Giá trị dinh dưỡng và công dụng của Đu đủ
Với giá trị dinh dưỡng đa dạng và dồi dào, đu đủ có thể đem lại nhiều công dụng đối với sức khỏe như tăng cường hệ miễn, bảo vệ sức khỏe xương khớp, cải thiện hoạt động tiêu hóa và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. Tuy nhiên để tối ưu hàm lượng dinh dưỡng và giảm thiểu các rủi ro khi sử dụng, bạn cần bổ sung đu đủ đúng cách.
Giá trị dinh dưỡng của đu đủ
Đu đủ là loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mexico nhưng hiện nay được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Loại quả này thường có màu xanh, nhiều mủ trắng nhưng khi chín thì không còn mủ và có màu vàng, cam hoặc cam đỏ.
Đu đủ được đánh giá là một trong những loại trái cây lành mạnh nhất vì có chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Một quả đu đủ nhỏ (khoảng 150g) có thể cung cấp:
- Calo 59
- Protein 1g
- Carbohydrate 15g
- Chất xơ 3g
- Kali 11% nhu cầu dinh dưỡng cần trong 1 ngày (RDI)
- Vitamin B9 14% RDI
- Vitamin A 33% RDI
Ngoài ra loại quả này còn chứa vitamin B1, B3, B5, K, E, carotenoids, enzyme papain, quercetin, flavonoid, zeaxanthin…
15 Công dụng bất ngờ của đu đủ đối với sức khỏe
Với hàm lượng vi chất dinh dưỡng dồi dào, đu đủ có thể đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người như:
1. Ngăn chặn thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi
Zeaxanthin trong đu đủ là một chống oxy mạnh, có khả năng làm giảm tác hại của tia sáng xanh đối với mắt. Bên cạnh đó thành phần này còn có thể tiêu trừ gốc tự do, bảo vệ tế bào võng mọc và làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng ở người lớn tuổi.
Ngoài ra đu đủ còn chứa hàm lượng vitamin A dồi dào – thành phần cần thiết giúp phục hồi và duy trì đôi mắt khỏe mạnh. Các chuyên gia cho biết, bổ sung thực phẩm giàu vitamin A 2 – 3 lần/ tuần có thể làm giảm các chứng bệnh có liên quan đến mắt.
2. Đu đủ giúp làm chậm quá trình lão hóa
Đu đủ là một trong những loại trái cây chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào. Các thành phần này có khả năng ức chế hoạt động của gốc tự do – nguyên nhân gây ra quá trình thoái hóa trong cơ thể.
Sự xuất hiện nhiều gốc tự do trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh gan, viêm khớp, thoái hóa khớp, suy giáp, tiểu đường và các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, Parkinson,… Vì vậy việc bổ sung đu đủ vào chế độ ăn hằng ngày có thể làm chậm quá trình lão hóa và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
3. Ăn đu đủ thường xuyên giúp ngừa ung thư
Nghiên cứu “Lycopene – chất chống oxy hóa có tác dụng chống ung thư và chất phóng xạ” cho thấy hoạt chất lycopene trong đu đủ thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bên cạnh đó, việc bổ sung lycopene vào chế độ ăn cũng có thể làm giảm kích thước khối u và ngăn chặn tế bào ung thư di căn sang hạch bạch huyết, tuần hoàn máu và các cơ quan lân cận.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong đu đủ còn có tác dụng chống ung thư vú và làm chậm quá trình tiền mãn kinh ở nữ giới.
4. Tăng cường và cải thiện sức khỏe tim mạch
Bổ sung đu đủ vào bữa ăn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, hàm lượng vitamin C và lycopene trong đu đủ có thể phòng ngừa bệnh tim và một số vấn đề về tim mạch khác như xơ vữa động mạch, huyết áp cao,…
Bên cạnh đó các chất chống oxy hóa trong đu đủ còn có tác dụng tăng cường cholesterol HDL (chất béo tốt) và giảm thiểu các cholesterol tiêu cực trong cơ thể.
5. Bổ sung đu đủ thường xuyên có thể kiểm soát viêm
Viêm là phản ứng của cơ thể khi các cơ quan bị tổn thương. Phản ứng này có thể gây đau nhức, sưng đỏ và tăng áp lực lên những cơ quan lân cận.
Bổ sung đu đủ hoặc các loại rau xanh, trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể làm giảm hiện tượng viêm và tăng tốc độ hồi phục những tế bào bị tổn thương.
6. Tăng cường hoạt động của cơ quan tiêu hóa
Enzyme papain trong quả đu đủ có tác dụng phá vỡ chuỗi protein có trong thịt động vật. Vì vậy ăn đu đủ thường xuyên có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa chứng khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng.
Ngoài ra, đu đủ còn được xem là phương thức điều trị tự nhiên đối với hội chứng ruột kích thích (IBS). Với những trường hợp IBS có triệu chứng táo bón, đầy trướng bụng, bổ sung loại quả này vào chế độ ăn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh và tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của đường ruột.
7. Bảo vệ làn da và hạn chế hình thành nếp nhăn
Ngoài tác dụng nâng cao sức khỏe, đu đủ còn có thể duy trì làn da khỏe mạnh và làm chậm quá trình lão hóa da. Bởi loại quả này chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có tác dụng ức chế gốc tự do (nguyên nhân gây sạm, nám, tàn nhang và nếp nhăn).
Bên cạnh đó, lycopene và vitamin C trong đu đủ còn giúp tăng sản sinh collagen và duy trì làn da căng bóng, mịn màng và ẩm mượt.
Nghiên cứu về tác dụng của lycopene trong các loại củ và rau xanh cho thấy, bổ sung lycopene trong 12 tuần có thể làm giảm hiện tượng đỏ da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Hơn nữa, bổ sung lycopene, vitamin C, E và các chất chống oxy hóa trong đu đủ thường xuyên còn giúp làm mờ nếp nhăn và giảm các sắc tố đậm màu trên bề mặt da.
8. Phòng ngừa cơn hen cấp tính bùng phát
Hen suyễn là bệnh hô hấp mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng hẹp phế quản đột ngột gây ra triệu chứng ho, khò khè, khó thở,… Bệnh có thể kéo dài suốt đời và bùng phát các cơn hen cấp tính khi có điều kiện thích hợp như thiếu oxy, kích động, nhiễm trùng,…
Các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng cho biết, hợp chất beta-carotene trong đu đủ, cà rốt và bí ngô có thể làm giảm và phòng ngừa các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Ở những bệnh nhân bổ sung beta-carotene thường xuyên, tần suất và mức độ của hen có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể.
9. Đu đủ giúp bảo vệ sức khỏe xương khớp
Hàm lượng canxi trong đu đủ không quá cao nhưng loại quả này vẫn có khả năng bảo vệ hệ thống xương khớp nhờ lượng vitamin K dồi dào.
Bổ sung vitamin K có thể cải thiện quá trình hấp thu và bài tiết canxi qua nước tiểu. Vì vậy thường xuyên ăn đu đủ có thể duy trì mật độ xương, giảm thiểu nguy cơ gãy xương và loãng xương ở người cao tuổi.
10. Hỗ trợ điều trị bỏng da
Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng đu đủ ở dạng điều trị tại chỗ có thể ngăn ngừa nhiễm trùng vết bỏng và thúc đẩy quá trình phục hồi vết thương. Tác dụng này của đu đủ là do enzyme papain phân giải protein ở da và giúp cơ quan này tăng tốc độ tái tạo.
11. Ăn đu đủ giúp ngăn ngừa rụng tóc
Vitamin A trong đu đủ là thành phần cần thiết cho mái tóc. Thành phần này có tác dụng điều hòa hoạt động sản xuất bã nhờn và duy trì độ ẩm thích hợp cho mái tóc. Ngoài ra vitamin A còn thúc đẩy quá trình sừng hóa protein và giúp tóc mọc nhanh hơn.
Bên cạnh đó đu đủ còn chứa vitamin C – thành phần thúc đẩy hình thành collagen (một trong những yếu tố quan trọng đối với cấu trúc của tóc).
12. Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển, đặc trưng bởi triệu chứng suy giảm trí tuệ và trí nhớ. Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia Thần kinh học, bệnh có thể khởi phát do các gốc tự do gây tổn thương tế bào.
Vì vậy việc bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như đu đủ có thể chống lại ảnh hưởng của gốc tự do và ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Với các trường hợp đã có dấu hiệu thoái hóa thần kinh, bổ sung đu đủ vào chế độ ăn có thể làm chậm tiến triển của bệnh.
13. Ổn định đường huyết và hỗ trợ điều trị tiểu đường
Nhiều nghiên cứu đã thực hiện cho thấy, bổ sung đu đủ xanh có thể làm giảm cholesterol và duy trì đường huyết ở mức ổn định. Bên cạnh đó, các hợp chất chống oxy hóa trong đu đủ còn có vai trò thúc đẩy cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng và giảm thiểu lượng đường tích tụ trong máu.
14. Tăng cường hoạt động miễn dịch
Đu đủ là nguồn cung cấp vitamin phong phú và dồi dào. Vì vậy bổ sung đu đủ thường xuyên có thể cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố có hại như vi khuẩn, virus, khói bụi, nấm mốc, thời tiết, môi trường ô nhiễm,…
Ngoài ra, ăn đu đủ trong thời gian mắc bệnh truyền nhiễm (cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm mũi dị ứng) có thể ức chế tác nhân gây bệnh và tăng tốc độ hồi phục.
15. Ăn đu đủ thường xuyên giúp giảm cân
Đu đủ là loại trái cây có hàm lượng chất xơ, khoáng chất và vitamin dồi dào. Vì vậy bổ sung loại quả này vào chế độ ăn có thể tăng cường trao đổi chất và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Nên bổ sung đu đủ bằng cách nào?
Với nhiều công dụng đối với sức khỏe, đu đủ “xứng đáng” là loại thực phẩm có mặt thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên để bảo toàn dinh dưỡng từ loại quả này, bạn nên bổ sung đu đủ theo những cách sau đây:
- Có thể ăn đu đủ như một loại trái cây thông thường. Tuy nhiên cần để đu đủ chín hoàn toàn, tránh dùng đu đủ sống vì chứa nhiều mủ, có thể gây dị ứng và khó tiêu.
- Dùng đu đủ xanh hoặc chín chế biến thành nhiều món ăn như đu đủ xào, salad đu đủ, gỏi đu đủ, canh đu đủ, sinh tố đu đủ, mứt đu đủ,…
- Sử dụng đu đủ ngâm muối để tạo vị chua, giòn. Đu đủ chua thường dùng ăn kèm với các món ăn có độ béo như bánh xèo, bánh căn,…
Những lưu ý cần biết trước khi bổ sung đu đủ vào chế độ ăn
- Hạt đu đủ chứa độc tính carpine có thể gây suy nhược hệ thần kinh và làm rối loạn mạch đập. Vì vậy bạn nên loại bỏ hạt đu đủ trước khi sử dụng.
- Dân gian có lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh từ lá đu đủ. Tuy nhiên lá đu đủ chứa nhiều enzyme và nhựa (papain) nên có thể gây dị ứng và rối loạn hô hấp (nghẹt mũi, hen suyễn, thở khò khè). Để tránh tình trạng này, bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng các cách chữa bệnh từ dân gian.
- Chất nhựa trong đu đủ xanh có thể kích thích tử cung co bóp mạnh. Vì vậy phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng đu đủ xanh để phòng ngừa tình trạng sinh non và sảy thai.
- Ăn quá nhiều đu đủ có thể tăng nhu động ruột, dạ dày và gây nôn mửa, tiêu chảy và đau thượng vị,…
Các đối tượng không nên sử dụng đu đủ
Đu đủ có thể ảnh hưởng đến một số tình trạng sức khỏe. Vì vậy bạn không nên sử dụng loại quả này nếu thuộc các trường hợp sau đây:
- Người mắc bệnh loãng máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu.
- Đường huyết thấp
- Mắc các bệnh lý về hô hấp mãn tính
- Bệnh thận
- Cơ địa dễ dị ứng
- Có vấn đề về dạ dày và đường ruột
- Người đang bị tiêu chảy
- Táo bón (không sử dụng đu đủ xanh)
- Trẻ em dưới 1 tuổi
Bài viết đã tổng hợp giá trị dinh dưỡng và một số công dụng chính của đu đủ. Khi bổ sung đu đủ vào chế độ ăn, bạn nên kết hợp với các loại trái cây và rau xanh khác để cung cấp nguồn dinh dưỡng đa dạng, từ đó tác động toàn diện đến sức khỏe.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!