Nhiệt Miệng Uống Thuốc Gì Giúp Hồi Phục Nhanh Chóng?
Các triệu chứng nhiệt miệng tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống, khó chịu khi nói chuyện và nhiều hệ lụy khác trong cuộc sống. Vậy nhiệt miệng uống thuốc gì để khỏi bệnh nhanh chóng? Cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây nổi nhiệt miệng
Nhiệt miệng là căn bệnh cực kỳ phổ biến, bất kỳ ai cũng sẽ mắc phải ít nhất 1 lần trong đời, kể cả người lớn lẫn trẻ em. Tổn thương nhiệt miệng thực chất là một vết loét nhỏ, nông, xuất hiện tại các mô mềm bên trong má, lưỡi, môi hoặc nướu hay còn được gọi là loét áp tơ (aphthous ulcer).
Ban đầu, vết nhiệt miệng chỉ là các đốm trắng, dần dần sưng to lên, mọng nước và tự vỡ ra tạo thành vết loét. Trong quá trình ăn uống, nói chuyện khiến vết loét bị cọ xát gây ra đau nhức, rát xót, khó chịu triền miên. Thậm chí một số trường hợp còn gây mệt mỏi kéo dài, sốt cao và sưng hạch bạch huyết gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Hầu hết các trường hợp nhiệt miệng đều ở mức độ nhẹ, có thể tự thuyên giảm sau 1 – 2 tuần và không để lại bất kỳ dấu vết gì. Tuy nhiên, cũng có số ít trường hợp khác trong quá trình phát sinh vết loét nhiệt miệng gây viêm nhiễm nặng, lâu lành và kéo dài hơn 2 tuần cần chủ động thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, có 5 nguyên nhân chính gây ra nhiệt miệng gồm:
- Ăn uống không phù hợp: Thói quen thường xuyên ăn các món ăn cay, nóng, chua nhiều axit dẫn đến bỏng nhiệt và kích thích niêm mạc miệng tại chỗ. Từ đó, hình thành tổn thương, mụn nhọt, mưng mủ và tạo vết loét.
- Uống ít nước: Việc không bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày khiến cơ thể khô khan, cơ nhiệt tăng cao và hay nóng trong người. Tình trạng này được biểu hiện thông qua các dấu hiệu như khô môi, nước bọt ít, cô đặc và xuất hiện các vết viêm loét.
- Vệ sinh răng miệng kém: Chải răng mạnh quá mức, bàn chải lông cứng hoặc lạm dụng các loại kem đánh răng/ nước súc miệng có chứa hoạt chất sodium lauryl sulfate… là những thói quen xấu trong vệ sinh răng miệng vô tình gây ra nhiệt miệng hoặc tái phát nhiệt miệng thường xuyên.
- Thiếu hụt vitamin, khoáng chất: Nhiệt miệng được xem là một trong những dấu hiệu cảnh báo việc cơ thể thiếu hụt một số loại vitamin, khoáng chất. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể bị suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ viêm nhiễm và dễ phát sinh nhiệt miệng, viêm loét miệng… Các loại vitamin khoáng chất liên quan như B2, B6, B12, C, PP, acid folic, sắt, kẽm…
- Rối loạn nội tiết tố: Thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, sau khi sinh con, đến chu kỳ kinh nguyệt, bé gái đến tuổi dậy thì… Hiện tượng này khiến cơ thể thay đổi nội tiết tố đột ngột, dẫn đến việc thân nhiệt tăng giảm mất kiểm soát, khí âm tích tụ nhiều trong gan, thận gây nóng trong người. Hậu quả là hình thành các đốm mụt nhọt và lở loét tại các mô mềm, niêm mạc miệng.
- Nhiễm khuẩn, nấm, virus: Suy yếu miễn dịch khi mắc một số bệnh lý mãn tính hoặc tổn thương niêm mạc tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng phát triển mạnh, gây viêm nhiễm, lở loét, nấm miệng… Thường gặp nhất là virus herpes simplex, virus viracella zoster, vi khuẩn Hp…
- Các bệnh răng miệng: như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng, viêm quanh chân răng… cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiệt miệng.
- Một số nguyên nhân khác: Căng thẳng quá mức, mất ngủ, mắc các bệnh viêm đường ruột, viêm loét đại tràng, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn… cũng là những yếu tố có mối liên hệ đến chứng nhiệt miệng.
Bị nhiệt miệng uống thuốc gì nhanh khỏi?
Nhiệt miệng là bệnh lành tính có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết nhằm giảm thiểu mức độ khó chịu do bệnh gây ra cũng như kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, bác sĩ sẽ kê toa thuốc dựa theo từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là một số loại thuốc trị nhiệt miệng thường dùng nhất:
1. Thuốc chống viêm
Hầu hết các trường hợp bị nhiệt miệng đều được kê đơn sử dụng thuốc chống viêm để kiểm soát triệu chứng bệnh. Trong đó, 2 loại được sử dụng phổ biến nhất là Prednisone và Colchicine 0.6mg (thuốc trị gout) hoặc Cimetidine (thuốc dạ dày).
Công dụng:
- Sự kết hợp 2 loại thuốc này có tác dụng chống viêm mạnh, ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng…, ức chế sự lan rộng của tổn thương, vết loét nhiệt miệng.
- Đồng thời, nhóm thuốc này còn đem lại hiệu quả giảm đau hiệu quả và hỗ trợ vết loét phục hồi nhanh hơn.
2. Thuốc kháng sinh
Những trường hợp nhiệt miệng có yếu tố bội nhiễm cần được sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát và điều trị bệnh nhanh chóng. Loại kháng sinh được kê đơn nhiều nhất là:
- Thuốc Biseptol (Cotrimoxazol) có chứa 2 hoạt chất sulfamethoxazole và trimethoprim với các trường hợp nổi nhiệt miệng thông thường.
