Răng Sâu Bị Chảy Máu Là Bị Gì? Cách Xử Lý, Ngăn Ngừa
Răng sâu bị chảy máu là một trong những triệu chứng phổ biến khi bị sâu răng. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể là do tác động vật lý từ việc ăn uống, chải răng hoặc cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, cảnh báo diễn tiến nghiêm trọng của sâu răng cần được can thiệp điều trị ngay.
Nguyên nhân khiến răng sâu bị chảy máu
Sâu răng là tình trạng cấu trúc răng bị tổn thương do các mảng bám cao răng và sự phát triển của vi khuẩn ăn sâu vào bên trong. Trong đó, răng sâu bị chảy máu là triệu chứng thường gặp khi bị sâu răng bên cạnh các biểu hiện khác như đau răng sâu, ê buốt, răng nhạy cảm, sưng đỏ nướu…
Chảy máu tại răng sâu được xem là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn xuất hiện biến chứng. Xảy ra khi vi khuẩn phá hủy cấu trúc răng, tấn công vào tủy răng, gây kích ứng và nhiễm trùng nặng. Theo thời gian, vi khuẩn sẽ tiếp tục phá hủy các dây thần kinh, mạch máu tại đây gây ra chảy máu từ bên trong và kèm theo những cơn đau nhức dữ dội, tê buốt tận óc khó chịu.
Bên cạnh đó, hiện tượng răng sâu bị chảy máu cũng có thể xảy ra do ổ sâu răng từ trong tủy lan rộng sang các vùng xung quanh như nướu lợi và khiến nướu răng không bám chắc vào thân răng. Lúc này, thân răng suy yếu, dễ lung lay kết hợp với nướu nhạy cảm, dễ bị tổn thương và chảy máu. Nhiều trường hợp còn xảy ra áp xe quanh chân răng có ổ và chảy dịch mủ khi có tác động nhẹ như súc miệng, chải răng, ăn uống…
Tình trạng răng sâu bị chảy máu được chia làm 2 dạng chính dựa vào mức độ gồm:
- Chảy máu ít và tự ngưng ngay sau đó: Hầu hết các trường hợp bị chảy máu răng sâu thường xảy ra khá nhanh chóng, máu chảy ít và tự ngưng lại ngay sau đó, thường kéo dài khoảng 10 – 15 phút. Lúc này, người bệnh cần thực hiện các biện pháp cầm máu nhanh và hạn chế vận động mạnh.
- Chảy máu nhiều không cầm được: Răng sâu bị chảy máu liên tục không cầm được thường ít gặp. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng này cũng đồng nghĩa với việc cấu trúc răng đã bị phá hủy hoàn toàn nên mới chảy máu liên tục, kết hợp viêm tủy nặng tạo ra đau nhức dữ dội. Với trường hợp này người bệnh cần lập tức đến bệnh viện để được xử lý cầm máu và can thiệp điều trị đúng cách.
Hiện tượng răng sâu bị chảy máu có nguy hiểm không?
Sâu răng bị chảy máu là hiện tượng nguy hiểm không thể xem nhẹ vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề tiêu cực cho sức khỏe.
Nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng máu là biến chứng cực kỳ nguy hiểm có thể bắt nguồn từ sâu răng do viêm nhiễm tủy không được chữa trị sớm. Đối mặt với tình trạng này, ngoài việc gây mất răng vĩnh viễn, hoại tử vùng thịt, nướu cần phải phẫu thuật xử lý thì người bệnh còn có thể đối mặt với nguy cơ tử vong cao do vi khuẩn hòa vào dòng máu đi khắp cơ thể.
Suy nhược cơ thể
Răng sâu bị chảy máu còn đi kèm với những cơn đau nhức khó chịu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn uống. Lúc này, chắc chắn bạn không thể ăn uống ngon miệng với chiếc răng và nướu đang bị đau nhức, yếu được, nhất là khi sử dụng những loại đồ ăn, thức uống quá nóng, quá lạnh, chua…
Tình trạng này rất khó để khắc phục ngay được, nhiều trường hợp còn kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng liền khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ. Hậu quả khiến người bệnh rơi vào mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng, kiệt quệ cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và dẫn đến suy nhược cơ thể, suy giảm sức đề kháng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Một số ảnh hưởng khác
Sâu răng bị chảy máu không được xử lý kịp thời và đúng cách còn là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề nha khoa khác như viêm lợi, viêm nha chu, hôi miệng…
Giải pháp điều trị răng sâu bị chảy máu
Khi phát hiện chảy máu ở răng sâu, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở nha khoa để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng xử lý điều trị phù hợp.
1. Cách xử lý cầm máu ở răng sâu
Tình trạng chân răng chảy máu có thể được khắc phục bằng một số cách cầm máu cơ bản trước khi áp dụng điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu:
- Dùng gạc: Bạn dùng một miếng băng gạc y tế sạch thấm vào nước lạnh áp vào vị trí răng sâu đang chảy máu, ngậm chặt miệng cho đến khi máu ngừng chảy.
- Súc nước muối pha loãng: Pha ngay một ly nước muối ấm hoặc nước súc miệng không cồn để sát trùng, giảm kích ứng, nhờ đó máu cũng sẽ ngưng chảy.
- Dùng trà túi lọc: Ngâm trà túi lọc vào ly nước đá lạnh và áp vào răng chảy máu cũng là một mẹo hay. Vì trong túi trà có chứa hoạt chất axit tannic có tác dụng làm co mạch máu, thúc đẩy quá trình hình thành cục máu đông và giúp bạn cải thiện hiệu quả tình trạng này.
- Tránh hoạt động mạnh: Để hỗ trợ cục máu đông nằm yên trong ổ răng sâu và ngưng chảy, bạn cần nằm yên nghỉ ngơi và tránh các hoạt động mạnh như chạy, nhảy, cúi gập người, khiêng vác đồ nặng, khạc nhổ, hắt xì mạnh…
- Kê cao đầu khi nằm: Nằm ở tư thế nâng cao đầu bằng gối sẽ giúp hạn chế chảy máu ở răng sâu. Lưu ý nên nằm thẳng, tránh nằm nghiêng về phía vị trí răng sâu vì tình trạng này sẽ làm tăng nhiệt độ, khiến máu ứ động và chảy ra nhiều hơn.
2. Can thiệp điều trị y tế
Để điều trị khắc phục tình trạng răng sâu bị chảy máu, nha sĩ sẽ áp dụng một số biện pháp sau đây:
Chữa tủy
Phương pháp này còn được gọi là điều trị nội nha. Cách này thường chỉ định thực hiện trong các trường hợp răng sâu bị chảy máu được chẩn đoán do sâu răng lâu năm, sâu ăn đến tủy gây viêm nhưng tủy chưa chết và có khả năng phục hồi. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành nạo bỏ các tổ chức sâu viêm, vệ sinh và làm sạch mảng bám, vi khuẩn trú ngụ tại vị trí răng bị chảy máu.
Sau đó, tùy theo mức độ viêm nặng hay nhẹ để có hướng điều trị tiếp theo:
- Trường hợp lỗ sâu răng chưa quá lớn sẽ được chỉ định hàn trám răng sâu lại. Cách này nhằm mục đích bảo tồn răng thật, đảm bảo chức năng ăn nhai, tính thẩm mỹ và tối ưu tiết kiệm chi phí điều trị.
- Trường hợp sau khi chữa tủy nhận thấy lỗ sâu lớn, phần mô cứng của răng không còn nhiều thì tốt nhất nên bọc răng sức để phục hình cấu trúc, chức năng và tính thẩm mỹ toàn hàm.
Nhỏ bỏ răng
Những trường hợp răng sâu bị chảy máu liên tục do sâu răng nghiêm trọng, cấu trúc răng và tủy răng bị phá hủy hoàn toàn không còn khả năng phục hồi bắt buộc phải nhổ bỏ. Phương án này cần được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự phát triển viêm nhiễm gây tổn hại đến các răng lân cận và phòng ngừa biến chứng rủi ro cho sức khỏe.
Sau đó, tiến hành phục hình răng nhân tạo bằng các dùng hàm giả tháo lắp hoặc cấy ghép răng Implant. Giúp bạn thực hiện chức năng ăn nhai bình thường và có hàm răng hoàn thiện, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Cách chăm sóc cải thiện và phòng ngừa răng sâu bị chảy máu
Người bệnh sâu răng cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để cải thiện và phòng ngừa tình trạng răng sâu bị chảy máu hiệu quả hơn.
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
- Súc miệng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý thường xuyên để sát trùng khoang miệng, giảm kích ứng, nhiễm trùng và ngăn không gây chảy máu. Khi súc bạn chú ý ngậm nước muối trong thời gian vừa đủ, đảo đều khắp khoang miệng để các hoạt chất thấm vào răng, nướu. Cách này có thể khiến bạn hơi rát, xót nhẹ, tuy nhiên không ảnh hưởng gì đến tình trạng răng sâu hiện tại.
- Chải răng thường xuyên để loại bỏ mảng bám thức ăn thừa – nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng. Lưu ý chải răng nhẹ nhàng, chậm rãi, sử dụng bàn chải có lông mềm và tránh chải mạnh vào vùng nướu, răng sâu để tránh gây chảy máu.
- Sử dụng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn và vệ sinh lưỡi sạch sẽ.
2. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Để việc ăn uống hàng ngày không làm răng bị chảy máu hay đau nhức, người bệnh cần chú ý thực hiện:
- Tránh ăn các loại thực phẩm quá cứng, dai, đồ quá lạnh, quá nóng, quá chua hay rượu bia, cà phê…
- Khi ăn nhai nên tránh vị trí răng sâu chảy máu.
- Tăng cường sử dụng các loại thức ăn chế biến mềm, lỏng, hạn chế nhai để tránh ảnh hưởng đến tổn thương sâu.
- Bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, điển hình như canxi, chất xơ và vitamin C từ các loại rau xanh, trái cây, phô mai tươi, rau má, sữa chua, thịt, cá, sữa, trứng, tôm… nhằm đảm bảo đủ chất cho cơ thể.
- Tuyệt đối không được hút thuốc lá khi bị răng sâu bị chảy máu. Vì động tác hút thuốc sẽ tạo ra một lực tác động đến miệng, tăng tổn thương chảy máu. Đồng thời, trong thuốc lá có chứa một số hoạt chất độc hại làm tăng nguy cơ viêm ổ răng và ức chế quá trình chữa trị.
3. Khám răng định kỳ
- Sau khi điều trị răng sâu bị chảy máu tại nha khoa, người bệnh cũng cần tuân thủ lịch tái khám và kiểm tra tốc độ phục hồi tại nha khoa.
- Định kỳ 3 – 6 tháng/ lần đi lấy cao răng để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn trú ngụ trong khoang miệng, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng khác.
Răng sâu bị chảy máu là dấu hiệu khá nguy hiểm cần được can thiệp xử lý ngay để phòng tránh các biến chứng khó lường về sau. Người bệnh cũng không cần quá lo lắng vì với sự phát triển của y học hiện đại có rất nhiều cách để dứt điểm tình trạng này cũng như phục hồi chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ cho hàm răng.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!