Nhiệt Miệng Lâu Ngày Không Khỏi Do Đâu? Khắc Phục Sao?

Bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi không chỉ khiến người bệnh hay đau rát, khó chịu mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và đặc biệt là việc ăn uống. Vết loét trên miệng lâu ngày không khỏi do nhiều nguyên nhân đa phần liên quan đến thói quen sinh hoạt, ăn uống hoặc có thể do một bệnh lý khác mà không phải nhiệt miệng gây ra. 

Nhiệt miệng bao lâu thì khỏi?

Nhiệt miệng là tình trạng viêm loét ở một số mô mềm bên trong miệng, thường là môi, nướu hoặc má trong. Ở giai đoạn đầu, các vết nhiệt miệng thường là một hoặc nhiều đốm trắng, mọng nước. Sau vài ngày, đốm trắng này bắt đầu vỡ ra, tạo thành vết loét, mang đến cảm giác đau rát, khó chịu nhiều cho người bệnh. Vết loét nhiệt miệng không kéo dài, có thể tự lành sau 7 – 10 ngày, nếu vết loét nhỏ thì không để lại sẹo.

Thông thường các vết loét nhiệt miệng sẽ biến mất sau 7 - 10 ngày
Thông thường các vết loét nhiệt miệng sẽ biến mất sau 7 – 10 ngày

Nhiệt miệng có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng, bao gồm cả trẻ em, người lớn lẫn người già. Bệnh không nguy hiểm, nếu được chăm sóc đúng cách sẽ rất nhanh được cải thiện. Với phụ nữ mang thai, người già hoặc người sức đề kháng kém, các vết loét nhiệt miệng có thể kéo dài từ 10 – 14 ngày, ít khi kéo dài lâu hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, các vết loét nhiệt miệng xuất hiện trên 2 tuần hoặc nhanh lành nhưng lại hay tái phát. Tình trạng này thường có liên quan đến nhiều yếu tố. Có thể do tác động từ thói quen ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc răng miệng hoặc có liên quan đến các rối loạn bên trong cơ thể. Đặc biệt, bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc bị nhiệt miệng hay tái phát rất có thể liên quan đến bệnh ung thư miệng hoặc một số bệnh lý khác trong cơ thể.

Bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi do đâu?

Như đã đề cập, tình trạng vết loét nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc thường xuyên tái phát thường có liên quan đến rất nhiều yếu tố, do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể kể đến như:

1. Do chế độ ăn uống thiếu khoa học 

Nhiệt miệng có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu bạn có một chế độ ăn uống thiếu khoa học, chưa hợp lý thì vết loét nhiệt miệng rất lâu lành, kéo dài lâu ngày không khỏi. Các thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến vết loét nhiệt miệng như:

  • Đồ cay nóng: Đồ cay nóng có chứa capsaicin, một hợp chất có thể gây ợ nóng, nóng trong, làm chậm quá trình tiêu hóa, gián tiếp khiến tình trạng nhiệt miệng kéo dài. Đặc biệt, tính cay nóng của loại đồ ăn này gây lở miệng, bỏng miệng, kích thích trực tiếp lên vết loét, làm chậm quá trình lành lại của vết loét. 
  • Đồ ăn khô cứng, chiên rán: Các thực phẩm chiên rán, khô cứng thường cứng, có góc cạnh, dễ tác động trực tiếp lên vết loét, nếu nghiêm trọng có thể gây chảy máu khiến vết loét khó lành và kéo dài. 
  • Các thực phẩm khác: Một số thực phẩm khác có thể khiến vết nhiệt miệng lâu ngày không khỏi có thể kể đến như cà phê, đồ uống có cồn, đồ chua, thức ăn nhiều đường, đồ ăn mặn chứa nhiều gia vị nhiều muối… 

2. Do thói quen chăm sóc răng miệng chưa phù hợp

Thói quen chăm sóc răng miệng cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp, khiến tình trạng viêm loét miệng kéo dài, lâu lành hơn. Một số thói quen chăm sóc răng miệng sai cách có thể kể đến như:

  • Dùng bàn chải lông cứng hoặc chải răng quá mạnh, không cẩn thận chạm đến vết loét trong miệng hoặc gây ra vết xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, phát triển khiến bệnh kéo dài
  • Do sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng có chứa Sodium Lauryl Sulfate khiến tình trạng nhiệt nhiệt kéo dài, lâu khỏi hoặc thường xuyên tái phát. 

3. Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi do thiếu hụt vitamin và khoáng chất 

Vết loét nhiệt miệng gây đau nhiều, kéo dài nhiều ngày không khỏi cũng có thể có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin, khoáng chất trong cơ thể. Nếu cơ thể thiếu hụt nghiêm trọng những vitamin, khoáng chất này, không chỉ khiến vết nhiệt miệng lâu lành mà còn kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác. Các chất này gồm:

  • Vitamin C: Dễ gây loét miệng, da khô xỉn màu, dễ bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm họng, sốt… 
  • Vitamin B12: Thường gây ra các triệu chứng như hay bị loét miệng lưỡi, cảm giác rát bỏng ở lưỡi, bị nhiệt miệng kéo dài, thường xuyên xuất hiện. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như suy giảm trí nhớ, da vàng, mắt vàng, người mệt mỏi uể oải… 
  • Vitamin B2: Thiếu vitamin rất hiếm gặp, khi bị thiếu vitamin B2, cơ thể thường có các dấu hiệu bất thường như môi sưng nứt nẻ, có vết loét ở khóe miệng, rụng tóc, thiếu máu, mắt đỏ ngứa, cổ họng đau, đục thủy tinh thể…
  • Vitamin B3: Người bị thiếu vitamin B3 thường có các dấu hiệu như lưỡi sưng, miệng có cảm giác bỏng rát, có vết loét ở miệng, lưỡi, hay buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi, hay mất ngủ, suy giảm trí nhớ… 
  • Sắt: Người bị thiếu sắt thường có các triệu nứt khóe miệng, loét miệng, lưỡi sưng viêm, khô miệng, đau cơ lưỡi, người mệt mỏi, uể oải, chân bồn chồn không yên, khó ngủ vào ban đêm, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, thở hơi gấp… 
Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi có thể do thiếu hụt vitamin, khoáng chất
Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi có thể do thiếu hụt vitamin, khoáng chất

4. Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi do điều trị sai cách

Tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi cũng thường liên quan đến việc điều trị sai cách. Trong một số trường hợp, nhiều người vì muốn nhanh chóng hết bị nhiệt miệng mà áp dụng các cách điều trị chưa phù hợp. Thường gặp là việc sử dụng thuốc điều trị không theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, không đúng liều lượng gây ra tác dụng phụ khiến bệnh nghiêm trọng, lâu lành hơn. 

Ngoài ra, còn có thể xuất phát từ việc tự ý sử dụng các thuốc điều trị, đặc biệt là kháng sinh không theo đơn của bác sĩ. Do phương pháp điều trị chưa đúng với nguyên nhân bệnh. Vì vậy, khi bị nhiệt miệng, nếu bên cạnh việc điều chỉnh lối sống, thói quen chăm sóc răng miệng, chế độ ăn uống thì còn cần phải có biện pháp điều trị phù hợp thì bệnh mới có thể nhanh lành được. 

5. Do không điều trị bệnh lý 

Nhiệt miệng lâu lành, hay tái phát có thể có liên quan đến các bệnh lý trong cơ thể. Những bệnh lý này nếu không được điều trị thì vết loét nhiệt miệng sẽ thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các bệnh lý này thường là:

  • Bệnh lý về răng miệng: Một số bệnh lý về răng miệng thường gặp có thể kể đến như viêm nha chu, sâu răng, viêm nướu răng
  • Các bệnh lý khác như: Bệnh về dạ dày, bệnh viêm đường ruột, bệnh về hệ miễn dịch… 

6. Do không phải bị nhiệt miệng 

Vết loét nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần rất có thể không phải do bệnh nhiệt miệng mà là dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi, ung thư miệng. Khi bị ung thư lưỡi, vết loét có tổn thương đỏ xen lẫn vàng, trắng nằm trên u sùi, có khi có màu đen do hoại tử. Vết loét có thể đau hoặc không, có mùi hôi khó chịu, hay gây chảy máu. Vết loét do ung thư lưỡi có thể kéo dài nhiều tháng, có khi lành lại rồi lại tái phát ở cùng một vị trí. Ngoài ra, còn kèm theo các triệu chứng khác như nổi hạch, sốt kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, khó khăn khi cử động lưỡi, khó nhai nuốt… 

Cần làm gì khi bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi?

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu bạn gặp phải tình trạng này thì cần: 

 1. Hiểu đúng nguyên nhân nhiệt miệng 

Nhiều người thường cho rằng nhiệt miệng xảy ra là do có liên quan đến tình trạng cơ thể nóng trong hoặc do ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ. Do đó, lúc này chúng ta thường chỉ chú trọng bổ sung các thực phẩm có tính mát để thanh nhiệt, làm mát gan. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu hiện đại, nhiệt miệng do nhiều yếu tố gây ra, thường là do rối loạn nội tiết tố, lo âu căng thẳng, di truyền, suy giảm miễn dịch, do chấn thương, bệnh lý…

Vì vậy trước hết, chúng ta cần xác định được nguyên nhân gây nhiệt miệng của mình. Khi đã xác định được nguyên nhân và các yếu tố liên quan thì tiến hành điều trị và loại bỏ các yếu tố ấy. Như vậy sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng nhiệt miệng. Nếu chỉ ăn uống đồ mát, không thay đổi các yếu tố khác thì bệnh sẽ kéo dài và dễ tái phát hơn. 

2. Thăm khám bác sĩ 

Khi vết loét nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần không khỏi thì việc thăm khám bác sĩ là điều cần thiết. Đôi khi vết loét nhiệt miệng kéo dài không khỏi không phải là do bạn chăm sóc răng miệng không đúng cách, chế độ ăn uống không hợp lý mà là do một bệnh lý nào đó trong cơ thể. Qua quá trình thăm khám, chẩn đoán, các bác sĩ sẽ xác định chính xác vấn đề mà bạn đang gặp phải, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Cần thăm khám bám sĩ nếu vết loét nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần hoặc gây đau rát nghiêm trọng
Cần thăm khám bám sĩ nếu vết loét nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần hoặc gây đau rát nghiêm trọng

3. Áp dụng các biện pháp cải thiện hỗ trợ 

Song song với việc thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp khắc phục như:

Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng

Nên thường xuyên chải răng, làm sạch răng miệng, kết hợp chải răng bằng kem đánh răng với việc dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng. Cần chọn các loại bàn chải lông mềm, các sản phẩm chăm sóc răng miệng phù hợp, không chứa Sodium Lauryl Sulfate. 

Thay đổi chế độ dinh dưỡng 

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, cân đối không chỉ giúp vết loét nhiệt miệng nhanh lành mà còn giúp nâng cao sức đề kháng. Bạn cần nắm được khi bị nhiệt miệng nên ăn gì kiêng gì và điều chỉnh chế độ ăn theo hướng sau đây:

  • Đa dạng các nhóm thực phẩm, tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu chất xơ để nâng cao sức khỏe
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm có tính mát, các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B12, vitamin B2, B3, sắt, acid folic… 
  • Hạn chế ăn những thực phẩm như đồ ăn khô cứng, cay nóng, đồ chua, thức ăn mặn, đồ ăn có nhiều đường… 
  • Nên chế biến thực phẩm ở dạng mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế việc chiên xào, thay vào đó nên tăng cường chế biến bằng cách hấp luộc, nấu cháo, súp để tránh gây kích thích cho vết loét. 

Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt 

Bên cạnh chế độ ăn, người bệnh cũng nên điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt của mình. Cụ thể:

  • Nên ngủ đủ giấc, đúng giờ, hạn chế thức khuya, hạn chế suy nghĩ nhiều để tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài
  • Xây dựng lối sống khoa học, nên tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao để tăng cường, nâng cao sức khỏe
  • Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích để không làm suy giảm miễn dịch, khiến vết loét nhiệt miệng lâu lành hơn.

Có thể thấy, tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là khi người bệnh không hiểu rõ các yếu tố gây nhiệt miệng, chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiệt miệng kéo dài, sau 2 tuần mà không thấy khỏi, bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. 

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Nhiệt miệng mãn tính là tình trạng vết loét nhiệt miệng xuất hiện thường xuyên, nhiều lần trong năm Nhiệt Miệng Mãn Tính: Nguyên Nhân và Liệu Pháp Chữa Trị
Nhiệt miệng mãn tính là tình trạng các vết loét nhiệt miệng hay tái phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người…
chữa nhiệt miệng bằng C sủi Uống C Sủi Chữa Nhiệt Miệng Có Hiệu Quả Như Lời Đồn?

Uống C sủi chữa nhiệt miệng là một trong những cách chữa được nhiều người áp dụng. Viên uống C…

Chữa nhiệt miệng bằng bột sắn dây chỉ có tác dụng với một số trường hợp nhất định Chữa Nhiệt Miệng Bằng Bột Sắn Dây Có Hiệu Quả Thế Nào?

Chữa nhiệt miệng bằng sắn dây là cách điều trị được nhiều người biết đến và áp dụng do sắn…

Bị nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh Nhiệt Miệng Tái Đi Tái Lại: Nguyên Do và Cách Chữa Tận Gốc

Nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần không chỉ gây đau rát, khó chịu mà còn ảnh hưởng trực…

Nhiệt miệng uống vitamin gì là thắc mắc chung của nhiều người Nhiệt Miệng Nên Uống Vitamin Gì Giúp Cải Thiện Bệnh?

Thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất cũng là một yếu tố thúc đẩy sự xuất hiện của các…

Trái cây tốt cho người bị nhiệt miệng Bị Nhiệt Miệng Nên Ăn Trái Cây Gì Để Mau Chóng Hồi Phục?

Bị nhiệt miệng nên ăn trái cây gì để mau khỏi? là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua