Hội chứng não gan
Hội chứng não gan là tình trạng tổn thương gan gây ảnh hưởng đến chức năng não. Bệnh được phân chia làm nhiều dạng khác nhau dựa vào căn nguyên, giai đoạn triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Khi được chẩn đoán mắc hội chứng não gan, bệnh nhân cần tích cực điều trị để làm chậm hoặc ngưng tiến triển bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan
Hội chứng não gan (Hepatic Encephalopathy - HE) một dạng rối loạn thần kinh gây tổn thương chức năng não ở những người mắc bệnh gan. Bệnh xảy ra do sự tích tụ các độc tố trong máu được gan loại bỏ từ quá trình phân hủy thức ăn, thuốc, rượu... Chúng tích tụ trong cơ thể và gây ảnh hưởng đến não, suy giảm nhận thức.
Ước tính có khoảng 50% trường hợp mắc các bệnh lý về gan, đặc biệt là xơ gan khởi phát các triệu chứng của hội chứng não gan. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải hội chứng bệnh này. Tiên lượng bệnh thường tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngược lại nếu không điều trị có thể dẫn đến nhiễm độc nặng, hôn mê và tử vong.
Phân loại
Hội chứng não gan được chia làm 2 dạng là cấp tính và mạn tính. Bao gồm:
- Thể cấp tính: Hội chứng não gan cấp tính thường xảy ra đột ngột và thường xảy ra do các bệnh gan nặng như suy gan cấp, viêm gan...
- Thể mạn tính: Dạng bệnh này thường phát triển chậm theo thời gian, triệu chứng xảy ra ít nhưng nặng, thường là do ảnh hưởng từ bệnh gan mạn tính như xơ gan.
Dựa vào căn nguyên, hội chứng não gan được chia làm 3 nhóm chính, bao gồm:
- Type A: Hội chứng não gan type A xảy ra ở những người đã có tiền sử mắc bệnh gan trước đó, khiến gan suy giảm chức năng gan dẫn đến suy gan cấp. Quá trình phát bệnh thường chỉ mất vài ngày hoặc vài tuần. Nguyên nhân khởi phát thường là do viêm gan, uống nhiều rượu hoặc bệnh Wilson.
- Type B: Hội chứng não gan type B thường xảy ra do tình trạng shunt cửa - chủ (portosystemic shunt). Đay là tình trạng tĩnh mạch cửa chủ và tĩnh mạch chủ của hệ tuần hoàn nối thông với nhau hoặc kết quả của phẫu thuật tạo shunt nhằm giảm áp lực tĩnh mạch cửa. Điều này khiến một lượng máu lớn từ hệ tiêu hóa di chuyển thẳng vào hệ tuần hoàn mà không đi qua gan. Nguyên nhân liên quan đến tình trạng này thường là chấn thương hoặc bẩm sinh.
- Type C: Hội chứng não gan type này là hậu quả của chứng sẹo xơ gan. Đặc trưng của tình trạng này là các mô xơ dần thay thế các mô tế bào gan khỏe mạnh, khiến gan suy giảm chức năng, không thể loại bỏ độc tố khỏi máu một cách hiệu quả nữa. Có khoảng 70% trường hợp bị xơ gan gặp phải hội chứng não gan.
Dựa theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Gan Hoa Kỳ, hội chứng não gan được chia làm 5 giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn bệnh vừa chớm khởi phát, các triệu chứng mơ hồ khó nhận biết, thường liên quan đến khả năng tập trung và phối hợp.
- Giai đoạn 1: Các triệu chứng tiến triển nhưng vẫn ở mức nhẹ, kèm theo cảm giác mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ và giảm khả năng tập trung, chú ý trong công việc, học tập.
- Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn bệnh tiến triển nhanh, bắt đầu gây ra các triệu chứng đáng lo ngại như khó nói, nói chậm, phản xạ chậm và mất trí nhớ tạm thời.
- Giai đoạn 3: Hội chứng não gan giai đoạn 3 khá nghiêm trọng, được chẩn đoán khi có các triệu chứng như lú lẫn, mất ý thức, thờ ơ, thay đổi tính cách...
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của hội chứng não gan, bệnh nhân hoàn toàn rơi vào trạng thái mất ý thức và hôn mê.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gan là cơ quan có nhiệm vụ quan trọng và đảm nhiệm nhiều chức năng, trong đó có khả năng lọc sạch máu bằng cách loại bỏ hết các độc tố trong máu do cơ thể sản sinh ra. Các chuyên gia cho biết, hội chứng não gan thường khởi phát khi gan có những tổn thương phát triển trong thời gian dài, chẳng hạn như bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan, hội chứng Reye...
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát hội chứng não gan như:
- Uống nhiều rượu;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc gây tác động đến hệ thần kinh như thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ...;
- Mất nước hoặc mất cân bằng các chất điện giải;
- Táo bón khiến việc đại tiện bất thường;
- Chế độ ăn uống dư thừa chất đạm;
- Nhiễm trùng;
- Các bệnh gây xuất huyết tiêu hóa;
- Shunt gan;
- Suy giảm chức năng thận;
- Phẫu thuật hoặc chấn thương;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Hội chứng não gan gây ảnh hưởng chủ yếu đến khả năng nhận thức của não bộ và sức khỏe thể chất của bệnh nhân. Có thể kể đến một số triệu chứng điển hình sau:
- Thay đổi tâm trạng và tính cách bất thường;
- Lo lắng, dễ cáu gắt;
- Suy giảm nhận thức, lú lẫn hoặc giảm khả năng suy nghĩ;
- Gặp vấn đề trong việc thực hiện các hoạt động phối hợp, viết chữ hay giữ thăng bằng;
- Khó tập trung, thiếu tỉnh táo;
- Co giật cơ;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Hay quên;
- Khó nói;
- Di chuyển chậm, phản xạ kém;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác hội chứng não gan, bệnh nhân thường trải qua nhiều bước thăm khám chuyên khoa. Đầu tiên là khám sức khỏe toàn diện, ở bước này bác sĩ sẽ tiến hành thu thập và đánh giá các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, nhất là các bệnh về gan và các yếu tố khác để khoanh vùng loại bệnh.
