Uống Nước Lạnh Bị Buốt Răng – Biện Pháp Xử Lý Hiệu Quả

Uống nước lạnh bị buốt răng là một trong những tình trạng hay xuất hiện ở nhiều người. Do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do mòn men răng, răng bị sứt mẻ do chấn thương, sâu răng, viêm tủy răng, viêm nha chu, viêm lợi, răng bị tụt lợi… Nếu bạn đang băn khoăn không biết bị ê buốt răng khi uống nước lạnh nên xử lý thế nào thì có thể tham khảo bài viết dưới đây. 

Nguyên nhân gây ê buốt răng khi uống nước lạnh

Uống nước lạnh khiến răng ê buốt xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đa phần là do thói quen không tốt, men răng mòn hoặc có liên quan đến các bệnh lý về răng miệng. Ê buốt răng là cách gọi của hiện tượng quá cảm, hay xảy ra khi chúng ta hít thở không khí trong điều kiện lạnh hoặc khi ăn/uống đồ uống quá lạnh như kem, nước đá hoặc đồ quá chua, quá nóng…

Có nhiều nguyên nhân khiến răng bị buốt khi uống nước lạnh
Có nhiều nguyên nhân khiến răng bị buốt khi uống nước lạnh

Các nguyên nhân khiến răng bị ê buốt khi uống nước lạnh thường gặp bao gồm:

Ê buốt răng khi uống nước đá do tổn thương răng miệng

Các tổn thương răng hoặc các vấn đề về răng miệng là nguyên nhân phổ biến gây ê buốt răng khi uống nước lạnh. Có thể kể đến như:

1. Do tổn thương cấu trúc răng

Một chiếc răng trưởng thành sẽ có hai bộ phận chính là thân răng và chân răng. Trong đó, thân răng gồm có lớp men răng bao phủ bên ngoài có màu trắng, ngà răng có màu kem chiếm phần lớn khối lượng răng và tủy răng gồm các dây thần kinh và mạch máu trong răng. Tình trạng buốt răng khi uống nước lạnh là do men răng bị tổn thương, ngà răng bị lộ ra ngoài hoặc do thay đổi nhiệt độ đột ngột, gây tác động đến ngà răng. 

2. Do thói quen nghiến răng

Nghiến răng là một thói quen xấu, thường xảy ra vô thức khi ngủ, chiếm khoảng 10% ở người trưởng thành và 20% ở trẻ em. Khi nghiến răng, lực cắn của răng thường gấp 10 lần lực nhai bình thường, khiến các cơ và khớp hoạt động gắng sức liên tục. Nghiến răng gây quá tải hệ thống nhai, do việc siết chặt cơ hàm lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể phát hiện do người bệnh phát ra âm thanh ken két.

Nghiến răng thường xuyên có thể gây ra các vấn đề như răng bị mòn và ê buốt, nhất là khi uống nước lạnh, có thực phẩm nào đó kích thích. Nghiến răng còn gây đau vùng dưới hàm, đau đầu, cổ, khớp thái dương hàm, làm biến dạng vùng góc hàm, gây mất cân xứng hàm. Nghiêm trọng hơn có thể làm răng nứt, gãy, tổn thương thính giác, ù tai… 

3. Do vệ sinh răng miệng sai cách

Vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể khiến thức ăn tích tụ ở giữa các kẽ răng, không làm sạch được các mặt nhám dễ đến sự hình thành của các mảng bám. Những mảng bám này tích tụ gây các tổn thương cho răng và các bệnh lý về răng miệng như tổn thương mòn cổ răng, hôi miệng kéo dài, viêm lợi, tụt lợi, viêm nha chu, các ảnh hưởng đến toàn thân như bệnh lý về tim mạch, biến chứng trong quá trình mang thai…

Vệ sinh răng miệng sai cách dễ gây buốt răng và các bệnh lý về răng miệng
Vệ sinh răng miệng sai cách dễ gây buốt răng và các bệnh lý về răng miệng

Một số sai lầm khi vệ sinh răng miệng mà nhiều người mắc phải có thể kể đến như:

  • Không chú ý chăm sóc răng miệng, không đánh răng thường xuyên
  • Vệ sinh răng miệng đều đặn mỗi ngày nhưng chải răng không cẩn thận, không chải kỹ các mặt nhai của răng
  • Chải răng quá mạnh khiến nướu răng bị tổn thương gây mòn cổ răng dẫn đến răng bị ê buốt, kích thích tủy
  • Chọn kem đánh răng không phù hợp, bàn chải răng quá cứng, kích thước không hợp, động tác chải răng sai
  • Không kết hợp làm sạch răng miệng với chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch mảng bám trên răng. 

