Protein niệu ở phụ nữ có thai nguy hiểm không?
Protein niệu ở phụ nữ có thai là tình trạng dư thừa protein trong nước tiểu trong thai kỳ. Thông thường, sự hiện diện một lượng ít protein niệu là điều bình thường trong thai kỳ, nhưng nếu chỉ số này ở mức cao có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, rối loạn chức năng thận ảnh hưởng lớn đến thai kỳ.
Protein niệu ở phụ nữ có thai là gì?
Protein niệu thai kỳ được hiểu là tình trạng có sự hiện diện của protein trong nước tiểu. Tình trạng này được phát hiện chủ yếu thông qua các biện pháp xét nghiệm nước tiểu. Theo đó, protein niệu ở phụ nữ mang thai được hình thành do sự thay đổi cả về mặt cấu trúc giải phẫu lẫn sinh lý hệ thận tiết niệu và đặc biệt là do tăng kích thước thận.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn gây chèn ép vào đường tiết niệu, niệu quả và bể thận. Cùng với đó là tăng mức lọc cầu thận, tăng huyết động đến thận làm giảm khả năng tái hấp thu ở ống thận, thay đổi tính thấm của thành mao mạch. Tất cả những yếu tố này góp phần làm xuất hiện protein niệu dù không có mắc bất kỳ bệnh lý về thận nào.
Thông thường, trong nước tiểu của con người bao gồm cả phụ nữ mang thai không có protein hoặc nếu có cũng chỉ một lượng rất ít. Nhưng nếu chỉ số protein trong nước tiểu vượt quá 300mg trong vòng 24 giờ hoặc hơn 1g/l thì được xem là protein niệu dương tính.
Theo các chuyên gia, protein niệu được chia làm 2 loại gồm: protein niệu mạn tính và protein niệu khởi phát với các đặc điểm sau:
- Protein niệu mạn tính: Đây là tình trạng xuất hiện protein trong nước tểu từ trước khi người phụ nữ mang thai. Và protein niệu sẽ là một trong những dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về thận nếu triệu chứng này xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Protein niệu khởi phát: Đây là tình trạng protein xuất hiện trong nước tiểu trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm độc thai kỳ, thường là vào tháng thứ 3 và các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Lúc này cần hết sức lưu ý vì có nguy cơ xảy ra tiền sản giật.
Nguyên nhân gây xuất hiện tình trạng protein niệu ở phụ nữ có thai
Thận là cơ quan giữ vai trò lọc chất thải, chất độc và chất cặn bã ra khỏi cơ thể và giữ lại những chất cần thiết, trong đó có cả protein. Tuy nhiên, nếu gặp phải một số vấn đề bất thường về sức khỏe, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, sự xuất hiện của protein niệu có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý thường gặp như:
1. Tiền sản giật – Sản giật
Tiền sản giật là một trong những dạng rối loạn thai nghén điển hình trong thai kỳ mà rất nhiều phụ nữ mang thai gặp phải. Tình trạng này đặc trưng bởi các triệu chứng như cao huyết áp và qua xét nghiệm thấy có một lượng lớn protein trong nước tiểu. Còn sản giật là tình trạng xảy ra ngay sau tình trạng tiền sản giật với những cơn co giật liên tục cực kỳ nguy hiểm. Thường thì những đợt co giật này có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi chuyển dạ.
Những dấu hiệu của tiền sản giật, sản giật thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng đến giai đoạn nặng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn, đau đầu, sưng tay, sưng mặt, mắt mờ, tiểu ít…. Thậm chí, trong một số trường hợp nặng protein niệu còn thể làm ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan nội tạng như mắt, thận, tim, gan, não, phổi… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người mẹ có thể bị co giật cho đến tử vong.
Phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng tiền sản giật hoặc sản giật đều cực kỳ nguy hiểm cho cả sức khỏe của mẹ và em bé.
- Đối với người mẹ: Hầu hết phụ nữ mang thai bị tiền sản giật, sản giật sau khi sinh đều sẽ tự trở về trạng thái bình thường. Tuy nhên, trường hợp không được điều trị cấp cứu kịp thời sẽ gây ra phù phổi cấp, co giật, suy tim cấp và thậm chí là xuất huyết não, tử vong.
- Đối với em bé: Khi còn là thai nhi thì chậm phát triển, suy dinh dưỡng dẫn đến suy thai, dễ sinh non vì cơ thể mẹ chuyển dạ tự nhiên hoặc mổ lấy thai sớm vì bệnh của người mẹ ngày càng nặng.
Những mẹ bầu mang đa thai, chế độ dinh dưỡng kém trong thai kỳ, mang thai con so, mẹ dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi, làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài, mắc các bệnh lý nội khoa như cao huyết áp, đái tháo đường, nhược giáp hoặc có tiền sử thai lưu, kém phát triển… là những yếu tố nguy cơ gây ra tiền sản giật, sản giật.
