Uống Kháng Sinh Gây Nhiệt Miệng và Cách Xử Trí Hiệu Quả
Nhiệt miệng là bệnh lý thường gặp, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, thường xuất hiện nhiều vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng. Một trong những nguyên nhân không thường gặp gây ra nhiệt miệng đó chính là sử dụng thuốc Tây dài ngày, trong đó có một số loại kháng sinh nhất định. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng uống kháng sinh gây nhiệt miệng mà chưa biết cách khắc phục thế nào thì có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Uống kháng sinh có gây nhiệt miệng không?
Nhiệt miệng còn gọi là loét áp tơ, là tình trạng viêm nhiễm dẫn đến sự xuất hiện của các vết loét có kích thước lớn nhỏ khác nhau ở niêm mạc miệng như môi, trong má, dưới lưỡi, trên nướu răng… Căn bệnh này xảy ra rất phổ biến, nhất là vào mùa hè nắng nóng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các đốm trắng mọng nước, sau một vài ngày thì tiến triển thành các vết loét màu màu đỏ, trung tâm vết loét có màu trắng hoặc vàng. Thường sẽ tự khỏi sau 10 – 15 ngày hoặc nhanh hơn nếu được chăm sóc đúng cách, tuy nhiên lại thường có xu hướng tái diễn lại sau đó.
Đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt miệng. Tuy nhiên, có thể có nhiều yếu tố liên quan, thúc đẩy sự xuất hiện các các vết loét trên miệng như do thiếu hụt dưỡng chất, suy giảm hệ miễn dịch, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, chế độ ăn uống thất thường dùng nhiều thức ăn nóng… Một trong số đó là do việc sử dụng thuốc điều trị kéo dài. Các thuốc dễ gây ra nhiệt miệng có thể kể đến như kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, aspirin…
Như vậy, với thắc mắc uống kháng sinh có gây nhiệt miệng không thì câu trả lời chính là có. Tuy nhiên, chỉ có một số loại kháng sinh nhất định mới gây ra tình trạng này. Việc sử dụng thuốc Tây nhất là kháng sinh dài ngày khiến cơ thể bị nóng trong, làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, dẫn đến sự xuất hiện của các vết loét nhiệt miệng. Thế nhưng, đây không phải là nguyên nhân trực tiếp mà là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bệnh.
Tùy vào loại thuốc, cách sử dụng thuốc, các loại thuốc phối hợp cùng và chế độ ăn uống của mỗi người mà các tác dụng phụ của thuốc như phồng rộp, loét miệng, suy giảm chức năng gan… ở mỗi người là không giống nhau. Đây là lý do dẫn đến tình trạng cũng sử dụng cùng một loại thuốc nhưng có người bị nhiệt miệng, có người không sao cả. Được biết, đa phần tình trạng nhiệt miệng hay xuất hiện, nhất là ở trẻ em thường có liên quan đến việc sử dụng Penicillin. Thuốc kháng sinh thuộc nhóm Penicillin có tác dụng ức chế và diệt khuẩn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiệt miệng khi dùng kháng sinh
Như đã đề cập, sử dụng kháng sinh dài ngày không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiệt miệng. Việc dùng thuốc khiến cơ thể bị nóng trong, tác động đến các cơ quan nội tạng khác, làm mất cân bằng hệ vi sinh, từ đó mới dẫn đến sự xuất hiện của các vết loét nhiệt miệng. Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng uống kháng sinh bị nhiệt miệng có thể kể đến như:
1. Do mất cân bằng hệ vi sinh
Thuốc kháng sinh thường chỉ được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn, từ 3 – 5 ngày. Nếu dùng kháng sinh liên tục trong nhiều ngày, sử dụng thuốc không đúng thời gian, không đúng liều lượng, làm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể. Trước tiên là hệ vi sinh đường ruột, sau là hệ vi sinh ở khoang miệng, làm các lợi khuẩn bị hạn chế hoạt động, dẫn đến nhiều dấu hiệu bất thường cho cơ thể.