4. Do răng sứt mẻ, mòn men răng 

Sứt mẻ răng thường do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu là do sự tác động lực mạnh vào răng. Hay xảy ra do:

  • Cắn phải những vật cứng như đá, đũa, nắp chai
  • Bị chấn thương do va đập bên ngoài làm răng bị mẻ
  • Thiếu hụt khoáng chất, canxi, fluor khiến răng bị vỡ, mẻ khi nhai
  • Do sâu răng hoặc các bệnh lý về răng miệng

Trong khi đó, tình trạng mất răng, mòn men răng cũng có thể là nguyên nhân khiến chúng ta bị ê buốt răng khi uống nước lạnh. Lý do mòn men răng thường là:

  • Do thường xuyên sử dụng các thực phẩm thức uống nhiều axit
  • Do thói quen nghiến răng khi ngủ làm mòn mặt nhai của hàm
  • Do các thói quen xấu như nhai vật cứng, cắn móng tay
  • Do chứng trào ngược dạ dày thực quản 
  • Do ít uống nước, yếu tố di truyền hoặc chải răng không đúng cách… 

5. Do các thủ thuật nha khoa ảnh hưởng

Sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa như niềng răng, lấy cao răng, tẩy trắng răng… răng nướu của bạn sẽ trở nên nhạy cảm gây ra tình trạng răng bị ê buốt khi uống nước lạnh. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng vì đây là biểu hiện bình thường, không phải là bệnh lý. Các cơn đau buốt khó chịu chỉ xuất hiện khoảng 2 – 3 ngày sau các thủ thuật nha khoa và biến mất, không gây nguy hiểm đến sức khỏe. 

6. Do cao răng, vôi răng bám lâu ngày

Các mảng bám hình thành và tích tụ lâu ngày trên răng, lại không được vệ sinh sạch sẽ khiến răng trở nên ố vàng, có nguy cơ gây mất men răng. Do đó, một yếu tố không thể bỏ qua, dẫn đến tình trạng răng ê buốt, nhạy cảm hơn có thể là do cao răng, vôi răng tích tụ lâu ngày gây nên.

Sự tích tụ của mảng bám gây vôi răng có thể là nguyên nhân khiến răng bị ê buốt, nhạy cảm
Sự tích tụ của mảng bám gây vôi răng có thể là nguyên nhân khiến răng bị ê buốt, nhạy cảm

Uống nước lạnh bị buốt răng do bệnh lý về răng miệng

Bên cạnh các nguyên nhân đã đề cập, tình trạng uống nước lạnh bị buốt răng có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Với các trường hợp này, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám nha khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Các bệnh lý này là:

1. Viêm nướu răng

Viêm nướu răng là tình trạng các mô mềm bao phủ quanh răng bị viêm nhiễm do vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Chủ yếu là do sự tích tụ của các mảng bám, cao răng và không được vệ sinh, chăm sóc cẩn thận. Viêm nướu răng nếu không điều trị sẽ chuyển biến nặng, gây viêm nha chu, làm tổn thương các tổ chức quanh răng, gây nguy cơ nhiễm trùng máu, mất răng… 

Triệu chứng thường gặp: 

  • Uống nước lạnh bị buốt răng, nướu răng có dấu hiệu sưng tấy
  • Đau răng, ê buốt, khó chịu khi ăn uống, nhất là khi sử dụng các thực phẩm quá nóng, quá cứng, quá chua… 
  • Đau khi xỉa răng, lợi sưng đỏ, chảy máu bất chợt, đau nhiều
  • Lâu ngày gây tụt lợi, răng nhạy cảm, dễ bị lung lay, khó khăn trong ăn uống..

