Đau hậu môn – Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Đau hậu môn là một tình trạng y tế phổ biến gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hầu hết các nguyên nhân gây đau hậu môn đều lành tính và không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh cần nắm rõ các nguyên nhân liên quan để có biện pháp khắc phục phù hợp.
Đau hậu môn là bệnh gì?
Hậu môn là khu vực nhạy cảm và có chứa rất nhiều dây thần kinh. Do đó, rất nhiều yếu tố có thể tác động đến hậu môn và gây đau từ nhẹ đến nghiêm trọng. Hầu hết các nguyên nhân gây đau rát hậu môn đều lành tính, kể cả khi hậu môn bị chảy máu. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên môn để hiểu rõ các nguyên nhân và các cách khắc phục hiệu quả.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến đau hậu môn bao gồm:
1. Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng xuất hiện một vết rách nhỏ ở mô mỏng, ẩm (niêm mạc) hậu môn. Nguyên nhân dẫn đến nứt kẽ hậu môn có thể là do phân quá cứng hoặc áp lực quá lớn khi đi đại tiện. Bệnh thường gây đau và chảy máu khi đi tiêu.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng phổ biến khác như:
- Đau ở hậu môn, đặc biệt là khi đi đại tiện. Cơn đau có thể kéo dài sau vài giờ kể từ lúc đi đại tiện.
- Có máu tươi dính trên phân, giấy vệ sinh hoặc nhỏ thành giọt khi đi đại tiện.
- Xuất hiện các vết nứt ở hậu môn hoặc các vùng da xung quanh hậu môn.
Nứt kẽ hậu môn có thể được cải thiện tại nhà bằng các biện pháp đơn giản. Tuy nhiên, đôi khi các vết nứt hậu môn cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Tham khảo thêm: Hậu môn nổi mụn: Cách nhận biết và điều trị hiệu quả
2. Rò hậu môn
Rò hậu môn là tình trạng phát triển ống dẫn các tuyến bã trong hậu môn bị áp xe và nhiễm trùng. Theo thời gian, các ống dẫn này bị lắp đầy, phá hủy tế bào da và nối thông da với hậu môn.
Rò hậu môn có thể dẫn đến các cơn đau rát, ngứa ở hậu môn. Đôi khi người bệnh có thể bị sốt cao, cảm thấy khó chịu và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Lỗ rò hậu môn có thể bị chảy mủ, dịch nhầy và tiết ra mùi hôi, khó chịu.
Rò hậu môn có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm gây nhiễm trùng da. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, các liệu pháp sinh học hoặc phẫu thuật.
3. Áp xe hậu môn
Áp xe hậu môn là tình trạng tích tụ vi khuẩn trong các mô mềm ở hậu môn. Điều này dẫn đến tổn thương các tế bào, khiến vi khuẩn tích tụ trong các mô và hình thành các túi mủ. Áp xe hậu môn có thể hình thành gần hậu môn hoặc bên trong hậu môn (trực tràng).
Các nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn thường không rõ ràng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng áp xe hậu môn có thể liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa, rối loạn ruột, ức chế hệ thống miễn dịch.
Áp xe hậu môn thường gây ra các cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói ở hậu môn hoặc trực tràng. Cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn khi đi đại tiện hoặc bị ma sát. Ngoài ra, khi ổ áp xe phát triển, hình thành mủ, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như:
- Sốt cao
- Mệt mỏi
- Táo bón
- Tiết dịch nhầy ở trực tràng và gây chảy máu
Áp xe hậu môn thường hiếm khi tự cải thiện mà không cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ cần tiến hành rút hết áp xe để điều trị và ngăn ngừa tái phát.
4. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là tình trạng giãn các tĩnh mạch ở hậu môn gây sưng, đau. Trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng (trĩ nội) và ở lớp da xung quanh lỗ hậu môn (trĩ ngoại). Tùy vào loại bệnh trĩ và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà trĩ có thể gây ra các dấu hiệu khác nhau.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ ngoại:
- Ngứa, đau hoặc kích thích ở vùng hậu môn
- Sưng quanh hậu môn
- Sự chảy máu khi đi đại tiện
Các triệu chứng của bệnh trĩ nội:
- Xuất hiện máu trên giấy vệ sinh hoặc trên phân. Lượng máu thường không nhiều.
- Xuất hiện một búi trĩ bên ngoài lỗ hậu môn dẫn đến đau đớn và kích thích.
Trĩ huyết khối là tình trạng búi trĩ ngoại bị đông máu và hình thành một khối bên ngoài hậu môn. Bệnh trĩ huyết khối có thể dẫn đến một số triệu chứng như:
- Đau hậu môn nghiêm trọng
- Sưng, viêm, đỏ rát, ngứa ở hậu môn
- Xuất hiện một khối u cứng, nhỏ ở gần lỗ hậu môn
Bệnh trĩ là bệnh hậu môn phổ biến và có thể điều trị bằng nhiều biện pháp. Người bệnh có thể thay đổi lối sống, phong cách sinh hoạt và sử dụng các loại thuốc bổ sung để điều trị.
5. Táo bón
Táo bón là tình trạng gây ra nhu động ruột không thường xuyên hoặc gây khó khăn khi đại tiện. Táo bón thường gây ra một số triệu chứng như:
- Đi đại tiện ít hơn ba lần một tuần
- Phân cứng, khô
- Gặp khó khăn, căng thẳng, đau đớn khi đại tiện
- Có cảm giác bị tắc nghẽn trong trực tràng
- Có áp lực, căng thẳng ở trực tràng, hậu môn
- Cần có sự giúp đỡ khi đi đại tiện, bao gồm sử dụng tay để ấn vào bụng hoặc dùng tay để kéo phân ra ngoài.
