Mạch Đập Nhanh Là Bệnh Gì? Nguyên nhân và Cách xử lý
Mạch đập nhanh bất thường gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người có mạch đập nhanh hay bị đau thắt ngực, đau đầu, choáng váng, khó thở, hồi hộp, lo âu, căng thẳng, đánh trống ngực, nhiều trường hợp còn bị ngất do mạch nhanh. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý.
Mạch đập nhanh là gì?
Mạch là nhịp đập của động mạch, còn được gọi là tần số mạch (cũng thường được gọi là tần số tim). Mạch được bắt ở cổ tay, trong khi đó, nhịp tim được nghe ở tim hoặc thường được biểu hiện trong điện tâm đồ. Nhịp đập của mạch và nhịp đập của tim thường bằng nhau, ở người bình thường, mạch thường đập từ 60 – 80 lần/phút, ở người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì khi nghỉ ngơi, tần số mạch là 60 – 100 lần/phút.
Đối với những người đột ngột xúc động, lo lắng, giận dữ, bị sốt hay hoạt động gắng sức, nhịp đập của mạch, nhịp tim cũng sẽ tăng lên bất thường, tuy nhiên, khi nghỉ ngơi, ổn định cảm xúc thì tần số mạch sẽ nhanh chóng trở về mức bình thường. Khi tần số mạch ở mức cao hơn 100 lần/phút thì được gọi là mạch đập nhanh. Nếu tần số mạch chỉ xấp xỉ 100 lần/phút thì mạch cũng được xếp vào loại mạch nhanh nhưng không được đánh giá là nguy hiểm, không cần phải quá lo lắng.
Trường hợp mạch đập trên 100 lần/phút, cường độ mạnh nhẹ khác nhau, mạch đập không đều… chứng tỏ bạn đang gặp hiện tượng mạch đập nhanh, có liên quan đến một nguyên nhân hay một bệnh lý nào đó. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Mạch đập nhanh thường là biểu hiện của bệnh lý, nếu không nhanh chóng can thiệp có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân khiến mạch đập nhanh tạm thời
Mạch đập là do sóng rung động phát sinh ở động mạch chủ, được nhận biết khi tim ở thì tâm thu. Ở những vị trí có động mạch nằm dưới lớp da và trên xương, khi đặt ngón tay lên vị trí đó, ấn nhẹ vào động mạch sẽ cảm nhận được mạch đập. Tần số mạch tương đương với tần số co bóp của tim, ở những người khác nhau, tần số mạch cũng thường có sự khác nhau nhất định. Tần số mạch ở trẻ 1 tuổi là từ 100 – 150, ở trẻ em 5 – 6 tuổi là 90 – 100, ở người lớn là 70 – 80 và ở người già là 60 – 70.
Mạch đập nhanh là hiện tượng tần số tim mạch ở người trưởng thành trên 90 hoặc 100 chu kỳ/phút. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, có thể kể đến như:
1. Do xúc động mạnh, căng thẳng, giận dữ
Xúc động mạch, căng thẳng, giận dữ gây ra rất nhiều tổn thương cho cơ thể. Những cảm xúc này khiến cơ thể giải phóng cortisol, hormone có liên quan đến nhiều chức năng trong cơ thể, dễ khiến tim đập nhanh, tức ngực, khó thở, căng thẳng vùng ngực, mạch đập nhanh, thở nhanh, vã mồ hôi. Các triệu chứng này thường thoáng qua ở người bình thường nhưng tương đối nghiêm trọng ở những người tâm lý yếu, suy nhược cơ thể, rối loạn thần kinh thực vật, suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu, bệnh lý tim mạch…
2. Tác dụng phụ của thuốc, chất kích thích
Có rất nhiều trường hợp mạch đập nhanh do có liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc như thuốc giảm cân, thuốc cảm cúm, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị hen suyễn, thuốc ho, thuốc làm thông mũi… Một số loại thuốc này thường gây ra nhiều tác dụng phụ, bao gồm cả hiện tượng mạch đập nhanh, cần thận trọng khi sử dụng. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng một số loại thuốc bổ thì cũng có thể gây tăng nhịp tim khiến tần số mạch tăng nhanh đột ngột.
Không chỉ thuốc mới có thể khiến tim đập nhanh mà việc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, rượu bia… cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên gặp phải hiện tượng này. Trong trà, cà phê chứa nhiều caffeine, có thể làm tim đập nhanh, đánh trống ngực, tần số mạch nhanh. Việc lạm dụng chất kích thích, sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tim mạch của bạn.
3. Mạch đập nhanh do các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân đã đề cập, hiện tượng mạch đập nhanh mà bạn gặp phải có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn quá no, ăn uống không đều độ, thường xuyên sử dụng các thực phẩm thiếu lành mạnh hoặc sử dụng phải loại thực phẩm gây dị ứng khiến mạch đập nhanh bất thường
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, phụ nữ tới ngày hành kinh hoặc phụ nữ tiền mãn kinh cũng có thể làm ảnh hưởng đến tần số tim mạch.
- Vận động gắng sức, tập luyện quá mức như leo núi, chạy bộ, mang vác vật nặng…
- Mạch đập nhanh cũng có thể xảy ra ở người bị sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh Basedow, bệnh tim mạch…
Mạch đập nhanh là bệnh gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng mạch đập nhanh. Tình trạng này xảy ra thường xuyên đa phần có liên quan đến tác dụng phụ của thuốc, do người suy nhược cơ thể thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, giận dữ, không kìm chế được cảm xúc hoặc do vận động quá sức… Tuy nhiên, với những trường hợp này, chỉ cần tìm ra nguyên nhân, loại bỏ các yếu tố liên quan, nghỉ ngơi là mạch sẽ ổn định trở lại.
Với những người mạch đập nhanh thường xuyên, mạch đập mạnh nhẹ không đều, cường độ mạch bất thường kèm theo nhiều triệu chứng khác thì chứng tỏ bạn đang mắc một bệnh lý nào đó. Tần số mạch trên 90 lần/phút, hay bị đánh trống ngực, vã mồ hôi, run tay chân… diễn ra thường xuyên thường là dấu hiệu của các bệnh lý như:
1. Bệnh cường giáp
Cường giáp là hiện tượng tuyến giáp sản xuất nhiều hormone giáp, làm tăng chuyển hóa của cơ thể. Đây là một hội chứng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng tim mạch nguy hiểm như rung nhĩ, suy tim, lồi mắt ác tính, cơn bão giáp đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Bệnh đặc trưng với triệu chứng tim đập nhanh, mạnh, mạch đập nhanh thường xuyên, đây là lý do người mắc bệnh cường giáp dễ bị rung nhĩ, suy tim.
Triệu chứng nhận biết:
- Mạch đập nhanh, tim đập nhanh mạnh, hay bị hồi hộp, đánh trống ngực
- Sợ nóng, không chịu được thời tiết nóng nực hoặc những nơi có nhiệt độ cao
- Tiêu chảy thường xuyên, kéo dài, bị run tay với tần số nhanh, không thể tự kiểm soát được tình trạng run tay
- Bướu cổ phình to, sụt cân dù có thể ăn nhiều hơn bình thường
- Người yếu mệt, rối loạn giấc ngủ, ra nhiều mồ hôi, hay lo lắng, dễ cáu giận…
2. Bệnh rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim liên quan đến mạch đập nhanh thuộc dạng rối loạn nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều, xảy ra khi xung động điện tim hoạt động không bình thường. Đây là bệnh lý thường gặp, hay xảy ra ở người cao tuổi, người bị suy tim, tăng huyết áp, mắc bệnh động mạch vành, bệnh lý về tuyến giáp, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường…
Triệu chứng nhận biết:
- Tim đập nhanh, mạch đập nhanh, đánh trống ngực, lo lắng hồi hộp
- Hay bị khó thở, thở ngắn, thở hụt hơi
- Đau đầu, xây xẩm mặt mày, choáng váng, mất thăng bằng
- Đau tức ngực, cảm giác bị đè nén ở ngực
- Thường bị ngất xỉu, mất ý thức hoàn toàn
3. Rối loạn thần kinh tim
Còn được gọi là suy nhược thần kinh tim, rối loạn thần kinh thực vật. Là hiện tượng nhịp tim bị rối loạn không rõ nguyên nhân, mặc dù không gây tổn thương tim nhưng lại có những triệu chứng giống với bệnh tim thật sự. Đây là căn bệnh lành tính ở giai đoạn đầu nhưng nếu không điều trị, người bệnh sẽ thường xuyên bị đánh trống ngực, đau tức ngực, tim đập nhanh ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe tim mạch.
Triệu chứng nhận biết:
- Tim đập nhanh, mạch nhanh bất thường trên 90 lần/phút
- Hay bị hồi hộp, đánh trống ngực
- Khó thở, mệt mỏi, cảm giác không thở được một hơi đầy đủ
- Người mệt mỏi, khó chịu dù đã nghỉ ngơi
- Đau tức ngực, cảm giác cơn đau nhói âm ỉ khó chịu ở ngực
- Chóng mặt, choáng váng nhẹ, muốn ngất, thở nhanh và sâu, cảm giác không thể lấy đủ khí cho phổi…
4. Thuyên tắc phổi mạn tính
Thuyên tắc phổi là bệnh xảy ra do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu ở phổi. Các triệu chứng của bệnh thường phụ thuộc vào sức khỏe bệnh nhân, kích thước và số lượng của cục máu đông. Do đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc phổi nhưng không có triệu chứng gì cả hoặc triệu chứng thường nhẹ, dễ bị bỏ qua.
Triệu chứng nhận biết:
- Mạch đập nhanh, đau tức ngực, cảm giác nhói khi hít vào
- Khó thở, có thể gặp phải hiện tượng suy hô hấp
- Sốt nhẹ, tim đập nhanh, ho ra máu
- Đau nhói giữa ngực ở vùng xương ức
- Suy hô hấp
- Người mệt mỏi, uể oải, hay bị choáng…
5. Mạch đập nhanh do bệnh tim mạch
Các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây loạn nhịp tim khiến mạch đập nhanh. Các vấn đề về tim mạch thường gặp có thể kể đến như thiếu máu cục bộ cơ tim, tăng huyết áp, tổn thương van tim, suy tim, suy vành… Những bệnh này làm giảm lượng máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể, khiến cơ thể kích thích hệ thần kinh tim gửi tín hiệu đến tim, thúc đẩy tim đập mạnh và nhanh hơn để bơm máu cho cơ thể.
Triệu chứng nhận biết:
- Tim đập mạnh và nhanh dẫn đến mạch đập nhanh
- Khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực
- Người bồn chồn, lo âu, khó chịu
- Vã mồ hôi, run tay chân
- Choáng váng, đứng không vững…
6. Một số bệnh lý khác
Đôi khi, mạch đập nhanh có thể liên quan đến các bệnh lý như sốt, thiếu máu, mất máu, rối loạn điện giải… Các bệnh này ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, gây ra các triệu chứng như tim đập nhanh, mạch nhanh, mệt mỏi, khó thở, hồi hộp. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh như:
- Rối loạn lo âu: Đặc trưng với các triệu chứng như mạch nhanh, nhịp tim nhanh, hay hồi hộp, lo lắng, dễ giật mình, luôn cảm thấy bất an, hay có suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống…
- Trào ngược dạ dày – thực quản: Là bệnh lý về dạ dày thường gặp, có thể gây tim nhanh, mạch nhanh sau khi ăn, ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, khó thở, khàn tiếng, đau tức thượng vị…
Các triệu chứng chung nhận biết mạch đập nhanh
Chúng ta thường nghe tim đập nhanh, mạch đập nhanh nhưng không nhận biết, phân biệt được tình trạng này với các bất thường khác trong cơ thể. Có nhiều trường hợp, người bệnh không hề nhận ra mình bị tim đập nhanh, chỉ được biết khi bác sĩ, nhân viên y tế kiểm tra nhịp tim và thông báo kết quả. Qua các nguyên nhân tim đập nhanh và các bệnh lý đã đề cập, hẳn bạn đã phần nào nắm được các triệu chứng của tình trạng này.
Việc nắm được các triệu chứng, biểu hiện cụ thể của hiện tượng mạch đập nhanh bất thường rất quan trọng, giúp chúng ta sớm có cách xử lý phù hợp, sớm phát hiện bệnh lý và điều trị đúng hướng. Thông thường, người bị mạch nhanh, tim đập nhanh sẽ có các biểu hiện như:
- Mạch đập nhanh, trên 90 lần/phút, cường độ mạnh yếu không đều
- Tim đập nhanh, cảm giác rõ có tiếng đập thình thịch của tim trong lồng ngực
- Đánh trống ngực, đôi khi thấy lồng ngực rung lên khó chịu
- Hay ở trong trạng thái hồi hộp, lo lắng dù không hề có việc quan trọng
- Khó thở, thở ngắn, thở hụt hơi, đôi khi phải rướn người, hít thở sâu để dễ chịu hơn
- Đau thắt ngực, có cảm giác đè nặng, khó chịu ở ngực
- Đau đầu, choáng váng, đôi khi kèm theo chóng mặt, cảm giác nặng ở đầu
- Một số trường hợp nghiêm trọng người bệnh còn bị ngất, mất ý thức…
Mức độ nguy hiểm của tình trạng mạch đập nhanh
Có thể thấy, hiện tượng mạch đập nhanh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Xét về các yếu tố tạm thời, tình trạng này có thể do lạm dụng rượu bia, chất kích thích, do tác dụng phụ của thuốc, do xúc động mạnh, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, vận động luyện tập quá mức hoặc do nhạy cảm với một số loại thức ăn nào đó… Hiện tượng mạch đập nhanh ở các trường hợp này thường không quá nguy hiểm, chúng ta chỉ cần loại bỏ nguyên nhân, nghỉ ngơi là có thể ổn định là nhịp tim, không đe dọa đến tính mạng.
Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm khi hiện tượng mạch đập nhanh xảy ra thường xuyên, cường độ mạnh yếu của mạch bất thường, mạch đập không đều… Đây là biểu hiện cho thấy bạn đang mắc một bệnh lý nào đó. Các căn bệnh có triệu chứng tim đập nhanh, mạch đập nhanh đa phần đều là những bệnh nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là suy tim, rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ, rung thất, cuồng nhĩ trong rối loạn nhịp tim. Đặc biệt, tình trạng này còn có thể gây ngất, đột quỵ , rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, các bệnh lý như cường giáp, thuyên tắc phổi mạn tính, thiếu máu tim cục bộ… cũng nguy hiểm không kém, có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, khi mạch đập bất thường, tim đập nhanh thường xuyên, bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân, xác định tình trạng sức khỏe của mình. Các bệnh lý tim mạch nằm trong nhóm những căn bệnh không truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay. Chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan trước các bất thường về sức khỏe của mình.
Làm thế nào khi tim và mạch đập nhanh?
Như đã đề cập, hiện tượng mạch đập nhanh có thể do nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến các yếu tố bên ngoài hoặc xảy ra do các bệnh lý bên trong cơ thể. Tùy vào nguyên nhân mà chúng ta có cách xử trí phù hợp. Có thể tham khảo một số gợi ý sau:
Cách ổn định tần số mạch do yếu tố bên ngoài
Các yếu tố bên ngoài có thể làm tăng tần số mạch là tinh thần căng thẳng, xúc động mạch, sử dụng chất kích thích, tác dụng phụ của thuốc… Để cải thiện tình trạng này, bạn cần:
- Tìm ra nguyên nhân khiến mạch đập nhanh và loại bỏ các yếu tố liên quan. Nếu do tác dụng phụ của thuốc, cần trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh loại thuốc sử dụng. Nếu là thuốc bổ thì cần giảm lượng thuốc đang dùng, hạn chế dùng thuốc giảm cân vì dễ gây nguy hại cho sức khỏe.
- Uống đủ lượng nước cần thiết: Uống nước rất tốt cho sức khỏe, rất thích hợp với những trường hợp mạch đập nhanh do mất nước, do tác dụng phụ của thuốc hay do lạm dụng chất kích thích. Bạn nên uống từ 6 – 8 cốc nước mỗi ngày, uống từ từ từng ngụm nhỏ, không uống quá nhiều cùng lúc sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần: Nghỉ ngơi, thả lỏng tinh thần, học cách thư giãn cũng là một trong những cách giúp bạn ổn định nhịp tim và cải thiện tình trạng mạch đập nhanh. Bạn có thể nằm hoặc ngồi thẳng lưng, đứng hít thở ở nơi thông thoáng, không khí trong lành.
- Hít thở đúng cách: Tập hít sâu, thở đều để giúp đưa oxy vào cơ thể một cách tốt nhất cũng là một trong những cách ổn định mạch đập, nhịp tim, giúp thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi, hồi hộp.
Ngoài ra, bạn cần tạm ngưng các hoạt động đang làm, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, bổ sung điện giải nếu bị mất cân bằng điện giải. Có thể áp dụng biện pháp xoa động mạch cảnh, tức động mạch ở hai bên cổ nhẹ nhàng trong 5 – 10 giây. Chỉ xoa 1 bên, không xoa 2 bên cùng lúc, xoa nhẹ không đè ép mạnh vào động mạch cảnh, khong xoa khi bị xơ vữa động mạch hoặc có tiền sử nhịp nhanh thất, rung tâm thất, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Thăm khám bác sĩ
Khi nghỉ ngơi mà không thấy tình trạng nhịp tim nhanh thuyên giảm, hoặc tình trạng này có kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác như đau ngực, đánh trống ngực, vã mồ hôi, run tay chân… thì nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Các bất thường của cơ thể, nhất là có liên quan đến tim mạch rất nguy hiểm, thường chỉ xuất hiện khi bệnh tình đã tương đối nghiêm trọng, việc chủ quan, trì hoãn việc thăm khám chỉ khiến tình trạng bệnh kéo dài, nguy hiểm hơn mà thôi.
Khi thăm khám, bệnh nhân sẽ được khai thác các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý, tiền sử mắc bệnh tim mạch của người thân trong gia đình. Khi được đánh giá có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các phương pháp để chẩn đoán như:
- Điện tâm đồ: Thường được chỉ định nhằm phát hiện các bất thường về nhịp tim, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nhịp tim.
- Siêu âm tim: Được thực hiện nhằm đánh giá chức năng của tim, phát hiện các bất thường ở tim thông qua hình ảnh học, hình ảnh van tim…
- Holter điện tâm đồ: Có tác dụng phát hiện các cơn nhịp tim nhanh, các bất thường về nhịp tim, là thiết bị được dùng để theo dõi nhịp tim, được gắn trên người bệnh nhân từ 24 – 72 giờ.
Dựa vào kết quả thu được từ các phương pháp chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng mạch đập nhanh của bạn. Từ đó đưa ra biện pháp khắc phục, phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi người.
Biện pháp kiểm soát phòng ngừa mạch đập nhanh
Mạch đập nhanh hay nhịp tim nhanh nếu thường xuyên xảy ra sẽ gây ảnh hưởng xấu sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tim mạch. Chúng ta có thể kiểm soát nhịp tim, tần số mạch và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch bằng cách:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhất là các loại hạt, các loại quả mọng, cá giàu omega-3…
- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, nhiều cholesterol, chất béo như da, mỡ, nội tạng động vật, sữa béo, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối, nhiều đường, nước ngọt có gas…
- Tích cực vận động, luyện tập thể dục thể thao với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức, duy trì đều đặn 20 – 30 phút/ngày, có thể chọn đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga…
- Thư giãn tinh thần, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh stress, căng thẳng kéo dài, có thể tập thiền, dưỡng sinh, yoga hoặc đi du lịch để giảm stress
- Từ bỏ những thói quen xấu ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như thức khuya, ngủ muộn, ngủ không đủ giấc, hút thuốc lá, uống rượu bia, lạm dụng chất kích thích…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm, đặc biệt là khi cơ thể có các triệu chứng bất thường. Tích cực điều trị các bệnh lý, đặc biệt là huyết áp, đái tháo đường để ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc mạch đập nhanh là bệnh gì, nguyên nhân cũng như cách xử lý phù hợp khi gặp phải tình trạng này. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng mạch đập nhanh và cảnh giác hơn với hiện tượng này.
Có thể bạn quan tâm:
- Trụy Tim Mạch Là Bệnh Gì? Biểu hiện và Cách chẩn đoán
- Bệnh Tim Nên Uống Nước Gì Mỗi Ngày Để Cải Thiện?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!