Đau xương cụt ở nam giới – Nguyên nhân & cách trị
Đau xương cụt ở nam giới là tình trạng đau nhức âm ỉ, đau nhói hoặc dữ dội ở đốt xương cuối cùng của cột sống. Nguyên nhân thường do té ngã, ngồi quá lâu một chỗ hoặc do các bệnh lý ở cột sống. Điều trị thường bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Đau xương cụt ở nam giới là gì?
Xương cụt còn được gọi là xương cùng cụt, nằm tại điểm cuối cùng ở xương sống. Mặc dù có kích thước rất nhỏ nhưng xương cụt lại giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể khi ngồi, đồng thời giữ cho các cơ, gân và dây chằng xung quanh luôn cố định.
Đau xương cụt ở nam giới là một tình trạng thường gặp, xảy ra khi xương cụt bị đau âm ỉ, có thể do nhiều nguyên nhân. Cơn đau có thể nhẹ, âm ỉ thoáng qua hoặc đau nhói, đau nhức dữ dội ở xương cụt kéo dài hàng tuần hoặc cả tháng. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở phụ nữ.
Nguyên nhân đau xương cụt ở nam giới
Các nguyên nhân khiến nam giới bị đau nhức vùng xương cụt thường bao gồm:
1. Nguyên nhân thông thường
Bất cứ yếu tố nào gây áp lực, tổn thương cho khu vực xương cụt đều khiến phái mạnh có cảm giác đau. Ví dụ như:
- Nam giới bị té ngã, tai nạn va đập vào xương cụt gây tổn thương, đau
- Ngồi yên một chỗ quá lâu, đặc biệt là trên mặt phẳng cứng
- Có thói quen hay ngồi ngửa người ra phía sau
- Đứng lên hoặc ngồi phịch mông xuống một cách đột ngột
- Đàn ông bị béo phì, dư thừa cân nặng khiến xương chậu phải chịu nhiều áp lực đè nén từ phần thân trên
- Thanh thiếu niên trong tuổi dậy thì có thể bị đau xương cụt do xương phát triển quá nhanh. Ngược lại, nam giới lớn tuổi cũng rất dễ bị đau do ảnh hưởng của quá trình thoái hóa.
ĐỌC NGAY: Đau xương cụt khi ngồi ghế, xe máy, ô tô … phải làm sao?
2. Bị đau xương cụt ở nam giới do bệnh lý
Đôi khi, hiện tượng đau vùng xương cụt ở nam giới có thể do ảnh hưởng của bệnh lý. Trong trường hợp này, cơn đau thường có khuynh hướng kéo dài và xuất hiện kèm theo nhiều triệu chứng khác. Đấng mày râu cần đặc biệt thận trọng với các căn bệnh sau:
- Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu
- Có khối u ở vùng chậu của nam giới. Chúng có thể là lành tính hoặc ác tính. Khối u lớn sẽ chèn ép lên hệ thống gân cơ và các dây thần kinh ở khu vực xương chậu dẫn đến đau nhức.
- Bệnh ở cột sống: Viêm hoặc thoái hóa đốt sống cùng, thoát vị đĩa đệm thắt lưng, hẹp đốt sống, loãng xương, gai cột sống…
Đối với các nguyên nhân đau xương cụt là do bệnh lý, việc sớm chẩn đoán và điều trị bệnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe nam giới. Điều này sẽ giúp đấng mày râu tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đặc điểm cơn đau xương cụt ở nam giới
Đau xương cụt ở nam giới hay phụ nữ đều có những đặc điểm sau:
- Có cảm giác đau và căng cứng ở vùng xương cụt, ngay trên mông
- Đau âm ỉ, tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian, đôi khi đau nhói
- Đau nặng hơn khi ngồi xuống, đứng lên từ tư thế ngồi, cúi thấp người, quan hệ tình dục và đi vệ sinh
- Ban đầu cơn đau khu trú, sau đó lan rộng sang những vùng lân cận
- Nếu đau xương cụt liên quan đến bệnh lý hoặc chấn thương đốt sống thắt lưng gây chèn ép dây thần kinh tọa, cơn đau có thể nhanh chóng lan xuống mông và chân của người bệnh.
Nam giới bị đau xương cụt có nguy hiểm không?
Nếu do các nguyên nhân đơn giản như căng thẳng kéo dài, tư thế xấu, ngồi 1 chỗ quá lâu… cơn đau xương cụt thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị, không gây ra biến chứng.
Những nếu cơn đau bắt nguồn từ chấn thương hoặc các bệnh lý, đau xương cụt ở nam giới có thể kéo dài âm ỉ, đau tăng theo thời gian làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Những người hợp nặng có thể bị ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường, khó di chuyển.
Cách chẩn đoán đau xương cụt ở nam giới
Bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí đau bằng cách yêu cầu người bệnh mô tả cơn đau và ấn vào vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời kiểm tra tiền sử chấn thương hoặc bệnh lý.