Khi cơ thể bị mất cân bằng hệ vi sinh, người bệnh thường xuất hiện các vết loét nhiệt miệng ở khoang miệng, các vết loét này có thể nhanh khỏi nhưng thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần. Ngoài ra, việc lạm dùng kháng sinh còn gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, gây ra các bệnh lý nha khoa như viêm lợi, mòn men răng, ngà răng, tăng nguy cơ sâu răng, viêm nha chu…
2. Do suy giảm chức năng gan
Một trong những tác động trực tiếp của thuốc kháng sinh nếu sử dụng dài ngày đó chính là ảnh hưởng và làm suy giảm chức năng gan. Các thuốc kháng sinh thường được đào thải qua gan và được loại bỏ ra ngoài thông qua nước tiểu. Những người dùng kháng sinh dài ngày dễ gặp các vấn đề bất thường về gan do gan phải làm việc quá tải, đặc trưng như hơi thở có mùi, ăn uống khó tiêu, nhiệt miệng, nóng trong…
Lạm dụng kháng sinh chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan. Các kháng sinh thường có thể ảnh hưởng đến gan là clindamycin, metronidazol, erythromycin, ciprofloxacin… Dùng thuốc quá liều trong thời gian dài sẽ khiến thuốc bị ứ đọng ở gan, làm tổn thương hệ thống khử độc, giảm khả năng thải độc ở gan, gây ngộ độc gan… Khi chức năng gan bị suy giảm, tổn thương sẽ xuất hiện các triệu chứng như loét miệng, nổi mẩn, chán ăn, buồn nôn, vàng da, khó thở, nôn mửa, nước tiểu sậm, tiêu chảy…
3. Gia tăng nguy cơ căng thẳng, mệt mỏi
Việc lạm dụng kháng sinh không chỉ làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc mà còn có thể dẫn đến các tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương, gây ra các rối loạn về tâm thần, tâm lý cho người bệnh. Theo các nghiên cứu khoa học, thuốc kháng sinh có thể gây tương tác với các thuốc dùng chung hoặc làm giảm chất dẫn truyền thần kinh GABA.
Các thuốc như kháng sinh nhóm fluoroquinolon, nhóm betalactam, oxazolidinon… có thể gây các tác dụng phụ như khiến người sử dụng dễ bị kích động, căng thẳng, suy giảm trí nhớ, thay đổi trạng thái tâm thần… Trong khi đó, căng thẳng, stress kéo dài chính là một trong những yếu tố gây ra tình trạng các vết loét nhiệt miệng thường xuyên xuất hiện hoặc kéo dài lâu khỏi hơn thông thường.
Cách xử trí khi uống kháng sinh gây nhiệt miệng
Làm thế nào khi uống kháng sinh gây nhiệt miệng là thắc mắc chung của nhiều người. Với trường hợp này, bạn có thể tham khảo các hướng xử trí dưới đây:
1. Ngưng sử dụng thuốc kháng sinh
Kháng sinh là loại thuốc được bán vô cùng phổ biến tại các nhà thuốc, có nhiều loại kháng sinh không kê đơn được bán mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Nếu trường hợp bạn tự ý mua và dùng kháng sinh để trị bệnh không có chỉ định của bác sĩ, để cải thiện tình trạng nhiệt miệng, trước tiên chúng ta cần ngưng sử dụng kháng sinh.
Đối với các trường hợp nhẹ, chưa đến mức tổn thương gan, mất cân bằng hệ vi sinh, sau một thời gian ngưng dùng thuốc, áp dụng các biện pháp cải thiện sức khỏe, giải độc cơ thể, các vết loét nhiệt miệng sẽ biến mất và hiếm khi tái phát trở lại. Một số phương pháp giải độc gan, làm mát cơ thể khi dùng kháng sinh có thể kể đến như:
- Uống nhiều nước, tốt nhất từ 1.5 – 2 lít nước với người trưởng thành trong trường hợp sức khỏe bình thường, không gặp vấn đề về thận
- Sử dụng các loại nước có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giảm độc, làm mát gan như nước bí đao, nước rau má, trà xanh, nước cây diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa), nước ép cà rốt, nước ép táo..
2. Thăm khám bác sĩ
Trong trường hợp chúng ta bị nhiệt miệng do sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc Tây theo đơn của bác sĩ. Hoặc bị nhiệt miệng nghiêm trọng, tái đi tái lại nhiều lần do uống kháng sinh. Hay bị nhiệt miệng kèm theo các triệu chứng bất thường khác, đặc biệt là tình trạng nóng trong, nổi mẩn, vàng da, buồn nôn, nôn mửa, khó thở thì cách tốt nhất là bạn nên sớm thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
Trường hợp dùng kháng sinh kết hợp với các loại thuốc điều trị khác gây nhiệt miệng, bác sĩ sẽ tiến hành thay đổi loại thuốc điều trị, điều chỉnh sao cho phù hợp với cơ địa, tình trạng bệnh của người bệnh. Với các trường hợp khác sẽ tiến hành thăm khám, tùy vào nguyên nhân mà đưa ra hướng điều trị phù hợp. Nếu nghi ngờ có liên quan đến tình trạng suy giảm chức năng gan thì sẽ tiến hành xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh, sinh thiết và tiến hành điều trị bằng thuộc hoặc nếu suy gan nghiêm trọng thì bắt buộc phải ghép gan.
