Đau Răng Bấm Huyệt Nào Để Làm Giảm Nhanh Cơn Đau?
Chữa đau răng bằng bấm huyệt là phương pháp cổ truyền theo Đông y. Các động tác ấn, bấm với lực đạo vừa phải tại một số huyệt đạo nhất định giúp cải thiện nhanh chóng cơn đau răng. Vậy đau răng bấm huyệt nào? Cách thực hiện ra sao? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Phương pháp bấm huyệt chữa đau răng có hiệu quả không?
Theo Đông y, cơn đau răng thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Bệnh sâu răng: Do ăn uống không lành mạnh cộng với thói quen vệ sinh răng miệng kém;
- Yếu tố phong nhiệt: Do thói quen ăn nhiều thực phẩm cay nóng hay còn được gọi là vị nhiệt. Cộng thêm yếu tố phong nhiệt từ ngoài vào khiến phong hỏa bốc lên răng, gây ra đau răng.
- Yếu tố hư hỏa: Xuất phát từ chứng thận âm hư, không đủ làm hư hỏa bốc lên gây ra đau nhức răng.
Y học cổ truyền ghi nhận có rất nhiều phương pháp điều trị đau răng như sử dụng các vị thuốc, thảo dược, châm cứu, massage bấm huyệt… Trong đó, bấm huyệt là được đánh giá rất cao trong Đông y. Phương pháp này được nghiên cứu phát triển với lịch sử 2000 năm và được xem như một thành tựu trong điều trị và phòng bệnh.
Bấm huyệt là liệu pháp sử dụng lực ấn, bấm của bàn tay tác động lên vị trí huyệt đạo đã được xác định trước. Cơ chế tác động chủ yếu thông qua hệ thống kinh lạc nhằm điều chỉnh các rối loạn, cân bằng âm dương. Từ đó đem lại những lợi ích tuyệt vời như giảm nhanh đau nhức, thư giãn các cơ, giải phóng áp lực, căng thẳng…
Vì vậy, khi cơn đau răng xảy đến đột ngột, bạn có thể áp dụng ngay những động tác bấm huyệt đơn giản để đẩy lùi cơn đau. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt hiệu quả cao, bạn cần chú ý về lực đạo tay, xác định đúng vị trí huyệt đạo cần tác động cũng như kiên trì thực hiện nhiều lần.
Gợi ý 21 điểm bấm huyệt trị đau răng hiệu quả
Đối với những người bị đau răng và muốn giảm đau nhanh chóng cần tập trung tác động vào một số huyệt sau đây:
1. Huyệt Giáp xa
Để giảm đau nhức răng bằng phương pháp bấm huyệt, huyệt Giáp xa chính là vị trí đầu tiên được sử dụng. Vì theo lý thuyết về kinh lạc, huyệt này có công dụng chủ trị những cơn đau khó chịu xuất hiện trên mặt, cằm, cổ, trong đó bao gồm cả đau răng. Huyệt Giáp xa là vị trí tính từ chân tai đi xuống, giữa xương quai hàm và lõm xuống khi ăn nhai.
Cách xác định: Bạn khép miệng lại và cắn chặt răng, quan sát nơi nhô lên tại cơ cắn chính là vị trí của huyệt Giáp xa.
2. Huyệt Hợp cốc
Huyệt Hợp cốc (Ll4) được các chuyên gia Đông y sử dụng rất nhiều trong điều trị các bệnh về đau cổ, đau vai gáy, đầu và giảm đau răng. Huyệt này nằm trên bàn tay, tại phần lõm tam giác giữa ngón cái và ngón trỏ.
Cách xác định: Để xác định vị trí của huyệt này, bạn chỉ cần khép ngón cái và ngón tay trỏ lại với nhau. Khi quan sát thấy điểm cao nhất tại đường nối giữa ngón cái và ngón trỏ thì chính là huyệt Hợp cốc.
