Bệnh Sỏi Thận
Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu phổ biến, xảy ra phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là nam giới trung niên. Bệnh được đánh giá khá nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị sớm. Kích thước viên sỏi càng to càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân, thậm chí nếu không phẫu thuật gấp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tổng quan
Sỏi thận (Kidney stones) là những phân tử rắn được kết tinh từ các tinh thể vô cơ lắng đọng trong nước tiểu. Ở người có chức năng thận khỏe mạnh bình thường, các chất này sẽ hòa tan vào nước tiểu và đào thải ra ngoài. Nhưng ở những người bị suy giảm chức năng thận, các chất này sẽ lắng đọng lại, tích tụ với nhau thành sỏi thận, với kích thước to nhỏ khác nhau. Sỏi thận nhỏ là những viên sỏi có kích thước < 5mm, từ 10mm trở lên là sỏi to, thường nằm trong đài thận và bể thận.
Sỏi thận là những viên sỏi nằm trong thận, ngoài ra sỏi còn có khả năng di chuyển đến nhiều vị trí khác gây sỏi niệu quản hoặc sỏi bàng quang. Quá trình tích tụ chất cặn và hình thành sỏi thường không có triệu chứng. Chỉ đến khi sỏi ngày càng tăng kích thước lớn hơn mới được nhận biết thông qua những cơn đau vùng thắt lưng, bí tiểu, tiểu ra máu, siêu âm phát hiện có sỏi.
Nếu không điều trị kịp thời, sỏi thận sẽ gây ra viêm thận, suy thận rất nguy hiểm. Tại Việt Nam, sỏi thận là căn bệnh phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 45 - 50% trên tổng số các bệnh lý về đường tiết niệu. Bệnh được gây ra do nhiều nguyên nhân như ăn uống dư thừa canxi, uống ít nước, yếu tố di truyền hoặc rối loạn chức năng chuyển hóa...
Phân loại
Dựa vào cấu tạo phân tích các thành phần hóa học, sỏi thận được chia làm 6 loại chính, bao gồm:
- Sỏi Calcium: Được hình thành do tăng nồng độ calci trong máu, thường là do các nguyên nhân sau:
- Dư thừa vitamin D và Corticoid;
- Mắc chứng cường tuyến cận giáp;
- Bị gãy xương và phải nằm một chỗ trong thời gian dài, ít vận động;
- Biến chứng ung thư di căn làm hủy hoại xương;
- Vô căn (chiếm 40 - 60% trường hợp tăng chỉ số calci trong nước tiểu nhưng không thể xác định được nguyên nhân);
- Sỏi Oxalat: Dạng sỏi này chiếm đa phần tại các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Sỏi thận dạng oxalat được hình thành từ oxalat kết hợp với calci,
- Sỏi acid uric: Được hình thành từ quá trình rối loạn chuyển hóa acid uric, làm tăng chuyển hóa purine nên có mối liên hệ mật thiết với bệnh gout. Do đó, dạng sỏi này chủ yếu xuất hiện phổ biến ở nam giới.
- Sỏi Phosphat: Sỏi thận phosphat phổ biến nhất là loại Magnésium Ammonium phosphate, còn được gọi là sỏi nhiễm trùng do biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu (thường là vi khuẩn proteus). Dạng sỏi thận này thường có kích thước lớn, hình san hô, màu vàng, hơi bở, cản quang và có khả năng lấp kín đài bể thận gây tắc nghẽn đường tiểu.
- Sỏi Struvite: Chủ yếu xảy ra ở nữ giới, là kết quả của quá trình nhiễm khuẩn đường tiết niệu quá lâu không được cải thiện. Sỏi được hình thành khá nhanh chóng và dễ gây tắc đường tiết niệu nếu không xử lý kịp thời.
- Sỏi Cystin: Thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn cystin di truyền. Vì bệnh này khá hiếm nên tỷ lệ hình thành sỏi Cystin cũng ít phổ biến hơn những loại còn lại. Đặc điểm của sỏi Cystin là có bề mặt trơn láng, không cản quang.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Sự hình thành của những viên sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng là do hiện tượng nước tiểu tích tụ quá nhiều hóa chất dư thừa. Chẳng hạn như:
- Canxi
- Acid uric
- Cystine
- Struvite (hỗn hợp chất gồm magnesium, phosphate, amoni)
- ...
Các chất này lắng đọng trong nước tiểu, tích tụ trong thận và kết tinh với nhau tạo thành những viên sỏi. Sau khi sỏi được hình thành, nếu còn nhỏ chúng sẽ di chuyển theo dòng nước tiểu để ra khỏi cơ thể. Nhưng nếu kích thước viên sỏi quá lớn, chúng sẽ bị ở lại trong thận hoặc bị kẹt lại tại một vị trí nào đó trên đường tiết niệu như bàng quang hoặc niệu đạo, gây tắc nghẽn, cản trở lưu thông nước tiểu.
Tình trạng này kéo dài quá lâu dẫn đến ứ đọng nước tiểu, giãn phình chỗ bị tắc nghẽn và gây ra vô số các biến chứng khó lường như nhiễm trùng, tổn thương các mô tế bào, phá hủy cấu trúc thận, suy giảm chức năng thận...
Yếu tố nguy cơ
Một người có nguy cơ cao bị sỏi thận khi có sự xuất hiện của các yếu tố sau:
- Uống ít nước: Cơ thể thiếu nước khiến thận không đủ nước để bài tiết hết các chất độc hại. Nước tiểu quá đặc tạo điều kiện cho nồng độ các tinh thể rắn bị bão hòa trong nước tiểu.
- Ăn nhiều muối: Thói quen chế biến thức ăn hàng ngày dùng quá nhiều muối, nước mắm, gia vị đậm hoặc những món ăn đặc trưng như mắm cá, mắm nêm, kho quẹt... của người Việt là nguyên nhân hàng đầu gây ra sỏi thận. Muối (NaCl) khi vào trong cơ thể tạo áp lực cho thận, tăng đào thải Na+ và tăng Na++ tại ống thận... Đây là cơ chế hình thành sỏi thận Calcium.
- Dư thừa đạm: Thường xuyên dung nạp các loại thực phẩm giàu đạm làm tăng nồng độ pH trong nước tiểu, tăng bài tiết calcium vào nước tiểu nhưng lại giảm hấp thụ Citrate, dễ hình thành sỏi.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Những người bị tái nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường xuyên có thể làm giảm tính axit của nước tiểu và tạo điều kiện cho sự hình thành của sỏi trong thận.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý đường tiêu hóa: Tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày, viêm loét dạ dày... dễ gây mất nước, rối loạn cân bằng các chất điện giải như K+, Na+... làm tăng nồng độ oxalat trong nước tiểu và tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Bổ sung TPCN sai cách: Lượng vi chất quá lớn từ các loại TPCN khi được nạp vào cơ thể một cách vô tội vạ gây ra dư thừa. Lượng dư thừa này có thể chuyển hóa thành các gốc hoạt chất gây ức chế hấp thu các loại ion khác và tăng nguy cơ hình thành sỏi.
- Di truyền: Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh sỏi thận có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này đồng nghĩa với việc nếu trong gia đình có người bị sỏi tiết niệu, những thành viên cùng huyết thống cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Các yếu tố khác:
- Thừa cân béo phì;
- Nghiện chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có gas...;
- Chấn thương gây tổn thương và tắc nghẽn đường tiết niệu;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý bẩm sinh hoặc dị dạng đường tiết niệu như u xơ tiền liệt tuyến, phì đại tuyến tiền liệt, có túi thừa trong bàng quang...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Sỏi thận trong giai đoạn đang hình thành và khi vừa chớm, kích thước còn nhỏ thường không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng theo thời gian, kích thước viên sỏi ngày càng lớn, gây tổn thương thận và biểu hiện rõ ràng thông qua các triệu chứng sau:
- Đau lưng dưới: Sỏi di chuyển trong thận gây cọ xát với lớp niêm mạc. Viên sỏi có kích thước càng lớn càng đau dữ dội vùng lưng dưới, kéo dài liên tục trong nhiều giờ liền. Kèm theo cảm giác đau âm ỉ và khó chịu vùng hông, gò mu, niệu quản... Kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
- Tiểu ra máu: Sỏi thận di chuyển trong thận gây tổn thương các tế bào, niêm mạc thận. Khi thận bài tiết nước tiểu sẽ thấy có lẫn máu do tình trạng này, kèm theo cảm giác đau buốt khó chịu.
- Tiểu rắt, buốt, có mủ: Sỏi thận xảy ra do nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể khiến người bệnh tiểu ra sỏi gây rát buốt, có lẫn dịch mủ. Đây là những dấu hiệu của viêm thận và bể thận cấp.
- Sốt: Sốt cao, ớn lạnh, rét run, lúc nóng lúc lạnh là triệu chứng đặc trưng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Chẩn đoán
Các triệu chứng sỏi thận tuy biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn muộn nhưng thường không đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, nếu chỉ dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó để đưa ra kết luận chính xác về sỏi thận.
Tại cơ sở y tế, sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm máu đo nồng độ canxi và acid uric nhằm kiểm tra chức năng thận;
- Xét nghiệm nước tiểu để đo các nồng độ các chất có khả năng tạo thành sỏi và phát hiện các tế bào nhiễm khuẩn, vi trùng... ;
- Chẩn đoán hình ảnh: giúp phát hiện sỏi, xác định vị trí, kích thước sỏi nhằm phục vụ công tác điều trị:
- Siêu âm;
- Chụp X quang;
- Chụp CT Scan;
Biến chứng và tiên lượng
Sỏi thận được đánh giá là một trong những bệnh lý phổ biến tại hệ bài tiết. Bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như:
- Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sự tồn tại của sỏi trong thận gây ứ trệ đường niệu trên, chèn ép quá mức gây giãn đài bể thận, gây thận ứ nước, khiến thận bị căng giãn quá mức làm chèn ép các nhu mô thận. Tình trạng này kéo dài gây suy giảm chức năng thận, đồng thời cản trở quá trình lưu thông bài tiết nước tiểu.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Ứ niệu kết hợp với nhiễm trùng gây biến chứng thận ứ mủ, viêm bể thận, viêm khe thận mạn tính gây xơ teo thận... Nếu không xử lý kịp thời có thể biến chứng thành nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
- Suy thận: Đây là biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân sỏi thận. Suy thận có thể xảy ra ở cả hai bên hệ tiết niệu hoặc chỉ ở 1 bên thận có sỏi. Tùy mức độ tổn thương, đặc điểm, tính chất của sỏi mà bệnh nhân có thể bị suy thận cấp hoặc mạn tính.
- Vỡ thận: Biến chứng vỡ thận đột ngột cực kỳ nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.
Điều trị
Điều trị sỏi thận có rất nhiều phương pháp, tùy theo tính chất, đặc điểm và nguyên nhân gây ra sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phù hợp.
1. Điều trị nội khoa
Với những trường hợp sỏi có kích thước nhỏ, vừa mới chớm chưa gây biến chứng, bác sĩ thường ưu tiên chỉ định điều trị nội khoa. Mục tiêu điều trị của phương pháp này nhằm lợi niệu, giảm thiểu nguy cơ kết tủa các chất khoáng hòa tan, ức chế hình thành sỏi hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi tự di chuyển ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu.
Cụ thể với một số phương pháp sau:
- Uống nhiều nước, khoảng 2 lít/ ngày hoặc hơn một chút khoảng 3 - 4 lít nếu nhu cầu uống nước cao hoặc thời tiết nắng nóng;
- Ăn uống khoa học và vận động tích cực mỗi ngày;
- Chế độ ăn dành cho bệnh nhân sỏi thận Calci vô căn với lượng muối dao động từ 6 - 9g/ ngày, lượng protein khoảng 1.2g/ kg/ ngày, giảm dung nạp canxi, chỉ nên duy trì ở mức tối đa là 800 - 1000mg/ ngày;
- Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc giảm đau, giãn cơ nhằm cải thiện triệu chứng đau nhức. Các loại thường dùng như Diclofenac, Tramadol, Ketorolac, Acetaminophen...;
- Đối với sỏi nhiễm trùng sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Loại thường dùng nhất là kháng sinh Quinolone, Cotrimoxazole...;
- Nếu sỏi vẫn không tự thoát ra ngoài, bệnh nhân sẽ phải dùng đến thuốc đặc trị tan sỏi, thường là trong các trường hợp đặc biệt như sỏi urat hoặc sỏi cysteine;
Đồng thời, bệnh nhân nên tuân thủ lịch tái khám với bác sĩ hoặc theo thăm khám định kỳ ít nhất 3 - 6 tháng/ lần để kiểm tra tiến triển của sỏi thận để điều chỉnh hướng điều trị phù hợp nhất tại từng thời điểm.
2. Điều trị ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa thường được chỉ định cho những trường hợp sỏi thận giai đoạn nặng, kích thước sỏi lớn, cơ thể không thể tự đào thải, không đáp ứng điều trị nội khoa sẽ được chỉ định phẫu thuật lấy sỏi ra ngoài.
Một số phương pháp can thiệp ngoại khoa chữa sỏi thận được áp dụng phổ biến như:
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng cho những trường hợp khối sỏi < 2cm, thận chưa giãn to, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn, chức năng thận vẫn còn tốt sẽ được chỉ định áp dụng biện pháp này. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này khá cao (khoảng 95 - 98%), liệu trình tán sỏi được thực hiện từ 1 - 3 lần sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.
- Tán sỏi qua da (PCNL): Thường được chỉ định trong trường hợp sỏi thận có kích thước > 2mm không thể tự thoát ra khỏi cơ thể thông qua đường bài tiết nước tiểu và có dấu hiệu giãn thận nhẹ. Tiến hành tạo đường nhỏ dẫn vào thận, đưa dụng cụ nội soi vào tiếp cận các khối sỏi. Sau đó, dùng laser, sóng siêu âm hoặc khí nén để phá vỡ sỏi và lấy ra ngoài. Kỹ thuật này phù hợp với các loại sỏi cứng, sỏi san hô, sỏi nhóm đài dưới...
- Tán sỏi bằng ống nội soi laser: Bác sĩ tiến hành rạch một đường nhỏ trên da khoảng 0.5cm, sau đó đưa dụng cụ nội soi vào trong cơ thể tiếp cận tới thận. Nguồn năng lượng laser có khả năng làm tan các khối sỏi, phá tan chúng thành từng mảnh nhỏ và hút ra ngoài.
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL): Ngoài laser, sóng xung kích cũng được ứng dụng trong y học nhằm mục đích tán sỏi. Sỏi bị phá vỡ thành từng mảnh vụn nhỏ, chúng sẽ đi theo dòng nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể.
- Mổ hở truyền thống: Trường hợp số lượng sỏi nhiều, kích thước lớn không thể tán được bắt buộc phải phẫu thuật để loại bỏ sỏi hoàn toàn. Phương pháp này phù hợp với những trường hợp chức năng thận kém.
Phòng ngừa
Để sỏi thận không có cơ hội hình thành hoặc tái phát, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe tích cực và duy trì thường xuyên trong lối sống sinh hoạt hàng ngày.
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết hàng ngày cho cơ thể, trung bình khoảng 2 - 2.5 lít nước.
- Chỉ sử dụng nước sạch, uống nhiều lần trong ngày, mỗi lần uống một ngụm nhỏ, có thể xen kẽ thêm một số loại nước ép trái cây như cam, chanh, bưởi, táo, cà rốt...
- Xây dựng khẩu phần ăn phù hợp với sở thích và cả nhu cầu dưỡng chất của cơ thể. Đặc biệt, ưu tiên bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, ăn nhiều rau củ, trái cây, giảm muối. Tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, oxalat, chất purine... giảm nguy cơ hình thành sỏi.
- Tập thể dục thể thao, vận động thể chất tích cực hàng ngày, nhất là vào buổi sáng giúp thúc đẩy tăng cường chuyển hóa, hỗ trợ bài tiết, phòng ngừa sỏi thận. Không nên ngồi quá lâu một chỗ hoặc nhịn tiểu để tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Duy trì cân nặng ở mức phù hợp, tránh ăn uống vô độ và lười vận động để giảm nguy cơ thừa cân béo phì.
- Điều trị xử lý dứt điểm các dị dạng đường tiết niệu bằng phương pháp phẫu thuật chỉnh hình giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, quan hệ an toàn, phụ nữ tránh thụt rửa sâu,... để tránh nguy cơ viêm nhiễm, gây biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu và tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân hình thành sỏi thận là gì?
2. Những triệu chứng sỏi thận đặc trưng nhất mà tôi cần theo dõi thêm?
3. Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?
4. Bị sỏi thận ảnh hưởng như thế nào đến tiểu tiện?
5. Tôi cần thực hiện những biện pháp nào để chẩn đoán sỏi thận?
6. Tiên lượng tình trạng bệnh sỏi thận của tôi tốt hay xấu?
7. Phương pháp điều trị sỏi thận tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
8. Phẫu thuật lấy sỏi và tán sỏi bằng công nghệ phương pháp nào hiệu quả hơn?
9. Quá trình điều trị sỏi thận mất bao lâu thì tôi có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn?
10. Tôi cần thay đổi ăn uống và sinh hoạt như thế nào để điều trị sỏi thận tốt hơn.
Sỏi thận không tự nhiên hình thành và cũng không thể tự mất đi được. Do đó, giải pháp tốt nhất để tránh khỏi những rủi ro khó lường cho sức khỏe do sỏi thận gây ra đó chính là duy trì lối sống sinh hoạt khoa học, ăn uống lành mạnh và tích cực trong vận động. Trường hợp đã mắc bệnh nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất, ngăn ngừa biến chứng về sau.
Tham khảo thêm:
- Các thực phẩm tốt cho thận – Nên bổ sung mỗi ngày
- Suy thận nên ăn gì, kiêng những gì để nhanh cải thiện?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!