Nhưng để chắc chắn hơn về tình trạng cũng như tìm ra nguyên nhân gây bệnh, các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp MRI… sẽ được thực hiện. Các kỹ thuật này có thể giúp phát hiện những tổn thương/ vết nứt gãy ở xương cụt và các bệnh lý cột sống.
Cách chữa đau xương cụt ở nam giới
Căn cứ vào nguyên nhân và mức độ đau của xương cụt, nam giới có thể lựa chọn các giải pháp điều trị dưới đây:
1. Giảm đau bằng mẹo tự nhiên
Những trường hợp nhẹ có thể thực hiện các mẹo giảm đau tại nhà để khắc phục cơn đau:
– Chườm đá lạnh
Chườm lạnh là mẹo giảm đau vùng xương cụt ở nam giới rất đơn giản nhưng cho hiệu quả thấy rõ. Hơi lạnh từ đá phả ra hoạt động như một chất gây tê. Nó khiến các dây thần kinh thụ cảm liên kết với xương cụt bị tê liệt tạm thời, giảm truyền cảm giác đau về trung khu thần kinh ở não bộ. Đồng thời chườm đá lạnh còn giúp các mô bị teo lại, giảm hiện tượng sưng viêm.
Cách thực hiện:
- Lấy đá lạnh cho vào túi vải hoặc bọc trong một cái khăn mỏng
- Áp trực tiếp lên khu vực xương cụt
- Di chuyển túi chườm qua lại tại vị trí đau sao cho nhiệt lạnh được phân tán đều, giữ 10 phút
- Lặp lại 3 – 4 lần/ ngày.
– Điều chỉnh tư thế ngồi
Ngồi quá lâu một chỗ, ngồi không đúng cách gây đau xương cụt ở nam giới. Để giảm đau, bạn cần điều chỉnh lại tư thế ngồi cho đúng. Cụ thể như sau:
- Trong thời gian bị đau, nên ngồi hơi nghiêng người về phía trước để không gây áp lực lên xương cụt.
- Tránh ngồi trên bề mặt cứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu trong một không gian hẹp
- Nam giới làm những công việc có tính chất phải ngồi lâu một chỗ như nhân viên văn phòng, công nhân may… nên thay đổi tư thế ngồi thường xuyên. Thỉnh thoảng nên nghiêng người sang trái, sang phải, nghiêng về phía trước hoặc đứng lên đi lại để giải tỏa áp lực lên khu vực xương cụt.
- Không đứng dậy một cách đột ngột. Thay vào đó, hãy đứng lên một cách từ từ, hơi cong lưng và nghiêng người ra phía trước rồi đứng dậy. Điều này giúp tránh gây tổn thương cho xương cụt.
- Trường hợp lái xe ô tô, xe máy nên ngồi ở tư thế thoải mái sao cho chân có thể đạp ga và phanh thắng một cách thuận tiện nhất. Khoảng cách giữa vị trí ngồi và tay lái cũng cần điều chỉnh cho phù hợp để không ảnh hưởng đến xương cụt, nhất là khi lái xe đường dài.
– Sử dụng gối hỗ trợ cho nam giới bị đau xương cụt
Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều mẫu gối được sản xuất dành riêng cho những người hay bị đau xương cụt. Những chiếc gối này có độ mềm vừa phải, bị cắt khuyết ngay tại vị trí ngồi đối xứng với vùng xương cụt của nam giới. Nó giúp giải tỏa đáng kể áp lực lên khu vực bị đau.
– Chữa đau xương cụt ở nam giới bằng liệu pháp xoa bóp, mát xa
Xoa bóp, mát xa giúp giảm đau xương cụt ở nam giới. Bởi lực tác động nhẹ nhàng có thể kích thích lưu thông máu, giúp cơ xương thư giãn, bớt sưng đau.
Cách thực hiện:
- Trước tiên, người trợ giúp hãy lấy một ít dầu nóng thoa vào khu vực bị đau
- Dùng các đầu ngón tay nhẹ nhàng xoa bóp cho vùng xương cùng cụt cả xung quanh khu vực bị đau.
- Mỗi lần xoa bóp khoảng 10 phút x 3 – 4 lần trong ngày tùy theo mức độ đau.
– Giảm cân khi cần
Đối với các quý ông bị béo bụng, dư thừa trọng lượng cơ thể thì việc giảm cân là điều cần thiết để giảm áp lực và những tổn thương do cơ thể đè nén lên xương chậu. Tuy nhiên điều quan trọng là nam giới cần phải lựa chọn được phương pháp giảm cân an toàn cho sức khỏe. Tuyệt đối không áp dụng hình thức nhịn ăn hoặc sử dụng các loại thuốc giảm cân có hại trên thị trường.
Một số giải pháp dưới đây có thể giúp phái mạnh có thể duy trì được cân nặng khỏe mạnh:
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Cắt giảm lượng tinh bột, đường và chất béo. Thay vào đó, hãy tăng cường uống nước, bổ sung thêm chất xơ từ hoa quả và rau xanh trong chế độ ăn để cơ thể vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Chỉ ăn vừa đủ, không ăn quá no hoặc ăn uống vội vàng.
- Thông thường phải mất khoảng 20 phút kể từ lúc dùng bữa, tín hiệu no mới bắt đầu được chuyển về não. Nam giới nên nhai kỹ trước khi nuốt để giảm bớt lượng thức ăn tiêu thụ.
- Siêng năng tập thể dục, tập gym cho cơ bắp săn chắc hoặc tham gia các bộ môn thể thao khác.
2. Điều trị đau nhức xương cụt ở nam giới tại nhà bằng thuốc dân gian
Một số loại thảo dược có tác dụng giảm đau, chống viêm tự nhiên nên được dân gian tận dụng làm thuốc trị đau xương cụt ở nam giới. Dưới đây là các bài thuốc đang được ưa chuộng:
– Dây đau xương ngâm rượu:
Dây đau xương cắt về đem thái lát mỏng, sao vàng. Để nguội rồi bỏ vào bình thủy tinh ngâm chung với rượu trắng trên 40 độ theo tỷ lệ 1kg/5 lít rượu. Sau khoảng 30 ngày có thể lấy rượu ra uống với liều lượng 3 lần trong ngày, mỗi lần 1 chén nhỏ.
– Bài thuốc từ cây lá lốt
Dùng 15g lá lốt tươi sắc kỹ với 3 bát nước cho đến khi cạn còn 1 bát. Chia làm 2 lần uống sau các bữa ăn sáng, tối trong 10 ngày liên tục.
Hoặc nam giới cũng có thể lấy thân và rễ cây lá lốt rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô rồi đem ngâm với rượu trắng. Để khoảng 1 tháng lấy ra xoa bóp cho khu vực xương cụt bị đau.
– Trị đau xương cụt ở nam bằng cây xấu hổ
Mỗi ngày, lấy 120g rễ cây xấu hổ đem tẩm với ít rượu trắng 40 độ, sao khô. Cho dược liệu vào ấm sắc với 600ml nước còn 1/3. Gạn nước sắc xấu hổ chia làm 2 – 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang cho đến khi hết đau.
3. Điều trị y tế
Dựa vào nguyên nhân gây đau xương cụt ở nam giới và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp điều trị sau:
– Dùng thuốc trị đau vùng xương cụt ở nam giới
Khi điều trị đau xương cụt, nam giới chủ yếu được dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm. Các trường hợp nặng hơn có thể được dùng thuốc giảm đau thần kinh.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Paracetamol, Diclofenac, Aspirin hay Ibuprofen…
- Thuốc chống co cứng cơ quanh khu vực xương cụt: Dùng các thuốc có khả năng làm giãn cơ như Myonal, Mydocalm…
- Thuốc giảm đau thần kinh: Bao gồm các thuốc dạng viên uống hoặc thuốc bôi ngoài da như Neurontin, Codein. Chúng có hiệu quả đối với các trường hợp bị đau nhẹ đến trung bình.
– Phẫu thuật chữa đau xương cùng cụt ở nam giới
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho nam giới bị đau nhức xương cụt trong các trường hợp sau:
- Không đáp ứng với thuốc điều trị
- Đau nhức xương cụt mãn tính kéo dài ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng sống của người bệnh
- Bị đau xương cụt do mắc các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, viêm xương cụt… ở mức độ nặng, có biến chứng.
Nam giới có thể được phẫu thuật bằng nội soi hoặc mổ hở. Sau phẫu thuật cần nghỉ ngơi một thời gian nhất định và chăm sóc vết mổ đúng cách để không bị nhiễm trùng.
– Các phương pháp điều trị thay thế khác:
Ngoài thuốc và phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị một phương pháp giảm đau xương cụt ở nam giới khác. Chẳng hạn như:
- Châm cứu
- Bấm huyệt
- Diện chẩn
- Vật lý trị liệu: Chiếu hồng ngoại, nhiệt trị liệu, điện trị liệu…
Biện pháp phòng ngừa đau xương cụt
Một số biện pháp có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị đau xương cụt gồm:
- Ngồi và sinh hoạt đúng tư thế.
- Tránh chấn thương.
- Tránh ngồi lâu một chỗ.
- Giữ cân nặng hợp lý. Giảm cân khoa học khi bị thừa cân béo phì.
- Điều trị các bệnh lý liên quan đến xương cụt.
- Thường xuyên tập thể dục.
Chứng đau nhức xương cụt ở nam giới mặc dù có thể trị khỏi nhưng rất dễ tái phát. Vì vậy, bên cạnh việc diệt trừ tận gốc nguyên nhân gây đau, đấng mày râu cần có lối sống lành mạnh, duy trì các tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày để giảm thiểu nguy cơ bị đau trở lại.
Tham khảo thêm:
- Đau xương cụt khi ngồi ghế, xe máy, ô tô … phải làm sao?
- TOP 10 thuốc đau xương khớp tốt nhất hiện nay [Có giá]
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!