Bệnh mề đay vật lý là gì? Phân biệt với các loại mề đay khác
Mề đay vật lý là tình trạng phát ban trên cơ thể bởi những yếu tố liên quan đến vật lý. Đây là một dạng mề đay cấp tính, gây ngứa ngáy khó chịu và có thể tái diễn nhiều lần.
Mề đay vật lý là gì? có nguy hiểm không?
Mề đay vật lý (Physical Urticaria) là một dạng nổi mề đay được gây ra bởi các yếu tố vật lý. Phản ứng của da xuất hiện dưới dạng mẩn đỏ, sưng tấy, kèm theo ngứa hoặc đau, thường do tiếp xúc với một yếu tố vật lý như áp lực, ma sát, nhiệt, lạnh hoặc ánh nắng mặt trời.
Đôi khi, mề đay vật lý làm hình thành các nốt mụn nước hay xuất huyết trên vùng da bệnh, khi gãi cảm thấy nóng rát. Bệnh ở dạng cấp tính, có thể tái phát nhiều lần.
Nổi mề đay vật lý có nguy hiểm không?
Mề đay vật lý thường không nguy hiểm, có thể kiểm soát được bằng cách tránh các yếu tố gây kích ứng hoặc qua điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn:
- Phản ứng toàn thân: Đối với một số người, phản ứng với các yếu tố vật lý có thể dẫn đến phản ứng toàn thân, còn được gọi là sốc phản vệ, đây là một tình trạng y tế khẩn cấp có thể đe dọa đến tính mạng.
- Phát triển thành mãn tính: Một số trường hợp mề đay vật lý có thể trở thành mãn tính, dẫn đến một tình trạng kéo dài và khó chịu. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Tác động tâm lý và chất lượng cuộc sống: Triệu chứng ngứa và sưng có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và hoạt động hàng ngày, dẫn đến stress và lo âu.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu của sốc phản vệ, như khó thở, sưng họng hoặc giảm huyết áp, cần phải ngay lập tức tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
Phân loại
Nổi mề đay vật lý được chia thành nhiều loại dựa trên nguyên nhân vật lý gây ra phản ứng. Dưới đây là một số loại phổ biến:
- Mề đay cơ động: Xuất hiện khi da bị cọ xát hoặc trầy xước, gây ra các vệt sưng đỏ.
- Mề đay áp lực: Phát triển do áp lực lên da, như mang vác nặng. Mề đay áp lực thường xảy ra chậm, phát triển sau 4 – 6 giờ tại các khu vực da bị áp lực đè lên như đeo đồng hồ, cầm vô lăng, lái xe máy,… Các ban mề đay có thể gây đau và kéo dài trong vài giờ, một ngày hoặc là lâu hơn.
- Mề đay do lạnh: Phản ứng dị ứng xảy ra khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, từ không khí lạnh, nước lạnh, hoặc đồ vật lạnh.
- Mề đay do nhiệt nóng: Phản ứng với nhiệt do cơ thể tạo ra, thường liên quan đến tập thể dục, tắm nước nóng, hoặc căng thẳng. Những triệu chứng thường kéo dài từ 30 phút đến một giờ sau đó mờ dần, lặn đi. Ở một số người, trong thời gian phát ban sẽ có dấu hiệu khó thở, thở hơi khò khè.
- Mề đay do tiếp xúc ánh sáng: Những triệu chứng của bệnh phát triển khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Phù mạch rung động (Vibratory angioedema): Nổi mề đay xuất hiện do rung động, có thể xảy ra sau khi sử dụng các công cụ rung hoặc khi đi xe qua đường gồ ghề.
- Mề đay do nước: Đây là một dạng nổi mề đay rất hiếm, xuất hiện khi da tiếp xúc với nước.
Các cách khắc phục mề đay vật lý thường được áp dụng
Mề đay vật lý có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp, bao gồm các biện pháp chăm sóc tại nhà và điều trị y tế.