3. Áp dụng biện pháp cải thiện tại nhà
Sau khi thăm khám bác sĩ và xác định chính xác nguyên nhân, yếu tố gia tăng nguy cơ uống kháng sinh bị nhiệt miệng, bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng các mẹo cải thiện nhiệt miệng tại nhà như:
Súc miệng bằng nước muối
Sử dụng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý để súc miệng cũng là một trong những phương pháp giúp diệt khuẩn, làm sạch khoang miệng, cải thiện tình trạng nhiệt miệng đáng kể. Bạn có thể mua nước muối sinh lý tại quầy thuốc hoặc cho 1 thìa cà phê muối hạt vào cốc nước ấm, khuấy đều cho tan, dùng nước muối súc miệng mỗi ngày. Tuyệt đối không ngậm muối trực tiếp, không dùng muối ăn hoặc pha nước muối quá đặc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Dùng cỏ mực
Cỏ mực còn gọi là cây nhọ nồi, thường được dân gian sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiệt miệng. Thảo dược này có vị chua ngọt, tính hàn, nổi tiếng với công dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể, máu máu, bồi bổ can thận, có tác dụng rất tốt trong việc trị nhiệt miệng, mụn nhọt, nóng trong, ho ra máu.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 nắm cỏ mực tươi rửa sạch, đem giã nát rồi vắt lấy nước cốt, bỏ bã
- Cho vào nước cốt cỏ mực thu được 1 thìa mật ong, khuấy đều
- Chấm hỗn hợp này lên vết loét nhiệt miệng
- Kiên trì 2 – 3 lần/ngày, đều đặn mỗi ngày để thấy hiệu quả.
Dùng nha đam chữa nhiệt miệng
Nha đam tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể. Trong gel nha đam chứa nhiều nước, vitamin, khoáng chất, các hoạt chất có tác dụng thúc đẩy hồi phục tế bào, các mô bị tổn thương. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn nhận thấy rằng, trong thành phần của nha đam có chứa các chất có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn đáng kể.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 nhánh nha đam tươi rửa sạch, lột bỏ phần vỏ, lấy phần gel thịt
- Dùng phần gel thịt nha đam thu được xoa nhẹ nhàng lên vết loét nhiệt miệng
- Kiên trì thực hiện nhiều lần trong ngày, đều đặn mỗi ngày để vết nhiệt miệng nhanh lành.
4. Trị nhiệt miệng bằng Đông y
Theo quan điểm của Đông y, nhiệt miệng thường do phế nhiệt, tâm hỏa can thịnh, thận âm suy và các yếu tố liên quan khác như tuổi tác cao, sức khỏe kém… Với trường hợp uống thuốc kháng sinh gây nhiệt miệng, Đông y thường tập trung vào việc thanh nhiệt, dưỡng âm, bồ bổ gan thận, chống viêm, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tùy vào các bệnh chứng mà có bài thuốc điều trị phù hợp.
Các bài thuốc Đông y mặc dù sử dụng thảo dược thiên nhiên an toàn, lành tính nhưng chỉ khi được dùng đúng người đúng bệnh thì mới phát huy hiệu quả. Do đó, bạn nên tiến hành thăm khám ở các trung tâm, bệnh viện y học cổ truyền uy tín, chất lượng để được các bác sĩ Đông Y chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một số bài thuốc thường được sử dụng có thể kể đến như:
- Bài thuốc thanh nhiệt, tăng cường đề kháng: Lấy cát căn, cỏ mực mỗi vị 20g; hoàng bá, sinh địa, liên kiều, thược dược mỗi vị 12g; hồng hoa, tri mẫu, ngân hoa, trần bì, đại táo, trúc diệp mỗi vị 10g. Sắc tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị với nước, sử dụng mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống.
- Bài thuốc thanh nhiệt, trị nhiệt miệng, sốt, tiểu tiện đỏ, lượng nước tiểu ít: Lấy cỏ mực, rau má mỗi vị 20g; tang diệp, cam thảo đất mỗi vị 16g; thục địa, sài hồ mỗi vị 12g và 10g hoàng liên, 10g trúc diệp. Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào ấm chuyên dụng, sắc với nước, chia làm 3 lần uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc dưỡng âm, chống viêm, thanh vị nhiệt: Lấy bồ công anh, cỏ mực, rau má, đinh lăng, sài đất mỗi vị 20g; thục địa, chi tử, liên kiều, đương quy, hoàng cầm mỗi vị 12g; cam thảo đất, tang diệp, mướp đắng mỗi vị 16g. Cho tất cả nguyên liệu vào ấm, sắc với nước, mỗi ngày dùng 1 thang, chia làm 3 lần uống.
