Bị ngứa hậu môn khi mang thai: Nguyên nhân và cách trị hiệu quả
Ngứa hậu môn khi mang thai là tình trạng thường gặp ở sản phụ. Triệu chứng này có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau như do táo bón kéo dài, vệ sinh không đúng cách, viêm da kích ứng,… Ngứa hậu môn không phải là triệu chứng nặng nề nhưng có thể gây biến chứng nếu sản phụ chủ quan và không tiến hành khắc phục.
Nguyên nhân gây ngứa hậu môn khi mang thai
Hậu môn là bộ phận cuối cùng của ruột kết, nằm ở giữa hai mông. Bộ phận này có vai trò đẩy chất thải từ các cơ quan tiêu hóa trên ra bên ngoài.
Tuy nhiên ngứa hậu môn có thể xảy ra bạn có thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh hoặc mắc các bệnh lý tiềm ẩn. Trong trường hợp mẹ bầu bị ngứa hậu môn, tình trạng có thể khởi phát do những nguyên nhân sau:
1. Vệ sinh cơ thể kém
Hậu môn là cơ quan bài tiết chất thải ra bên ngoài. Vì vậy nếu bạn không vệ sinh kỹ sau khi đại tiện, phân có thể ứ đọng trong nếp gấp của hậu môn và gây ra tình trạng ngứa ngáy.
Theo thời gian, các nếp gấp ở hậu môn có thể bị tổn thương và viêm nhiễm do virus, nấm hoặc vi khuẩn xâm nhập.
Gợi ý: Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em – Nguyên nhân và cách xử lý
2. Do táo bón kéo dài
Táo bón là hiện tượng thường gặp ở người có chế độ ăn ít chất xơ và phụ nữ mang thai. Hiện tượng này xảy ra ở bà bầu do nồng độ hormone progesterone tăng cao, gây giãn ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa. Vì vậy chất thải thường bị hút nước và trở nên khô cứng.
Táo bón kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc hậu môn khiến cơ quan này bị kích thích, ngứa ngáy và sưng đau.
3. Mắc các bệnh ở vùng trực tràng – hậu môn
Trong trường hợp bà bầu mắc các chứng bệnh ở trực tràng – hậu môn như bệnh trĩ, sa trực tràng, nứt kẽ hậu môn,… triệu chứng ngứa ngáy, đau rát và viêm ở hậu môn có xu hướng bùng phát trong thời gian mang thai.
4. Viêm da kích ứng
Ngoài ra, tình trạng ngứa hậu môn khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu của viêm da kích ứng. Vùng da ở hậu môn thường có cấu trúc mỏng và nhạy cảm. Vì vậy khi tiếp xúc với xà phòng có độ pH cao, nước xả vải hoặc quần lót có chất liệu thô cứng, vùng da này dễ bị kích ứng và bị ngứa ngáy.
Hơn nữa trong thời gian mang thai, nồng độ hormone estrogen và progesterone có thể tăng cao bất thường và làm tăng mức độ nhạy cảm của da.
5. Do áp lực từ tử cung
Tử cung nằm ở vùng bụng dưới. Khi thai nhi phát triển, tử cung có xu hướng giãn nở. Tuy nhiên sự giãn nỡ của tử cung có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, đường ruột và hậu môn. Vì vậy trong thời gian mang thai, sản phụ dễ bị đau thượng vị, ợ chua, đầy bụng, chán ăn, ngứa hậu môn,…
Thêm khảo thêm: Bị apxe hậu môn nên ăn gì, kiêng gì để nhanh hồi phục?
Hiện tượng ngứa hậu môn ở bà bầu có nguy hiểm không?
Nếu ngứa hậu môn có mức độ nhẹ, triệu chứng này hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên nếu ngứa ngáy kéo dài, bà bầu dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu ngủ và mất tập trung. Trong trường hợp để kéo dài, vùng hậu môn có thể bị viêm nhiễm nặng, gây đau đớn, chảy máu và tăng nguy cơ hoại tử.
Bà bầu bị ngứa hậu môn phải làm sao?
Khi nhận thấy triệu chứng ngứa hậu môn khi mang thai, bà bầu nên xác định nguyên nhân để tiến hành các biện pháp khắc phục phù hợp. Nếu khởi phát do vệ sinh kém, áp lực do tử cung giãn nở hoặc táo bón kéo dài, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để khắc phục.