2. Viêm tủy răng

Tủy răng bao gồm các dây thần kinh và mạch máu trong răng. Viêm tủy răng là tình trạng vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm. Nguyên nhân chính của bệnh lý này là do các kỹ thuật nha khoa sai cách, do chấn thương, biến chứng của các bệnh lý như viêm nha chu, sâu răng… Viêm tủy răng có mức độ nguy hiểm cao, nếu không sớm điều trị sẽ gây hoại tử tủy, làm giảm chức năng nhai, gây áp xe quanh chóp răng, viêm xương hàm, viêm quanh cuống răng… 

Triệu chứng thường gặp: 

  • Răng đau, ê buốt khi ăn nhất là khi sử dụng các thực phẩm, thức uống lạnh, chua, ngọt. 
  • Ở mức độ nhẹ, cơn đau nhói chỉ kéo dài khoảng vài giây, nếu nghiêm trọng, cơn đau thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nghiêm trọng hơn về đêm
  • Đau tăng lên khi có thức ăn lọt vào lỗ sâu răng, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột

3. Viêm nha chu

Bị buốt răng khi uống nước lạnh còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải bệnh viêm nha chu. Viêm nha chu là tình trạng tổ chức bao xung quanh chân răng gồm gai lợi, lợi, nướu răng, xương ổ răng bị viêm nhiễm. Viêm nha chu xảy ra khi nướu răng bị nhiễm trùng nghiêm trọng, men răng bị phá hủy, các mô mềm tổn thương nặng, khiến răng lung lay, có nguy cơ mất răng. 

Triệu chứng nhận biết:

  • Lợi và mô nướu đau nhức, sưng đỏ, dễ chảy máu
  • Răng hay bị ê buốt, nhất là khi sử dụng đồ ăn/thức uống lạnh, nóng, chua hoặc khi chải răng
  • Tụt nướu khiến răng dài hơn bình thường, có khoảng trống giữa các răng
  • Hôi miệng, nhấn vào nướu thấy có dịch, mủ tiết ra
  • Răng bị lung lay, cảm giác răng yếu đi, chức năng nhai cắn suy giảm… 

4. Bị buốt răng khi uống nước lạnh do sâu răng

Sâu răng là tình trạng cấu trúc răng bị phá hủy, mất đi khối mô cứng do các vi khuẩn tích tụ trên các mảng bám trên răng gây ra. Sâu răng thường do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do thói quen vệ sinh răng miệng kém, do thường xuyên ăn nhiều đồ ngọt, do sự tích tụ của mảng bám trên răng…

Răng sâu rất hay bị ê buốt, đau nhức, khó chịu
Răng sâu rất hay bị ê buốt, đau nhức, khó chịu

Dấu hiệu nhận biết:

  • Trên răng xuất hiện lỗ sâu răng có phần đáy rộng hơn so với miệng lỗ
  • Nướu sưng đau, chảy máu răng do nhiễm trùng
  • Đau buốt khi bị thức lọt vào lỗ sâu răng
  • Uống nước lạnh bị buốt răng, ăn đồ quá chua, quá cay hoặc quá ngọt khiến răng bị kích thích
  • Đau buốt khi nhai thức ăn do ngà răng bị mài mòn
  • Hôi miệng, sốt nhẹ, đau ở những chiếc răng gần kề, đau không thuyên giảm dù dùng thuốc giảm đau. 

Biện pháp xử lý hiệu quả khi bị ê buốt răng

Khi uống nước lạnh bị ê buốt răng, trước hết chúng ta có thể áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời để làm giảm sự khó chịu. Tiếp đó, cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ, nha sĩ để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp. Bạn có thể tham khảo cách xử lý khi bị buốt răng dưới đây: 

1. Giảm buốt răng tạm thời bằng mẹo

Với những cơn ê buốt răng nghiêm trọng, gây đau nhức, khó chịu nhiều, trước tiên chúng ta có thể giảm ê buốt răng bằng các mẹo dân gian đơn giản, nhanh chóng. Ưu điểm của các phương pháp này là an toàn, nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm mà hiệu quả giảm đau tạm thời cũng rất đáng kể. Có thể kể đến như:

