Đau họng sốt là viêm họng hay bệnh gì, nguy hiểm không?
Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng đau họng và sốt thường đi cùng với nhau. Những triệu chứng này được cho là liên quan đến các bệnh nhiễm trùng hô hấp hay cảm cúm thông thường.
Đau họng kèm theo sốt là dấu hiệu bệnh gì?
Đau họng sốt thường là dấu hiệu của nhiễm khuẩn hoặc virus. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:
1. Viêm họng
Đây là nguyên nhân gây đau rát họng và sốt thường gặp. Bệnh xảy ra khi vùng hầu họng bị nhiễm trùng, khiến cổ họng sưng đỏ và đau.
Viêm họng xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, dị ứng, kích ứng với tác nhân trong môi trường… Riêng viêm họng nhiễm khuẩn hoặc viêm do virus sẽ có triệu chứng sốt đi kèm, bao gồm cả sốt nhẹ hoặc sốt cao. Một số người còn bị sưng hạch ở cổ và mệt mỏi.
2. Viêm amidan
Đau họng sốt thường là dấu hiệu của bệnh viêm amidan. Bệnh xảy ra khi một trong hai amidan (một tổ chức lympho nằm ở vị trí sau hầu họng) bị nhiễm trùng do sự tấn công quá mức của vi khuẩn hoặc virus. Ngoài đau họng sốt, người bệnh còn có các triệu chứng khác gồm:
- Amidan sưng đỏ
- Nuốt đau
- Có lớp dịch phủ màu trắng hoặc vàng ở amidan
- Có vết phồng rộp hoặc vết loét trên cổ họng
- Giọng nói khó nghe hoặc nghẹt thở
- Sưng hạch ở cổ hoặc hàm
- Cổ cứng
- Hôi miệng
3. Viêm thanh quản
Đau họng và sốt có thể là dấu hiệu của bệnh viêm thanh quản do nhiễm trùng. Ngoài ra những người mắc bệnh lý này còn bị khàn tiếng, đôi khi mất giọng nói. Triệu chứng khác:
- Ho khan
- Sổ mũi
- Đau khi nuốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Cảm giác nghẹn cổ…
Nếu không sớm điều trị, nhiễm trùng có thể lan rộng tới các bộ phận khác của đường hô hấp, tăng nguy cơ ung thư thanh quản.
4. Cảm cúm
Đây là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, trong nhiều trường hợp có thể trở thành dịch. Ở bệnh lý này, người bệnh thường sẽ bị sốt cao trên 40 độ. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như ớn lạnh, ho, sổ mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, mắt nhạy cảm với ánh sáng…
Cảm cúm có thể được khắc phục tại nhà và tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên cần tìm đến bác sĩ khi có những dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, hay nôn mửa, ho dai dẳng, đau đầu hay đau tai dữ dội…
5. Sốt siêu vi
Sốt siêu vi đặc trưng bởi tình trạng tăng thân nhiệt (sốt cao) đột ngột do nhiễm một số loại virus khác nhau, thường gặp ở trẻ nhỏ.
Đau họng, khô miệng, phát ban, nhức người, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu… đều là những triệu chứng của sốt siêu vi, thường xuất hiện đồng thời với sốt.
6. Ung thư vòm họng
Đau họng sốt dai dẳng đôi khi là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư vòm họng. Bệnh xảy ra khi một khối u ác tính hình thành ở vòm họng, có khả năng di căn và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng đau họng và sốt do ung thư thường kèm theo tình trạng nghẹt mũi, ho có đờm, ù tai, đau đầu, nổi hạch, nuốt nước bọt vướng như có khối u…
XEM THÊM: Đau họng không ho không sốt có phải ung thư vòm họng?
Đau họng sốt có nguy hiểm không?
Đau họng kèm theo sốt thường do nhiễm trùng nhưng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư. Trước hết, triệu chứng này khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.
Hơn nữa, nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lây lan và gây biến chứng. Đặc biệt đau họng sốt liên quan đến ung thư sẽ khiến người bệnh tử vong.
Cách xử lý khi bị đau họng sốt
Tốt nhất người bệnh nên thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời chú ý thực hiện các biện pháp chăm sóc và khắc phục tại nhà.
1. Thăm khám và điều trị
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng thông qua các triệu chứng. Ngoài ra một số xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định nguyên nhân, thường bao gồm:
- Phân tích mẫu máu hay mẫu dịch đờm từ cổ họng
- Nội soi mũi họng và thanh quản
- Xét nghiệm chức năng phổi…
Tùy thuộc vào từng bệnh lý mà bác sĩ sẽ có cách can thiệp phù hợp. Phần lớn bệnh nhân được dùng thuốc điều trị, thường bao gồm:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen là loại thông dụng nhất có thể làm giảm thân nhiệt cùng các triệu chứng đau họng, đau đầu do nhiều bệnh lý gây ra. Tuy nhiên, tránh dùng thuốc này cho những người bị suy giảm chức năng gan, nghiện rượu hay thiếu hụt men G6PD…
- Thuốc kháng sinh: Sẽ được chỉ định khi nguyên nhân gây đau họng sốt là do nhiễm trùng. Thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn, điều trị nhiễm trùng và đẩy lùi triệu chứng.
- Thuốc xịt rửa mũi: Thuốc xịt rửa mũi dùng cho trường hợp đau họng sốt kèm theo dịch mũi tiết nhiều gây nghẹt tắc mũi. Thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề và loại bỏ dịch tiết hô hấp.
**Chú ý: Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua về dùng hay thay đổi kế hoạch dùng thuốc mà bác sĩ đã khuyến cáo.
2. Khắc phục tại nhà
Một số cách chăm sóc dưới đây có thể giảm đau họng và hạ sốt tại nhà:
- Chườm khăn lạnh:
Chườm khăn lạnh lên trán, cổ và nách giúp làm giảm thân nhiệt nhanh chóng. Đồng thời hỗ trợ cải thiện một số triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt…
- Sử dụng hành tây:
Nướng hành tây rồi lột vỏ cắt theo thớ ngang, băm nát. Tiếp đến dùng 1 miếng vải sạch bọc kín và chườm lên vùng ngực và cổ họng trong khoảng 15 phút. Cách này có thể giúp giảm đau và hạ sốt.
- Tắm nước ấm:
Việc tắm nước lạnh thường không được khuyến cáo khi bị sốt. Tuy nhiên, tắm nước ấm với 1 chút tinh dầu tràm hay oải hương lại có tác dụng hạ thân nhiệt rất tốt.
Bên cạnh đó, giải pháp này còn giúp thư giãn mạch máu ngoại vi và giảm áp lực đến hệ thần kinh trung ương. Từ đó đem lại cảm giác dễ chịu, khoan khoái cho người bệnh.
- Bổ sung thêm nước:
Khi bị sốt, người bệnh cần bổ sung nhiều nước hơn bình thường để tránh bị mất nước. Điều này cũng giúp hỗ trợ làm loãng dịch đờm, chống khô họng, làm dịu và giảm kích ứng ở niêm mạc cổ họng. Chỉ nên dùng nước sôi để ấm, tránh uống nước gừng hay mật ong.
- Xây dựng lối sống lành mạnh
Ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị thì người bệnh cũng cần chú ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Điều này sẽ giúp nâng cao đề kháng và hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý:
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi, nhất là trong khoảng 2 – 3 ngày khi triệu chứng bắt đầu khởi phát.
- Nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Bổ sung thêm thịt trắng, trứng, rau xanh và trái cây để giúp đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
- Tránh các loại thức ăn cay nóng, dễ kích ứng bởi chúng có thể làm cho triệu chứng nặng nề thêm.
- Không hút thuốc lá hay uống rượu bia.
- Tránh thức khuya và đảm bảo ngủ đủ mỗi ngày ít nhất từ 7 – 8 tiếng.
- Bên cạnh bổ sung nước lọc có thể uống sữa tươi hay nước ép trái cây để cân bằng điện giải và tăng cường sức khỏe.
Tình trạng đau họng sốt có thể sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu điều trị và chăm sóc tốt. Tuy nhiên khi vấn đề chuyển biến xấu, sốt quá cao trên 40 độ, kèm theo co giật, nôn ói kéo dài… thì người bệnh nên tìm đến bác sĩ ngay để được can thiệp kịp thời.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Rát lưỡi đau họng là dấu hiệu của bệnh gì và cách Xử lý?
- Hay bị viêm họng – Do lối sống hay bệnh?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!