Viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính và dấu hiệu nhận biết
Viêm loét dạ dày tá tràng được phân loại thành hai dạng: cấp tính và mãn tính, dựa trên thời gian kéo dài của bệnh. Trong giai đoạn cấp tính, khả năng chữa khỏi hoàn toàn là cao, miễn là bệnh được phát hiện kịp thời và điều trị một cách nghiêm túc.
Tìm hiểu về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính
Viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính, một tình trạng phổ biến trong các vấn đề tiêu hóa, xuất hiện khi niêm mạc dạ dày tá tràng bị viêm và tạo vết loét. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân như độc tố vi khuẩn, phản ứng với thuốc, hoặc thức ăn có độ acid/kiềm cao. Khi được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường do các nguyên nhân phổ biến sau gây ra:
- Lạm dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài. Điển hình nhất là aspirin, naproxen hay ibuprofen…
- Nhiễm vi khuẩn H.pylori
Một số lý do khác cũng có thể là yếu tố nguy cơ:
- Người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
- Tiền sử gia đình có người bị viêm loét dạ dày tá tràng hay các bệnh đường tiêu hóa khác
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh
- Thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia
- Những người trên 50 tuổi
- Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài
Đọc thêm: Chữa Viêm Loét Dạ Dày Bằng Quả Sung Dễ Dùng Tại Nhà
2. Dấu hiệu nhận biết
Tùy thuộc vào mức độ của vết loét mà triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính có thể phát sinh các triệu chứng với mức độ khác nhau ở từng đối tượng người bệnh. Các dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm:
- Cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị
- Đau bụng âm ỉ kéo dài
- Sút cân
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Ợ hơi, ợ nóng, nóng rát vùng ngực
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Rối loạn tiêu hóa
- Mệt mỏi, khó thở, da xanh tái, nhợt nhạt
Các triệu chứng có thể trở nên nặng nề hơn khi đói. Cơn đau thường cải thiện khi người bệnh ăn uống hay dùng các thuốc kháng acid.
3. Khi nào cần thăm khám bác sĩ
Trong một số trường hợp, vấn đề có thể nghiêm trọng hơn và cần đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bạn hãy tìm đến bác sĩ ngay khi gặp các vấn đề sau:
- Mệt mỏi, chóng mặt
- Khó thở
- Nôn nhiều
- Đi ngoài ra phân đỏ hay đen
- Đau dữ dội ở bụng không biến mất
Xem thêm: Viêm loét dạ dày có chữa khỏi được không? Bác sĩ nói gì?
Chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính
Để đưa ra chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng. Đồng thời căn cứ vào biểu hiện triệu chứng, tiền sử bệnh án và các loại thuốc đang dùng.
Ngoài ra, một số thủ thuật cận lâm sàng cũng sẽ được chỉ định:
- Test hơi thở: Bạn sẽ được bác sĩ chỉ định uống một chất lỏng trong suốt, sau đó thở ra một chiếc túi. Nếu nồng độ carbon dioxide trong hơi thở cao hơn mức cho phép thì chứng tỏ bạn đang bị nhiễm vi khuẩn Hp.
- Nội soi dạ dày tá tràng: Bác sĩ sẽ sử dụng ống mỏng, có gắn camera và đèn chiếu sáng ở phần đầu để đưa từ miệng vào dạ dày và đến phần tá tràng. Hình ảnh nhận được sẽ cho phép bác sĩ quan sát và phát hiện nếu có vết loét hay bất cứ biểu hiện khác thường tại dạ dày tá tràng.
- Sinh thiết nội soi: Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy ra một mẫu mô để đem đi xét nghiệm, phân tích. Điều này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác chẩn đoán.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ biểu hiện của triệu chứng mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp. Nếu nhẹ, người bệnh có thể điều trị bằng cách chăm sóc tại nhà kết hợp với dùng thuốc. Ngược lại, một số trường hợp mặc dù bệnh còn ở giai đoạn cấp tính nhưng vẫn phải áp dụng phẫu thuật.
1. Chăm sóc tại nhà
Khi bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính còn mới khởi phát với những triệu chứng còn ở mức độ nhẹ thì các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể sẽ đáp ứng. Bạn nên chú ý đến chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt. Đồng thời có thể kết hợp sử dụng các loại thảo dược tự nhiên.
Chế độ ăn uống:
Cần tích cực bổ sung các thực phẩm như bông cải xanh, củ cải, rau bina, sữa chua, táo, việt quất, mâm xôi, dâu tây, dầu ô liu… Đồng thời tránh các thực phẩm giàu acid, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia thuốc lá…
Nên chế biến món ăn chín mềm để tránh áp lực co bóp khi dạ dày tá tràng đang bị viêm loét. Đồng thời chia nhỏ bữa ăn cũng như lượng thức ăn trong mỗi bữa. Tránh để bụng rỗng hay ăn quá nhiều, quá no.
Lối sống lành mạnh:
Bạn cần chú ý dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi. Không nên thức khuya, ngủ thiếu giấc. Đồng thời tránh xa những căng thẳng, áp lực từ phía công việc cũng như trong cuộc sống.
Sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên:
- Nghệ vàng: Kết hợp bột nghệ với mật ong là bài thuốc tự nhiên lành tình có thể hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Cả nghệ vàng và mật ong đều có tác dụng kháng viêm, giảm tiết dịch vị.
- Nha đam: Nước ép nha đam được cho là có tác dụng nhuận tràng và giúp cải thiện chứng đầy hơi, chướng bụng.
- Nghệ đen: Có thể sử dụng bột nghệ đen hòa với nước ấm để uống với tác dụng ngăn tiết dịch vị và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa.
Xem ngay: Viêm loét dạ dày cần kiêng những gì trong sinh hoạt và ăn uống?
2. Sử dụng thuốc
Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bạn ngưng dùng tất cả các loại thuốc chống viêm không steroid. Trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn Hp thì thuốc kháng sinh có thể được kết hợp với thuốc ức chế bơm Proton để tiêu diệt khuẩn và giảm tiết acid.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể gợi ý dùng thêm thuốc chẹn thụ thể H2, vi sinh và bismuth.
Tất cả mọi loại thuốc được đề cập trên đây đều phải dùng đúng liệu trình mà bác sĩ chỉ định. Ngay cả khi triệu chứng đã được khắc phục thì bạn cũng không nên tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng.
Cần chú ý tác dụng phụ như chóng mặt hay tiêu chảy và báo ngay cho bác sĩ nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng.
3. Can thiệp ngoại khoa
Trong trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng thì bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật sẽ được chỉ định để loại bỏ toàn bộ vết loét hoặc cũng có thể lấy mô từ phần khác của ruột để vá vào trị loét. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ làm phẫu thuật cắt đứt dây thần kinh cần thiết nhằm giúp dạ dày giảm tiết acid.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính mặc dù không quá nguy hiểm nhưng sẽ diễn tiến rất nhanh nếu không can thiệp kịp thời. Để lâu bệnh sẽ trở thành mãn tính rất khó khăn trong việc điều trị. Đồng thời dễ phát sinh biến chứng nghiêm trọng đe dọa sức khỏe và tính mạng.
Có thể bạn chưa biết:
- Thuốc ức chế bơm proton – Tác dụng và những thận trọng khi dùng
- 10 Cây Thuốc Nam Chữa Viêm Loét Dạ Dày Hiệu Quả Nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!