Bệnh Suy Buồng Trứng
Suy buồng trứng là nỗi ám ảnh của không ít chị em phụ nữ. Sự suy giảm chức năng buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (vô sinh hiếm muộn) mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe sinh lý, thể chất, tinh thần. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý này trong bài viết dưới đây.
Tổng quan
Buồng trứng là cơ quan quan trọng đối với người phụ nữ, đảm nhiệm chức năng nội tiết và sinh sản. Cụ thể là khả năng thụ tinh mang thai và sản sinh hormone estrogen và progesterone. Suy buồng trứng (Primary ovarian insufficiency - POI) là tình trạng suy giảm chức năng buồng trứng, thường xảy ra ở chị em phụ nữ trước 40 tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Tỷ lệ mắc suy buồng trứng ở nữ giới được thống kê như sau:
- Phụ nữ < 45 tuổi có tỷ lệ 5%;
- Phụ nữ < 40 tuổi có tỷ lệ 1%;
- Phụ nữ < 30 tuổi có tỷ lệ 0.1%;
- Phụ nữ dưới 20 tuổi có tỷ lệ 0.01%;
Khác với suy buồng trứng do lão hóa, mãn kinh, suy buồng trứng sớm trong độ tuổi sinh sản gây ảnh hưởng đến khả năng sinh nở, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Không những vậy, chức năng tình dục cũng suy giảm đáng kể.
Phân loại
Dựa vào nguyên nhân, kết quả đo nồng độ FSH huyết thanh và các triệu chứng lâm sàng, bệnh suy buồng trứng được phân chia làm 5 loại cơ bản gồm:
- Suy buồng trứng nguyên phát kín: Nồng độ FSH huyết thanh bình thường trong giai đoạn đầu, gây vô sinh nhưng không rõ nguyên nhân.
- Suy buồng trứng nguyên phát sinh hóa: Nồng độ FSH huyết thanh tăng cao bất thường và gây vô sinh không rõ nguyên nhân.
- Suy buồng trứng nguyên phát công khai: Nồng độ FSH huyết thanh tăng cơ bản, kèm theo biểu hiện rối loạn kinh nguyệt.
- Suy buồng trứng sớm: Nồng độ FSH huyết thanh tăng cơ bản, rối loạn kinh nguyệt, tắc kinh, mất kinh và không có con trong nhiều năm, được chẩn đoán giảm khả năng thụ thai.
- Mãn kinh sớm: Đây là dạng suy buồng trứng do lão hóa, phụ nữ đã đến độ tuổi mãn kinh. Lúc này, nữ giới không còn kinh nguyệt, mất hoàn toàn các nang trứng, không còn khả năng sinh sản.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây suy buồng trứng được chia làm 2 nhóm chính là nguyên nhân tự phát và nguyên nhân thứ phát.
- Nguyên nhân tự phát:
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Mất kinh, tắc kinh đột ngột, kinh nguyệt không đều khiến hormone estrogen không ổn định. Về lâu dài làm tăng nguy cơ rối loạn trao đổi chuyển hóa chất béo và làm tăng nguy lão hóa gây suy buồng trứng;
- Khuyết tật nhiễm sắc thể: Xảy ra chủ yếu ở những chị em mắc hội chứng Turner, thiếu hụt 1 nhiễm sắc thể X (còn được gọi là hội chứng X) tăng nguy cơ suy buồng trứng. Bệnh lý này có liên quan đến yếu tố di truyền.
- Ảnh hưởng từ các bệnh tự miễn: Là các bệnh lý do sự rối loạn hệ thống miễn dịch, sản sinh các các kháng thể tấn công đến các mô buồng trứng, gây tổn thương, dẫn đến suy buồng trứng. Thường gặp nhất là bệnh viêm tuyến giáp tự miễn.
- Nhiễm độc tố: Việc tiếp xúc với hóa chất, các loại thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa hoặc hóa - xạ trị ung thư... khiến cơ thể nhiễm chất độc hại, gây ảnh hưởng và suy giảm chức năng buồng trứng.
- Tuổi tác: Nữ giới lập gia đình trễ và có con trong độ tuổi từ 35 trở đi rất dễ gặp phải tình trạng này. Thường là do bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa, suy buồng trứng khiến ít rụng và kém chất lượng.
- Rối loạn quá trình trao đổi chất: Tình trạng này còn được gọi là hiện tượng galactosemia cũng thuộc nhóm nguyên nhân gây suy buồng trứng nguyên phát.
- Nguyên nhân thứ phát:
- Nhiễm trùng cơ quan sinh dục: Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ mỗi ngày, nhất là sau khi quan hệ tình dục, quan hệ không an toàn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (virus herpes simplex HSV, virus quai bị, mụn rộp sinh dục)... đều là những nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiễm trùng đường sinh dục. Nhiễm trùng quá phát lây lan sang các cơ quan lân cận, trong đó có buồng trứng và gây suy buồng trứng.
- Nạo phá thai: Ảnh hưởng từ việc nạo phá thai không chỉ dừng lại ở những tổn thương trong tử cung mà còn kéo theo suy giảm chức năng buồng trứng. Càng nạo phá thai nhiều lần nguy cơ vô sinh hiếm muộn càng cao do số lượng và chất lượng trứng ít đi, buồng trứng viêm nhiễm, về lâu dài gây ra suy buồng trứng.
- Thực hiện kích trứng: Kích trứng được thực hiện nhằm mục đích tăng khả năng thụ thai. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc kích trứng là kích thích sản sinh quá nhiều nang noãng, gây ứ dịch trong ổ bụng và làm ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan liên quan. Về lâu dài có thể dẫn đến suy buồng trứng, xoắn buồng trứng hoặc xuất huyết buồng trứng...
Yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân trên, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây ra suy buồng trứng như:
- Giảm cân quá mức gây rối loạn hormone nội tiết, thường là estrogen;
- Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như thức khuya thường xuyên, ngủ không đủ giấc, lạm dụng chất kích thích...;
- Stress, áp lực tinh thần quá lớn khiến nội tiết tố suy giảm;
- Sử dụng thuốc tây, hút thuốc lá hoặc các loại thảo dược không rõ nguồn gốc xuất xứ;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Nữ giới bị suy buồng trứng thường có các biểu hiện đặc trưng tương tự như giai đoạn mãn kinh do thiếu hụt hormone estrogen:
- Rối loạn kinh nguyệt trong thời gian dài, mất kinh, tắc kinh;
- Cơn đau hành kinh và màu sắc máu kinh cũng có sự đổi khác so với bình thường;
- Khô âm đạo, đau rát khi quan hệ;
- Rối loạn tiết niệu gây són tiểu, tiểu nhiều, bí tiểu...;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Giảm sự tập trung, dễ cáu gắt, bực bội, thay đổi tính khí, trầm cảm;
- Hay đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa, mất ngủ;
- Thường xuyên chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn;
- Da dẻ sạm nám, nhăn nheo và nhão xệ;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh nhân suy buồng trứng cần phải thu thập rất nhiều thông tin nhằm xác định nguyên nhân, loại trừ các bệnh lý khác và chẩn đoán chính xác mức độ suy buồng trứng.
- Khám lâm sàng: Bệnh nhân mô tả chi tiết và đầy đủ những triệu chứng xuất hiện nhiều nhất trong thời gian gần đây, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và tiền sử bệnh tật gia đình và khám sức khỏe tổng quát, khám âm đạo và niêm mạc âm đạo để phát hiện tổn thương, đánh giá chất nhầy cổ tử cung để xác định tình trạng thiếu hụt estrogen.
- Các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết khác: gồm:
- Xét nghiệm nồng độ FSH (đây là 1 loại hormone do thùy trước tuyến yên trong não sản sinh ra);
- Xét nghiệm Estradiol (đây là 1 dạng của hormone estrogen do buồng trứng, tuyến thượng thận và vú sản xuất ra);
- Xét nghiệm máu đo nồng độ estrogen, hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng;
- Xét nghiệm đánh giá nhiễm sắc thể đối với những trường hợp nghi ngờ đột biến gen;
- Một số kiểm tra khác như:
- Thử thai nhằm loại trừ trường hợp mang thai;
- Siêu âm vùng chậu, đánh giá cấu trúc và phát hiện các tổn thương ở buồng trứng;
- Kiểm tra karytype;
Bệnh nhân được chẩn đoán là suy buồng trứng khi tập hợp đầy đủ các tiêu chí sau:
- Phụ nữ < 40 tuổi;
- Chỉ số FSH tăng cao > 30 - 40 IU/L;
- Nếu rối loạn kinh nguyệt, có biểu hiện giảm khả năng thụ thai, kết quả đo FSH vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh thường > 10 - 15IU/L, chỉ số estradiol trong huyết thanh ≥ 80pg/L;
Biến chứng và tiên lượng
Suy buồng trứng hiện nay ngày càng có xu hướng trẻ hóa, xảy ra sớm trong độ tuổi sinh sản, thậm chí vừa dậy thì xong, thay vì trước đi chỉ xảy ra ở phụ nữ > 50 tuổi do lão hóa. Điều này làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn, khiến chị em phụ nữ trẻ tuổi đã lập gia đình gặp khó khăn trong việc sinh con. Những trường hợp nặng chức năng buồng trứng không thể phục hồi bắt buộc phải nhờ đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản như cấy ghép trứng hoặc IVF.
Không chỉ như vậy, suy buồng trứng giai đoạn nặng nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường như:
- Rối loạn tâm lý: Sự thiếu hụt hormone estrogen kéo dài gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là rối loạn tâm lý. Chị em thường có những biểu hiện như thay đổi tâm tính, dễ cáu gắt, khó chịu và bực bội.
- Loãng xương: Nữ giới trẻ tuổi bị suy buồng trứng sớm có nguy cơ cao bị loãng xương. Đây là hậu quả của tình trạng rối loạn chức năng buồng trứng trước khi hệ xương khớp hoàn thiện hoàn toàn. Nếu không điều trị đúng cách rất dễ bị gãy xương dù gặp chấn thương hoặc tác động nhỏ.
- Suy giảm chức năng nội mô: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tim mạch, liên quan đến sự suy giảm chức năng nội mô và có nguy cơ tử vong cao.
- Ảnh hưởng đời sống tình dục: Suy buồng trứng gây rối loạn hormone nội tiết, ảnh hưởng đến nhu cầu sinh lý, giảm ham muốn tình dục. Đây cũng là tiền đề cho những rạn nứt, đổ vỡ trong hôn nhân.
- Suy giảm trí nhớ: Nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng phụ nữ < 43 tuổi bị suy buồng trứng không được điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế, đã cắt bỏ 2 buồng trứng thường có nguy cơ cao bị suy giảm nhận thức, giảm trí nhớ và khả năng tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc.
Tiên lượng điều trị suy buồng trứng khá tốt nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, ngoại trừ những trường hợp suy buồng trứng do lão hóa, mãn kinh, các trường hợp bị suy buồng trứng sớm khác thường rất khó phát hiện và dễ bị bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị, gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, với các chị em bị suy buồng trứng sớm muốn có con trong tương lai sẽ được tư vấn phương pháp trữ trứng. Phương pháp này giúp bảo tồn khả năng sinh sản về sau.
Điều trị
Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp đặc trị đối với bệnh suy buồng trứng, vì một khi chức năng buồng trứng đã bị suy giảm sẽ rất khó phục hồi. Việc áp dụng các biện pháp điều trị hiện nay chỉ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ biến chứng.
Các biện pháp điều trị suy buồng trứng được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:
1. Liệu pháp hormone thay thế
Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị các bệnh về thiếu hụt hormone nội tiết, trong đó có suy buồng trứng. Liệu pháp này sử dụng 1 loại hormone nhân tạo (thường là estrogen) được điều chế dưới dạng viên uống hoặc thuốc tiêm. Có tác dụng cải thiện các triệu chứng như loãng xương, bốc hỏa, giảm ham muốn cùng nhiều triệu chứng khác do thiếu hụt estrogen.
Để tăng hiệu quả, bác sĩ thường chỉ định kết hợp estrogen với thuốc chứa hormone progesterone (đối với những trường hợp phụ nữ còn tử cung) nhằm bảo tồn chức năng niêm mạc tử cung khỏi các tác động tiêu cực, có thể biến đổi hình thành tế bào ung thư nếu chỉ dùng thuần estrogen.
Liều dùng khuyến cáo như sau:
- Liều khởi đầu: 50 - 100g estradiol, vì đây là nồng độ estrogen cơ bản khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt;
- Liều duy trì: Trong trường hợp có tử cung nên dùng 5 - 10mg medroxyprogesterone acetate trong vòng 12 ngày/ tháng nhằm giảm nguy cơ biến chứng tăng sản nội mạc tử cung;
Sau một thời gian sử dụng liệu pháp hormone, kinh nguyệt sẽ quay trở lại và cải thiện đáng kể chức năng buồng trứng (tuy không hoàn toàn) nhưng vẫn có thể giúp bệnh nhân phục hồi chức năng sinh sản và nội tiết. Tùy theo nhu cầu mong muốn và thể trạng sức khỏe, chị em phụ nữ có thể áp dụng liệu pháp hormone này cho đến khi mãn kinh, khoảng 50, 51 tuổi.
2. Dùng thuốc phục hồi chức năng buồng trứng
Nữ giới hiếm muộn thường được chỉ định điều trị bằng phương pháp phục hồi chức năng buồng trứng thông qua dùng thuốc. Các loại thuốc thường dùng như:
- Corticosteroid;
- Clomiphene citrate;
- Oestradiol;
- ....
Việc dùng thuốc cần được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa sau thăm khám và chẩn đoán. Khuyến cáo bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định để giảm thiểu nguy cơ phát sinh tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
3. Tăng cường bổ sung canxi & vitamin D
Chị em phụ nữ bị suy buồng trứng cần có chế độ ăn uống giàu canxivà vitamin D nhằm phòng ngừa loãng xương. Để biết được nhu cầu canxi & vitamin D, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện kiểm tra mật độ xương để chỉ định liều dùng phù hợp cần bổ sung. Thông thường:
- Nữ giới trong độ tuổi từ 19 - 50 tuổi: bổ sung ~ 1000mg canxi/ ngày;
- Phụ nữ > 51 tuổi: bổ sung ~ 1200mg/ ngày;
Bổ sung canxi và vitamin D có thể thông qua thực phẩm, chế độ ăn uống hàng ngày hoặc các loại viên uống thực phẩm chức năng.
Một số loại thực phẩm tốt có lợi trong việc cải thiện suy buồng trứng như:
- Hạt maca
- Sữa ong chúa
- Rượu vang (tối đa mỗi ngày 1 ly nhỏ);
- Các loại thực phẩm giàu sắt khi đang trong những ngày hành kinh;
- Các loại cá giàu omega-3;
- Các loại thực phẩm chứa đạm như trứng, sữa, đậu...;
- ...
4. Điều trị vô sinh
Đối với những chị em bị suy buồng trứng hoàn toàn, không còn khả năng sinh sản tự nhiên cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của các biện pháp sinh sản nhân tạo.
- Thụ tinh trong ống nghiệm: Tiến hành lọc những trứng đạt chất lượng (trứng noãn tự thân) hoặc xin trứng để thụ tinh với tinh trùng của chồng và nuôi cấy thành phôi. Sau đó, đưa vào cơ thể người phụ nữ để thực hiện mong muốn mang thai và sinh con.
- Trữ noãn: Những chị em phụ nữ còn trẻ tuổi phát hiện suy buồng trứng sớm nhưng chưa lập gia đình hoặc chưa có mong muốn sinh con có thể cân nhắc đến biện pháp trữ noãn. Noãn trứng sẽ được trữ đông ngay thời điểm hiện tại và rã đông khi có nhu cầu sử dụng.
Phòng ngừa
Ngoại trừ suy buồng trứng do lão hóa, chị em phụ nữ trẻ tuổi, trong độ tuổi sinh sản hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp tích cực dưới đây để phòng ngừa suy buồng trứng sớm:
- Xây dựng lối sống khoa học, sinh hoạt đúng giờ giấc, tránh làm việc quá sức, không thức khuya, ngủ đủ giấc.
- Điều chỉnh thực đơn ăn uống phù hợp, cân bằng các dưỡng chất cần thiết, tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm giàu sắt, đạm, omega-3 tốt cho buồng trứng.
- Tránh sử dụng thực phẩm có hại như chất kích thích (rượu, bia), thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ gây thừa cân béo phì.
- Nói không với thuốc lá và các chất gây nghiện khác, kể cả việc tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Tập thể dục thể thao, vận động thể chất tích cực, nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng, miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng.
- Cân nhắc trong việc sử dụng thuốc tránh thai, không được lạm dụng quá mức.
- Tránh nạo phá thai quá nhiều lần, tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia để được tư vấn áp dụng biện pháp ngừa thai an toàn.
- Đối với bệnh nhân đã điều trị suy buồng trứng, cần thường xuyên tái khám sau 6 - 12 tháng để kiểm tra nồng độ cortisol, canxi, hormone kích thích tuyến giáp và xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến thượng thận để tầm soát nguy cơ tái phát bệnh, điều trị kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi bị suy buồng trứng?
2. Bệnh suy buồng trứng sớm có nguy hiểm không?
3. Bị suy buồng trứng có con được không?
4. Bệnh suy buồng trứng có chữa khỏi dứt điểm được không?
5. Những xét nghiệm chẩn đoán suy buồng trứng tôi cần thực hiện?
6. Phương pháp điều trị suy buồng trứng tốt nhất dành cho tôi?
7. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến những chỉ định điều trị này?
8. Điều trị vô sinh do suy buồng trứng bằng cách nào hiệu quả?
9. Tôi nên làm gì để phòng ngừa tái phát suy buồng trứng?
10. Quá trình điều trị suy buồng trứng mất bao lâu thì khỏi?
Suy buồng trứng là một trong những vấn đề sản khoa phổ biến ở nữ giới, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Để phòng tránh những hệ lụy khó lường của suy buồng trứng, nhất là vô sinh hiếm muộn, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức sinh lý, sinh sản khoa học và tuân thủ thực hiện, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để đảm bảo sức khỏe ổn định toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tham khảo thêm:
- Bị vô sinh nên ăn gì, kiêng gì hỗ trợ điều trị bệnh?
- Vô sinh ở nam giới: "Hiểu đúng bệnh - Chữa đúng cách"
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!