Táo bón có thể trở thành mãn tính nếu kéo dài hơn 2 – 3 tháng mà không được điều trị. Táo bón có thể điều trị bằng nhiều biện pháp khác nhau như khắc phục tại nhà, thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc hỗ trợ.
6. Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng, đi ngoài ra nước. Bệnh tiêu chảy dẫn đến kích thích hậu môn, gây ngứa, đau rát hoặc khó chịu. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau dạ dày hoặc đau bụng dưới
- Sốt nhẹ
- Có máu hoặc chất nhầy trong phân
- Chướng bụng đầy hơi
Tiêu chảy thường là một tình trạng ngắn hạn. Tuy nhiên, đôi khi tiêu chảy có thể kéo dài nhiều tuần và trở thành mãn tính. Đôi khi tiêu chảy có thể liên quan đến một số rối loạn nhu động ruột hoặc nhiễm trùng. Do đó, nếu tiêu chảy kéo dài, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.
7. Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng viêm loét ở lớp lót trong cùng của ruột già và trực tràng. Bệnh dẫn đến suy nhược cơ thể và đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng viêm đại tràng phổ biến gồm:
- Tiêu chảy, thường kèm theo máu hoặc mủ
- Đau bao tử
- Đau hậu môn – trực tràng
- Chảy máu trực tràng dẫn đến xuất hiện máu lẫn trong phân hoặc dính trên giấy vệ sinh
- Giảm cân không rõ lý do
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ
Gợi ý: Áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh – Hình ảnh, dấu hiệu và cách xử lý
8. Hội chứng Levator Ani
Hội chứng Levator Ani đặc trưng bởi các cơn co thắt ở hậu môn và trực tràng mãn tính. Tình trạng này có thể dẫn đến các cơn đau hậu môn kéo dài đến hơn 20 phút mỗi lần. Cơn đau thường có xu hướng nghiêm trọng hơn khi ngồi.
Các cơn đau do Hội chứng Levator Ani gây ra thường được mô tả là các cơn đau âm ỉ kèm theo cảm giác nóng rát ở hậu môn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như:
- Khó khăn khi đi đại tiện
- Đi vệ sinh (bao gồm đại tiện và tiểu tiện) nhiều hơn bình thường
- Đau sau khi quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ thông qua đường hậu môn
- Nam giới có thể bị rối loạn chức năng tinh dục như suy giảm ham muốn hoặc rối loạn cương dương
9. Ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn là một loại ung thư không phổ biến. Bệnh hình thành ở ống hậu môn (là một ống ngắn ở phía cuối của trực tràng) dẫn đến các triệu chứng như chảy máu trực tràng và đau hậu môn. Một số dấu hiệu nhận biết khác bao gồm:
- Xuất hiện khối u hoặc các khối tăng trưởng bất thường ở hậu môn
- Ngứa, rát hậu môn
Hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn đều được điều trị bằng việc kết hợp xạ trị và hóa trị. Đôi khi bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ ung thư hậu môn ở giai đoạn đầu.
Ngoài ra, các cơn đau ở hậu môn có thể liên quan đến một số nguyên nhân khác như: Co thắt cơ bắp, nhiễm nấm men, vệ sinh không sạch sẽ dẫn đến nhiễm trùng, quan hệ tình dục thông qua đường hậu môn, tụ máu ở hậu môn,…
Đọc thêm: Ngứa hậu môn khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Một số cách điều trị đau hậu môn
Các cơn đau hậu môn dẫn đến cảm giác khó chịu và làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Việc điều trị thường nhằm mục đích hạn chế và cải thiện các cơn đau. Một số biện pháp điều trị tại nhà bao gồm:
- Vệ sinh hậu môn nhẹ nhàng bằng nước ấm. Tránh sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa quá mạnh.
- Mặc đồ lót rộng rãi, làm bằng sợi cotton hoặc các loại vải thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt.
- Không sử dụng nước hoa vùng kín hoặc các loại kem thoa, thuốc mỡ làm mềm hậu môn ngoài chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, nếu cần thiết.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ thông qua đường hậu môn. Ngoài ra, không chèn bất cứ vật lạ nào vào hậu môn và trực tràng.
- Uống nhiều nước, bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết.
- Ngâm hậu môn trong bồn nước ấm 15 – 10 phút có thể hỗ trợ cắt giảm các cơn đau.
Nếu các cơn đau hậu môn có liên quan đến các bệnh lý như nứt hậu môn, trĩ,… người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết các cơn đau hậu môn đều lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, hãy đến bệnh viện hoặc gặp cho cấp cứu ngay nếu các cơn đau trở nên nghiêm trọng như:
- Chảy máu trực tràng liên tục kèm với chóng mặt hoặc buồn nôn.
- Cơn đau hậu môn không được cải thiện sau vài ngày.
- Cơn đau lan rộng kèm theo sốt, ớn lạnh, tiết dịch âm đạo.
Đôi khi đau hậu môn có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư. Do đó, phát hiện sớm là cách tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa các biến chứng.
Có thể bạn quan tâm:
- Bị ngứa hậu môn sau khi cắt trĩ– Xử lý như thế nào?
- Khi nào phẫu thuật rò hậu môn và thông tin nên biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!