Đau khớp vai khi tập gym và cách xử lý tại chỗ
Đau khớp vai khi tập gym là tình trạng rất nhiều người gặp phải khi rèn luyện bộ môn vận động này. Bởi khớp vai là một trong những khớp thường được chú ý khi tập gym. Những cơn đau có thể chỉ là tạm thời nhưng đôi khi hiện tượng đau nhức cũng sẽ tái diễn liên tục với mức độ nặng nề hơn. Vậy liệu nguyên nhân nào gây ra tình trạng đau khớp vai khi tập gym và làm sao để khắc phục?
Nguyên nhân gây đau khớp vai khi tập gym
Nhiều người thường gặp phải tình trạng đau khớp vai sau khi rèn luyện bộ môn gym nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân kích hoạt tình trạng này. Khi tập gym, khớp vai của bạn có thể bị đau vì những lý do dưới đây:
1. Bỏ qua bước khởi động
Khởi động là một trong những bước không thể bỏ qua trước khi bạn bắt đầu bất cứ bài tập nào. Việc khởi động sẽ giúp cho gân cốt cũng như hệ thống cơ xương được giãn ra, làm quen từ từ với cường độ của các bài tập. Tuy nhiên, không ít người vẫn chủ quan bỏ qua bước khởi động khi rèn luyện thể dục thể thao.
Không khởi động là nguyên nhân chính có thể sẽ khiến bạn bị đau nhức xương khớp trong quá trình tập luyện. Nhất là với bộ môn gym, bỏ qua bước khởi động trước khi tập bài tập xô thường khiến khớp vai bị đau nhức. Ngoài ra, việc khởi động không kỹ cũng sẽ dễ khiến khớp vai bị đau.
2. Tập sai kỹ thuật
Gym là một bộ môn vận động nặng, luôn đòi hỏi người tập phải thực hiện đúng kỹ thuật. Điều này sẽ giúp đảm bảo được rằng, người tập sẽ tránh được những rủi ro ngoại ý. Khi bạn chưa quen với các bài tập sẽ luôn cần sự hướng dẫn của huấn luyện viên.
Nếu tập luyện không đúng kỹ thuật sẽ không mang lại kết quả mà còn khiến cho tình trạng đau nhức xương khớp kích hoạt. Đặc biệt là khi tập các bài cho cơ vai, việc thực hiện sai kỹ thuật sẽ làm cho khớp vai bị đau nhức. Thậm chí, tập không đúng kỹ thuật còn dễ khiến cho các vấn đề trật khớp hay sai khớp phát sinh.
3. Tập với tạ quá nặng
Tập gym là cả một quá trình dài để có cơ bắp săn chắc và mang lại lợi ích cho sức khỏe, dục tốc thường sẽ bất đạt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có quan điểm rằng, tập với tạ nặng sẽ nhanh đem lại kết quả. Chính vì thế mà người tập đã cố gắng chọn tạ nặng để rèn luyện.
Với những bài tập vai nếu dùng tạ nặng sẽ khiến cho khớp vai phải chịu rất nhiều áp lực. Đặc biệt là khi không có người hỗ trợ sẽ rất dễ khiến khớp vai bị đau nhức. Ngoài ra, bạn còn rất đễ gặp phải các chấn thương nghiêm trọng hơn trong quá trình tập luyện.
4. Các vấn đề về cơ xương khớp
Khi bạn bị đau khớp vai mặc dù đã khởi động kỹ lưỡng, tập đúng cách, đúng kỹ thuật thì hãy cẩn trọng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về cơ xương khớp cần sớm thăm khám và điều trị.
Rất có thể bạn đang sống chung với một trong số các vấn đề xương khớp sau:
- Trật khớp vai
- Viêm rách gân và chóp xoay
- Rách sụn viền và bao khớp vai
- Viêm khớp vai
- Thoái hóa khớp
- Viêm khớp dạng thấp
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng đau nhức khớp vai còn có thể bị kích hoạt khi bạn tập gym với cường độ mạnh trong thời gian quá dài. Lúc này khớp vai thường phải chịu áp lực quá lớn và dễ bị nhức mỏi. Thêm vào đó việc không cung cấp đủ nước và dưỡng chất trước khi tập luyện cũng rất dễ khiến cơ xương mỏi mệt và đau nhức. Nhất là khi bạn luyện tập những bài tập nặng.
Cách xử lý nhanh tình trạng đau khớp vai khi tập gym
Nếu gặp tình trạng đau khớp vai khi tập gym thì bạn có thể xử lý tại chỗ với những biện pháp sau:
1. Thư giãn khớp vai
Đây là cách đơn giản giúp tình trạng đau nhức khớp vai thuyên giảm rõ rệt. Cách này đặc biệt phù hợp khi khớp vai của bạn phải chịu nhiều áp lực trong quá trình tập luyện. Bạn nên cho khớp vai thư giãn với những động tác thả lỏng khớp hay vận động nhẹ nhàng.
