Người Già Đau Răng Do Đâu? Giải Pháp Điều Trị, Ngăn Chặn
Người già đau răng có thể là dấu hiệu của các bệnh nha khoa, lão hóa răng, chế độ ăn uống không khoa học, duy trì một số thói quen xấu,… Tình trạng này không thể tự khỏi mà cần can thiệp các biện pháp chữa trị đúng cách. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, phương pháp chữa đau răng ở người già sẽ khác nhau.
Đau răng có thể xảy ra tại răng hoặc các mô xung quanh răng. Tình trạng này thường là biểu hiện của nhiều bệnh lý nha khoa, chấn thương, cắn vật cứng,… Tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát, cơn đau răng có thể thoáng qua hoặc kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, vệ sinh răng miệng, sinh hoạt hàng ngày.
Tình trạng đau răng có thể xảy ra ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Theo ghi nhận, có khoảng 70 – 90% người già gặp phải tình trạng này. Đau răng ở người lớn tuổi bắt nguồn từ điều kiện khó khăn ở những thập niên trước, không được trang bị các kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng từ khi còn nhỏ.
Người già đau răng là do đâu?
Người cao tuổi có thể bị đau răng bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là do quá trình lão hóa của răng, mắc các bệnh răng miệng, vệ sinh răng miệng kém, chế độ dinh dưỡng không phù hợp,… Bên cạnh biểu hiện đau răng, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm tùy vào nguyên nhân khởi phát.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đau nhức răng ở người lớn tuổi:
1. Lão hóa răng
Lão hóa (senescence) là quá trình trưởng thành và già đi của các cơ quan trong cơ thể khi tuổi tác cao, bao gồm răng. Ở người già, răng xuất hiện tình trạng mòn men, quá trình tái khoáng suy giảm, tụt nướu, tủy răng xơ teo, khô miệng, răng lung lay, dễ bị tổn thương.
Lão hóa răng là tiến trình tự nhiên mà tất cả mọi người đều phải trải qua khi về già. Theo đó, ở người cao tuổi, răng có xu hướng suy yếu, dễ lung lay, tổn thương và gãy rụng hơn so với người trẻ tuổi.
Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống, vệ sinh răng miệng cũng dễ gặp phải tình trạng ê buốt, đau nhức. Các nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, các vấn đề nha khoa thường xảy ra nhiều ở người già, chủ yếu liên quan đến yếu tố lão hóa tự nhiên.
2. Do mắc các bệnh nha khoa
Như đã đề cập, tình trạng đau răng thường là biểu hiện của một số bệnh nha khoa. Tùy thuộc vào bệnh lý cụ thể mà biểu hiện đau nhức răng có thể đi kèm với các triệu chứng lâm sàng cũng như tổn thương thực thể khác. Theo đó, người cao tuổi bị đau răng có thể đang mắc phải các bệnh lý sau:
- Sâu răng
- Viêm nướu răng
- Viêm nha chu
- Viêm tủy răng
- Áp xe răng
- Rối loạn/ viêm khớp thái dương hàm
- Tụt lợi hở chân răng
Những bệnh lý không thể tự khỏi mà cần can thiệp điều trị. Trường hợp chủ quan, không đến gặp nha sĩ hoặc tự ý dùng thuốc điều trị có thể khiến các triệu chứng tiến triển nặng nề, cấu trúc răng bị phá hủy nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
3. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng không đúng cách được xem là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh nha khoa phát sinh và gây ra tình trạng đau răng ở người già. Một thực tế là ở người cao tuổi thường không chú trọng trong việc vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách. Cụ thể, chải răng quá mạnh, không thay bàn chải định kỳ, không dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng,…
Những điều này kết hợp với các yếu tố khác như lão hóa răng, giảm sản xuất nước bọt,… sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại phát triển mạnh và gây tổn thương răng, các mô nướu và dẫn đến đau nhức răng.