Theo các chuyên gia, biện pháp hiệu quả nhất để điều trị tiền sản giật, sản giật trong thai kỳ là chấm dứt thai kỳ. Ngoài ra, với những trường hợp được chẩn đoán tiền sản giật mức độ nhẹ có thể giữ thai lại nhưng phải thăm khám thường xuyên, theo dõi kỹ lưỡng trong thai kỳ, làm các xét nghiệm gan, thận, máu, nước tiểu, siêu âm thai, theo dõi thai máy…
2. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu cũng là một trong những bệnh lý làm tăng chỉ số protein niệu trong thai kỳ. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường làm giảm chức năng tiểu tiện tùy theo vị trí bị nhiễm trùng như viêm đài bể thận, viêm bàng quang. Vì vậy, mẹ bầu cần hết sức lưu ý theo dõi các bất thường như xem mình có thường xuyên đi tiểu hay mỗi khi đi tiểu có triệu chứng nào khó chịu không?
Nếu thực sự bị nhiễm trùng đường tiết niệu bắt buộc phải được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng thận, co thắt đau lưng, có cảm giác ớn lạnh, buồn nôn, nôn…. Đây đều là những triệu chứng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé như sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, chậm phát triển.
Để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu đối với phụ nữ mang thai sẽ được bác sĩ tư vấn, phổ biến nhất là sử dụng một loại kháng sinh an toàn cho thai kỳ. Đồng thời, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà mẹ bắt buộc phải nhập viện điều trị, theo dõi lượng nước tiểu để đánh giá chức năng thận cũng như các chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ.
3. Hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP hay còn được biết đến là một trong những biến thể của chứng tiền sản giật cực kỳ nguy hiểm cho cả sức khỏe của mẹ và em bé. Đặc trưng triệu chứng của hội chứng này là làm tăng men gan, thiếu máu tán huyết và giảm tiểu cầu. Ngoài ra, kèm theo đó là một số triệu chứng khá tương đồng như chứng tiền sản giật như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau đầu, đau bụng, mờ mắt, xuất hiện protein niệu…
Thai phụ mắc hội chứng HELLP có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như tổn thương nặng chức năng gan, phổi, thận, bị bong nhau thai hoặc khởi phát hội chứng đông máu rải rác nội mạch… Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật sẽ có nguy cơ bị sản giật hoặc hội chứng HELLP cao hơn so với những thai phụ bình thường. Tình trạng này có thể khiến mẹ sinh non, sảy thai, thai chậm tăng trưởng hoặc chết lưu, em bé sinh ra nhẹ cân…
Ngoài những bệnh lý là nguyên nhân chính gây ra protein niệu ở phụ nữ có thai như trên thì còn một số yếu tố nguy cơ gây ra triệu chứng này như:
- Mẹ bầu mệt mỏi và căng thẳng quá mức trong thai kỳ
- Thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao
- Sốt cao, mất nước
- Lao động làm việc quá sức
- Mắc một số bệnh lý như lupus ban đỏ, bệnh viêm khớp, bệnh bạch cầu, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, sỏi thận…
Nếu người phụ nữ gặp đã và đang đối mặt với những yếu tố nguy cơ trên, bác sĩ sẽ tư vấn liệu có nên mang thai hay không tùy theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.
Dấu hiệu nhận biết protein niệu ở phụ nữ có thai
Theo thông tin từ các chuyên gia, phụ nữ mang thai bị protein niệu thường không có các triệu chứng rõ ràng nên rất khó để chẩn đoán bệnh. Thực tế, đây chỉ là một triệu chứng và chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm khi kiểm tra thăm khám thai định kỳ.
Tuy nhiên, khi bị protein niệu mẹ bầu rất dễ bị viêm đường tiết niệu, tình trạng gây ra một số triệu chứng như:
- Đi tiểu đau rát, có cảm giác nặng trì vùng bụng dưới khó chịu
- Nước tiểu có màu đục, nổi bọt, có mùi hôi khó chịu và thậm chí có lẫn máu
- Thường xuyên tiểu rắt
- Xuất hiện các triệu chứng đau nhức vùng bụng dưới, đau xương chậu, đau lưng dưới…
- Thân nhiệt tăng, sốt
- Bị đau khi quan hệ
Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra protein niệu ở phụ nữ có thai
Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là một trong những xét nghiệm quan trọng cần thực hiện trong thai kỳ. Thực hiện xét nghiệm này giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh thông qua phát hiện sự xuất hiện của một số chất lạ trong nước tiểu, từ đó bác sĩ sẽ dễ chẩn đoán, đánh giá và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Để thực hiện xét nghiệm nước tiểu trong thai kỳ, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ lấy nước tiểu giữa dòng và cho vào ống đựng vô trùng nhằm đảm bảo không có bất kỳ tác nhân nào có thể xâm nhập vào được. Tiếp theo, mẫu nước tiểu này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tiến hành xét nghiệm và phân tích xem có protein niệu, vi khuẩn, đường hay các chất nào khác hay không. Ngoài ra, sử dụng que thăm dò được sản xuất có gắn dải thuốc thử hóa học ở đầu que.
Sau khi đã có kết quả cuối cùng, bác sĩ sẽ dựa vào đó để chẩn đoán mẹ bầu có mắc bệnh lý về thận nào hay không, có nguy cơ bị tiền sản giật, tiểu đường, cao huyết áp hay không. Từ đó tư vấn cụ thể biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong đó, chỉ số protein trong nước tiểu của phụ nữ mang thai được xem là an toàn khi nằm trong ngưỡng cho phép từ 7.5 – 20mg/ dL.
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ nếu có chỉ số protein niệu cao sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm độc huyết hoặc tiền sản giật. Đặc biệt, chị em phụ nữ mang thai có dấu hiệu tăng huyết áp, phù nề mặt, tay, chân… sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện kiểm tra tiền sản giật.
Kết quả kiểm tra nếu thấy có sự xuất hiện của loại protein tên albumin thì nguy cơ thai phụ bị nhiễm độc thai nghén, tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lý về thận là rất cao.
- Nếu protein niệu > 2g/ ngày: có thể là dấu hiệu của bệnh cầu thận với các triệu chứng liên quan như có bệnh hệ thống, hồng cầu niệu, phù tái phát…
- Nếu protein niệu < 2g/ ngày: có thể nghĩ đến bệnh ống kẽ thận với các triệu chứng như sỏi thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu…
Hướng xử lý tình trạng protein niệu ở phụ nữ có thai
Trên thực tế, protein niệu không phải là bệnh mà chỉ đơn thuần là triệu chứng của một bệnh lý nào đó. Vì vậy, việc xử lý protein niệu ở phụ nữ có thai bằng biện pháp nào còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cũng như mức độ nặng nhẹ, tần suất xuất hiện và các triệu chứng lâm sàng. Sau khi hoàn tất các bước thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán chính xác bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị bệnh hiệu quả và an toàn nhất.
Chẳng hạn như protein niệu do bệnh tăng huyết áp hay tiểu đường thì có thể kiểm soát bệnh bằng cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn uống khoa học và vận động điều độ. Trường hợp mẹ bầu mắc các bệnh lý về thận như hội chứng thận hư, lao thận, suy thận, u thận, sỏi thận… thì bắt buộc phải nhập viện để được can thiệp y tế càng sớm càng tốt để bảo toàn sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như chẩn đoán sự ảnh hưởng của bệnh đến thai kỳ mà bác sĩ sẽ cân nhắc việc có nên cho mẹ bầu tiếp tục duy trì hay dừng mang thai để điều trị bệnh. Chẳng hạn như nếu mẹ bầu có protein niệu cao là dấu hiệu của bệnh suy thận giai đoạn 1 thì có thể mang thai nhưng phải được theo dõi kỹ lưỡng về huyết áp, cân nặng, protein niệu và điều trị tại bệnh viện. Còn bệnh suy thận giai đoạn 2 và 3 thì không thể mang thai.
Bên cạnh việc thực hiện theo hướng dẫn điều trị chuyên khoa của bác sĩ, người mẹ cũng cần tuân thủ một số lưu ý quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho khoa học, nêm nếm gia vị nhạt hơn khi chế biến thức ăn.
- Hạn chế tối đa sử dụng muối và đường, ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc vào thực đơn ăn uống hằng ngày.
- Uống nhiều nước hơn, ít nhất là 6 – 8 ly/ ngày, mỗi ly khoảng 250ml. Có thể cân nhắc sử dụng nước râu ngô nấu với mã đề để lợi tiểu.
- Giữ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng bằng cách vận động nhẹ nhàng, đi lại sau mỗi bữa ăn, bơi lội hoặc tập yoga cũng được khuyến khích thực hiện vì đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe mẹ bầu.
- Tránh stress, áp lực quá mức và tránh tiếp xúc với những yếu tố có khả năng làm hạ thân nhiệt đột ngột.
- Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và đặc biệt là mỗi khi phát hiện chỉ sổ protein niệu vượt cao hơn 0.5g/l.
Protein niệu ở phụ nữ có thai không phải tình trạng hiếm gặp. Triệu chứng này không phải là bệnh mà thường đi kèm với nhiều bệnh lý mạn tính nguy hiểm khác vì vậy mẹ bầu không được chủ quan mà phải chủ động thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.
Có thể bạn quan tâm
- Bị sỏi thận khi mang thai có ảnh hưởng gì không?
- Dị ứng thai kỳ – Các nguyên nhân và cách phòng tránh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!