Thường Xuyên Bị Nhiệt Miệng và Giải Pháp Xử Lý Nhanh
Thường xuyên bị nhiệt miệng, các vết loét nhiệt miệng cứ lành rồi lại tái xuất hiện là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Theo các bác sĩ, tình trạng bị nhiệt miệng thường xuyên có thể liên quan đến nhiều yếu tố, đôi khi còn liên quan đến một số bệnh lý nguy hiểm nào đó trong cơ thể. Nếu bạn không biết nguyên nhân khiến bệnh nhiệt miệng hay tái phát thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng thường xuyên
Thường xuyên bị nhiệt miệng, các vết loét của bệnh nhiệt miệng nhanh lành nhưng hay tái phát là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định chính xác được nguyên nhân khiến nhiều người thường xuyên bị nhiệt miệng. Tuy nhiên, các nghiên cứu phát hiện ra rằng, hiện tượng này hay xảy ra thường có liên quan đến nhiều yếu tố.
Những yếu tố, nguyên nhân bị nhiệt miệng thường xuyên ở nhiều người có thể kể đến như:
- Di truyền, rối loạn nội tiết tố, suy giảm miễn dịch đều là những yếu tố thường gặp, có liên quan mật thiết đến tình trạng các vết loét nhiệt miệng thường xuất hiện
- Hay bị nhiệt miệng cũng có thể do thiếu hụt các vitamin, khoáng chất như vitamin C, vitamin B2, B3, B12, sắt, kẽm, acid folic…
- Nhiệt miệng thường xuyên tái phát do thói quen chăm sóc răng miệng chưa phù hợp. Chải răng quá mạnh hoặc dùng các sản phẩm chăm sóc răng miệng có chứa Sodium Lauryl Sulfate
- Do tổn thương niêm mạc miệng xảy ra khi sử dụng bàn chải quá cứng, chải răng quá mạnh, dùng răng giả không phù hợp, do hành động cắn vào niêm mạc miệng khi vô ý…
- Do thường xuyên sử dụng các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, hay dùng các thực phẩm có tính axit cao khiến vết loét lâu lành, hay tái phát
- Do căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài, cơ thể không được nghỉ ngơi đúng cách
- Do hiểu sai bản chất của nhiệt miệng, không chăm sóc và điều trị đúng cách khiến bệnh dễ tái phát
- Do tác dụng của một số loại thuốc điều trị, việc dùng thuốc trong thời gian dài gây ra nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe, trong đó có nhiệt miệng. Các thuốc này có thể kể đến như thuốc sulfa, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chẹn beta, thuốc chống viêm, thuốc giãn mạch…
Xem thêm: Nguyên Nhân Gây Nhiệt Miệng Ở Lưỡi Và Cách Điều Trị, Khắc Phục
Bị nhiệt miệng thường xuyên là dấu hiệu của bệnh gì?
Tình trạng các vết loét nhiệt miệng hay xuất hiện có thể liên quan đến nhiều yếu tố. Đặc biệt, tình trạng này còn có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy cơ thể bạn đang mắc một số bệnh lý nào đó. Các bệnh có thể khiến bệnh nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần hoặc lâu lành thường là:
1. Bệnh lý về răng miệng
Các bệnh lý về răng miệng khiến cơ thể xuất hiện phản ứng kháng nguyên – kháng thể. Đa phần các bệnh lý về răng miệng đều chủ yếu do vi khuẩn sinh sôi phát triển, tấn công và gây bệnh. Lúc này cơ thể sẽ sản xuất các kháng thể để tiêu diệt vi khuẩn. Phản ứng này dẫn đến sự xuất hiện của các vết loét ở niêm mạc miệng.
Ngoài ra, khi mắc các bệnh lý về răng miệng, nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách. Khi có một tổn thương nhỏ trên niêm mạc, vi khuẩn sẽ nhanh chóng xâm nhập, khiến vết loét bị sưng viêm, gây đau rát khó chịu, khó lành và dễ tái phát thường xuyên hơn.
Các bệnh lý về răng miệng thường gặp có thể liên quan đến tình trạng bệnh nhiệt miệng tái phát thường xuyên là:
- Sâu răng
- Viêm tủy răng
- Viêm nha chu…
2. Thường xuyên bị nhiệt miệng do bệnh lý về đường tiêu hóa
Các bệnh lý về đường ruột, đường tiêu hóa bao gồm những bệnh có ảnh hưởng trực tiếp lên các cơ quan của hệ tiêu hóa. Đây cũng là một trong những nhóm bệnh có thể gây ra hiện tượng thường xuyên bị nhiệt miệng. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn không biết thường xuyên bị nhiệt miệng là bệnh gì thì có thể tham khảo một số bệnh lý như:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Một dạng rối loạn tiêu hóa thường gặp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ vòng thực quản và dạ dày. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như buồn nôn, nôn, hơi thở có mùi, ợ nóng, đau ở thượng vị, khó nuốt. Khi bị trào ngược dạ dày, axit từ dạ dày có thể lên đến miệng, khiến vết loét nhiệt miệng lâu lành và có nguy cơ thường xuyên xuất hiện.
- Các bệnh về đường ruột: Hay bị nhiệt miệng cũng có thể liên quan đến các bệnh như bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích… Đây là những bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch của người bệnh.
3. Nhiệt miệng hay tái phát do các bệnh tự miễn
Bệnh lý tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể mất đi khả năng phân biệt kháng nguyên bên ngoài và kháng nguyên bên trong cơ thể. Bệnh hay gặp ở người từ 20 – 40 tuổi, ít gặp ở người già và trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh thường bao gồm nhiễm trùng, môi trường bị ô nhiễm, xáo trộn vi khuẩn đường ruột, thiếu hụt vitamin D. Các bệnh lý này thường là:
- Bệnh Lupus ban đỏ
- Hội chứng Sjogren
- Bệnh Crohn…
Ngoài ra, tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, gây ra các tổn thương trên cơ thể, kể cả các vết loét nhiệt miệng cũng có thể xuất hiện do bệnh HIV/AIDS.
4. Thường xuyên bị nhiệt miệng do bệnh Celiac
Bệnh Celiac, không dung nạp Gluten là bệnh lý về đường ruột, có thể gặp ở mọi độ tuổi, xảy ra khi cơ thể không hấp thu được các thực phẩm có chứa gluten. Bệnh làm giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng cho cơ thể tại ruột non. Điều này khiến nhiều người dù vẫn ăn uống đầy đủ nhưng lại gặp phải tình trạng thiếu hụt dưỡng chất. Hậu quả là cơ thể mệt mỏi, kém tăng cân, bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc các vết loét nhiệt miệng thường xuyên tái phát.
Bị nhiệt miệng thường xuyên có nguy hiểm không?
Bị nhiệt miệng thường xuyên có nguy hiểm không là thắc mắc chung của nhiều người. Thực tế, qua tìm hiểu, trao đổi của chúng tôi với các bác sĩ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc, được biết, bị nhiệt miệng thường xuyên không quá nguy hiểm. Bệnh không gây ra các vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng của người bệnh với những trường hợp do các yếu tố như thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn nội tiết hay các tác động vật lý.
Thế nhưng, tình trạng các vết nhiệt miệng xuất hiện thường xuyên, lâu lành khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp.
Nếu kéo dài sẽ khiến chúng ta ăn uống không ngon miệng, không thể ăn được nhiều do thức ăn kích thích vào vết loét gây đau rát. Từ đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng, khiến người bệnh thiếu hụt dưỡng chất, hậu quả là hệ miễn dịch suy giảm, bệnh kéo dài dai dẳng, người bệnh cũng có nguy cơ mắc thêm nhiều bệnh lý khác.
Chưa kể đến chất lượng công việc và đời sống tinh thần cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là những người phải thường xuyên nói chuyện, giao tiếp.
Đặc biệt, tình trạng thường xuyên bị nhiệt miệng sẽ rất nguy hiểm nếu có liên quan đến một bệnh lý nào đó trong cơ thể. Nhất là những bệnh về hệ miễn dịch, bệnh về răng miệng…
Nếu nghi ngờ thường xuyên bị nhiệt miệng do bệnh lý, nên nhanh chóng thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, chuyên nghiệp để chữa dứt điểm bệnh và ngăn ngừa tình trạng vết loét nhiệt miệng hay tái phát.
