Viêm đĩa đệm là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Viêm đĩa đệm đề cập đến tình trạng nhiễm trùng xảy ra bên trong đĩa đệm. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần sớm phát hiện và điều trị. Trường hợp chủ quan để bệnh tiến triển nặng thì các biến chứng nguy hiểm sẽ dễ dàng phát sinh.

viêm đĩa đệm
Viêm đĩa đệm là bệnh lý không phổ biến nhưng cần hết sức cẩn trọng

Viêm đĩa đệm là bệnh gì?

Cột sống của con người được cấu tạo từ nhiều đốt sống. Các đốt sống này được xếp chồng lên nhau và vị trí kết nối ở giữa chính là các đĩa đệm. Đĩa đệm hoạt động như một bộ giảm xóc giúp các đốt sống được linh hoạt.

Viêm đĩa đệm đề cập tới tình trạng nhiễm trùng xuất hiện bên trong không gian đĩa đệm. Tình trạng này sẽ gây áp lực cho các đĩa đệm và làm bùng phát các cơn đau đớn. Ngoài ra còn hạn chế vận động của cột sống và gây ra một số rủi ro khác.

Nhiễm trùng đĩa đệm là tình trạng không phổ biến. Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em dưới 8 tuổi. Viêm đĩa đệm thường phát triển kèm với bệnh viêm xương tủy – tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng tới cả xương và tủy xương.

Một số ít trường hợp, bệnh viêm đĩa đệm có thể xuất hiện ở người trưởng thành. Thường là vào sau thời điểm thực hiện các cuộc phẫu thuật cột sống. Tuy nhiên tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 1 – 2%. Nhiễm trùng đĩa đệm ở người trưởng thành có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Điển hình nhất là áp xe ngoài màng cứng hay nhiễm trùng huyết.

Tùy thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây viêm và bệnh viêm đĩa đệm được phân thành nhiều loại khác nhau. Bao gồm:

– Viêm đĩa đệm do vi khuẩn:

Tình trạng này xảy ra khi có vi khuẩn trực tiếp xâm nhập vào bên trong không gian của các đĩa đệm đốt sống. Đa phần xảy ra sau các cuộc phẫu thuật cột sống. Vi khuẩn thường xâm nhập vào máu sau đó mới ảnh hưởng tới đĩa đệm.

Staphylococcus aureus là tác nhân thường gặp nhất. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn khác như Staphylococcus epidermidis hay Escherichia coli cũng có thể là tác nhân gây viêm.

– Viêm đĩa đệm do nhiễm trùng vi sinh vật:

Sự xâm nhập của các loại vi sinh vật vào bên trong đĩa đệm đốt sống có thể khiến người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu. Điển hình như đổ mồ hôi bất thường, sốt, ớn lạnh, ăn uống kém…

– Viêm đĩa đệm do viêm tủy xương:

Như đã đề cập, tình trạng nhiễm trùng đĩa đệm có thể đi kèm với bệnh viêm tủy xương. Tình trạng viêm nhiễm có thể bắt đầu ở tủy xương và ảnh hưởng tới các vùng khác của cột sống, bao gồm cả đĩa đệm.

– Viêm đĩa đệm thắt lưng:

Đề cập đến tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng tới các đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng. Trong khi các đĩa đệm khác của cột sống không bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm đĩa đệm

Thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, bệnh viêm đĩa đệm do 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra. Cụ thể như sau:

1. Nhiễm trùng vi khuẩn

Đây được cho là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm đĩa đệm. Trong đó, có 2 loại cơ bản là do vi khuẩn lao hoặc do các loại vi khuẩn khác (điển hình như phế cầu, tụ cầu, thương hàn).

nguyên nhân gây viêm đĩa đệm
Nhiễm trùng vi khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm đĩa đệm

Nhiễm trùng vi khuẩn có thể xảy ra ở một khu vực khác trên cơ thể sau đó lây lan theo đường máu và ảnh hưởng tới đĩa đệm, gây viêm nhiễm. Đĩa đệm chính là cơ quan vô mạch lớn nhất trong cơ thể. Do đó khi đĩa đệm bị nhiễm trùng thì cơ thể sẽ rất khó chống lại.

2. Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác có thể khiến bệnh viêm đĩa đệm bùng phát bao gồm:

  • Phản ứng tự miễn dịch của cơ thể
  • Phẫu thuật hay thực hiện các thủ thuật ở cột sống
  • Cột sống bị kéo căng quá mức dẫn tới gù lưng
  • Lạm dụng các loại thuốc kháng sinh
  • Rối loạn viêm cột sống
  • Cong vẹo cột sống hoặc các bệnh lý gây biến dạng lưng

Thực tế cho thấy, những người bị rối loạn hệ thống miễn dịch, hệ miễn dịch suy yếu, đang phục hồi sau phẫu thuật, dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, trẻ em dưới 8 tuổi… sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm đĩa đệm cao hơn những đối tượng khác.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đĩa đệm

Đau đớn dữ dội tại khu vực cột sống bị ảnh hưởng chính là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm đĩa đệm. Nếu trẻ nhỏ mắc bệnh thì cơn đau có thể khiến trẻ bị cong lưng hoặc khó di chuyển.

Các dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đĩa đệm có thể bao gồm:

  • Đau dữ dội ở cột sống lưng, phổ biến là ở vùng lưng dưới
  • Người bệnh thường có xu hướng nghiêng lưng ra sau để xoa dịu cơn đau
  • Việc đứng ngồi hay di chuyển bị hạn chế, gặp nhiều khó khăn
  • Khi nằm ngửa người bệnh rất khó nâng cân lên phía trên
  • Chán ăn, ăn uống kém
  • Sốt nhẹ, tùy theo loại và mức độ nhiễm trùng
  • Đổ mồ hôi đột ngột hoặc ớn lạnh
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, yếu người
  • Cơn đau có thể lan tỏa trên phạm vi rộng, ảnh hưởng tới bụng, bẹn hoặc chân

Trường hợp bệnh viêm đĩa đệm liên quan đến phẫu thuật cột sống thì các triệu chứng có thể bùng phát trong vòng 1 tuần kể từ khi phẫu thuật xong. Tùy thuộc vào vị trí phẫu thuật mà cơn đau dữ dội có thể xuất hiện ở vùng thắt lưng hoặc vùng cổ.

Bệnh viêm đĩa đệm có nguy hiểm không?

Như đã đề cập, viêm đĩa đệm là bệnh lý không phổ biến. Tuy nhiên cần đặc biệt cảnh giác với bệnh lý này. Ngoài gây đau đớn và hạn chế vận động thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát đúng cách.

Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị viêm đĩa đệm bao gồm:

– Áp xe ngoài màng cứng:

Áp xe ngoài màng cứng cột sống là sự tích tụ mủ mủ tại khoang ngoài màng cứng, thường xảy ra ở vùng thắt lưng hoặc vùng ngực. Tình trạng này đa phần có liên quan đến nhiễm trùng tiềm ẩn.

Thực tế cho thấy, viêm đĩa đệm nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra áp xe ngoài màng cứng. Tình trạng này có thể gây ra các tổn thương lớn ở thần kinh, gây tàn phế, thậm chí là đe dọa tính mạng người bệnh.

– Nhiễm trùng máu:

Đây là biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng khi toàn bộ cơ thể phải phản ứng với sự hiện diện của vi trùng ở trong máu. Các trường hợp nặng, nhiễm trùng máu có thể dẫn tới sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan nhanh chóng. Đây là một cấp cứu y tế nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.

Chẩn đoán bệnh viêm đĩa đệm

Để chẩn đoán bệnh viêm đĩa đệm, trước hết bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Ngoài kiểm tra triệu chứng thì cần xem xét lịch sử bệnh. Thông thường kết quả thăm khám lâm sàng sẽ không đủ căn cứ để đưa ra chẩn đoán xác định.

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bao gồm:

– Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm máu có thể giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh viêm đĩa đệm. Ở thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu của người bệnh và đem đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Phân tích máu có thể xác định được các dấu hiệu nhiễm trùng nếu có.

chẩn đoán bệnh viêm đĩa đệm
Xét nghiệm máu có thể được bác sĩ chỉ định trong điều trị bệnh viêm đĩa đệm

– Quét xương:

Trong một số trường hợp, quét xương được chỉ định nhằm kiểm tra đốt sống cũng như các khoảng không gian xung quanh. Điều này giúp bác sĩ xác định nhiễm trùng cũng như khả năng chống lại nhiễm trùng của xương.

Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm một chất phóng xạ vào xương qua tĩnh mạch. Sau đó mới tiến hành quét xương. Chất phóng xạ sẽ đi qua máu và được tích tụ lại ở những nơi có phát triển nhiễm trùng hay gãy xương.