- Trường hợp vết loét do nhiệt miệng lớn, kéo dài và lâu lành cần kết hợp sử dụng thêm kháng sinh đặc hiệu cho các bệnh răng miệng là Metronidazol + Spiramycin.
- Sử dụng kháng sinh sẽ được kê đơn thêm một số loại thuốc hỗ trợ cải thiện chức năng gan chiết xuất thảo dược tự nhiên như boganic, trà hoa cúc, trà atiso… với công dụng thanh lọc, đào thải và làm mát gan, mật.
3. Thuốc kháng nấm
Nếu nhiệt miệng do nhiễm nấm sẽ phải dùng các loại thuốc kháng nấm để dứt điểm các triệu chứng bệnh. Một số thuốc kháng nấm thường dùng phổ biến như: Itraconazole, Fluconazol hoặc Nystatin. Các chuyên gia sẽ chỉ định dùng kết hợp với thuốc bôi trị nhiệt miệng để đem lại hiệu quả cao hơn.
4. Thuốc giảm đau, sưng viêm
Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh, chống viêm, nếu cần thiết bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc giảm đau hỗ trợ. Trong đó, các loại dùng nhiều nhất là thuốc giảm đau không kê toa như Paracetamol giảm đau, hạ sốt, Ibuprofen (Advil), Naproxen (Aleve) hoặc Acetaminophen (Tylenol)… nhằm cải thiện sự khó chịu do nhiệt miệng gây ra.
Ngoài thuốc uống, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh sử dụng kết hợp một số loại gel bôi hoặc thuốc xịt gây tê tại chỗ. Các loại thuốc này có tác dụng bao phủ lên vết loét nhiệt miệng, giảm bớt kích ứng và ngăn chặn sự tác động kích thích của các yếu tố bên ngoài. Điển hình như các sản phẩm có chứa thành phần benzocaine, lidocaine 2%, amlexanox, fluocinonide 0.05%, tramcilone,…
5. Thuốc corticoid
Rất ít các trường hợp bị nhiệt miệng mà phải sử dụng thuốc corticoid, chỉ riêng những trường hợp tổn thương nặng, viêm nhiễm nghiêm trọng và không đáp ứng với các loại thuốc thông thường. Thuốc chỉ được sử dụng theo toa của bác sĩ, tùy từng trường hợp được chỉ định dùng dạng thuốc khác nhau gồm viên nén, gel bôi, thuốc mỡ, dung dịch sát khuẩn. Phổ biến như Orabase, Oracortia, Mouthpaste, Clobetasol, Fluocinonide…
Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng nhóm thuốc Corticoid hoặc lạm dụng quá mức trong thời gian dài. Bởi thuốc này có tác dụng rất mạnh, chỉ dùng điều trị ngắn ngày. Việc lạm dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: viêm loét dạ dày, sụt cân, giòn xương, suy giảm miễn dịch…
6. Viên uống bổ sung
Nếu bị nhiệt miệng được chẩn đoán có liên quan đến việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng, chuyên gia sẽ tư vấn cho bạn cách bổ sung phù hợp. Thông thường, hầu hết những người thường xuyên tái phát nhiệt miệng cần bổ sung các loại viên uống vitamin B (B2, B3, B7), C, acid folic, viên sắt, kẽm… Hoặc tốt hơn có thể uống các loại viên vitamin tổng hợp để phục hồi sức khỏe, tăng sức đề kháng nhanh chóng, đẩy lùi triệu chứng viêm nhiễm và cải thiện nhiệt miệng.
Lưu ý cần biết khi dùng thuốc chữa nhiệt miệng
Việc dùng thuốc trị nhiệt miệng là điều cần thiết trong những trường hợp bệnh diễn tiến nhanh, khó kiểm soát và không thể tự thuyên giảm. Tuy nhiên, khi dùng thuốc người bệnh cần chú ý tuân thủ một số vấn đề sau để đạt hiệu quả tối ưu và giảm thiểu tác dụng phụ:
- Tuân thủ tuyệt đối liều dùng, cách dùng và thời gian dùng thuốc theo chỉ định. Tránh tự ý tăng giảm liều theo cảm tính hoặc lạm dụng thuốc Tây trong thời gian dài.
- Trong quá trình điều trị nhiệt miệng bằng thuốc, người bệnh cần kết hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ kết quả chữa trị cao hơn như:
- Chế độ ăn uống: Lên thực đơn ăn uống hàng ngày khoa học, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chua, cay, nóng, nhất là trong mùa hè nóng bức, thực phẩm chiên xào, nhiều đường, đậm vị, chất kích thích, đồ uống có cồn, có gas… Thay vào đó nên ăn các loại thực phẩm có tính mát, thanh lọc giải nhiệt cơ thể, uống nhiều nước.
- Thói quen sinh hoạt: Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn gây hại trong khoang miệng; Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên; Duy trì tâm lý ổn định, tránh stress, căng thẳng quá mức, nghỉ ngơi nhiều và vận động rèn luyện tăng cường thể chất nhằm nâng cao sức đề kháng chống lại các yếu tố gây viêm nhiễm, tái phát viêm loét nhiệt miệng.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 1 – 2 lần/ năm để tầm soát các vấn đề bất thường và có hướng điều trị kịp thời (nếu có).
Trên đây là những thông tin về các loại thuốc trị nhiệt miệng được sử dụng phổ biến nhất. Lưu ý các thông tin về thuốc trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Nếu có nhu cầu sử dụng để điều trị nhiệt miệng, trước tiên người bệnh cần thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và kê toa phù hợp với nguyên nhân, mức độ bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!