Viêm dạ dày cấp nên ăn gì giảm đau nhanh, tốt cho bệnh?
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố có tác động trực tiếp đến triệu chứng và chuyển biến của bệnh dạ dày. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được vấn đề bị viêm dạ dày cấp nên ăn gì và kiêng gì. Các chuyên gia khuyên người bệnh nên thêm một số thực phẩm giàu vitamin, giàu chất xơ hoặc thực phẩm chứa nhiều men vi sinh vào bữa ăn hàng ngày để cải thiện sức khỏe.
Người bệnh viêm dạ dày cấp nên ăn gì?
Viêm dạ dày cấp là tình trạng viêm cấp tính chỉ khu trú ở niêm mạc dạ dày. Bệnh thường khởi phát do nhiễm vi khuẩn hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang mãn tính hoặc dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng.
Để hỗ trợ quá trình hồi phục và giảm áp lực lên hệ tiêu hóa, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. Các thực phẩm nên bổ sung trong thời gian điều trị viêm dạ dày cấp, bao gồm:
Thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ thường có độ pH cao, có tác dụng trung hòa dịch vị trong dạ dày và làm giảm tình trạng nóng rát, đau thượng vị. Bên cạnh đó chất xơ còn có tác dụng làm dịu vùng niêm mạc sưng nóng, cân bằng chất lỏng trong đường ruột và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Các thực phẩm giàu chất xơ người bị viêm dạ dày nên ăn gồm có rau mồng tơi, rau dền, xà lách, súp lơ, thanh long, quả bơ, đu đủ, táo, cà tím, bắp cải, dưa leo…
Tham khảo: Viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính và dấu hiệu nhận biết
Thực phẩm chứa nhiều men vi sinh
Men vi sinh (lợi khuẩn) có tác dụng ức chế vi khuẩn có hại, bảo vệ niêm mạc đường ruột và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Bên cạnh đó bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh còn có tác dụng cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy trướng bụng, khó tiêu, ợ hơi…
Các loại thực phẩm giàu men vi sinh bạn có thể bổ sung để hỗ trợ điều trị viêm dạ dày cấp, bao gồm: Sữa chua, phô mai, mật ong…
Thực phẩm giàu vitamin
Vitamin thường có nhiều trong các loại trái cây như cam, bưởi, dâu tây, bơ, thanh long, lê, lựu… hoặc các loại củ như khoai lang, khoai tây, củ dền và cà rốt. Vitamin là thành phần thiết yếu đối với cơ thể và đem lại tác động tích cực đối với bệnh viêm dạ dày cấp.
- Vitamin C: Tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ xuất huyết dạ dày, tăng sức đề kháng và hạn chế vi khuẩn có hại.
- Vitamin B: Hỗ trợ tổng hợp hormone, cân bằng dinh dưỡng, sản sinh hồng cầu, giảm thời gian phục hồi tế bào bị viêm và nguy cơ viêm loét dạ dày.
- Vitamin E: Chất chống oxy hóa mạnh, làm liền niêm mạc bị viêm, bảo vệ tiêu hóa, duy trì độ bền niêm mạc và mạch máu, giảm nguy cơ viêm loét và xuất huyết tiêu hóa.
Tuy nhiên, cần tránh ăn quả có độ acid cao như chanh hay cam chua vì chúng có thể kích thích sản xuất dịch vị, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
Thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa trong thực phẩm giúp ngăn chặn tổn thương tế bào, phục hồi niêm mạc bị viêm và giảm đau rát do dạ dày co thắt. Các thành phần chống oxy hóa có trong thực phẩm bao gồm:
- Curcumin: Curcumin là hoạt chất chống oxy hóa mạnh mẽ có nhiều trong gừng và nghệ. Hoạt chất này có tác dụng tiêu viêm, giảm đau và bảo vệ niêm mạc của cơ quan tiêu hóa.
- Beta-carotene (tiền chất của vitamin A): Thúc đẩy tăng trưởng tế bào mới và cải thiện tổn thương niêm mạc, giảm các triệu chứng như ợ nóng, mệt mỏi và tiêu chảy. Có nhiều trong cà rốt, đu đủ, cà chua.
- Flavonoid: Flavonoid là hợp chất chống oxy hóa có trong hầu hết các loại trái cây và rau củ. Hợp chất này có tác dụng ngăn chặn quá trình tổn thương ở niêm mạc dạ dày và bảo vệ các cơ quan khỏi ảnh hưởng của tác nhân gây hại. Bên cạnh đó, Flavonoid giúp làm giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa và bảo vệ chức năng gan.
Bên cạnh đó bệnh nhân viêm dạ dày có thể bổ sung một số chất chống oxy hóa khác như kẽm, Kaempferol, Anthocyanin, Ascorbic acid (vitamin C), Melatonin, Lutein, Quercetin…
Xem thêm: Phác đồ điều trị viêm dạ dày ở trẻ em (mới cập nhật)
Thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa
Tình trạng viêm ở dạ dày có thể khiến bạn buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi và giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Các triệu chứng này kéo dài có thể gây sụt cân nhanh chóng, giảm mức độ tập trung và suy nhược cơ thể.
Vì vậy trong thời gian điều trị, bạn nên chú trọng bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như cá hồi, thịt gà, nấm, các loại đậu, tôm…
Viêm dạ dày cấp không nên ăn, uống những gì?
Ngoài ra bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp cũng nên kiêng cử các loại đồ ăn thức uống có khả năng kích thích vùng niêm mạc bị viêm, như:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ: Gây co bóp mạnh dạ dày, tiết nhiều dịch vị, có thể dẫn đến đau thượng vị, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua và buồn nôn.
- Thức ăn nhiều gia vị: Tăng áp lực lên dạ dày, gây co thắt quá mức, đau bụng, buồn nôn và khó tiêu.
- Đồ uống chứa cồn: Bia rượu và các loại đồ uống chứa cồn gây viêm, loét dạ dày và rối loạn cơ thắt hệ tiêu hóa, có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.
- Thực phẩm chứa nhiều acid: Dưa muối, cà muối, chanh, cóc kích thích niêm mạc bị viêm, gây đau rát, đầy bụng và buồn nôn do tăng tiết dịch vị.
Bị viêm dạ dày cấp nên lưu ý gì khi ăn uống?
Dạ dày là cơ quan của hệ tiêu hóa, vì vậy các thói quen dinh dưỡng có tác động trực tiếp đến mức độ và tiến triển của tình trạng viêm ở cơ quan này. Do đó bên cạnh việc nắm bắt thông tin người bệnh viêm dạ dày cấp nên ăn gì, bạn cần chú ý xây dựng nguyên tắc ăn uống khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị.
Nguyên tắc ăn uống dành cho người bị viêm dạ dày cấp tính:
- Chia nhỏ bữa ăn: Ăn 4 – 5 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa lớn, cách nhau 3 – 4 giờ để giảm áp lực lên dạ dày và tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng.
- Nấu thức ăn mềm: Chế biến thực phẩm dạng lỏng và mềm như canh, súp, cháo để bảo vệ dạ dày và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.
- Cân bằng dinh dưỡng: Đảm bảo chế độ ăn đa dạng để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu và duy trì sức khỏe tốt.
- Uống nhiều nước: Uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa, trung hòa dịch vị và làm dịu niêm mạc dạ dày.
- Tránh ăn quá no hoặc đói: Ăn vừa đủ, tránh bữa ăn quá no hoặc bỏ đói để giảm áp lực và kích thích dạ dày.
- Ăn đúng giờ: Duy trì thói quen ăn uống đúng giờ giúp ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa và kiểm soát cân nặng.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Ăn từ từ và nhai thật kỹ để thức ăn được tiêu hóa dễ dàng, tránh gây ra triệu chứng khó chịu sau bữa ăn.
Để kiểm soát và ngăn chặn tiến triển của viêm dạ dày cấp, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học là rất quan trọng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kết hợp với thói quen sinh hoạt điều độ và tuân thủ đều đặn việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Hy vọng bạn có thể áp dụng thành công các gợi ý này vào thực tế để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
- Phác Đồ Điều Trị Viêm Loét Dạ Dày Mới Nhất (Theo BYT)
- Đau dạ dày nên uống nước gì để giảm đau nhanh?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!