3. Huyệt Thái khê
Những trường hợp đau răng vừa khởi phát không bao lâu hoàn toàn có thể được cải thiện bằng cách bấm huyệt Thái Khê. Các chuyên gia thường thực hiện day ấn nhẹ nhàng tại huyệt này 100 lần để đạt hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, theo y học cổ truyền phương Đông, tác động huyệt Thái khê còn giúp cải thiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau nhức xương khớp…
Cách xác định: Huyệt Thái khê nằm tại trung điểm giữa đường thẳng nối mép trong của gân gót, khe giữa gân gót chân sau với bờ sau mắt cá trong.
4. Huyệt Hạ quan
Huyệt Hạ quan là huyệt thứ 7 nằm trong kinh vị. Huyệt này nằm ở vị trí dưới xương gò má, đối xứng với huyệt Thượng quan nên được gọi là Hạ quan. Tác động vào huyệt này giúp sơ phong, hoạt lạc, từ đó cải thiện tức thì triệu chứng đau răng khó chịu. Đồng thời, bấm huyệt Hạ quan được ghi nhận có khả năng điều trị một số bệnh lý khác như viêm khớp thái dương hàm, viêm tai giữa, liệt mặt, đau thần kinh tam thoa…
Cách xác định: Để xác định huyệt, bạn ngậm miệng chặt lại, quan sát vị trí lõm dưới xương gò má nằm hướng về phía trước tai thì chính là huyệt Hạ quan.
5. Huyệt Quyền liêu
Huyệt Quyền liêu (Sl18) là huyệt đạo được phổ biến nhất nhằm hỗ trợ cải thiện đau nhức do sâu răng, viêm nướu răng… Huyệt này nằm ở chỗ lõm xuống bên dưới tại điểm cao nhất của vùng xương gò má.
Cách xác định: Để xác định vị trí huyệt này rất đơn giản, chỉ cần dóng hàng ngang qua chân cánh mũi và dọc theo khóe mắt khi dóng từ trên xuống, nơi giao nhau của 2 điểm này chính là huyệt Quyền liêu.
6. Huyệt Kiên tỉnh
Huyệt Kiên tỉnh (GB21) cũng là một trong những huyệt đạo giúp cải thiện cơn đau răng hiệu quả. Huyệt này nằm ở vị trí trên cùng của vai, cụ thể là nằm giữa vai và cổ. Khi tác động vào huyệt này không chỉ giúp đẩy lùi nhanh chóng cơn đau răng mà còn giảm nhanh những cơn đau khác như đau cổ, đau mặt, đau đầu…
Cách xác định: Vị trí giao giữa đường ngang nối giữa xương bả vai và đốt sống cổ thứ 7 chính là vị trí của huyệt Kiên tỉnh.
7. Huyệt Túc tam lý
Huyệt Túc tam lý (ST36) là huyệt đạo nằm ở dưới đầu gối. Dùng lực đạo vừa phải tác động vào huyệt này giúp cải thiện rõ rệt triệu chứng đau nhức răng.
Cách xác định: Để xác định vị trí huyệt này, bạn úp lòng bàn tay lên đầu gối sao cho đầu ngón tay chạm vào vùng xương chày, tiếp theo hơi nhích nhẹ tay ra ngoài vài mm chính là vị trí của huyệt.
8. Huyệt Huyết hải
Huyệt Huyết hải là huyệt thứ 10 trong đường kinh Tỳ. Huyệt này có tác dụng điều phối hoạt động chức năng của tỳ, tăng cường lưu thông máu, cải thiện chức năng gan… Và đặc biệt, tác động vào huyệt Huyết hải đúng cách sẽ giúp giảm nhanh cơn đau răng cùng nhiều loại đau nhức khác như đau xương khớp, đau dây thần kinh đùi…
Cách xác định: Huyệt Huyết hải này nằm trong bên trong đầu xương bánh chè. Để xác định vị trí huyệt này có 2 cách:
- Cách 1 là đứng thẳng, tay nắm lấy đầu gối, đo từ mặt đùi trong tại xương bánh chè lên trên 2 thốn. Nơi khe lõm giữa cơ may và cơ rộng trong bạn ấn vào nếu thấy đau chính là vị trí của huyệt.
- Cách 2 là ngồi co gối, chân buông thõng xuống. Lòng bàn tay úp vào xương bánh chè sao cho ngón cái hướng vào trong. Vị trí có cảm giác hơi ê tức chính là huyệt Huyết hải.
9. Huyệt Thận du
Trong Đông y, huyệt Thận du đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh vì đây là nơi tập trung nguồn kinh khí cho thận. Huyệt này nằm ngang thắt lưng, dưới đốt sống lưng số 14. Sử dụng huyệt Thận du không chỉ giúp tăng cường chức năng thận mà còn đem lại hiệu quả cao trong việc cải thiện các triệu chứng đau nhức, trong đó có đau răng.
Cách xác định: Đặt tay lên rốn rồi kéo ngang sang 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn. Từ đó đếm lên trên 2 đốt sống, đây là vị trí phía dưới gai sống thắt lưng 2 cũng chính là huyệt Thận du.
10. Huyệt Nội quan
Huyệt Nội quan là huyệt nằm trên tay, đây là huyệt thứ 6 của kinh thủ quyết âm tâm bào lạc, là huyệt của kinh tam tiêu và là một trong những lục tổng huyệt chủ trị các vấn đề tại ngực. Tác động huyệt này giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến đau nhức răng, mất ngủ, viêm đau tay, viêm cơ tim…
Cách xác định: Dùng 3 ngón tay trỏ, giữa và áp út của tay này đặt lên vị trí sát lằn chỉ cổ tay của tay còn lại. Quan sát tại vị trí giao giữa mép bên kia của 3 ngón giao với gân cơ cẳng tay đó chính là vị trí huyệt Nội quan.
11. Huyệt Tỳ du
Huyệt Tỳ du là một trong những huyệt quan trọng của cơ thể, chủ trị một số bệnh về đường tiêu hóa, chứng xuất huyết mãn tính, bệnh phong ngứa… Đặc biệt, khi kết hợp với huyệt Chiếu hải, Quan xung hay Liệt khuyết, Trung quản… giúp tiêu khát, cải thiện các cơn đau nhức khó chịu, trong có đó đau răng.
Cách xác định: Huyệt Tỳ du nằm tại vị trí dưới gai sống lưng số 11, đo sang ngang hai bên mỗi bên 1.5 tấc.
12. Huyệt Vị du
Huyệt Vị du có tác dụng đưa kinh khí vào Phủ vị, là kinh huyệt thứ 21 của kinh Bàng Quang. Bấm huyệt Vị du có tác dụng điều trị cải thiện các vấn đề về tổn thương dạ dày, tỳ vị hư nhược dẫn đến bĩ mãn và cải thiện các triệu chứng đau nhức, điển hình như đau răng, đau bụng…
Cách xác định: Huyệt nằm ở vị trí giữa đốt sống lưng D12 – L1 đo sang ngang 2 bên, mỗi bên 1.5 thốn.
13. Huyệt Đại nghinh
Các chuyên gia Đông y cho biết, huyệt Đại nghinh là một trong những huyệt có khả năng giảm đau răng và giải phóng kích thích tại dây thần kinh số V hiệu quả. Đối với người bị đau răng, chỉ cần tác động bấm huyệt nhẹ nhàng từ 2 – 3 phút sẽ giảm rõ rệt tình trạng này.
Cách xác định: Đầu tiên, bạn cắn chặt răng lại, nơi vị trí sát bờ trước cơ cắn và bờ dưới xương hàm chính là huyệt Đại nghinh.
14. Huyệt Nhị gian
Huyệt Nhị gian là huyệt nằm trên bàn tay và là huyệt thứ 2 của kinh Thủ Dương minh Đại trường. Tác động bấm huyệt tại huyệt đạo này có tác dụng giảm đau hiệu quả một số vị trí như đau răng, đau cánh tay, đau vai, đau họng, sưng hàm, giảm hoa mắt chóng mặt, chảy máu mũi…
Cách xác định: Huyệt Nhị gian nằm ở vị trí lõm trên đường tiếp giáp giữa mu bàn tay và da gan tay, bên ngoài ngón trỏ, ngang với đường tiếp nối đầu và thân trên xương đốt ngón tay khoảng 1 ngón trỏ.
15. Huyệt Ngư tế
Huyệt Ngư tế là huyệt thứ 10 thuộc Phế kinh và được sử dụng rất nhiều trong điều trị các bệnh về hô hấp, đau đầu, sưng họng, đau răng…
Cách xác định: Để xác định huyệt Ngư tế, bạn gấp ngón tay trỏ vào lòng bàn tay. Sau đó quan sát đầu của ngón trỏ sao cho chạm đến vị trí của mô ngón tay cái. Lúc này, đầu ngón trỏ chạm vào chỗ nào trên mô tay cái thì đó chính là vị trí của huyệt Ngư tế.
16. Huyệt Nội đình
Để đẩy lùi nhanh chóng triệu chứng đau răng, bạn chỉ cần tác động đúng kỹ thuật lên vị trí huyệt Nội đình trong vòng 15 phút. Ngoài ra, bấm huyệt Nội đình còn giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng đau đầu, cải thiện bệnh viêm ruột, viêm amidan…
Cách xác định: Huyệt Nội đình nằm ở vị trí nối thân với đầu sau của đốt xương thứ nhất tại ngón thứ 2. Cụ thể vị trí nằm ở giữa ngón chân thứ 2 và thứ 3.
17. Huyệt Nhiên cốc
Bấm huyệt Nhiên cốc được áp dụng phổ biến cho những trường hợp bị đau răng nhẹ. Ngoài ra, tác động huyệt này còn giúp trị các bệnh lý khác như tiểu đường, viêm bàng quang, đau họng, rối loạn kinh nguyệt…
Cách xác định: Huyệt Nhiên cốc nằm phía trước mắt cá trong chân, tại chỗ lõm dưới xương to, là nơi giao nhau giữa mu bàn chân và da gan chân.
18. Huyệt Liêm tuyền
Tác động vào huyệt Liêm tuyền có tác dụng trừ đờm khí, thanh hỏa nghịch và lợi cuống hầu. Ngoài chủ trị các bệnh về lưỡi, nướu, họng, bấm huyệt Liêm tuyền còn giúp cải thiện nhanh chóng cơn đau nhức răng khó chịu.
Cách xác định: Huyệt Liêm tuyền nằm ở vị trí chính giữa của sụn giáp trạng, trên lằn chỉ ngang qua cuống hầu khoảng 0.2 thốn. Bạn nên ngửa cổ lên trên để dễ dàng xác định vị trí của huyệt.
19. Huyệt Thái uyên
Huyệt Thái uyên (LU9) là huyệt nằm trên cổ tay, được ghi nhận là huyệt Bổ của kinh Phế và huyệt Hội của Mạch. Kích thích huyệt Thái uyên có tác dụng chủ trị các bệnh lý đường hô hấp. Bên cạnh đó, huyệt này còn được sử dụng hiệu quả để giải phóng nguyên khí, giảm đau răng, đau nhức xương khớp, chấn thương khi vận động…
Cách xác định: Huyệt Thái uyên nằm trên lằn chỉ ngang cổ tay. Để xác định huyệt này, người bệnh nhân ngửa tay ra rồi gập bàn tay về phía cẳng tay một cách từ từ. Quan sát thấy nếp lằn chỉ cổ tay sẽ hiện rõ ra, đây chính là vị trí của huyệt.
20. Huyệt Thương dương
Huyệt Thương dương thuộc nhóm kinh Dương Minh. Khi tác động vào huyệt này có tác dụng tán nhiệt, giải biểu và sơ tiết nhiệt độc, chủ trị một số triệu chứng như đau nhức răng, đau họng, đau thần kinh, đau mắt, ù tai, sốt cao, tê ngón tay…
Cách xác định: Huyệt Thương dương nằm ở vị trí góc ngoài cùng tại chân móng của ngón tay trỏ.
21. Huyệt Thiếu hải
Cuối cùng trong nhóm các huyệt đạo chữa đau răng chính là huyệt Thiếu hải. Theo y học cổ truyền, huyệt Thiếu hải có mối liên kết vô cùng chặt chẽ đến các cơ quan chức năng trong cơ thể. Tác động tích cực đến huyệt này giúp điều trị các triệu chứng đau nhức tại vùng đầu, cổ, mặt, trong đó có tình trạng đau răng.
Cách xác định: Co tay lên áp ra sau đầu để lộ nếp nhăn lớn tại mặt trong của cánh tay. Quan sát vị trí cuối ở đầu nếp nhăn dướng lên đầu ngón tay út thì đây chính là vị trí huyệt Thiếu hải.
Lưu ý: Thốn là đơn vị đo để xác định khoảng cách giữa huyệt vị với một điểm xác định nào đó trên cơ thể.
Hướng dẫn cách bấm huyệt để giảm nhanh cơn đau nhức răng
Bên cạnh việc xác định đúng vị trí các huyệt đạo, việc bấm huyệt đúng phương pháp cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn đạt được hiệu quả điều trị cao. Các kỹ thuật bấm huyệt có thể được thực hiện tại các cơ sở trị liệu cổ truyền hoặc thực hiện ngay tại nhà. Quá trình bấm huyệt chữa đau răng cần thực hiện các bước cơ bản sau:
- Bước 1: Chọn lựa vị trí ngồi thoải mái và thả lỏng toàn bộ cơ thể bằng cách nhắm mắt, hít thở sâu để thư giãn.
- Bước 2: Dùng một lực đạo vừa đủ để xoa bóp vào vị trí huyệt đạo đã xác định trước.
- Bước 3: Xoa bóp theo chuyển động tròn hoặc lên xuống trong vòng vài phút. Cứ lặp đi lặp lại vài lần hoặc cho đến khi cơn đau thuyên giảm hẳn.
Mỗi huyệt đạo được các chuyên gia khuyến khích số lần day khác nhau. Cụ thể như:
- Day huyệt Giáp xa mỗi bên 50 lần;
- Day huyệt Thái khê mỗi bên 100 lần;
- Day huyệt Hạ quan mỗi bên 50 lần;
- Day huyệt Hợp cốc mỗi bên 10 lần;
- Day huyệt Thương dương mỗi bên 36 lần;
- ….
Lưu ý: Chi tiết về tần suất và số lần thực hiện bấm huyệt cần tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn và chỉ định của chuyên gia.
Một số lưu ý khi thực hiện bấm huyệt trị đau răng
Để thực hiện phương pháp bấm huyệt chữa đau răng hiệu quả, đặc biệt khi thực hiện tại nhà bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Tuân thủ thực hiện các bước bấm huyệt đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của chuyên gia.
- Bấm huyệt với lực đạo đủ mạnh nhưng trong khả năng chịu đựng được và thao tác xoa bóp theo chiều kim đồng hồ.
- Tần suất thực hiện vài ba lần/ ngày, mỗi lần cách nhau khoảng vài tiếng để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Bấm huyệt chữa đau răng là phương pháp cổ truyền cần phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài mới đem lại hiệu quả cao.
- Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin A, B, C giúp phòng ngừa các bệnh lý về răng miệng. Đồng thời, tránh ăn các loại thực phẩm nhiều đường hay dùng răng cắn vật cứng gây đau răng.
- Chú ý giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chải răng đều đặn, nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật, kết hợp dùng chỉ nha khoa và súc miệng nước muối thường xuyên.
- Chủ động thăm khám nha khoa định kỳ để tầm soát các vấn đề răng miệng nếu có. Định kỳ lấy cao răng 6 tháng/ lần nhằm giảm các yếu tố gây bệnh phát sinh đau răng.
Bấm huyệt chữa đau răng là phương pháp Đông y được các chuyên gia đánh giá cao khi đem lại hiệu quả rõ rệt sau một thời gian áp dụng. Thông tin chỉ mang tính tham khảo, nếu có nhu cầu thực hiện, khuyến cáo người bệnh nên tìm đến các cơ sở, trung tâm trị liệu Đông y uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và bấm huyệt đúng phương pháp, đem lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!