  • Dùng tỏi: Tỏi có chứa nhiều thành phần có tác dụng với sức khỏe răng miệng. Đặc biệt, tỏi có chứa hoạt chất allicin, xuất hiện khi tỏi được đập dập, hoạt động như một kháng sinh tự nhiên, có thể sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau đáng kể. Bạn có thể lấy vài tép tỏi, rửa sạch, bóc vỏ, giã nát với vài hạt muối, cho vào miệng ngậm hoặc chà sát lên mặt răng để giảm buốt răng. 
  • Nước muối: Muối có đặc tính sát khuẩn, kháng khuẩn, kháng viêm. Bạn có thể lấy 1 muỗng cà phê muối hạt, pha với nước ấm, ngậm dung dịch này trong 3 – 5 phút để giảm ê buốt răng. Chỉ nên dùng muối hạt, không dùng muối ăn để tránh làm mòn men răng. 
  • Nhai hành tây: Theo nhiều nghiên cứu, hành tây có chứa nhiều hoạt chất có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, giúp diệt khuẩn, giảm tối đa tình trạng ê buốt răng. Bạn có thể lấy vài lát hành tây nhai trong miệng hoặc kết hợp hành tây với tỏi để tăng hiệu quả. 

2. Dùng thuốc giảm ê buốt răng

Bạn có thể sử dụng các loại gel bôi hoặc thuốc giảm đau để giúp giảm ê buốt răng tạm thời. Việc dùng thuốc bôi hoặc thuốc giảm đau có cần hướng dẫn chi tiết của bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh tác các dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các loại thuốc bôi giảm ê buốt răng tạm thời có thể kể đến như:

  • Enamel Pro Varnish: Có tác dụng giảm ê buốt răng, bổ sung fluoride, phòng ngừa sâu răng và tái khoáng răng hiệu quả cao. 
  • GC Tooth Mousse: Kem bôi chống ê buốt răng của Nhật, có tác dụng cung cấp khoáng chất tại chỗ, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, tăng tái khoáng răng. Thường được dùng sau khi điều trị đốm trắng răng, cao vôi, tẩy trắng răng… 
  • Sensikin Gel: Gel bôi tại chỗ có khả năng bám dính tốt trên răng, có tác dụng giảm ê buốt răng cấp tính, ê buốt trong nhạy cảm ngà, sau phẫu thuật nha chu, sau trám răng mài răng phục hình… 

Ngoài ra, với tình trạng ê buốt răng nghiêm trọng, có thể giảm đau, giảm buốt răng bằng các thuốc như giảm đau paracetamol, nhóm thuốc aspirin, thuốc kháng sinh, hay các thuốc kháng sinh họ metronidazol, họ beta lactam… Việc dùng thuốc kháng sinh, giảm đau cần có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh và nhiều tác dụng phụ khác. 

3. Thăm khám bác sĩ, nha sĩ

Sau khi tình trạng đau nhức, ê buốt răng do uống nước lạnh đã tạm thời ổn định, bạn nên sắp xếp thời gian và nhanh chóng thăm khám nha sĩ, bác sĩ. Như đã đề cập, ê buốt răng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như viêm nha chu, mòn cổ răng, viêm tủy răng, sâu răng… Những vấn đề nếu không có sự can thiệp nha khoa chuyên sâu thì không thể loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Nếu kéo dài sẽ gây suy giảm chức năng nhai, nguy cơ nhiễm trùng máu, mất răng vĩnh viễn…

Nên sớm thăm khám nha khoa để được chẩn đoán và điều trị
Nên sớm thăm khám nha khoa để được chẩn đoán và điều trị

Cách điều trị bị buốt răng khi uống nước lạnh

Nhiều người thường chủ quan cho rằng tình trạng bị buốt răng khi uống nước lạnh là bình thường, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cho thấy răng miệng của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Cần được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, hợp lý. Một số cách điều trị buốt răng phổ biến hiện nay có thể kể đến như:

1. Can thiệp nha khoa 

Tùy vào nguyên nhân, tình trạng bệnh mà sau khi thăm khám, các bác sĩ, nha sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các giải pháp đối với ê buốt răng thường là:

