Áp Xe Quanh Chân Răng Có Ổ Là Gì? Điều Trị Thế Nào?
Áp xe quanh chân răng có ổ là một trường hợp của áp xe răng có mức độ nặng. Bệnh lý ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng ăn nhai, sức khỏe răng miệng, tinh thần của bệnh nhân. Nghiêm trọng hơn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Áp xe quanh chân răng có ổ là gì?
Áp xe quanh chân răng có ổ là tình trạng viêm cấp tính, có mức độ nặng và cần được kiểm soát sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ em nhưng trong nhiều trường hợp, người trưởng thành, người lớn tuổi cũng bị áp xe quanh chân răng có ổ.
Tổn thương do bệnh lý gây ra xuất hiện ở vùng mô nướu xung quanh chân răng. Tại đây, vi khuẩn sẽ tấn công và hình thành tổn thương. Hệ miễn dịch khi nhận thấy tác nhân gây hại sẽ sản sinh bạch cầu để tiêu diệt chúng. Lúc này, một hoặc nhiều ổ mủ quanh chân răng xuất hiện, chứa vi khuẩn, bạch cầu và dịch nhầy. Áp xe quanh chân răng có ổ và áp xe nha chu là những trường hợp phổ biến của áp xe răng.
Kết quả chẩn đoán cho thấy, đa số trường hợp bị áp xe chân răng là hệ quả của bệnh sâu răng kéo dài. Lúc này, vi khuẩn sẽ tấn công gây phá hủy men răng, ngà răng và tấn công tủy răng. Từ đó gây nhiễm trùng các cơ quan nâng đỡ răng và xuất hiện ổ áp xe quanh chân răng.
Áp xe quanh chân răng có ổ là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở mức độ nặng. Bệnh nếu không được kiểm soát sớm có thể lan rộng sang các vùng quanh chân răng lân cận và khởi phát nhiều biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng của người bệnh. Một số trường hợp nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu nhận biết
Nhìn chung, áp xe quanh chân răng có ổ đều có những triệu chứng lâm sàng của bệnh áp xe răng. Tuy nhiên, khu vực tổn thương chỉ xuất hiện quanh chân răng nên khi quan sát bằng mắt thường, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy.
Dưới đây là một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh lý:
- Người bệnh có cảm giác đau nhói đột ngột tại chân răng bị áp xe. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi ăn uống, vệ sinh răng miệng.
- Các cơ quan nâng đỡ răng bị tổn thương, hư hại khiến răng dễ lung lay, mềm hơn và nhô ra khỏi nướu khi quan sát.
- Quanh chân răng sưng, tấy đỏ, hình thành cục u và có chứa dịch, vi khuẩn, bạch cầu bên trong. Ổ áp xe này có thể rỉ dịch gây đau nhức dữ dội và có mùi hôi khó chịu trong khoang miệng, đắng miệng.
- Bên ngoài chân răng bị áp xe có thể bị đỏ, sưng
- Ngoài ra, nhiều trường hợp có thể gặp phải một số biểu hiện khác như khó nuốt, cơ thể suy nhược, ăn uống kém, sốt,…
Nguyên nhân gây áp xe quanh chân răng có ổ
Như đã đề cập, nguyên nhân chính gây ra áp xe quanh chân răng có ổ là do sâu răng kéo dài, phá hủy men răng, tấn công ngà răng và tủy răng. Khi đó, vi khuẩn sẽ di chuyển đến chân răng và gây viêm, xuất hiện ổ mủ tại cơ quan này.
Tuy nhiên, căn nguyên sâu xa gây ra bệnh lý cũng như bệnh sâu răng là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong khoang miệng. Một số điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn phát triển mạnh và gây bùng phát bệnh lý, bao gồm:
- Vi khuẩn trong khoang miệng có thể phát triển mạnh nếu bạn vệ sinh răng miệng kém. Việc chải răng 2 lần mỗi ngày không thể loại bỏ vi khuẩn, mảng bám và thức ăn thừa hoàn toàn. Và thực tế, rất nhiều người bỏ qua các bước chăm sóc răng miệng cần thiết như dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước súc miệng sát khuẩn.
- Sâu răng và áp xe quanh chân răng có ổ dễ gặp ở người bị khô miệng. Bởi nước bọt giúp cân bằng hệ vi sinh trong miệng, hạn chế vi khuẩn phát triển quá mức, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, ngăn ngừa hôi miệng và bảo vệ men răng trước sự ăn mòn của axit. Trường hợp bị khô miệng, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh và gây bùng phát bệnh lý.
- Thói quen dùng các món ăn, thức uống chứa nhiều đường sẽ kích thích vi khuẩn phát triển và sinh sản nhanh chóng. Điều này sẽ gây bất lợi cho răng miệng, tăng nguy cơ bị sâu răng, áp xe răng và nhiều bệnh nha khoa khác.
- Một trong những yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển và gây bệnh là răng bị chấn thương, sứt, mẻ, gãy, răng mọc ngầm, mọc lệch.
- Người suy giảm miễn dịch, có tiền sử áp xe răng, hút thuốc lá, sử dụng bia rượu thường xuyên hoặc dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài,… có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoan miệng phát triển quá mức và gây bệnh.
Áp xe quanh chân răng có ổ nguy hiểm không?
Áp xe răng và áp xe quanh chân răng có ổ là nói riêng là tình trạng nhiễm trùng cấp tính, có mức độ nặng. Bệnh lý không thể tự khỏi mà cần can thiệp điều trị sớm để tránh phát sinh các biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp mắc bệnh chủ quan khiến bệnh kéo dài, trở nặng và tử vong.
Dưới đây là một số biến chứng do bệnh lý gây ra:
- Viêm xoang hàm trên
- Viêm xương tủy xương
- U nang quanh chân răng
- Nhiễm trùng máu
- Đau thắt ngực Ludwig
Bên cạnh đó, bệnh lý tác động không nhỏ đến sức khỏe răng miệng, gây ra những cơn đau nhức dữ dội, gặp khó khăn trong ăn uống, vệ sinh răng miệng, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, dễ cáu gắt. Đối với trẻ nhỏ mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất của trẻ.
Điều trị áp xe quanh chân răng có ổ bằng cách nào?
Bệnh áp xe quanh chân răng có ổ được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng (hỏi các biểu hiện bệnh nhân gặp phải, dùng tay sờ, chạm ổ áp xe, dùng bộ gõ và quan sát). Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm như chụp CT, chụp X-quang.
Sau khi xác định được nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương của ổ áp xe quanh răng, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp. Bên cạnh các biện pháp y tế, người bệnh cần kết hợp các biện pháp chăm sóc, giữ vệ sinh răng miệng đúng cách để rút ngắn thời gian điều trị mà vẫn đảm bảo kết quả tốt nhất.
Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị bệnh:
1. Loại bỏ ổ áp xe
Hầu hết các trường hợp bị áp xe quanh răng đều phải can thiệp phương pháp xâm lấn, chích rạch để loại bỏ dịch mủ trong ổ áp xe. Phương pháp này không chỉ làm sạch vi khuẩn, xác bạch cầu, dịch trong túi áp xe mà còn ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng sang các chân răng lân cận.
Kỹ thuật dẫn lưu ổ áp xe quanh chân răng được thực hiện theo các bước sau:
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thông báo về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng trong thời gian gần đây và những loại thuốc bị dị ứng để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện phương pháp này.
- Kế đến, người bệnh sẽ được hướng dẫn vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh tình trạng nhiễm trùng sau khi chích rạch áp xe.
- Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng mở một đường tại ổ áp xe quanh chân răng để dịch mủ thoát ra
- Sau đó, tiến hành bơm rửa sạch ổ áp xe và sát khuẩn
Chích rạch loại bỏ ổ áp xe quanh chân răng là phương pháp điều trị quan trọng và cần thiết đối với bệnh áp xe quanh chân răng có ổ. Việc loại bỏ áp xe kịp thời sẽ kiểm soát cơn đau nhức, tình trạng sưng viêm nhanh chóng, hạn chế tình trạng nhiễm trùng lan rộng cũng như phòng ngừa các biến chứng do bệnh lý gây ra.
2. Sử dụng thuốc
Để cải thiện cơn đau và tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn cũng như tạo điều kiện cho mô nướu quanh chân răng phục hồi nhanh chóng. Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ. Bệnh nhân tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn về liều dùng và thời gian sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh lý nhanh chóng và tránh phát sinh tác dụng phụ.
Dưới đây là một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh lý:
- Kháng sinh: Amoxicillin, Metronidazole, Erythromycin,…
- Thuốc chống viêm: Prednisone, Lysozyme, Dexamethasone,…
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Bác sĩ có thể chỉnh định sử dụng thuốc Paracetamol trong vòng 3 – 5 ngày để cải thiện tình trạng đau đi kèm với biểu hiện sốt nhẹ
3. Điều trị tủy
Phương pháp điều trị tủy được chỉ định khi tình trạng nhiễm trùng gây hư hại tủy răng, làm tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn. Tùy theo răng bị ảnh hưởng, liệu trình lấy tủy có thể kéo dài từ 2 – 4 lần. Đối với tủy răng có hồi phục, bác sĩ sẽ loại bỏ phần tủy bị nhiễm trùng và trám tạm thời để theo dõi đến khi tủy hồi phục hoàn toàn sẽ trám phục hình răng.
Trường hợp tủy răng bị hư hại hoàn toàn, không có khả năng hồi phục, bác sĩ sẽ loại bỏ sạch phần tủy và dùng vật liệu chuyên dụng trám bít ống thủy. Sau đó trám phục hình và mão sứ để bảo vệ răng thật cũng như đảm bảo chức năng ăn nhai. Phương pháp điều trị tủy ở người bị áp xe quanh chân răng có ổ giúp kiểm soát tình trạng nhiễm trùng triệt để.
4. Nhổ răng
Trường hợp áp xe quanh chân răng có ổ ở mức độ nặng, răng bị hư hại nặng và không thể phục hồi. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng để kiểm soát bệnh lý, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng lan rộng sang các răng lân cận. Sau khi nhổ răng, người bệnh sẽ phải can thiệp phương pháp phục hình răng để đảm bảo chức năng sinh lý của răng cũng như chức năng thẩm mỹ.
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh lý
Áp xe chân quanh chân răng có ổ là bệnh nha khoa thường gặp và có khả năng tái phát nhiều lần khi gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, người bệnh không chỉ thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc trong thời gian điều trị mà cần chủ động phòng ngừa để ngăn chặn bệnh lý tái phát.
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh áp xe quanh chân răng có ổ:
- Trong thời gian điều trị và phục hồi mô nướu bị tổn thương do bệnh lý gây ra, bạn nên ưu tiên các món ăn dinh dưỡng, dễ nhai như canh hầm, súp, cháo, phở, hủ tiếu, cơm nấu mềm. Bên cạnh đó, hạn chế các món cay nóng, chứa nhiều gia vị và gây bất lợi cho việc phục hồi vết thương.
- Chải răng đều đặn mỗi ngày từ 2 – 3 lần với loại bàn chải có lông mềm, kích thích phù hợp. Bạn cũng đừng quên dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý để làm sạch mảng bảm, thức ăn thừa và vi khuẩn.
- Có thể áp dụng một số mẹo để giảm cảm giác đau, khó chịu sau khi chích rạch áp xe như chườm mát, súc miệng với tinh dầu đinh hương, lá bạc hà, trầu không,…
- Hạn chế sử dụng bia rượu, các thức uống chứa nhiều đường, cồn, có gas và từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Bên cạnh đó, bạn cũng nên loại bỏ một số thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như nghiến răng, dùng răng cắn xé các vật cứng, ăn các món ăn khô cứng, khó nhai.
- Tăng cường bổ sung rau xanh, các loại trái cây tươi, uống nhiều nước giúp tăng cường sức đề kháng, tăng tiết nước bọt, cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng.
- Chủ động điều trị các bệnh nha khoa và những bệnh lý ảnh hưởng đến răng miệng như sâu răng, viêm nha nhu, trào ngược dạ dày thực quản,…
- Để phòng ngừa áp xe quanh chân răng có ổ và nhiều vấn đề răng miệng khác, bạn nên duy trì thói quen khám sức khỏe răng miệng và lấy cao răng định kỳ từ 3 – 6 tháng/ lần tùy thuộc vào tình trạng răng.
Áp xe quanh chân răng có ổ có thể kiểm soát hoàn toàn nếu được thăm khám sớm, điều trị đúng cách và kết hợp các biện pháp chăm sóc khoa học. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ bị áp xe quanh chân răng, bạn cần sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ sớm nhất để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 Cách Chữa Áp Xe Răng Tại Nhà Xử Lý Nhanh Cơn Đau
- Áp Xe Răng Uống Thuốc Gì? 10 Loại Thuốc Được Tin Dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!