– Xét nghiệm hình ảnh:

Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, CT-Scan, MRI cũng có thể được chỉ định trong chẩn đoán viêm đĩa đệm. Các xét nghiệm này sẽ giúp hiển thị hình ảnh của cột sống cùng các mô xung quanh. Bác sĩ có thể quan sát và phát hiện nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.

– Phân tích mô:

Nếu thấy cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu mô ở cột sống và đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm. Phân tích mô cũng là một trong những xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng tại không gian đĩa đệm.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm đĩa đệm

Lựa chọn phương pháp điều trị viêm đĩa đệm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và loại nhiễm trùng. Điều trị thường là dùng thuốc kết hợp chăm sóc tại nhà và can thiệp phẫu thuật khi cần thiết. Cụ thể như sau:

1. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc chính là lựa chọn ưu tiên cho các trường hợp bị viêm đĩa đệm. Nhất là với nguyên nhân do nhiễm trùng vi khuẩn. Bác sĩ có thể kê toa điều trị bằng kháng sinh dưới dạng uống hoặc tiêm kéo dài 1 tháng để khắc phục tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.

Ngoài ra, các loại thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng cũng có thể được kê toa. Thường là steroid hoặc các thuốc chống viêm không steroid (điển hình như ibuprofen). Các thuốc này có tác dụng hỗ trợ giảm đau và ức chế tình trạng viêm nhiễm.

Nhiệm vụ của người bệnh là tích cực điều trị theo phác đồ bằng thuốc được bác sĩ chỉ định. Tuân thủ liều lượng, tần suất cũng như thời gian điều trị. Tuyệt đối không tùy ý cân chỉnh liều lượng hay ngưng thuốc khi chưa được bác sĩ yêu cầu. Trường hợp gặp phải các tác dụng ngoại ý thì hãy báo ngay cho bác sĩ được biết để điều chỉnh kịp thời.

điều trị viêm đĩa đệm
Tùy thuộc vào lý do nhiễm trùng và ảnh hưởng triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định toa thuốc phù hợp

2. Can thiệp phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp bị viêm đĩa đệm do viêm tủy xương. Giải pháp sẽ giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng của bệnh. Phẫu thuật có thể là tái tạo lại vùng cột sống bị ảnh hưởng. Đồng thời cải thiện chức năng cũng như khả năng vận động cho người bệnh.

3. Chăm sóc tại nhà

Ngoài việc điều trị y tế, người bệnh được khuyên là nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều này giúp đẩy nhanh tốc độ điều trị và hỗ trợ làm giảm mức độ của triệu chứng.

Các giải pháp hỗ trợ tại nhà có thể bao gồm:

  • Giảm khối lượng công việc, dành thời gian nghỉ ngơi. Tuyệt đối tránh tình trạng vận động mạnh, mang vác nặng khi cột sống và đĩa đệm đang bị tổn thương.
  • Thay đổi các tư thế xấu trong làm việc và sinh hoạt thường ngày.
  • Có thể mang nẹp lưng hay các thiết bị hỗ trợ khác.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
  • Có thể thực hiện các giải pháp xoa bóp, massage để hỗ trợ làm giảm đau.

Viêm đĩa đệm là bệnh lý không phổ biến nhưng rất nghiêm trọng. Trường hợp gặp phải các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì nên chủ động thăm khám ngay. Tích cực điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra là cách tốt nhất để kiểm soát tiến triển của bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh án viêm khớp vai theo y học cổ truyền

Viêm quanh khớp là tình trạng tổn thương phần mềm quanh khớp như giãn cơ, dây chằng, bao khớp,...gây đau…

Viêm Quanh Khớp Vai: Triệu chứng, Chẩn đoán và Điều trị

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý xảy ra khá phổ biến, gây ra các cơn đau vai gáy, ảnh…

Giải pháp “vàng” đẩy lùi bệnh thấp khớp hiệu quả từ thảo dược

Thấp khớp là căn bệnh tự miễn khá phổ biến, gây ra các triệu chứng đau nhức, khô khớp khiến…

Cà Tím Chữa Bệnh Khớp – Tưởng lạ mà Hiệu quả Cực hay

Bệnh khớp khiến cho người bệnh phải hứng chịu những cơn đau nhức kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời…

hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp – Điều cần biết

Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là biểu hiện ngoài khớp rất phổ biến của bệnh. Số liệu…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua