19 tác dụng của sữa chua với sức khỏe và cách dùng
Sữa chua mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách ăn sao cho đúng để tận dụng được những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại. Bài viết là 19 tác dụng của sữa chua cùng những kiêng kỵ bạn cần biết khi sử dụng thực phẩm này.
Sữa chua là gì?
Sữa chua là sản phẩm được tạo thành từ quá trình lên men tự nhiên của sữa tươi. Trong đó, sữa bò loại thành phần được sử dụng phổ biến nhất.
Các loại sữa tươi thường được đem tách béo và thanh trùng với nhiệt độ dao động từ 80 – 90 độ C trước. Sau đó, dưới tác động của vi khuẩn lactic, sữa sẽ lên men và tạo ra vị chua tự nhiên đặc trưng của sữa chua. Thực phẩm này còn có tên gọi khác là yaourt (da-ua).
Sữa chua đã xuất hiện cách đây khoảng 4000 năm với nguồn gốc ban đầu là ở Bulgaria. Món ăn này được tình cờ phát hiện ra sau khi người du mục vận chuyển sữa qua thảo nguyên. Trong điều kiện này vi khuẩn có cơ hội phát triển mạnh và khiến sữa tươi bị lên men.
Kể từ khi được nhà sinh vật học người Bulgaria – Tiến sĩ Stamen Grigorov công bố về thành phần dinh dưỡng, sữa chua mới bắt đầu được biết đến rộng rãi và sử dụng trong ẩm thực của nhiều nước trên thế giới.
Các loại sữa chua
Tùy theo đặc điểm mà sữa chua được chia thành nhiều loại như:
- Sữa chua đặc nguyên chất: Đây là loại sữa chua truyền thống có độ trắng mịn, đặc tự nhiên, không được pha trộn thêm hương liệu hay các chất khác.
- Sữa chua khô: Loại sữa chua này thường được sản xuất ở dạng viên sấy khô. Khi ăn sữa chua khô có độ xốp, giòn tương tự như bánh. Sản phẩm này hiện đang được nhiều mẹ lựa chọn cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm. Chúng vừa giúp bổ sung lợi khuẩn có ích, nâng cao sức khỏe đường ruột cho bé, vừa giúp trẻ làm quen với việc nhai nuốt thức ăn. Khi tan trong miệng, sữa chua khô có vị ngọt, béo đặc trưng của sữa.
- Sữa chua dẻo: So với sữa chua truyền thống thì sữa chua dẻo đặc hơn. Nhờ được thêm gelatine trong quá trình ủ sữa mà món sữa chua trở nên đặc quánh như kem, vị mềm dẻo. Có thể dùng dao cắt sữa chua dẻo ra thành các miếng nhỏ mà không bị bể nát hay chảy nước.
- Sữa chua uống: Loại sữa chua này có dạng lỏng tương tự như sữa tươi, màu hơi đục. Tuy nhiên, sữa chua uống thường có vị chua hơn và có hàm lượng vi khuẩn sống lên men (probiotics) cao hơn so với các loại sữa chua dạng ăn.
- Sữa chua trái cây: Tương tự như sữa chua truyền thống nhưng loại này được bổ sung thêm trái cây hoặc hương liệu để có mùi vị hấp dẫn hơn.
XEM THÊM: Giải Đáp Người Bị Viêm Gan A Ăn Sữa Chua Được Không?
Thành phần dinh dưỡng của sữa chua
Phân tích thành phần dinh dưỡng của sữa chua cho thấy, trung bình trong 100 gram thu được các dưỡng chất sau:
- 111 kcal (năng lượng)
- 2,9 gram chất đạm (protein)
- 16.91 gram Carbohydrat
- 15.46 gram đường
- 0.5 gram chất xơ
- 121 mmg canxi
Ngoài ra, sữa chua còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như chất béo, sodium, kali, vitamin A, B12, C, D, canxi, axit folic, sắt, magie, phốt pho, thiamin, niacin… Đây đều là những dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe.
Tác dụng của sữa chua đối với sức khỏe
Sữa chua có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe và làm đẹp. Thực phẩm này giúp tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa các bệnh lý về xương khớp, chống lão hóa và giúp da sáng mịn hơn.
Dưới đây là những công dụng của sữa chua đối với sức khỏe:
1. Cung cấp nhiều năng lượng
Sữa chua cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Cứ 100g sữa chua lại bổ sung khoảng 111 kcal và 2,9 gram protein. Trong đó, thành phần protein không chỉ tham gia thúc đẩy quá trình trao đổi chất mà còn giúp xây dựng tế bào mới, cân bằng nguồn năng lượng đảm bảo cho các hoạt động cần thiết trong ngày.
2. Cải thiện khả năng miễn dịch
Đây là một trong những tác dụng rõ ràng nhất của sữa chua đối với sức khỏe. Thực phẩm này cung cấp một lượng lớn vi khuẩn probiotics và nhiều dưỡng chất có lợi khác như kẽm, selen, magie và vitamin D. Tất cả đều góp phần củng cố hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn trước sự tấn công của các tác nhân có hại.
3. Bảo vệ tim mạch
Sữa chua chứa nhiều chất béo lành mạnh có khả năng làm tăng cholesterol tốt HDL trong cơ thể. Thường xuyên sử dụng thực phẩm này trong thực đơn sẽ giúp làm giảm huyết áp và ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch.
4. Tăng cường chức năng tiêu hóa
Chứa nguồn vi khuẩn sống probiotics dồi dào. Chúng giúp nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích sau khoảng 3 tuần ăn sữa chua đã cải thiện được đáng kể các triệu chứng như đầy hơi, ăn không tiêu, đại tiện lỏng.
Bên cạnh đó, thành phần Bifidobacteria được tìm thấy trong nhiều loại sữa chua còn giúp tiêu diệt hại khuẩn, thúc đẩy chức năng tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý ở đường ruột cho bạn.
5. Giúp xương chắc khỏe hơn
Ăn sữa chua là một cách đơn giản để củng cố sức khỏe xương khớp của bạn. Thực phẩm này cung cấp nhiều canxi, vitamin D, phốt pho và protein… Đây là những thành phần quan trọng tham gia vào quá trình xây dựng tế bào xương, làm tăng mật độ xương. Điều này mang lại lợi ích to lớn trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các triệu chứng của bệnh loãng xương, giúp xương khớp của bạn chắc khỏe hơn.
6. Hỗ trợ giảm cân
Với nhiều protein, ăn sữa chua sẽ mang lại cho bạn cảm giác no lâu hơn. Thực phẩm này cũng giúp ngăn chặn hoạt động của các enzym gây đói.
Thêm vào đó, sữa chua còn giúp tăng cường chuyển hóa chất béo trong cơ thể, làm giảm sự tích tụ của các tế bào mỡ, mang đến cho bạn một vóc dáng săn chắc, thon gọn hơn. Đây chính là thực phẩm lý tưởng cho thực đơn của người bị béo phì hoặc các đối tượng đang duy trì kế hoạch giảm cân.
Để kiểm soát tốt cân nặng, tốt nhất bạn nên ăn sữa chua không đường và các sản phẩm đã được tách béo.
7. Kháng khuẩn, giảm viêm da
Khi sử dụng theo đường bôi ngoài, sữa chua có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh chàm, vẩy nến, viêm da hay bệnh rosacea. Nhờ có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, thực phẩm này cũng giúp làm giảm tình trạng nhiễm trùng, viêm ngứa ngoài da.
8. Phòng chống ung thư
Đây là tác dụng của sữa chua với sức khỏe không phải ai cũng biết. Nhờ chứa nhiều probiotics, sữa chua có thể giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp, loại bỏ độc tố tích tụ trong đường ruột, ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày hay ung thư đại trực tràng.
9. Phòng ngừa cảm cúm, cảm lạnh
Sữa chua cung cấp probiotics giúp tăng cường khả năng miễn dịch, ức chế sự phát triển của virus gây bệnh cảm cúm, cảm lạnh. Sử dụng thực phẩm này trong thời gian mắc bệnh cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, đồng thời bổ sung thêm vitamin A, B, C thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe.
10. Ngăn ngừa viêm loét dạ dày
Ăn sữa chua có tác dụng đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm thời gian lưu lại của thức ăn trong dạ dày, từ đó giúp cơ quan này có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, ăn sữa chua còn giúp ức chế hại khuẩn, ngăn ngừa và làm nhanh lành các vết loét trong dạ dày. Chính vì vậy mà người bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên thường xuyên ăn sữa chua.
ĐỌC NGAY: Trào Ngược Dạ Dày Có Nên Ăn Sữa Chua Không? Cần Lưu Ý Gì?
11. Nâng cao sức khỏe răng lợi
Thành phần axit lactic trong sữa chua có khả năng kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên. Nó giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại, ngăn chặn sự hình thành của mảng bám ở chân răng. Điều này có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm nướu, viêm lợi, sâu răng hay hôi miệng.
Tác dụng của sữa chua trong làm đẹp
Sữa chua được nhiều chị em ưa chuộng trong làm đẹp nhờ có nhiều tác dụng tốt cho làn da như:
1. Dưỡng ẩm, làm mềm da
Thời tiết khô hanh, cơ thể ra nhiều mồ hôi hoặc bị mất nước rất dễ khiến làn da bạn trở nên khô ráp, bong tróc. Hãy tăng cường sử dụng sữa chua trong thực đơn hoặc dùng nguyên liệu này làm mặt nạ đắp da để cân bằng độ ẩm và đẩy nhanh tốc độ tái tạo tế bào da mới từ bên trong, giúp làn da săn chắc, mịn màng hơn.
2. Làm trắng da, hỗ trợ điều trị thâm nám, tàn nhang
Sữa chua có khả năng làm trắng da nhờ chứa nhiều axit lactic. Chất này giúp ức chế sản sinh melamin, cải thiện sắc tố da, làm mờ các vết nám, tàn nhang, giúp da sáng đều màu hơn.
Thêm vào đó, nguồn vitamin C dồi dào trong sữa chua còn phát huy tác dụng làm trắng da bằng cách chống oxy hóa, bảo vệ da trước tác hại của tia UV trong ánh nắng mặt trời – nguyên nhân chính gây nám, tàn nhang.
3. Tẩy tế bào chết
Sữa chua được nhiều chị em sử dụng để thay thế cho kem tẩy tế bào chết. Khi tiếp xúc với da, thành phần axit lactic có tác dụng làm mềm và khiến các tế bào da chết bong tróc ra ngoài một cách tự nhiên, giúp lỗ chân lông được thông thoáng.
4. Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị mụn
Không chỉ giúp loại bỏ sạch tế bào chết trên da, sữa chua còn có tác dụng làm sạch dầu nhờn và bụi bẩn làm bít tắc lỗ chân lông, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn có hại. Sử dụng sữa chua đúng cách sẽ giúp bạn ngăn ngừa và trị mụn hiệu quả.
5. Giảm quầng thâm ở mắt
Vết quầng thâm dưới mắt thường xuất hiện do thức khuya nhiều hoặc mất ngủ. Nó khiến cho khuôn mặt của bạn trở nên thiếu sức sống. Với hàm lượng kẽm dồi dào, thực phẩm này có thể giúp nuôi dưỡng và đánh bay các vết quầng thâm dưới mắt của bạn, giúp vùng da quanh mắt luôn sáng khỏe, tươi tắn.
6. Chống lão hóa da
Sữa chua có khả năng chống oxy hóa mạnh. Nó giúp tiêu diệt gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa da. Nếu làn da bạn đang có dấu hiệu bị lão hóa như sạm da, da nhăn nheo, chảy xệ thì nên thường xuyên dùng sữa chua để cải thiện làn da, giúp kéo dài tuổi xuân.
7. Chữa cháy nắng cho da
Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ khiến da bạn bị cháy nắng, nóng đỏ, bóng rát. Bạn có thể cấp cứu cho làn da bằng cách đắp mặt nạ sữa chua. Chất kẽm trong thực phẩm này sẽ giúp làm dịu kích ứng trên da, cải thiện các triệu chứng khó chịu và đẩy nhanh tốc độ tái tạo tế bào mới thay thế cho các mô da bị tổn thương.
8. Tăng độ săn chắc, đàn hồi cho da
Thành phần vitamin C trong sữa chua có tác dụng kích thích sản sinh collagen – một chất quan trọng có khả năng cải thiện cấu trúc da, giúp da săn chắc và có độ đàn hồi tốt hơn.
Cách làm sữa chua ngon
Cách làm sữa chua rất đơn giản. Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian và sự khéo léo là bạn có thể tự làm ra được sữa chua nguyên chất thơm ngon và an toàn cho cả nhà sử dụng.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Sữa đặc: 1 lon
- Sữa tươi: 2 lon ( đong bằng lon sữa đặc)
- Nước sôi: 1 lon
- Sữa chua không đường (sữa chua cái): 1 lon
- Hũ đựng sữa chua
Cách thực hiện:
- Trước tiên, khui hộp sữa đặc và đổ vào 1 cái tô to
- Dùng lon sữa đong nước sôi cho vào tô sữa đặc, khuấy đều cho sữa tan hết
- Tiếp tục cho sữa tươi vào, trộn đều
- Khui hộp sữa chua bỏ vào hỗn hợp sữa, dùng thìa khuấy đều rồi rây qua rây để loại bỏ hết phần cái sữa còn chưa tan hết. Động tác này giúp cho ra thành phẩm mịn hơn.
- Lần lượt múc sữa vào cốc đã chuẩn bị, đậy nắp lại
- Sau đó, bạn nấu một nồi nước nóng thấy sôi lăn tăn khoảng 80 độ là được
- Xếp các hũ sữa vào trong nồi nước nóng để ủ. Lượng nước trong nồi ngập tới 2/3 cổ hũ là được
- Đậy nắp nồi, ủ chăn lại cho kín. Sau khoảng 8 – 10 tiếng sữa chua sẽ lên men
- Lúc này, bạn có thể bỏ sữa chua vào trong tủ cho đặc lại để dùng dần.
Cách ăn sữa chua
Ngoài việc ăn trực tiếp sữa chua nguyên chất, bạn có thể biến tấu thực phẩm này thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như:
- Sữa chua uống
- Sữa chua trộn trái cây
- Sữa chua nếp cẩm
- Salad sữa chua,…
Cách dùng sữa chua trong làm đẹp
Sữa chua thường được phái đẹp sử dụng làm mặt nạ chăm sóc da tại nhà thay thế cho các loại mỹ phẩm đắt đỏ. Bạn có thể đắp mặt nạ sữa chua nguyên chất hoặc kết hợp với các nguyên liệu thiên nhiên khác để làm trắng da, ngăn ngừa hỗ trợ điều trị mụn, cải tạo làn da khô sần và có nhiều nếp nhăn hay vết thâm nám.
Khi làm đẹp bằng sữa chua, bạn nên dùng loại không đường. Tránh dùng loại có đường khiến da dễ bị kích ứng và nổi mụn. Do sữa chua có tính axit nên có thể ăn mòn da nếu lạm dụng quá mức. Bạn không nên đắp mặt nạ sữa chua hàng ngày và trong thời gian sử dụng nên chống nắng cho da cẩn thận khi đi ra ngoài bởi lúc này, làn da rất dễ bị bắt nắng.
Mặt nạ sữa chua mật ong dưỡng ẩm, làm trắng da
- Trộn 2 thìa mật ong với 1 hũ sữa chua
- Dùng thìa khuấy đều để được một hỗn hợp sánh mịn
- Làm sạch da rồi lấy một ít hỗn hợp lần lượt bôi đều lên khắp da mặt hoặc các vùng da cần dưỡng trắng
- Để khô tự nhiên rồi lấy nước sạch rửa lại
- Áp dụng mặt nạ này với tần suất 2 – 3 lần trong tuần.
Mặt nạ sữa chua bột nghệ trị mụn, làm mờ vết thâm sẹo
- Chuẩn bị 2 thìa bột nghệ nguyên chất và 1/2 hũ sữa chua không đường
- Trộn cả hai nguyên liệu với nhau sao cho bột nghệ không bị vón cục
- Sau khi rửa sạch mặt, bạn thoa một lớp mỏng hỗn hợp lên vùng da cần điều trị
- Để từ 20 – 30 phút sau dùng nước rửa lại cho sạch
- Thực hiện cách ngày để da nhanh hết mụn mà không để lại vết thâm hay sẹo trên da.
Sữa chua kết hợp với khoai tây trị nám, tàn nhang
- Dùng 1 củ khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, thái lát mỏng đem hấp cách thủy cho chín
- Bỏ khoai vào chén dằm nhuyễn, sau đó trộn chung với lượng sữa chua vừa đủ sao cho được hỗn hợp đặc sệt
- Để trị nám, tàn nhang, bạn chỉ cần đắp mặt nạ lên vùng da bị ảnh hưởng 3 lần trong tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Sắc tố da sẽ dần dần được cải thiện.
Tẩy tế bào chết bằng mặt nạ sữa chua và bột yến mạch
- Lấy 2 thìa sữa chua và 1 thìa bột yến mạch bỏ vào chén
- Trộn lên cho thật đều, để vài phút cho bột yến mạch nở ra
- Làm ướt da mặt rồi thoa hỗn hợp lên da
- Massage nhẹ nhàng trong 3 – 5 phút để các chất trong mặt nạ làm mềm và loại bỏ sạch các tế bào chết cùng dầu nhờn, bụi bẩn tích tụ trong lỗ chân lông ra ngoài.
- Cuối cùng, rửa mặt lại với nước cho sạch
- Bạn có thể tẩy tế bào chết với mặt nạ này 2 lần mỗi tuần để luôn sở hữu một làn da căng mịn, tươi trẻ.
Mặt nạ sữa chua vitamin E chống lão hóa, trị thâm
- Lấy 1 hũ sữa chua trộn đều với 2 viên nang vitamin E
- Vệ sinh da sạch sẽ rồi thoa một lớp mặt nạ mỏng phủ kín toàn bộ vùng da cần điều trị
- Giữ mặt nạ trên da trong ít nhất 20 phút
- Duy trì đắp mặt nạ này 3 lần trong tuần vào các buổi tối để làm mờ vết thâm sạm, làm chậm quá trình lão hóa và giúp da sáng đều màu hơn.
Ăn nhiều sữa chua có tốt không? Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu?
Sữa chua mặc dù tốt nhưng ăn quá nhiều có thể gây phản tác dụng. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi bạn ăn nhiều sữa chua như:
- Khó tiêu, đau bụng, cồn cào trong ruột, buồn nôn hoặc thậm chí là tiêu chảy
- Tăng axit trong dạ dày dẫn đến ợ chua, trào ngược thực quản
- Tăng cân, béo phì khi ăn nhiều sữa chua có chứa đường
- Một số trường hợp còn bị dị ứng khi ăn sữa chua dẫn đến tình trạng nôn mửa, nổi mề đay, phát ban, khó thở.
- Ăn mòn men răng.
Để tránh gặp phải các tác hại kể trên, bạn chỉ nên ăn sữa chua ở mức độ vừa phải. Liều dùng trong ngày tùy thuộc vào từng độ tuổi. Cụ thể như sau:
- Trẻ em từ 6 đến 10 tháng tuổi: 50 gram/ngày
- Trẻ 1 đến 2 tuổi: 80 gram/ngày
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên: 100 gram/ngày
- Người trưởng thành: 100-250 gram/ ngày ( khoảng 1 – 2 hũ)
Ăn sữa chua khi nào tốt nhất?
Không giống như những thực phẩm khác có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày, sữa chua chỉ được khuyến cáo ăn vào một số thời điểm nhất định. Cụ thể như sau:
- Sau khi ăn: Do có hàm lượng axit cao, ăn sữa chua khi đói bụng có thể khiến hàm lượng axit trong dạ dày tay cao dẫn đến cảm giác xót ruột, cồn cào trong ruột và ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa. Tốt nhất bạn nên dùng sữa chua sau khi ăn khoảng 1 tiếng. Như vậy sẽ giúp hỗ trợ dung nạp được nhiều chất dinh dưỡng từ trong thức ăn mới nạp vào trước đó. Hơn nữa, sau khi ăn, nồng độ pH trong dạ dày được duy trì ở mức từ 4,5 trở lên chính là điều kiện lý tưởng nhất để lợi khuẩn có thể tồn tại và phát triển.
- Buổi tối: Bạn có thể ăn một hũ sữa chua ít đường hoặc không đường vào bữa tối giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn vào cuối ngày, đồng thời bổ sung thêm dưỡng chất cho cơ thể.
- Sau khi tập luyện: Sau khi tập thể dục, thể thao xong, cơ thể bạn sẽ mất đi một lượng lớn năng lượng. Thành phần carbohydrat và protein sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Đồng thời sữa chua cũng cung cấp canxi, kali, magie làm giảm hiện tượng đau nhức ở cơ bắp.
Trường hợp nào không nên ăn sữa chua?
Mặc dù sữa chua chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai ăn sữa chua cũng đều có lợi. Cần thận trọng khi sử dụng sữa chua ở các nhóm đối tượng sau:
- Đối tượng hay bị đau bụng đi ngoài
- Trường hợp đang bị viêm nhiễm, tổn thương trong đường ruột
- Người bị đái tháo đường nên tránh dùng sữa chua không đường
- Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch
- Người mắc bệnh sỏi thận
- Các trường hợp bị viêm tuyến tụy hoặc viêm túi mật
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi
- Người bị dị ứng với thành phần có trong sữa chua
Lưu ý khi ăn sữa chua
Để cảm nhận được các lợi ích từ sữa chua và đảm bảo an toàn, người bệnh nên lưu ý những điều dưới đây:
- Tránh ăn sữa chua cùng thời điểm với đồ hộp, các thức ăn chế biến sẵn, chẳng hạn như xúc xích hoặc lạp xưởng. Thành phần quặng ni-to-rat kali có trong các thực phẩm này có thể tương tác với một số chất trong sữa chua làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
- Ăn sữa chua cùng lúc với kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả của thuốc và khiến cho lợi khuẩn trong sữa chua bị tiêu diệt.
- Không đun nóng sữa chua bởi ở điều kiện nhiệt độ cao, vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt
- Sữa chua đã mở bao bì nên ăn ngay
- Sau khi mua về, bạn nên bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh và dùng hết trong thời gian sớm nhất, tránh để quá lâu
- Trên thị trường có nhiều sản phẩm sữa chua. Tốt nhất bạn nên ăn loại nguyên chất. Có thể thêm trái cây tươi vào ăn cùng để thay đổi khẩu vị và bổ sung thêm dưỡng chất cho cơ thể.
- Sau khi ăn sữa chua, bạn nên súc miệng ngay để làm sạch vị chua trong miệng, tránh gây hại cho men răng.
Những câu hỏi thường gặp khi ăn sữa chua
Một số câu hỏi được nhiều người thắc mắc khi ăn sữa chua:
Ăn sữa chua hàng ngày có tốt không?
Sữa chua không chỉ mang đến nhiều lợi ích mà còn thuộc nhóm thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Để cải thiện sức khỏe, bạn có thể ăn sữa chua hàng ngày vào các thời điểm như buổi sáng sau khi ăn 1 giờ hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Không nên ăn sữa chua vào lúc đói để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên đối với những trường hợp bị dị ứng, hay bị đau bụng đi ngoài, trẻ sơ sinh < 6 tháng tuổi, sỏi thận… không nên ăn sữa chua (tham khảo thêm mục Trường hợp nào không nên ăn sữa chua).
Ăn sữa chua có giảm cân không?
Sữa chua có khả năng hỗ trợ giảm cân rất hiệu quả, làm tan mỡ thừa, giúp cơ bắp săn chắc, đồng thời duy trì hệ miễn dịch và sức khỏe tốt nhất. Nếu bạn có cân nặng dư thừa hoặc đang có ý định giảm cân, bạn nên duy trì chế độ luyện tập kết hợp ăn sữa chua để sớm sở hữu được vóc dáng như mong đợi.
Một ngày nên ăn mấy hộp sữa chua?
Theo các chuyên gia, người lớn có thể ăn từ 1 – 2 hộp sữa chua mỗi ngày. Trẻ nhỏ trên 6 tháng đến 1 tuổi nên ăn mỗi ngày từ 2 thìa đến nửa hộp sữa chua.
Bài viết là những tác dụng của sữa chua với sức khỏe và làn da. Bạn nên duy trì ăn sữa chua đều đặn và đúng cách để tận dụng được những lợi ích tuyệt vời mà thực phẩm này mang lại.
Có thể bạn chưa biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!