Hướng dẫn xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai tại nhà
Thực hiện xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai thường xuyên có khả năng giảm đau, cải thiện tình trạng cứng cơ và tăng phạm vi chuyển động. Tuy nhiên khi áp dụng, cần thực hiện đều đặn trong 2 – 4 tuần để được kết quả như mong đợi.
Xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai có hiệu quả không?
Viêm quanh khớp vai là bệnh lý phổ biến ở những người thường xuyên hoạt động khớp vai như vận động viên, nhân viên vận chuyển,… Ngoài ra, tình trạng này cũng có xu hướng xuất hiện ở những bệnh nhân có hệ xương khớp suy yếu như người cao tuổi và ít vận động.
Theo y học cổ truyền, viêm quanh khớp vai thuộc phạm vi chứng kiên tý. Nguyên nhân sinh bệnh là do hàn, thấp và phong xâm nhập khiến kinh lạc bế tắc.
Khi mới khởi phát, bệnh chủ yếu gây đau. Tuy nhiên nếu không được giải ứ kịp thời, phong, hàn, thấp có thể xâm nhập và gây ra các triệu chứng nặng nề hơn như giảm khả năng vận động, khí huyết kém khiến gân, cơ suy yếu, xương khớp mỏi,…
Một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị viêm quanh khớp vai là xoa bóp bấm huyệt. Phương pháp này dùng lực từ bàn tay để kích thích tuần hoàn máu, giải phóng khí huyết ứ trệ và cải thiện chức năng xương khớp. Xoa bóp còn thúc đẩy hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng khả năng chống chịu với cơn đau và các tác nhân gây hại từ môi trường.
Áp dụng cách xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai chỉ thích hợp với các trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình. Nếu cơn đau có mức độ nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sinh hoạt, bạn cần đến bệnh viện để được hướng dẫn các biện pháp điều trị cụ thể.
Hướng dẫn xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai
Khi xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai, bạn cần tìm người hỗ trợ. Bên cạnh đó nên ngồi ghế không tựa để người hỗ trợ dễ dàng tác động đến những huyệt vị cần thiết.
Trước khi day ấn vào các huyệt, cần xoa bóp, day và lăn vùng xung quanh khớp để làm nóng và giúp các cơ thư giãn.
Sau đó tiến hành các thủ thuật sau:
- Day huyệt Kiên tỉnh: Huyệt Kiên tỉnh nằm ở trung điểm đường nối giữa đỉnh khớp vai và gáy. Huyệt vị này có tác dụng trị đau lưng, mỏi vai và cứng cổ. Sử dụng gốc bàn tay và mô của ngón út day lên huyệt Kiên tỉnh khoảng 3 lần.
- Day huyệt Kiên ngung: Để xác định huyệt vị này, cần dang thẳng cánh tay. Huyệt nằm ở vị trí lõm ngay chỗ xương đòn và mỏm cùng. Day huyệt vị này có tác dụng trị vai đau, cơ nhức và cánh tay mỏi. Thực hiện day huyệt vị này trong khoảng 3 – 5 phút.
- Day huyệt Kiên trinh: Huyệt nằm ở mặt sau cánh tay, ngay nếp gấp nách thẳng lên khoảng 1 thốn. Day vào huyệt vị này có tác dụng trị đau phần mềm xung quanh khớp vai, liệt chi trên và ra mồ hôi nách nhiều.
- Day huyệt Kiên tỉnh: Huyệt nằm ở điểm cao nhất của đầu ngoài xương đòn. Day vào huyệt đạo này trong khoảng 3 phút có tác dụng trị đau nhức cánh tay, vai và đau cứng cổ.
- Day huyệt Tý nhu: Huyệt nằm ở trung điểm đường nối từ huyệt Kiên ngưng đến huyệt Khúc trì (huyệt ở đường gấp khuỷu tay). Thực hiện day ấn vào huyệt vị này khoảng 3 phút giúp thông kinh lạc, chủ trị chứng đau nhức cánh tay và khớp vai.
- Day huyệt Thủ tam lý: Huyệt nằm dưới huyệt Khúc trì 2 thốn. Day ấn huyệt này trong khoảng 3 phút có tác dụng khu phong và thông lạc, chủ trị chứng chi trên liệt yếu, vai và cánh tay đau nhức.
- Day huyệt Hợp cốc: Huyệt Hợp cốc nằm ở chỗ lõm giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Tác dụng của huyệt vị này là khu phong và trấn thống, chủ trị các chứng vai và tay đau nhức.
- Ấn A thị huyệt: A thị huyệt là huyệt vị bất định (không cố định). Huyệt được xác định bằng cách ấn vào cơ quan bị đau nhức, nơi nào đau nhất được xem là A thị huyệt. Ấn vào huyệt vị này có tác dụng giải ứ và giảm đau nhanh.
Sau khi day ấn huyệt, bạn cần thực hiện các động tác nâng vai, phát, lắc,… nhằm ổn định khí huyết và hoạt động của khớp.
- Lắc vai: Giữ cố định khớp vai bị đau, đưa cánh tay xoay nhẹ theo chiều kim đồng hỗ. Thực hiện mỗi bên khoảng 10 lần.
- Vò xát vai: Dùng hai bàn tay vò xát khu vực vai để cho cơ quan này nóng lên.
- Nâng vai: Giữ cố định khớp vai đau nhức, đưa tay lên cao quá đầu. Thực hiện từng bên vai, mỗi bên khoảng 10 lần.
- Phát: Hai bàn tay hơi khum vào nhau sao cho lòng bàn tay lõm, đan chặt các ngón tay lại với nhau và phát vào vai mỗi bên một lần.
Để giảm nhanh cơn đau do viêm quanh khớp vai gây ra, bạn nên xoa bóp 1 lần/ ngày trong khoảng 30 phút. Thực hiện đều đặn từ 2 – 4 tuần để nhận thấy cải thiện.
Xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai cần lưu ý điều gì?
Xoa bóp là biện pháp chữa bệnh được áp dụng khá phổ biến. Tuy nhiên để việc điều trị đạt được kết quả cao đồng thời hạn chế những rủi ro phát sinh, bạn cần lưu ý những thông tin sau:
- Cần tuân thủ nguyên tắc khi xoa bóp: Tác động từ nông đến sâu, từ nhẹ đến nặng và từ xa đến gần. Tránh sử dụng lực mạnh đột ngột khiến cơ xương đau nhức và gây bầm tím mô mềm.
- Phải thực hiện đều đặn và lặp lại liệu trình khi cần thiết nhằm kiểm soát cơn đau ở khớp vai.
- Thận trọng khi áp dụng biện pháp này cho phụ nữ mang thai hoặc người có các vấn đề sức khỏe đặc biệt.
- Xác định nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai và điều trị từ căn nguyên.
- Không xoa bóp và day ấn vào vùng da có vết thương hở hoặc bị nhiễm trùng.
- Khi đau nhức vai, cần tránh gió lạnh và không khí ẩm. Những yếu tố này có thể kích thích khớp vai sưng viêm và đau nhức trở lại.
- Cần phối hợp với việc luyện tập các động tác vai thường xuyên để cải thiện khả năng vận động và hạn chế đau nhức ở mức tối đa.
Phương pháp xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai có khả năng giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Tuy nhiên để chữa trị bệnh dứt điểm, bạn cần kết hợp với các biện pháp chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện!
Có thể bạn quan tâm:
- Thuốc xoa bóp xương khớp loại nào tốt và cách dùng?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!