa luôn hoạt động trơn tru, giảm nguy cơ bị táo bón cùng nhiều vấn đề khác. Lượng nước cần thiết trong ngày đối với người trưởng thành là 2 – 2,5 lít.
- Hạn chế sự dụng các thức ăn gây khó tiêu, đầy bụng, làm tăng tiết axit hoặc gây kích ứng cho dạ dày như: Thịt mỡ, các món chiên xào, gia vị cay, muối, các thực phẩm có vị chua, đồ hộp, thức uống chứa cồn.
- Kiêng hút thuốc lá bởi các chất độc hại trong khói thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm nặng thêm triệu chứng bệnh, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Lựa chọn các hình thức tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe và chăm chỉ thực hiện mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, tăng cường lưu thông máu đến dạ dày, tạo điều kiện cho tổn thương nhanh lành.
- Tái khám định kỳ để theo dõi được sự tiến triển của bệnh và kịp thời điều trị nhằm giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Do những biến chứng mà bệnh có thể gây ra nên người bệnh cần có phác đồ điều trị sớm, hiệu quả đối với viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính. Vì thế hãy luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bị Viêm Xung Huyết Niêm Mạc Dạ Dày Nên Ăn Gì Hỗ Trợ Điều Trị?
- Hướng Dẫn Cách Xử Lý Tại Chỗ Khi Bị Xuất Huyết Dạ Dày
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!