4. Thói quen ăn uống, sinh hoạt
Một trong những nguyên nhân gây đau răng nói chung và đau răng ở người già là do thói quen ăn uống, sinh hoạt. Thực tế, chế độ ăn uống và một số thói quen hàng ngày tác động không nhỏ đến sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.
Thực tế nhận thấy, tình trạng đau răng ở người cao tuổi thường xảy ra do:
- Thường xuyên dùng các thực phẩm, món ăn có kết cấu khô, cứng, khó nhai
- Thói quen hút thuốc lá, sử dụng bia rượu, các thức uống chứa cafein,…
- Một số trường hợp bị đau răng do thói quen nghiến răng khi ngủ
- Các chấn thương khiến răng bị nứt, sứt mẻ,..
- Tình trạng đau răng ở người lớn tuổi cũng có thể xảy ra sau khi can thiệp một số thủ thuật nha khoa như sau khi nhổ răng, cấy ghép Implant, thức ăn giắt kẽ răng, cao răng bám chặt mô nướu, chân răng,…
5. Loãng xương
Loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, nhất là ở phụ nữ. Các chuyên gia nhận thấy rằng, tình trạng loãng xương tác động đến xương hàm và khiến cơ quan này bị suy yếu, dễ bị tổn thương hơn. Hơn nữa, hiện tượng loãng xương xảy ra ở xương hàm còn khiến chân răng bị lung lay, đau nhức trong quá trình ăn uống, thậm chí là gãy rụng.
Loãng xương ở người già cũng được xem là tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể và không thể điều trị. Bên cạnh yếu tố lão hóa, tình trạng này cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc, thiếu hụt dưỡng chất, bệnh cường giáp, bệnh gan,…
Trong trường hợp nghi ngờ đau răng do loãng xương, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, thực hiện một số xét nghiệm nhằm đánh giá mức độ tổn thương, từ đó đưa ra phương án khắc phục cũng như làm chậm quá trình loãng xương phù hợp.
Người già đau răng có ảnh hưởng gì không?
Dù xảy ra do bất kỳ nguyên nhân nào thì tình trạng đau ở người cao tuổi cũng tác động tiêu cực đến quá trình ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe răng miệng. Theo đó, khi sức khỏe răng miệng kém sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khả năng hấp thu các dưỡng chất cũng như suy giảm miễn dịch. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát sinh các bệnh lý khác.
Đối với những trường hợp đau răng xảy ra do chế độ ăn uống, thói quen xấu, vệ sinh răng miệng kém,… sẽ khắc phục dễ dàng và nhanh chóng hơn. Người bệnh chỉ cần điều chỉnh lối sống, chăm sóc răng miệng khoa học và áp dụng một số biện pháp chữa đau răng tại nhà để làm giảm các biểu hiện khó chịu.
Tuy nhiên, nếu người già bị đau răng do mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng, tụt nướu hở chân răng, viêm nướu răng, viêm tủy răng,… Cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh phát sinh các biến chứng nặng nề, thậm chí là mất răng. Để xác định nguyên nhân cụ thể, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán.
Cách khắc phục đau răng ở người cao tuổi
Các biện pháp khắc phục cơn đau răng ở người già sẽ căn cứ vào nguyên nhân khởi phát, mức độ đau nhức và các biểu hiện đi kèm. Có thể nhận thấy, việc xác định căn nguyên khởi phát đóng vai trò quan trong việc điều trị dứt điểm tình trạng này.
Dưới đây là một số biện pháp thường được áp dụng trong chữa đau răng ở người cao tuổi:
1. Một số mẹo giảm đau răng tại nhà
Trường hợp người già bị đau răng do những nguyên nhân thông thường, có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để cải thiện. Cách chữa này được đánh giá có độ an toàn cao, có thể áp dụng cho người lớn tuổi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, nếu chưa thể sắp xếp đến gặp bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng có thể áp dụng các mẹo chữa tại nhà để làm giảm các biểu hiện đau nhức tạm thời.
