Tiền sản giật là gì? Cách điều trị và phòng ngừa
Tiền sản giật là căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho cả mẹ và thai nhi. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh tiền sản giật ở thai phụ, cách điều trị cũng như phòng tránh bệnh hiệu quả.
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là biến chứng do nhiễm độc thai nghén trong thời kỳ mang thai rất nguy hiểm. Phụ nữ mang thai có thể bị tiền sản giật ở tuần thứ 20 của thai kỳ. Có khoảng 6 – 8% phụ nữ mang thai bị mắc bệnh này.
Tiền sản giật là giai đoạn trước khi lên cơn sản giật. Bệnh xuất hiện ở những cơ qua mà máu ít đi qua do co thắt, nội mạch phù dày…
Những thai phụ có các bệnh lý liên quan như thận, tiểu đường, huyết áp,…có nguy cơ mắc bệnh cao. Tiền sản giật gây tổn thương đến gan, thận của người mẹ, khiến cho thai nhi chậm phát triển, suy thai và có thể chết vong.
Tiền sản giật có thể xảy ra ở mọi phụ nữ, thường thì nó sẽ xuất hiện ở những thai phụ mang thai lần đầu tiên, hiếm khi bị lại ở những lần mang thai tiếp theo.
Nguyên nhân gây ra tiền sản giật
Tiền sản giật là căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ. Hiện nay, nguyên nhân gây ra tiền sản giật vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố dưới đây có thể khiến bệnh dễ phát triển.
- Sự phát triển bất thường của bánh rau: Tình trạng này xảy ra chủ yếu do các bệnh lý về mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường, song thai,…Khi các mạch máu trong cơ thể người mẹ bị hẹp đi, không cung cấp đầy đủ máu khiến bánh rau phát triển trong điều kiện thiếu máu để nuôi thai nhi.
- Gen di truyền: Những phụ nữ mang thai trong gia đình có tiền sử bị tiền sản giật thì nguy cơ bị tiền sản giật cao gấp 2 – 5 lần những người bình thường.
- Chế độ ăn uống: Nếu chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai thiếu canxi, vitamin D, đạm, và các yếu tố vi lượng cần thiết cũng là nguyên nhân gây ra tiền sản giật.
- Nội tiết: Trong quá trình mang thai, rau thai phát triển khiến cho hoạt động cân bằng nội tiết trong cơ thể người mẹ bị rối loạn. Sự chuyển hóa hormone ở các tuyến thận, tuyến giáp, buồng trứng, tuyến yên,… sẽ gây ảnh hưởng đến toàn thân của thai phụ.
- Mang thai ở độ tuổi cao: Những thai phụ mang thai lần đầu tiên ở độ tuổi dưới 18 và trên 40 có nguy cơ bị tiền sản giật cao. Phụ nữ mang thai trên 40 tuổi dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường,… khiến cho nguy cơ bị tiền sản giật tăng lên.
- Ngoài ra, những thai phụ mang đa thai, thai phụ thừa cân béo phì, khoảng cách giữa hai lần mang thai ngắn,… cũng là có thể gây ra bệnh tiền sản giật.
Các triệu chứng của thai phụ bị tiền sản giật
Tăng huyết áp
Đây là dấu hiệu sớm nhất và dễ gặp nhất ở thai phụ bị tiền sản giật. Huyết áp tối đa là ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg. Huyết áp càng cao thì mức độ tiền sản giật càng nặng.
Nếu sau khi sinh 6 tuần mà huyết áp cơ thể mẹ vẫn còn cao, có nguy cơ trở thành tăng huyết áp mãn tính. Cần được đi khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Protein niệu
Protein niệu là một trong những triệu chứng khi thai phụ bị tiền sản giật. Đây là tình trạng thừa đạm trong nước tiểu. Thai phụ nên đến gặp bác sĩ để tiến hành xét nghiệm, kiểm tra chính xác.
Sưng phù
Trong quá trình mang thai, quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể mẹ diễn ra không được ổn định. Thường gây ra tắc nghẽn các mạch máu dẫn đến tình trạng phù nề mặt, chân, tay.
Triệu chứng này rất bình thường, hay xuất hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu phù nề có kèm theo các triệu chứng bất thường như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt thì bạn nên đi khám bác sĩ. Đây có thể là triệu chứng của tiền sản giật.
Tăng cân mất kiểm soát
Trong quá trình mang thai, thai phụ thường được chăm sóc chu đáo nên rất dễ tăng cân. Nếu thai phụ tăng từ 1 – 2 kg/tuần thì nên đưa đến bác sĩ để được chẩn đoán. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.
Đau lưng, đau vai, đau bụng
Nếu trong quá trình mang thai, mẹ cảm thấy tình trạng đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng đau lưng, đau vai thì nguy cơ mắc tiền sản giật khá cao.
Đau lưng, đau vai xảy ra khi hệ tuần hoàn máu của thai phụ không tốt so tiền sản giật gây ra.
Điều trị tiền sản giật
Tiền sản giật là căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, nó thường diễn ra trong thời gian ngắn và rất đột ngột. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường, mẹ nên đến cơ sở y tế để tiến hành thăm khám, phát hiện và điều trị sớm.
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh tiền sản giật, chỉ có thể điều trị nguyên nhân là ngừng thai nghén. Các cách điều trị khác chỉ có thể phòng ngừa các biến chứng do bệnh gây ra.
Tiền sản giật ở mức độ nhẹ
Bị tiền sản giật ở mức độ nhẹ và non tháng, mẹ có thể điều trị bằng cách tiến hành theo dõi tại nhà.