Giải pháp xử lý nhanh khi bị nhiệt miệng
Nếu muốn cải thiện tình trạng nhiệt miệng nhanh chóng, bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
1. Áp dụng biện pháp điều trị tại nhà
Nhiệt miệng có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần xuất hiện. Tuy nhiên, trong thời gian bị nhiệt miệng, người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu bởi các vết loét bị kích thích khi nói và ăn. Để giảm đau, hỗ trợ điều trị nhiệt miệng, bạn có thể tham khảo một số mẹo chữa nhiệt miệng như:
Dùng nước muối chữa thường xuyên bị nhiệt miệng
Nước muối nổi tiếng với đặc tính sát khuẩn, kháng khuẩn, hỗ trợ làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng. Khi dùng nước muối, bạn chỉ nên sử dụng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý. Chúng sẽ làm sạch vi khuẩn thông qua cơ chế đưa vi khuẩn trên bề mặt lưỡi và đẩy chúng ra ngoài khi nhổ ra ngoài.
Cách thực hiện:
- Lấy 5g muối hòa với 250ml nước ấm
- Dùng nước này súc miệng khoảng 15 – 30 giây
- Súc miệng sâu trong cổ họng nhưng tránh nuốt
- Thực hiện 2 – 3 lần/ngày, kiên trì để thấy hiệu quả.
Lưu ý: Không ngậm nước muối trực tiếp hoặc dùng nước muối pha đặc để tránh làm mòn men răng.
Dùng mật ong
Sử dụng mật ong giúp xoa dịu vết loét nhiệt miệng, hỗ trợ giảm sưng viêm, chống nhiễm trùng. Mật ong cũng giúp kháng khuẩn, khiến vết nhiệt miệng bớt đau rát, khó chịu.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chấm một ít mật ong thoa lên vị trí vết loét, sau 10 – 15 phút thì súc lại miệng bằng nước ấm. Kiên trì thực hiện nhiều lần trong ngày để thấy hiệu quả.
- Cách 2: Lấy 1 ít mật ong trộn đều với tinh bột nghệ, thoa đều hỗn hợp lên vết loét nhiệt miệng, kiên trì thực hiện 2 – 3 lần/ngày để thấy hiệu quả.
Phương pháp khác
Một số phương pháp giúp giảm nhanh vết nhiệt miệng tại nhà có thể kể đến như:
- Dùng dầu dừa: Lấy một ít dầu dừa nguyên chất, ngậm súc trong miệng 2 – 3 lần/ngày, kiên trì nhiều ngày để thấy hiệu quả.
- Dùng bột sắn dây: Lấy 1 ít bột sắn dây pha với nước đun sôi để nguội, khuấy đều, mỗi ngày dùng từ 1 – 2 cốc bột sắn dây để làm mát cơ thể, hỗ trợ điều trị nhiệt miệng. Tuy nhiên, hạn chế dùng cho người tiêu hóa kém, phụ nữ mang thai hay bị động thai…
- Dùng thuốc ngậm Đông Y: Lấy xuyên tâm liên (công cộng, cây lá đắng, khổ đởm thảo… ) sắc đặc với nước để vừa ngậm vừa súc miệng, thực hiện vài lần trong ngày để thấy hiệu quả. Ngoài ra, có thể sử dụng 20g hoàng liên sắc lấy nước để ngậm hoặc dùng 50g mật ong sắc với 15g thanh diệp, dùng nước này ngậm súc miệng nhiều lần trong ngày.
2. Dùng thuốc trị nhiệt miệng
Khi bị nhiệt miệng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà, một trong những cách cải thiện nhiệt miệng nhanh nhất được nhiều người biết đến là sử dụng thuốc không kê toa. Các thuốc này thường là:
- Thuốc bôi lên vết loét nhiệt miệng như sachol-gel, acid hyaluronic
- Các thuốc giảm đau dạng gel bôi có chứa các axit và glycerin
- Một số thuốc bôi trị nhiệt miệng khác như Kamistad Gel N, Mouthpaste, Emofluor, Trinolone Oral Paste…
3. Thăm khám bác sĩ
Khi bị nhiệt miệng hay tái phát, thăm khám bác sĩ là điều bạn cần làm và không thể trì hoãn. Nhiệt miệng kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Chỉ sau khi thăm khám, xác định được nguyên nhân, các yếu tố có liên quan, bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
Thông thường, nếu tình trạng nhiệt miệng hay tái phát thì sẽ điều trị bằng những phương pháp như:
- Điều trị bằng thuốc: Các thuốc điều trị nhiệt miệng chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đúng cách, đúng bệnh. Các thuốc này có thể kể đến như Corticosteroid, thuốc kháng sinh, thuốc hỗn hợp (gồm trimethoprim, serathiopeptit, hoạt chất tạo màng ngăn và sulfamethoxazol), nước súc miệng kháng khuẩn…
- Điều trị bệnh lý: Nếu bạn bị nhiệt miệng thường xuyên do bệnh lý thì phải tiến hành điều trị bệnh lý. Mỗi căn bệnh sẽ có những phương pháp điều trị riêng biệt, chỉ khi điều trị dứt điểm thì bệnh nhiệt miệng của bạn mới không tái phát thường xuyên nữa.