  • Lấy vôi răng: Cạo vôi răng là kỹ thuật nha khoa đơn giản, phù hợp với tình trạng ê buốt răng nhẹ. Cạo vôi răng sẽ giúp làm sạch mảng bám, vi khuẩn gây hại, giúp giảm đáng kể tình trạng ê buốt răng khi uống nước lạnh và ngăn ngừa tốt các bệnh lý về răng miệng. 
  • Tái khoáng men răng: Được áp dụng với các trường hợp răng bị ê buốt do men răng bị mòn ở mức độ nhẹ và trở nên nhạy cảm hơn, nhất là khi ăn uống đồ uống lạnh, nóng, chua, ngọt. Với trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiến hành bổ sung dung dịch có các khoáng chất như phospho, flour, canxi nhằm tăng cường men răng. 
  • Hàm trám răng: Được áp dụng với trường hợp sâu răng gây buốt răng khi uống nước lạnh. Để trám răng, nha sĩ sẽ tiến hành loại bỏ tổ chức viêm, lấp đầy với vật liệu chuyên dụng và phục hình răng. 
  • Dùng thuốc: Các thuốc được sử dụng thường là aspirin, paracetamol, axit mefenamic, ibuprofen… Cho trường hợp ê buốt răng nhẹ, do vi khuẩn, nấm men tấn công gây hại
  • Điều trị tủy răng: Viêm tủy răng có 2 dạng là viêm tủy răng có phục hồi và không phục hồi. Nếu tủy răng có phục hồi thì sẽ che tủy và hỗ trợ tủy răng phục hồi với hydroxit canxi, nếu không thể phục hồi thì sẽ loại bỏ tủy và trám ống tủy. 
  • Bọc răng sứ: Được chỉ định với trường hợp mòn chân răng và trám răng không thể thực hiện nhằm bảo vệ răng và tạo hình lại hàm răng…

2. Hỗ trợ điều trị tại nhà 

Song song với việc thăm khám và điều trị chuyên khoa, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và nha sĩ về việc áp dụng các biện pháp cải thiện sức khỏe răng miệng tại nhà. Một số mẹo giảm ê buốt răng tại nhà theo dân gian có thể kể đến như:

Dùng hoa cúc áo vàng 

Hoa cúc áo vàng được biết đến với công dụng gây tê tại chỗ, giảm viêm, giảm đau, cải thiện đáng kể các tình trạng đau răng. Loại cây này có chứ spilantola, có thể gây tê cục bộ. Thường được dùng để hỗ trợ điều trị đau răng, sâu răng, viêm tủy răng… 

Cách thực hiện: 

  • Cách 1: Lấy 1 nắm cúc áo hoa vàng (hoa + lá) rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng, đem giã nhỏ, thêm ít nước, dùng nước này để ngậm súc miệng trong 5 – 10 phút. Súc lại miệng với nước sạch để làm sạch khoang miệng.
  • Cách 2: Lấy 500g cúc áo hoa vàng rửa sạch, để ráo nước, ngâm với 1 lít rượu gạo trong 15 ngày. Mỗi ngày dùng 30ml rượu này ngậm súc miệng và súc lại miệng với nước sạch. Không dùng trong thời gian dài để tránh làm mòn men răng. 

Dùng trà bạc hà

Lá bạc hà có tác dụng gây tê, kháng viêm, giảm đau, tạm thời loại bỏ tình trạng bị buốt răng khi uống nước lạnh. Dùng trà bạc hà sẽ giúp giảm đau răng, ngừa hôi miệng và cải thiện các bệnh lý về răng miệng.

Cách thực hiện:

  • Lấy 1 nắm lá bạc hà tươi hoặc túi trà bạc hà, hãm với nước sôi trong 10 – 15 phút
  • Dùng nước này ngậm súc miệng hoặc uống từ từ từng ngụm để giảm ê buốt răng. 

Dùng đinh hương

Bạn có thể dùng đinh hương hoặc tinh dầu đinh hương để xoa dịu cơn đau nhức, ê buốt răng. Tinh dầu đinh hương có chứa hoạt chất Eugenol, có khả năng gây tê tự nhiên. Trong thành phần của đinh hương cũng chứa nhiều hoạt chất có tác dụng tốt với sức khỏe răng miệng.