Nước muối ấm giảm đau răng:
Nước muối có đặc tính sát khuẩn, giảm đau nhức, làm dịu các mô bị tổn thương, sưng viêm hiệu quả. Việc ngậm và súc miệng với nước muối ấm có thể cải thiện tình trạng đau nhức răng do nhiều nguyên nhân gây ra.
- Chuẩn bị 1 muỗng muối cho vào 250ml nước ấm và khuấy đến khi tan đều
- Dùng nước muối ngậm khoảng 30 giây rồi nhổ bỏ
- Thực hiện nhiều lần trong ngày để làm giảm đau nhức răng
Gừng tươi chữa đau răng:
Gừng (sinh khương) là một trong những thảo dược thường được tận dụng chữa các vấn đề răng miệng. Người già bị đau răng áp dụng các mẹo chữa từ gừng có thể làm giảm đau nhức, mùi hôi khó chịu trong khoang miệng, chống viêm hiệu quả.
Cách đơn giản nhất để chữa đau răng là nấu nước gừng để súc miệng nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, có thể giã vài lát gừng rồi đắp trực tiếp vào răng bị ảnh hưởng để các hoạt chất của thảo dược thẩm thấu vào mô nướu và phát huy công dụng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể giảm đau răng bằng cách uống trà gừng thường xuyên.
Lá trầu không:
- Chuẩn bị vài lá trầu không tươi, sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo
- Đun sôi một ít nước lọc rồi cho lá trầu không vào đun thêm vài phút rồi tắt bếp
- Đợi nước nguội thì dùng nước này ngậm và súc miệng
- Mỗi ngày thực hiện từ 2 – 3 lần để cải thiện tình trạng đau nhức răng, đồng thời làm sạch răng miệng
Lá bàng non:
- Chuẩn bị khoảng 1 nắm lá bàng non, sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo
- Đun sôi 1 lít nước rồi cho lá bàng vào đun thêm vài phút nữa thì tắt bếp
- Đợi nước nguội thì cho vào chai và để ngăn mát tủ lạnh để dùng dần
- Sau mỗi lần chải răng thì ngậm một ít nước lá bàng khoảng 30 giây rồi nhổ bỏ
2. Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học
Như đã đề cập, chế độ ăn uống và sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây đau răng ở người già. Do đó, bên cạnh áp dụng các mẹo chữa tại nhà, người bệnh cần chủ động trong việc thay đổi, điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống hàng ngày để kiểm soát tình trạng này. Việc duy trì tốt biện pháp này còn giúp ngăn ngừa các vấn đề răng miệng khác ở người cao tuổi.
Người già bị đau răng cần lưu ý một số vấn đề trong ăn uống và sinh hoạt như sau:
- Hạn chế tối đa các món ăn khô cứng, khó nhai, nghiền,… Vì có thể làm tăng áp lực lên răng, mô nướu và khiến cơn đau bùng phát dữ dội hơn.
- Tập thói quen ăn nhạt, bởi việc ăn mặn, dùng các món ăn chứa nhiều gia vị có thể gây mất nước, hạn chế sản xuất nước bọt và gây khô miệng. Được biết, khô miệng có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các vấn đề về răng miệng và dẫn đến đau răng.
- Đảm bảo lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh uống nước lọc, có thể bổ sung các loại trà thảo mộc, nước ép trái cây, rau củ để cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, cải thiện miễn dịch.
- Trong thời gian bị đau răng, người bệnh nên dùng các món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, cơm mềm, canh, miến, súp,…
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng, giàu vitamin D và canxi để giúp răng chắc khỏe, làm chậm quá trình lão hóa. Một số thực phẩm cần thêm vào thực đơn hàng ngày, bao gồm: Rau xanh, trái cây tươi, cá béo, sữa chua,…
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá cũng như hạn chế tối đa sử dụng các thức uống chứa cồn, cà phê, trà đặc,…
- Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng để giúp nâng cao thể trạng, cải thiện sức khỏe tổng thể. Thực tế, người có sức khỏe tốt thường ít gặp các vấn đề về răng miệng.
3. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Để cải thiện tình trạng đau nhức răng ở người lớn tuổi cũng như phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp, người bệnh cần chủ động trong việc thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, vệ sinh răng miệng.
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc răng miệng giúp làm giảm đau răng ở người già:
- Đảm bảo chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày sau khi ngủ dậy và sau các bữa ăn. Sử dụng bàn chải có lông mềm, kích thước phù hợp để làm sạch các răng khuất và tránh chảy máu mô nướu.
- Nên dùng chỉ nha khoa hoặc sử dụng máy tăm nước sau bữa ăn để làm sạch các kẽ răng, loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa. Từ đó làm giảm hình thành mảng bám, cao răng cũng như các vấn đề răng miệng khác.
- Để tăng tác dụng làm sạch răng miệng, nên sử dụng nước súc miệng sát khuẩn sau khi đánh răng. Tránh các loại nước súc miệng chứa cồn vì có thể làm giảm tiết nước bọt và gây khô miệng. Trong khi đó, khô miệng là nguyên nhân gây đau răng cũng như các bệnh nha khoa khác.
- Nên súc miệng với nước và nhai kẹo cao su không đường sau các bữa ăn nhẹ để làm sạch mảng bám, đồng thời kích thích tiết nước bọt, cân bằng độ pH ở khoang miệng.
4. Điều trị y tế
Trường hợp người già bị đau răng do mắc các bệnh nha khoa hoặc các bệnh nội khoa không thể kiểm soát thông qua các biện pháp chăm sóc và cải thiện tại nhà. Lúc này, người bệnh cần đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám – chẩn đoán để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Tùy thuộc bệnh lý nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị đau răng ở người lớn tuổi:
- Trám răng sâu
- Lấy tủy răng
- Điều trị bệnh viêm nha chu
- Chích rạch mủ
Phòng ngừa đau nhức răng ở người già bằng cách nào?
Có thể nhận thấy, người già bị đau răng xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguyên nhân bệnh lý và không bệnh lý. Tình trạng này không chỉ khiến người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt, suy giảm chất lượng giấc ngủ mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề dạ dày.
Do đó, sau khi cơn đau răng được kiểm soát, cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa như:
- Thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc răng miệng là một trong những cách phòng ngừa đau răng và các vấn đề răng miệng thường gặp ở người già. Bên cạnh đó, nên thay bàn chải đánh răng định kỳ từ 2 – 3 tháng/ lần hoặc ngay khi thấy lông chải bị sờn.
- Để phòng ngừa đau răng và một số bệnh nha khoa khác, người lớn tuổi nên thăm khám sức khỏe răng miệng và lấy cao răng định kỳ từ 2 – 3 lần/ năm.
- Nếu mắc các bệnh toàn thân, cần tích cực điều trị để phòng ngừa tốt các bệnh răng miệng cũng như tránh phát sinh các biến chứng nặng nề.
- Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày để đảm bảo quá trình trao đổi chất, ngăn ngừa khô miệng. Trong khi đó, khô miệng là một một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đau răng, sâu răng, viêm nướu răng,… ở người cao tuổi
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D và canxi, vitamin. Đồng thời hạn chế bia rượu, các thức uống chứa cồn và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Bên cạnh các biện pháp trên, cần kết hợp nghỉ ngơi, sinh hoạt và tập luyện đều đặn để giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện miễn dịch. Từ đó sẽ làm giảm nguy cơ bị đau răng cũng như các bệnh lý về răng miệng khác.
Người già đau nhức răng có thể kiểm soát tốt thông qua các biện pháp chăm sóc, cải thiện tại nhà và can thiệp điều trị y tế trong trường hợp cần thiết. Ngược lại, trường hợp chủ quan, bỏ qua các biểu hiện bất thường có thể khiến tình trạng đau nhức răng tiến triển nặng nề và gây ra nhiều ảnh hưởng khác.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 Cách Giảm Đau Răng Nhanh Nhất Cho Bà Bầu – Mẹo Hay Nên Thử
- 10 Cách Giảm Đau Răng Tại Nhà Hiệu Quả Nhanh Nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!