Tuy nhiên trong trường hợp triệu chứng nặng nề hoặc đi kèm với các biểu hiện bất thường, nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
1. Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Xây dựng chế độ ăn thích hợp có thể làm giảm tình trạng táo bón và hạn chế mức độ kích thích lên niêm mạc hậu môn. Ngoài ra việc thiết lập chế độ dinh dưỡng cho sản phụ còn đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Chế độ ăn thích hợp cho bà bầu bị ngứa hậu môn:
- Cân bằng thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn (tinh bột, đạm, canxi, khoáng chất, vitamin, Omega 3,….). Bên cạnh đó, nên bổ sung nhiều trái cây và rau xanh để tăng nhu động ruột và hạn chế táo bón.
- Uống từ 2.5 – 3 lít nước/ ngày nhằm tạo ra lượng nước ối đủ cho thai nhi phát triển và làm mềm phân, hạn chế tình trạng đau rát khi đại tiện.
- Tránh các thực phẩm và đồ uống dễ gây táo bón như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và nhiều gia vị (muối, ớt, tiêu,…), cà phê, bia rượu,…
- Nên chia nhỏ bữa ăn để tránh gây áp lực lên dạ dày. Bà bầu nên ăn từ 4 – 5 bữa/ ngày, mỗi bữa nên cách nhau khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ.
- Cần ăn chậm nhai kỹ để hạn chế tình trạng đầy bụng, khó tiêu và táo bón.
- Có thể tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
2. Vệ sinh cơ thể đúng cách
Ngoài chế độ ăn uống, sản phụ cũng cần chú trọng đến việc vệ sinh cơ thể. Trong thời gian mang thai, làn da thường có xu hướng nhạy cảm và dễ kích ứng hơn bình thường.
Vì vậy lúc này bạn nên vệ sinh cơ thể với nước sạch hoặc xà bông dịu nhẹ từ 2 – 3 lần/ ngày. Bên cạnh đó, nên vệ sinh vùng hậu môn và vùng kín với nước ấm để tránh tình trạng viêm nhiễm và ngứa ngáy. Ngoài ra, khi mang thai bạn nên hạn chế tắm bồn vì thói quen này có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo và hậu môn.
3. Tập luyện nhẹ nhàng
Thói quen ít vận động ở sản phụ có thể là nguyên nhân khiến hoạt động tiêu hóa bị ngưng trệ và làm tăng nguy cơ táo bón. Hơn nữa, thói quen này còn khiến cân nặng của bà bầu tăng mất kiểm soát và gây ra một số tình trạng sức khỏe như đau nhức xương khớp, loãng xương,…
Vì vậy trong thời gian mang thai, bạn nên dành 10 – 20 phút để luyện tập. Lúc này bạn không nhất thiết phải tập luyện các động tác chuyên sâu và bài bản.
Các chuyên gia cho biết, việc tập luyện các động tác đơn giản và nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện độ linh hoạt của xương chậu, kích thích nhu động ruột và hạn chế đau nhức trong thời gian thai kỳ.
Giải đáp thắc mắc: Đau rát hậu môn khi đi đại tiện có phải bệnh trĩ không?
4. Tận dụng thảo dược tự nhiên
Nếu ngứa hậu môn do bệnh trĩ, sa trực tràng hoặc nhiễm giun kim, mẹ bầu có thể tận dụng một số thảo dược thiên nhiên để cải thiện triệu chứng.
- Lá diếp cá: Hàm lượng quercetin trong lá diếp cá có khả năng bảo vệ thành mạch. Trong khi đó, hoạt chất decanonyl acetaldehyde có khả năng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Để giảm ngứa hậu môn do trĩ, mẹ bầu có thể giã nát lá diếp cá, đắp trực tiếp và rửa lại sau 20 phút.
- Nha đam: Sử dụng gel nha đam lên vùng hậu môn có thể làm dịu da và hạn chế sưng viêm. Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng kháng khuẩn và giảm ngứa ngáy do nứt kẽ hậu môn gây ra.
- Ngâm nước muối: Nước muối ấm có tác dụng sát trùng và giảm ngứa hiệu quả. Mẹ bầu có thể vệ sinh hậu môn sạch sẽ, sau đó ngâm với nước muối ấm khoảng 15 phút/ ngày để giảm đau và ngứa ngáy do các bệnh ở hậu môn gây ra.
5. Thăm khám bác sĩ
Trong trường hợp triệu chứng không có cải thiện khi áp dụng những biện pháp trên, sản phụ nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chống ngứa hậu môn – kể cả thuốc dạng bôi ngoài.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin có liên quan đến hiện tượng ngứa hậu môn khi mang thai. Hy vọng qua các thông tin trên, mẹ bầu có thể dễ dàng xử lý tình trạng hậu môn bị ngứa và khó chịu.
Tham khảo thêm:
- 5 mẹo chữa ngứa hậu môn tại nhà hiệu quả nhanh chóng
- Áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh – Hình ảnh và cách xử lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!