1. Điều trị tại nhà
Mề đay vật lý mức độ nhẹ có thể được điều trị bằng cách sử dụng thảo dược tự nhiên.
- Lá hẹ: Lấy 1 nắm lá hẹ rửa sạch, xay nát và lọc lấy nước. Dùng nước này thoa lên vùng da bị mề đay để hạn chế tính trạng ngứa rát.
- Lá khế: Sử dụng 1 nắm lá khế, rửa sạch và cho vào nồi đun với 1 lít nước trong 5-10 phút. Sau đó, dùng nước này để ngâm rửa hoặc tắm khi còn ấm.
- Lá kinh giới: Lấy 1 nắm lá kinh giới rửa sạch, sao nóng trên chảo với chút muối rồi chà nhẹ nhàng lên vùng nổi mẩn mề đay. Hoặc cho lá kinh giới vào nước sôi, hãm từ 15 – 20 phút và uống như trà.
2. Dùng thuốc
Những loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị mề đay vật lý.
- Thuốc kháng histamin: Dùng ở liều thích hợp giúp trị dị ứng và giảm ngứa ngáy.
- Thuốc corticoid: Dùng khi mề đay có dấu hiệu viêm nhiễm, đang trong giai đoạn nặng hoặc cấp tính. Thuốc corticoid có tác dụng ức chế phản ứng quá mức của hệ miễn dịch, trị viêm, giảm đau và ngứa.
- Thuốc ephedrin: Thuốc này được sử dụng cho những trường hợp dị ứng mề đay dẫn đến sốc phản vệ.
3. Các biện pháp hỗ trợ giảm ngứa do mề đay
Để hạn chế tình trạng ngứa ngáy do mề đay vật lý gây ra, bạn nên có những biện pháp chăm sóc da hợp lý sẽ khiến bệnh nhanh khỏi.
- Giảm ngứa bằng chườm nóng, lạnh:Bạn có thể ngâm khăn ấm hoặc bọc đá, áp vào vùng da bị nổi mề đay khoảng 30 phút. Biện pháp này giúp làm lặn các mẩn ngứa, giảm ngứa ngáy.
- Vệ sinh sạch sẽ: Tắm rửa mỗi ngày, đảm bảo da được vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ những tác nhân gây dị ứng. Lưu ý không tắm bằng nước quá nóng hay quá lạnh, không dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh để tránh gây kích ứng da.
- Mặc quần áo thoáng mát: Bạn nên chọn cho mình những bộ quần áo thoáng mát, rộng rãi để giảm ngứa, mẩn đỏ. Quần áo có độ thấm hút tốt hạn chế bệnh lây lan. Tránh mặc những bộ quần áo bí bách, chất liệu dễ gây đỗ mồ hôi, nóng và bí như len, áo lông,… sẽ khiến toàn thân dễ ngứa ngáy và bệnh nghiêm trọng hơn.
- Chế độ ăn uống: Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường sức đề kháng và duy trì sức khỏe bằng những loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Chẳng hạn như các loại trái cây, rau củ giàu kali, sắt, kẽm, vitamin A, B, C, D, E. Nên uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố trong cơ thể giúp quá trình điều trị mang lại hiệu quả.
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao: Tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch bằng cách luyện tập thể dục thể thao thường xuyên như yoga, bơi lội,… Điều này cũng giúp tăng cường trao đổi chất, tăng sức đề kháng và giảm bớt các triệu chứng do mề đay vật lý gây ra.
Những thông tin có thể giúp bạn nhận ra bệnh mề đay vật lý và phân biệt nó với các loại mề đay khác. Từ đó có các biện pháp phòng tránh, hạn chế để bệnh tái phát nhiều lần trở nên mạn tính.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh mề đay theo quan niệm Đông y và cách chữa khỏi hiệu quả
- Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng lá trầu không chữa mề đay
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!