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp, đo huyết áp 2 lần/ngày
- Nghĩ ngơi, nằm nghiên bên trái
- Uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhạt và bổ sung đầy đủ chất đạm cho cơ thể
- Theo dõi bệnh hàng tuần, nếu cảm thấy bệnh có dấu hiệu nặng thì nên tiến hành nhập viện để có các biện pháp điều trị tích cực
- Một số trường hợp sẽ phải tiến hành theo dõi trong bệnh viện, có chế độ nghĩ ngơi đặc biệt và điều trị bằng thuốc theo toa của bác sĩ.
Những điều này không thể ngăn ngừa được tiền sản giật mà chỉ có thể kiểm soát được bệnh, hạn chế các biến chứng.
Tiền sản giật nặng
Khi bị tiền sản giật nặng, thai phụ phải tiến hành nhập viện để theo và điều trị tích cực. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra huyết áp 4 lần/ngày, cân nặng, protein niệu, xét nghiệm đếm tiểu cầu, Hct, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục.
Điều trị nội khoa
- Nghĩ ngơi và nằm nghiên bên trái
- Sử dụng thuốc Magnesium Sulfate, thuốc an thần diazepam dưới dạng tiêm hoặc uống
- Dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp có dấu hiệu tăng cao.
- Sử dụng thuốc có tác dụng giãn các tiểu động mạch, tăng lượng máu đến tim và thận và bánh rau.
- Thuốc lợi tiểu được dùng khi có sự đe dọa đến phù phổi cấp và thiểu niệu
Điều trị chuyên khoa sản
- Nếu thai nhi đủ 35 tuần thì nên thúc sinh hoặc sinh mổ. Trước khi chuyển dạ, mẹ có thể phải tiêm corticoid giúp phổi của bào thai trưởng thành.
- Nếu thai phụ bị tiền sản giật nặng, không đáp ứng với việc điều trị nội khoa, xảy ra sản giật thì phải yêu cầu chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ. Trước khi chấm dứt nên ổn định bệnh nhân trong vòng 24 – 48 giờ.
- Nếu sản giật phát triển, mẹ có thể cho uống thuốc hạ huyết áp, thuốc chống co giật để ngăn chặn cơn động kinh, mổ lấy thai ra gấp.
Thuốc điều trị tiền sản giật
Truyền tĩnh mạch Labelatol hoặc Hydralazin là hai thứ thuốc thường được sử dụng nhất. Thuốc có tác dụng làm hạ huyết áp, giảm lượng máu đến thai.
Magie sunphat có tác dụng điều trị và phòng ngừa cơn co giật tốt.
Quản lý thai nghén tốt, phát hiện và điều trị tích cực là cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh tiến triển thành sản giật, hạn chế tai biến.
Biến chứng của tiền sản giật
Đối với cơ thể mẹ
- Biến chứng thường gặp của tiền sản giật nặng là sản giật, chiếm tỷ lệ 1 – 5%
- Biến chứng chảy máu: Gây xuất huyết võng mạc, rau bong non, chảy máu trong gan
- Suy giảm chức năng gan, rối loạn đông máu: Tình trạng này gây ra đông máu rãi rác ở trong lòng mạch, có thể gây tử vong ở mẹ vì rất khó điều trị và có điều trị cũng mang lại hiệu quả kém
- Suy thận cấp: biến chứng này gây tử vong đến 23%
- Phù phổi và suy tim cấp: Biến chứng này hay xảy ra lúc chuyển dạ sau một vài giờ đẻ
- Tử vong mẹ: Biến chứng của tiền sản giật, gây chảy máu, vỡ bao gan trong hội chứng HELLP, phù phổi, tan huyết, đông máu rãi rác,….là nguyên nhân gây tử vong cho thai phụ.
Đối với thai nhi
- Thai bị chết lưu
- Thai sinh ra non, suy dinh dưỡng
- Tỷ lệ mổ lấy thai ra cao làm tăng tỷ lệ trẻ sinh non tháng
- Trẻ có thể bị tử vong ngay sau khi đẻ do ngạt, chấn thường, chảy máu phổi,…
Cách phòng ngừa tiền sản giật
Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp với việc luyện tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe, hạn chế bệnh tiền sản giật ở phụ nữ mang thai.
Bổ sung Omega 3 (DHA, EPA): Bổ sung đầy đủ lượng DHA, EPA cho cơ thể mẹ giúp làm giảm các yếu tố tăng trương biểu mô mạch máu, hạn chế các triệu chứng của bệnh tiền sản giật.
Một số loại thực phẩm giàu Omega 3 gồm: cá hồi, súp lơ, quả óc chó, hạt vừng, nấm hương,…
Bổ sung canxi: Cung cấp đủ canxi cho cơ thể thai phụ giúp giảm tới 49% nguy cơ bị tiền sản giật ở phụ nữ có nguy cơ thấp và 82% ở phụ nữ có nguy cơ cao.
Mẹ có thể bổ sung canxi cho cơ thể thông qua một số loại thực phẩm như bông cải xanh, đậu bắp, măng tây, sữa và các sản phẩm từ sữa,…
Bổ sung Vitamin D: Việc cung cấp đủ vitamin D từ đồ ăn giúp giảm 27% nguy cơ bị tiền sản giật. Vitamin D có rất nhiều trong dầu gan cá, nấm hương, các loại ngũ cốc nguyên hạt,…
Tiền sản giật là căn bệnh nguy hiểm, gây ra những biến chứng khó lường cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ nên hiểu rõ sức khỏe của bản thân, có các kiến thức cơ bản về những bệnh thường gặp trong thời kỳ mang thai. Khi có bất kỳ bất thường nào, nên đến bệnh viện kiểm tra để có biện pháp điều trị phù hợp, ngăn chặn các biến chứng không mong muốn.
Tìm hiểu thêm: Sau sinh nên ăn gì? Đây là những thực phẩm tốt cho cả mẹ và bé
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!