Thả lỏng khớp trong khoảng 5 – 10 phút sẽ khiến cho khớp cũng như cơ bắp xung quanh được thư giãn. Ngoài ra còn tránh được sự chèn ép lên hệ thống dây thần kinh khi khớp phải hoạt động quá sức. Điều này sẽ giúp tình trạng đau nhức hay căng cứng được cải thiện rõ rệt.
2. Massage
Massge cũng là một liệu pháp đơn giản có thể giúp bạn khắc phục tại chỗ tình trạng đau khớp vai khi tập gym. Sự tác dụng lực phù hợp từ bàn và ngón tay vừa giúp khớp được thư giãn và thoải mái, vừa có tác dụng ức chế tình trạng đau nhức.
Nếu bạn không thể tự mình massage thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ của huấn luyện viên hay bạn tập. Thoa một chút dầu nóng lên khớp vai trước khi massage sẽ giúp kết quả được tốt hơn. Tránh dùng lực tay quá mạnh bởi có thể khiến cho mô mềm và vùng da bên ngoài khớp vai bị tổn thương.
3. Chườm nóng, chườm lạnh
Đây cũng là những liệu pháp rất hữu ích có thể áp dụng khi bạn gặp phải tình trạng đau khớp vai khi tập gym. Chườm nóng nên được thực hiện khi khớp vai của bạn bị đau nhức đơn thuần. Còn chườm lạnh thường phù hợp hơn nếu tình trạng đau nhức được kích hoạt cùng với triệu chứng sưng.
Đối với chườm nóng, bạn có thể sử dụng nước ấm khoảng 60 – 70°C cho vào túi chườm. Sau đó áp lên vùng khớp vai đang bị đau. Nhiệt độ từ túi chườm sẽ kích hoạt và làm cho phần mô cơ quanh khớp vai được giãn ra. Từ đó có thể giúp tình trạng đau nhức và co cứng khớp được cải thiện rõ rệt.
Còn đối với chườm lạnh thì bạn có thể dùng vài viên đá cho vào túi chườm. Tiếp đến bạn tiến hành áp nhẹ nhàng túi chườm lên vùng khớp vai đang tổn thương. Tình trạng sưng đau sẽ được thuyên giảm nhanh với cách này. Tuy nhiên, khi áp dụng chườm lạnh, bạn nên chú ý đến vấn đề thời gian, đừng chườm lạnh quá 20 phút/lần.
4. Dùng thuốc tại chỗ
Ngoài những liệu pháp trên thì dùng thuốc tại chỗ cũng là cách tốt giúp bạn xử lý tại chỗ tình trạng đau khớp vai khi tập gym. Thuốc dùng tại chỗ có thể là thuốc bôi hay miếng dán. Nhóm thuốc này mặc dù được sử dụng ngoài da nhưng lại có tác dụng rất nhanh lên vùng khớp vai đang tổn thương.
Việc dùng thuốc tại chỗ sẽ giúp ức chế tình trạng đau nhức, đồng thời làm cho khớp vai được thoải mái hơn. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng liệu pháp này bởi dù chỉ dùng ngoài da nhưng thuốc vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những tác dụng ngoại ý.
Ngăn ngừa tình trạng đau khớp vai khi tập gym
Tình trạng đau khớp vai khi tập gym do những nguyên nhân cơ học hoàn toàn có thể ngăn ngừa khi bạn thực hiện tốt các khuyến nghị dưới đây:
- Chú ý đến vấn đề khởi động trước khi tập gym, bạn nên dành ít nhất 15 phút cho bước cơ bản này. Đối với các bài tập xô, bạn nên khởi động khớp vai kỹ lưỡng hơn với các động tác cơ bản như xoay khớp vai.
- Tập luyện đúng kỹ thuật theo hướng dẫn từ huấn luyện viên, nhất là trong thời gian đầu bạn rèn luyện.
- Tránh tập luyện với cường độ mạnh trong thời gian kéo dài. Chuỗi động tác cho bài tập vai chỉ nên kéo dài 60 – 90 phút tùy vào thể trạng mỗi người.
- Không dùng tạ quá nặng khi tập khớp vai hay bất cứ khớp nào trong hệ thống xương khớp. Việc dùng tạ phù hợp với sức chịu đựng của khớp vai sẽ giúp bạn nhận được kết quả tốt hơn.
- Khi khớp vai bị đau nhức bạn nên dừng ngay bài tập lại, nếu cố gắng tập tiếp sẽ rất dễ gặp phải chấn thương.
Tình trạng đau nhức khớp vai khi tập gym còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về cơ xương khớp. Nếu tình trạng đau nhức liên tục diễn ra, bạn nên sớm thăm khám để nhận được sự can thiệp kịp thời và đúng cách.
XEM THÊM:
- 5 Bài tập chữa đau khớp vai giúp giảm đau hiệu quả
- Viêm quanh khớp vai thể đông cứng và những điều bạn chưa biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!