Có rất nhiều bài thuốc Đông Y chữa nhiệt miệng, tùy thể trạng mỗi người và các triệu chứng biểu hiện mà các thầy thuốc sẽ đưa ra bài thuốc điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng, thuốc Đông Y nếu được bào chế, kết hợp không đúng cách, đúng liều lượng, quá trình bảo quản không đảm bảo sẽ rất nguy hiểm, có thể gây ngộ độc, viêm họng, tổn thương ngũ tạng, làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh thậm chí có thể gây suy thận…
Biện pháp ngăn ngừa, cải thiện tình trạng uống kháng sinh gây nhiệt miệng
Bên cạnh hướng xử trí đã đề cập, để ngăn ngừa, cải thiện tình trạng uống kháng sinh gây nhiệt miệng, chúng ta có thể thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng, lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng của mình. Có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
1. Đối với thói quen chăm sóc răng miệng
Nhiều người không biết rằng, một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc nhiệt miệng, khiến vết loét nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần là do thói quen chăm sóc răng miệng không phù hợp. Để ngăn ngừa nhiệt miệng, bạn nên:
- Chọn loại kem đánh răng, nước súc miệng phù hợp, cần tránh các sản phẩm có chứa Sodium Lauryl Sulfate (SLS). Đây là một trong những chất tạo bọt đã được nhiều nghiên cứu chỉ mối quan hệ giữa chất này và tỷ lệ mắc nhiệt miệng. Sử dụng các sản phẩm chứa chất này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc nhiệt miệng và khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần.
- Bên cạnh đó, bạn cũng nên chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ngày, kết hợp làm sạch răng miệng bằng cách dùng nước súc miệng hoặc súc miệng với nước muối, dùng chỉ nha khoa và chải lưỡi.
- Súc miệng bằng nước muối, nước lá nhọ nồi, nha đam, nước quả khế chua… đều có thể giúp vết loét nhiệt miệng của bạn nhanh lành hơn
- Đặc biệt, nên chải răng nhẹ nhàng với bàn chải lông mềm. Đồng thời, hãy tiến hành thăm khám nha khoa và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần để làm sạch miệng, ngăn ngừa nhiệt miệng và các bệnh lý nha khoa khác.
2. Đối với chế độ dinh dưỡng
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bệnh nhiệt miệng đó chính là do thường xuyên sử dụng các thực phẩm cay nóng nhiều dầu mỡ hoặc do thiếu hụt một số vitamin khoáng chất nhất định. Vì vậy, song song với việc điều chỉnh thói quen chăm sóc răng miệng, chúng ta cũng cần cải thiện chế độ ăn uống của mình. Có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Đa dạng các nhóm thực phẩm, xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối. Nếu chế độ ăn trước đây khi đảm bảo, khiến cơ thể thiếu hụt vitamin B2, B3, B12, C, sắt, kẽm… thì nên bổ sung qua những thực phẩm như sữa và sản phẩm từ sữa, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, ức gà, thịt bò, gan động vật, bông cải xanh, rau có màu xanh đậm, ớt chuông đỏ, dưa lưới…
- Người bị nhiệt miệng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, sữa chua, các loại đau, các thực phẩm có tính mát như rau má, bí đao, rau ngót, thực phẩm được chế biến ở dạng mềm, dễ nuốt
- Hạn chế sử dụng đồ ăn cay nóng nhiều dầu mỡ, các món ăn chiên rán, đồ ăn mặn, thức ăn chua chứa nhiều axit, đồ ăn chứa nhiều đường…
3. Đối với lối sống, thói quen sinh hoạt
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc điều chỉnh lối sống cũng sẽ cải thiện và ngăn ngừa đáng kể tình trạng nhiệt miệng. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý như:
- Thăm khám bác sĩ nếu có các vấn đề bất thường trong cơ thể, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Tránh dùng kháng sinh dài ngày, đối với trường hợp quên liều thì nên uống ngay khi nhớ, nếu liều quên gần với thời gian sử dụng thuốc tiếp theo thì nên bỏ qua liều này.
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có gas, chất kích thích… vì chúng khiến tình trạng nhiệt miệng nghiêm trọng hơn và dễ tái đi tái lại nhiều lần.
- Hạn chế sử dụng cà phê vì nó chứa acid salicylic, khiến các mô nhạy cảm, đang tổn thương trong khoang miệng bị kích ứng, khiến nhiệt miệng lâu lành
- Nên hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, học cách thư giãn để giảm stress. Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, có thể tham gia các hoạt động như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga, thiền định…
- Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, ngủ đúng giờ đủ giấc, tránh thức khuya để cải thiện sức khỏe.
Như vậy, với tình trạng uống kháng sinh gây nhiệt miệng, tùy vào mức độ bệnh và các bất thường trong cơ thể mà chúng ta có biện pháp xử trí, cải thiện phù hợp. Nếu tình trạng nhiệt miệng do uống kháng sinh nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên sớm thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!