Đinh hương có thể giảm đau, giảm ê buốt cho răng
Đinh hương có thể giảm đau, giảm ê buốt cho răng

Cách thực hiện:

  • Cách 1: Lấy vài nụ đinh hương khô, rửa sạch, nhai nát trong miệng. Sau khi đinh hương tiết ra hết hoạt chất thì nhổ bỏ, súc lại miệng với nước ấm.
  • Cách 2: Lấy tinh dầu đinh hương nhỏ vài giọt lên miếng gạc y tế, áp trực tiếp hoặc chà nhẹ nhàng lên răng. 

3. Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng

Thói quen chăm sóc răng miệng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cải thiện tình trạng ê buốt răng. Chăm sóc, bảo vệ răng miệng không chỉ giúp giảm ê buốt răng mà còn hỗ trợ ngăn ngừa đáng kể các bệnh lý về răng miệng. Các biện pháp chăm sóc răng lúc này bao gồm: 

  • Dùng kem đánh răng cho răng nhạy cảm: các loại kem đánh răng được sử dụng phổ biến hiện nay có thể kể đến như Colgate Sensitive Whitening, Sensodyne Repair & Protect, Sensodyne Pronamel Gentle Whitening, P/S Sensitive Whitening, EMOFORM F… 
  • Chải răng đúng cách: Tốt nhất nên chải răng ít nhất 2 lần/ngày, sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ và sau khi ăn 30 phút. Nên chải cẩn thận các mặt răng, đặt bàn chải ở một góc nghiêng 45 độ so với mặt răng, đưa bàn chải nhẹ nhàng theo vòng tròn nhằm tăng hiệu quả làm sạch mảng bám. 
  • Chọn bàn chải phù hợp: Nên chọn các loại bàn chải lông mềm, không nên chọn các loại bàn chải quá cứng, nên thay bàn chải định kỳ 3 tháng/lần.
  • Dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng: Để tăng hiệu quả làm sạch răng miệng, nên dùng chỉ nha khoa và các loại nước súc miệng có thể chống ê buốt răng như nước súc miệng Sensikin, Dentiplus Whitening & Anti-Tartar, SP Newgel… 

4. Thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sống

Về chế độ dinh dưỡng và lối sống, để hỗ trợ cải thiện tình trạng bị buốt răng khi uống nước lạnh, bạn cần:

  • Hạn chế uống nước lạnh, hạn chế ăn đồ nóng, đồ chua quá nhiều để tránh gây ê buốt răng
  • Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, hạn chế các thực phẩm nhiều axit, tăng cường ăn nhiều rau xanh, các thực phẩm giàu chất xơ
  • Tăng cường bổ sung canxi cho cơ thể qua các thực phẩm như bông cải xanh, quả hạnh nhân, bơ, sữa, các loại quả đậu khô… 
  • Thăm khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng.

Trên đây là một số nguyên nhân và cách xử lý khi gặp phải tình trạng bị ê buốt răng khi uống nước lạnh. Răng bị ê buốt khi uống nước lạnh đa phần có liên quan đến bệnh lý về răng miệng. Do đó, bạn tốt nhất nên sớm thăm khám nha khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm: 

Chia sẻ:
Ăn đồ chua bị buốt răng có thể xảy ra khi men răng bị mòn Cách Chữa Ê Răng Khi Ăn Đồ Chua Giảm Nhanh Ghê Buốt

Ăn đồ chua bị buốt răng là tình trạng thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Ê buốt răng…

Ê buốt răng sau khi trám Trám Răng Xong Bị Ê Buốt Nên Làm Gì? Phòng Ngừa Sao?

Trám răng xong bị ê buốt là tình trạng thường xảy ra ở người vừa mới thực hiện kỹ thuật…

Nước súc miệng chống ê buốt răng 7 Nước Súc Miệng Chống Ê Buốt Răng Được Ưa Chuộng

Nước súc miệng chống ê buốt răng có chứa các thành phần hỗ trợ quá trình tái khoáng men răng,…

Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ Răng Bị Ê Buốt Sau Khi Bọc Sứ – Bình Thường Hay Đáng Lo

Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ có thể xuất hiện trong vài ngày đầu sau khi thực hiện…

Răng bị ê buốt khi ăn đồ lạnh Răng Ê Buốt Khi Ăn Đồ Lạnh: Cách Chữa Trị và Phòng Ngừa

Răng ê buốt khi ăn đồ lạnh thường là biểu hiện của các bệnh nha khoa (sâu răng lộ tủy,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua