Nhiệt Miệng Mãn Tính: Nguyên Nhân và Liệu Pháp Chữa Trị
Nhiệt miệng mãn tính là tình trạng các vết loét nhiệt miệng hay tái phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có rất nhiều yếu tố khiến bệnh lâu lành, dễ tái phát đa phần có liên quan đến các vấn đề tiềm ẩn nhất là các bệnh lý trong cơ thể, không được phát hiện và điều trị dứt điểm.
Nhiệt miệng mãn tính là gì?
Nhiệt miệng có tên khoa học là aphthous ulcer, là tình trạng mô mềm trong miệng, còn gọi là niêm mạc miệng, bao gồm môi, trong má, dưới lưỡi… xuất hiện các đốm trắng. Sau vài ngày, các đốm trắng này vỡ ra, tạo nên vết loét nông có hình oval hoặc hình tròn, dạng lòng chảo, ở giữa màu trắng hoặc vàng, viền xung quanh màu đỏ, bờ rõ ràng. Nhiệt miệng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi giới tính, vết loét nhiệt miệng có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần sau khi xuất hiện.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các vết loét nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, nhưng sau khi khỏi thì hay tái phát. Một số trường hợp vết loét nhanh lành, chỉ sau 5 – 7 ngày thì biến mất, nhưng sau đó lại tái xuất hiện, có thể xảy ra 4 – 5 lần/năm thậm chí nhiều hơn. Những trường hợp này được gọi chung là nhiệt miệng mãn tính, hay còn gọi là nhiệt miệng kinh niên. Nhiệt miệng kinh niên tức là tình trạng nhiệt miệng xảy ra nhiều lần trong năm, kéo dài trong nhiều năm liền.
Thông thường, người bình thường có thể bị nhiệt miệng 2 – 3 lần/năm, hiếm khi bị nhiệt miệng thêm lần thứ 4, thứ 5. Tuy nhiên, người bị nhiệt miệng mãn tính thì các vết loét nhiệt miệng thường xuất hiện liên tục. Đặc trưng của nhiệt miệng mãn tính chính là số lần xuất hiện có thể lên đến 1 – 2 lần/tháng hoặc cũng có những trường hợp vết loét xuất hiện theo tháng nhưng lâu lành, có thể kéo dài đến vài tuần.
Nhiệt miệng mãn tính là căn bệnh xảy ra quanh năm, đa phần các vết loét nhanh khỏi, không để lại sẹo, chỉ có khoảng 1 – 2 vết loét mỗi đợi. Thế nhưng, chúng lại rất dễ tái nhiễm, không rõ nguyên nhân. Nhiệt miệng mãn tính thường xuyên xảy ra khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng mãn tính
Thực tế, đến nay người ta vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra nhiệt miệng là gì. Theo các nghiên cứu khoa học, nhiệt miệng thường liên quan đến các yếu tố như di truyền, thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc có liên quan đến một bệnh lý nào đó trong cơ thể. Do đó, chúng ta không thể xác định được chính xác nguyên nhân gây nhiệt miệng mãn tính là gì. Tuy nhiên, tình trạng này thường có liên quan đến các yếu tố như:
1. Stress, mệt mỏi kéo dài
Một trong những yếu tố hàng đầu, thường gặp ở những người hay bị nhiệt miệng là tình trạng stress kéo dài. Stress là trạng thái mà hệ thần kinh chúng ta bị căng thẳng, đa phần do áp lực từ công việc, thi cử, học tập… Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, hệ tiêu hóa hoạt động kém, suy giảm hệ miễn dịch. Một người bị căng thẳng, mệt mỏi kéo dài sẽ rất dễ bị nhiệt miệng mãn tính.
2. Do các yếu tố bên trong cơ thể
Nội tiết tố, hệ miễn dịch thay đổi, suy giảm cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng nhiệt miệng kéo dài. Cụ thể là:
- Rối loạn nội tiết tố: Có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai hoặc một số chị em khi đến kỳ kinh nguyệt. Trước – trong và sau chu kỳ, cơ thể chúng ta có nhiều thay đổi về nội tiết tố, một số lý giải cho rằng khi khí âm tích tụ trong gan thận sẽ gây ra tình trạng nóng trong, từ đó khiến các vết loét xuất hiện ở mô mềm trong miệng.
- Do hệ miễn dịch suy giảm: Suy giảm hệ miễn dịch hoặc hệ miễn dịch yếu thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng, do di truyền hoặc có liên quan đến một số bệnh lý nào đó trong cơ thể. Hệ miễn dịch yếu khiến vi khuẩn, virus phát triển mạnh mẽ, có cơ hội xâm nhập, thường xuyên trú ngụ ở niêm mạc miệng. Ở người có hệ miễn dịch suy yếu thì vết loét nhiệt miệng hay tái đi tái lại nhiều lần, lòng vết loét sâu và lâu lành hơn.
3. Do chức năng gan suy giảm
Tình trạng nhiệt miệng hay tái phát, nhiệt miệng mãn tính cũng rất có thể xuất phát từ tình trạng suy giảm chức năng gan. Suy giảm chức năng gan chính là khả năng đào thải độc tố ra ngoài cơ thể của gan hoạt động không tốt. Điều này dẫn đến sự tích tụ độc tố trong cơ thể, gây nóng trong và một số vấn đề về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, hơi thở có mùi, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, vàng mắt, vàng da, loét miệng…
4. Nhiệt miệng mãn tính do bệnh lý
Nhiệt miệng, đặc biệt là nhiệt miệng mãn tính rất có thể xảy ra do các bệnh lý trong cơ thể kéo dài, không được điều trị dứt điểm. Các bệnh này thường là:
- Bệnh lý về răng miệng: Đa số là các bệnh như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng… Xảy ra do phản ứng kháng nguyên – kháng thể của cơ thể. Các bệnh lý về răng miệng là những bệnh xảy ra do vi khuẩn tấn công gây bệnh, khiến cơ thể tạo nên các kháng thể nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Phản ứng kháng nguyên – kháng thể xảy ra có thể dẫn đến sự xuất hiện thường xuyên của các vết loét ở niêm mạc miệng…
- Bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác được cho là có liên quan đến nhiệt miệng mãn tính là bệnh đường ruột (Hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng), bệnh tự miễn (bệnh Behcet, Lupus ban đỏ), HIV/AIDS… Các bệnh này khiến hệ miễn dịch suy giảm, làm xuất hiện nhiều tổn thương ở khắp nơi trên cơ thể, bao gồm cả các vết loét nhiệt miệng.
5. Yếu tố khác
Vết loét nhiệt miệng kéo dài lâu ngày không khỏi hoặc nhanh lành nhưng hay tái phát cũng có thể liên quan đến những yếu tố khác như:
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Chủ yếu là do thiếu hụt vitamin B12, vitamin C, vitamin B2, B3, sắt, kẽm, acid folic… Tình trạng này hay xảy ra ở người có chế độ ăn uống thiếu cân đối, ăn chay hoặc mắc một bệnh lý nào đó như bệnh ruột non, bệnh dạ dày…
- Do thói quen chăm sóc răng miệng chưa đúng cách, đa phần là do việc sử dụng bàn chải lông cứng, động tác chải răng mạnh, sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng có chứa Sodium Lauryl Sulfate… Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng thành phần Sodium Lauryl Sulfate có mối quan hệ với tỷ lệ mắc nhiệt miệng, hiệu ứng biến tính của chất này trên lớp niêm mạc miệng có khả năng làm gia tăng nhiệt miệng…
- Do tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng một thuốc điều trị trong thời gian dài cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, làm bệnh nhiệt miệng kéo dài hoặc hay tái phát.
- Do đường ruột không dung nạp Gluten: Không dung nạp Gluten là tình trạng xảy ra ở những người mắc bệnh Celiac, một bệnh miễn dịch di truyền ở người đặc trưng bởi các triệu chứng tiêu chảy, kém hấp thu, hay khó chịu ở bụng.
Nhiệt miệng mãn tính có nguy hiểm không?
Nhiệt miệng mãn tính là bệnh không quá nguy hiểm, các vết loét nhiệt miệng có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần hoặc lâu hơn. Đa phần là các vết loét nhỏ, không để lại sẹo, không gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Thế nhưng, nhiệt miệng mãn tính lại là bệnh hay tái phát, xuất hiện thường xuyên khiến người bệnh gặp nhau đau đớn, khó chịu khi nói chuyện, ăn uống.
Các ảnh hưởng của nhiệt miệng mãn tính có thể kể đến như:
- Khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống. Gây ra tình trạng ăn uống không ngon miệng, không muốn ăn, ăn không được nhiều. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, gây thiếu hụt năng lượng, thiếu hụt dưỡng chất, người suy nhược, mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, dễ mắc bệnh lý…
- Vết loét nhiệt miệng khiến người bệnh hay bị đau rát khi nói chuyện, ảnh hưởng đến chất lượng công việc lẫn đời sống tinh thần. Lâu ngày khiến người bệnh mệt mỏi, tính khí thay đổi, hay cáu gắt, khó chịu…
Nhiệt miệng mãn tính không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân của căn bệnh này, do đó, vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào dành riêng cho tình trạng nhiệt miệng.
Đặc biệt, tình trạng các vết loét nhiệt miệng thường xuyên xuất hiện hoặc lâu ngày không khỏi rất có thể có liên quan đến các bệnh lý như ung thư miệng, ung thư lưỡi… Ung thư miệng là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến, thường gặp ở người trên 45 tuổi. Thường có các triệu chứng như có vết loét hoặc nụ sùi hoặc vừa sùi vừa loét ở khoang miệng. Các vết loét này dễ chảy máu, không có ranh giới rõ ràng, thường kéo dài không thuyên giảm…
Trong khi đó, nếu bị ung thư lưỡi, người bệnh có thể gặp phải các vết loét có vùng tổn thương màu trắng vàng xen lẫn đen, có khi là màu đen do hoại tử. Vết loét do ung thư lưỡi thường kéo dài nhiều tháng hoặc có thể lành sau một thời gian nhưng lại xuất hiện ở ngay vị trí mà bạn đã bị loét trước đó.
Cách điều trị nhiệt miệng kinh niên
Như đã đề cập, nhiệt miệng mãn tính có thể liên quan đến nhiều yếu tố, người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này là gì. Vì vậy, việc điều trị nhiệt miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng và cải thiện bằng cách loại bỏ yếu tố nguy cơ, thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng, lối sống, thói quen sinh hoạt. Một số cách điều trị nhiệt miệng mãn tính có thể kể đến như:
1. Điều trị bằng Tây y
Khi bị nhiệt miệng mãn tính, chúng ta không nên tự ý điều trị tại nhà. Nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám bác sĩ nhằm được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Tùy theo yếu tố liên quan và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, nhiệt miệng sẽ được điều trị bằng:
- Thuốc bao phủ bề mặt vết loét: Được bào chế ở dạng thuốc mỡ hoặc gel bôi, có tác dụng làm dịu vết loét, giảm đau rát và thúc đẩy quá trình làm lành của vùng niêm mạc bị tổn thương. Khi sử dụng thuốc, cần tuân theo đúng chỉ định, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều lượng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc Corticosteroid: Được chỉ định trong những trường hợp vết loét nghiêm trọng, người bệnh không đáp ứng với các loại thuốc kháng. Những loại thuốc này được bào chế ở dạng gel bôi hoặc viên thuốc mỡ, thoa trực tiếp lên vị trí tổn thương, thường là Oracortia, Fluocinonide, Orabase, Mouthpaste… Cần được dùng theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ vì tác dụng phụ nhiều.
- Nước súc miệng sát khuẩn: Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh sẽ được chỉ định thêm một số dung dịch nước súc miệng sát khuẩn phù hợp. Có tác dụng làm giảm vi khuẩn, làm sạch khoang miệng và vết thương.
- Thuốc kháng sinh: Nếu nhiệt miệng được xác định do vi khuẩn hoặc vi nấm thì bác sĩ sẽ chỉ định việc sử dụng các kháng sinh như biseptol, metronidazol (cho người trưởng thành), spiramycin, kháng sinh diệt vi khuẩn amoxycilin…
- Thuốc hỗn hợp: Gồm hỗn hợp 4 loại thuốc là serathiopeptit, trimethoprim, sulfamethoxazol và hoạt chất tạo màng ngăn. Thuốc này có dạng bột, khi vào miệng sẽ tạo lớp màng bảo vệ, giúp giảm đau, hỗ trợ làm lành vết loét, kháng khuẩn và ngăn chặn tình trạng bệnh hay tái phát. Đây là phương pháp chữa trị mới, được áp dụng phổ biến trong điều trị nhiệt miệng mãn tính hay tái phát.
Ngoài ra, nếu tình trạng nhiệt miệng có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin, khoáng chất thì sẽ chỉ định bổ sung kẽm, sắt, vitamin (nếu cần). Nếu có liên quan đến bệnh lý thì tiến hành điều trị bệnh lý để ngăn ngừa tình trạng vết loét nhiệt miệng lâu lành, hay tái phát.
2. Điều trị hỗ trợ tại nhà
Bên cạnh việc chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu không thấy hiệu quả, chuyển biến sau một thời gian dài áp dụng thì nên trao đổi với bác sĩ để thay đổi phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc áp dụng các biện pháp cải thiện nhiệt miệng tại nhà như:
- Dùng cỏ mực: Cỏ mực còn gọi là cỏ nhọ nồi, thường được dân gian sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiệt miệng. Bạn có thể lấy 1 nắm lá cỏ mực non rửa sạch với nước muối, thêm vài hạt muối cho vào cối giã hoặc xay nhuyễn. Dùng nước này ngậm súc miệng 1 – 2 lần/ngày nhằm cải thiện nhiệt miệng.
- Dùng diếp cá: Lấy 1 nắm lá diếp cá tươi, rửa sạch với nước muối pha loãng, để ráo nước, xay hoặc giã nhuyễn, lọc lấy nước cốt, dùng nước này uống hết trong ngày, thực hiện đều đặn mỗi ngày để cải thiện nhiệt miệng. Không lạm dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Dùng mật ong: Bạn có thể vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy một ít mật ong trộn với tinh bột nghệ, dùng tăm bông sạch chấm hỗn hợp này thoa lên vết nhiệt miệng. Sau 10 – 15 phút thì súc lại miệng với nước sạch, kiên trì thực hiện 2 – 3 lần/ngày để thấy cải thiện.
3. Chữa nhiệt miệng bằng phương pháp Đông Y
Nếu tình trạng nhiệt miệng hay tái phát, sau khi áp dụng nhiều phương pháp điều trị mà không thấy hiệu quả, bạn có thể tham khảo cách chữa nhiệt miệng bằng Đông Y. Trong Đông Y, nhiệt miệng còn gọi là chứng vị hỏa, xảy ra do cơ thể tích tụ nhiệt độc hoặc do ngoại tà hóa nhiệt (vi khuẩn xâm nhập làm vị khí nhiệt). Phương pháp điều trị nhiệt miệng trong Đông Y chủ yếu tập trung chống viêm, dưỡng âm, giải nhiệt và làm mát cơ thể.
Hiện nay, Đông Y có rất nhiều bài thuốc chữa nhiệt miệng, tùy vào triệu chứng đặc trưng, thể nhiệt miệng mà có bài thuốc điều trị phù hợp. Có thể kể đến như:
Bài thuốc cho thể tâm hỏa thịnh
Đặc trưng với các triệu chứng loét miệng, khó ngủ, trằn trọc, tim hồi hộp, người yếu mệt, táo bón, nước tiểu đỏ…
- Bài thuốc 1: Hoàng liên, cát căn, hoàng cầm mỗi vị 12g, dạ cẩm thảo 10g, cho vào ấm chuyên dụng, sắc với nước, uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần uống, uống hết trong ngày nhằm thanh tâm hỏa.
- Bài thuốc 2: Cỏ mực, rau má, lá vông, mạch môn, cam thảo đất, tang diệp mỗi vị 20g; lá tre, sa sâm, đương quy, mẫu lệ mỗi vị 16g; ngân hoa, liên kiều, mơ muối, tri mẫu mỗi vị 12g. Cho vào ấm chuyên dụng, sắc với nước, chia làm 3 lần uống, uống ngày 1 thang, một liệu trình kéo dài 5 – 7 ngày thì ngưng.
Bài thuốc cho người nhiệt miệng nóng trong
Bên cạnh tình trạng các vết nhiệt miệng thường xuyên xuất hiện, gây đau đớn, khó chịu người bệnh còn có các triệu chứng như khô họng, người nóng, hơi thở nóng, đau đầu, hay táo bón, nước tiểu đỏ, trằn trọc, khó ngủ…
- Bài thuốc 1: Cỏ mực, đinh lăng, rau má, sài đất, bồng công anh mỗi vị 20g; liên kiều, chi tử, thục địa, hoàng cầm, đương quy mỗi vị 12g; tang diệp, mướp đắng, cam thảo đất mỗi vị 16g. Cho các nguyên liệu vào ấm chuyên dụng, sắc với nước, chia làm 3 lần uống, dùng ngày 1 thang nhằm chống viêm, dưỡng âm, thanh vị nhiệt.
- Bài thuốc 2: 20g cỏ mực; bạch mao căn, mạch môn, cát căn, lá tre mỗi vị 16g; sa sâm, ngưu tất, ngân hoa, sinh địa, mẫu lệ mỗi vị 12g; hoàng bá, tri mẫu, trần bì, huyền sâm mỗi vị 10g. Cho vào ấm chuyên dụng, sắc với nước uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống, một liệu trình chỉ kéo dài từ 5 – 7 ngày thì ngưng. Bài thuốc này có tác dụng tăng cường sức đề kháng, thanh nhiệt, chống viêm…
Các bài thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định của thầy thuốc, bác sĩ y học cổ truyền, tuyệt đối không tự ý cắt thuốc và sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng
Để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa nhiệt miệng tái phát, người bệnh bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần có biện pháp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa phù hợp. Có thể kể đến như:
- Thay đổi thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng, nên đánh răng 2 lần/ngày, kết hợp làm sạch răng miệng bằng các sản phẩm như chỉ nha khoa, nước súc miệng.
- Nên sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm, loại bỏ các sản phẩm chăm sóc răng miệng có chứa Sodium Lauryl Sulfate mà bạn đang sử dụng. Khi chải răng, cần chải cẩn thận các mặt nhai, hạn chế sử dụng các chất tẩy trắng răng, hạn chế chải răng quá mạnh.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp, nên đa dạng các nhóm dưỡng chất cho cơ thể. Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt cá, sữa và cá chế phẩm từ sữa.
- Nên bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin C, sắt và kẽm cho cơ thể để phòng ngừa và cải thiện tình trạng thiếu hụt các nhóm dưỡng chất này.
- Người thường xuyên bị nhiệt miệng cần uống đủ 8 cốc nước, tương đương với 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế ăn nhiều các thực phẩm khô cứng, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, các thực phẩm quá chua, quá mặn…
- Xây dựng lối sống khoa học, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, tránh thức khuya. Nên giữ cho tinh thần thư giãn, thoải mái, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường, nâng cao sức khỏe.
Có thể thấy, nhiệt miệng mãn tính mặc dù không nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều vấn đề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi bị nhiệt miệng kéo dài hay tái phát, tốt nhất bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!