Vì không có một xét nghiệm tiêu chuẩn nào có thể chẩn đoán chính xác hội chứng não gan. Nên bệnh nhân cần phải thực hiện kết hợp nhiều xét nghiệm cùng lúc, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Mẫu máu được lấy từ bệnh nhân để mang đi làm xét nghiệm tìm kiếm các dấu hiệu như nhiễm trùng, tích tụ độc tố, xuất huyết hoặc cho kết quả đánh giá chức năng gan.
- Kiểm tra hình ảnh: Bao gồm chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc đo điện não đồ EEG nhằm loại trừ các tình trạng sức khỏe khác. Đồng thời, phát hiện các tổn thương có liên quan đến hội chứng não gan như khối u não, chức năng hoạt động não...
- Sinh thiết gan: Trong một số trường hợp, sinh thiết gan có thể cần thiết nhằm xác nhận chẩn đoán hội chứng não gan.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng não gan là căn bệnh có tiến triển nhanh và nguy hiểm, cần được can thiệp điều trị y tế kịp thời để kiểm soát bệnh, cải thiện triệu chứng và ngăn chặn biến chứng. Nếu không được điều trị, độc tố sẽ tích tụ ngày càng nhiều, gây suy giảm chức năng gan trầm trọng hơn và tiến triển đến hôn mê, mất ý thức, suy đa tạng, sưng não dẫn đến tử vong.
Tiên lượng của hội chứng não gan vẫn khá tốt đối với những trường hợp phát hiện bệnh sớm và tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định. Tùy theo mức độ bệnh có nghiêm trọng hay không mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, có thể làm chậm, ngưng tiến triển hoặc đảo ngược bệnh.
Điều trị
Các chọn lựa điều trị hội chứng não gan tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, căn nguyên và độ tuổi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Việc điều trị thường nhằm vào mục tiêu kiểm soát triệu chứng và phục hồi chức năng gan.
Trước tiên, bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân cân ăn ít chất đạm hơn. Vì đối với bệnh nhân mắc hội chứng não gan, việc ăn quá nhiều đạm sẽ khiến các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, hãy giảm tần suất ăn các loại thực phẩm giàu đạm như thịt gia cầm, thịt đỏ, trứng, cá...
Tiếp theo là kê toa thuốc phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể nhằm kiểm soát triệu chứng hiệu quả hơn. Bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Loại thuốc thường dùng nhất là rifaximin có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Điều này giúp cơ thể ít tích tụ độc tố hơn bình thường.
- Thuốc nhuận tràng: Ưu tiên chọn loại thuốc nhuận tràng được điều chế từ đường lactose, có tác dụng hút độc tố vào trong ruột già. Đồng thời, thuốc còn giúp kích thích nhu động ruột thường xuyên để đại tiện bình thường để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Đối với những trường hợp hội chứng não gan nghiêm trọng, bệnh nhân mất ý thức và rơi vào hôn mê sâu, không thể tự hô hấp bắt buộc phải can thiệp điều trị y tế chuyên sau. Trước tiên cần cho bệnh nhân thở máy hoặc đeo mặt nạ dưỡng khí nhằm duy trì hơi thở. Sau đó, chỉ định ghép gan nếu đủ các điều kiện thuận lợi.
Phòng ngừa
Giải pháp tốt nhất để phòng ngừa hội chứng não gan là ngăn chặn hoặc kiểm sót tốt các bệnh lý về gan. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh gan, cụ thể như sau:
- Nói không với rượu bia hoặc uống có chừng mực để tránh gây tổn thương gan.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dung nạp các loại thức ăn nhiều chất béo.
- Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng sức khỏe.
- Tuyệt đối không sử dụng chung kim tiêm bị nhiễm bệnh để tránh mắc các bệnh viêm gan siêu vi.
- Những người đang mắc các bệnh về gan cần thăm khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu tiến triển của hội chứng não gan để điều trị kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi có những dấu hiệu bất thường như giảm trí nhớ, lú lẫn mệt mỏi, thay đổi tính cách... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán căn nguyên?
3. Nguyên nhân vì sao tôi khiến tôi mắc hội chứng não gan?
4. Hội chứng não gan có nguy hiểm không?
5. Tôi có thể gặp phải những biến chứng nào khi mắc hội chứng não gan?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng bệnh của tôi?
7. Quá trình điều trị hội chứng não gan mất bao lâu thì khỏi?
8. Tiên lượng sống sót và phục hồi sau điều trị là bao nhiêu phần trăm?
9. Chi phí điều trị hội chứng não gan tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát hội chứng não gan?
Hội chứng não gan là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến chức năng não, sức khỏe thể chất, tinh thần và đe dọa cả tính mạng của người bệnh. Do đó, khuyến khích bệnh nhân cần chủ động thăm khám chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bằng phương pháp phù hợp giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng.
Xem thêm:
- TOP 5 cây thuốc nam trị bệnh gan tốt nhất và cách dùng
- TOP 20 thực phẩm tốt cho gan bạn nên bổ sung
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!