- Phương pháp điều trị khác: Ngoài ra, tình trạng này có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thư giãn (nếu do căng thẳng, stress kéo dài), bổ sung vitamin khoáng chất nếu chế độ ăn thiếu hụt dưỡng chất, ăn chay…
Giải pháp điều trị nhiệt miệng lâu dài, ngừa tái phát
Các trường hợp thường xuyên bị nhiệt miệng, các vết loét nhiệt miệng lâu lành, hay tái phát nếu đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị mà không thấy hiệu quả thì có thể tham khảo một số giải pháp dưới đây:
1. Chữa nhiệt miệng theo Đông Y
Quan điểm điều trị nhiệt miệng của Đông Y là dưỡng âm, giải nhiệt, giảm viêm, giảm sưng đau và thanh nhiệt, lương huyết cho cơ thể. Tùy vào triệu chứng nhiệt miệng toàn thân của mỗi người mà áp dụng bài thuốc Đông Y hỗ trợ điều trị phù hợp. Các bài thuốc của y học cổ truyền chủ yếu nhằm thanh tâm hỏa, thanh vị nhiệt, tăng cường sức đề kháng…
Ưu điểm của thuốc Đông Y được đánh giá là an toàn, dễ sử dụng, thích hợp cho nhiều đối tượng. Thuốc Đông Y chủ yếu bồi bổ cơ thể, điều trị căn nguyên của bệnh, tác động đến các kinh phế trong cơ thể chứ không trị triệu chứng bên ngoài. Do đó, thuốc có thể điều trị dứt điểm, khiến bệnh không tái phát thường xuyên nữa. Tuy nhiên, nhược điểm của các phương pháp này chính là tác dụng, phải kiên trì trong thời gian dài. Đặc biệt, không được tự ý bốc thuốc, tăng giảm liều lượng khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
2. Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị, để tình trạng nhiệt miệng không tái phát thường xuyên, người bệnh cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và lối sống sao cho hợp lý. Tốt nhất nên:
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc, đúng giờ
- Nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao để cải thiện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng
- Thường xuyên chăm sóc răng miệng, đánh răng 2 lần/ngày, sử dụng sản phẩm chăm sóc răng miệng không chứa Sodium Lauryl Sulfate, chọn bàn chải lông mềm, chải răng cẩn thận…
- Thư giãn, nghỉ ngơi đúng cách, tránh mệt mỏi căng thẳng kéo dài, tránh các hành động cắn vào niêm mạc miệng để tránh làm tổn thương mô mềm
- Hạn chế uống rượu bia, thức uống có cồn, cà phê, thuốc lá, nước ngọt có gas…
3. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Nhiệt miệng thường xuyên tái phát cũng có thể xuất phát từ chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống. Do đó, để phòng ngừa nhiệt miệng, ngăn ngừa bệnh tái phát, người bệnh nên:
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đa dạng, ưu tiên ăn các thực phẩm mềm, chế biến ở dạng luộc hấp
- Tránh ăn nhiều các thực phẩm khô cứng, thức ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá chua, quá mặn hoặc quá nhiều đường
- Chú ý uống đủ 1.5 – 2 lít nước/ngày, tăng cường bổ sung các thực phẩm có tính mát để hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể…
Trên đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc thường xuyên bị nhiệt miệng là bị gì, do nguyên nhân nào gây ra. Tình trạng các vết loét thường xuyên xuất hiện không chỉ khiến người bệnh hay bị đau rát khó chịu ở miệng mà còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Do đó, khi gặp phải hiện tượng này, bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
- Nhiệt miệng mãn tính: Nguyên nhân và liệu pháp chữa trị
- Bà bầu bị nhiệt miệng: Nguyên do và cách xử lý, ngăn ngừa
- Trẻ bị nhiệt miệng nên làm gì? Các xử lý khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!