Khi nào phẫu thuật rò hậu môn và thông tin cần biết
Phẫu thuật rò hậu môn là phương pháp được tiến hành cho hầu hết các bệnh nhân mắc căn bệnh này. Có nhiều kỹ thuật mổ rò hậu môn khác nhau và chúng đều có thể mang lại một số rủi ro nhất định. Tuy nhiên nếu biết cách chăm sóc, vệ sinh sau mổ rò hậu môn, bạn hoàn toàn có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm và nhanh chóng bình phục.
Phẫu thuật rò hậu môn là gì?
Phẫu thuật rò hậu môn là một phương pháp điều trị ngoại khoa được thực hiện nhằm mục đích sửa chữa tổn thương do lỗ rò gây ra và đóng đường thông này lại.
Lỗ rò hậu môn thường được hình thành do các ổ áp xe hậu môn tiến triển tạo thành một ống thông nối liền từ trong ống hậu môn ra ngoài da. Bên trong ống này chứa đầy mủ và nó có thể tự chảy ra ngoài da gây đau đớn, nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị kịp thời.
Phẫu thuật sẽ giúp dẫn lưu hết dịch mủ ra ngoài và loại bỏ các mô bị nhiễm trùng. Qua đó thúc đẩy sự tăng sinh của các tế bào khỏe mạnh lấp đầy lỗ rò, giúp tổn thương lành lại.
Gợi ý: Áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh– Hình ảnh và cách xử lý
Khi nào phẫu thuật rò hậu môn?
Phẫu thuật được xem là phương pháp duy nhất có thể giúp điều trị dứt điểm bệnh rò hậu môn. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân đều được chỉ định mổ rò hậu môn nếu đảm bảo được yêu cầu về mặt sức khỏe.
Các phương pháp phẫu thuật rò hậu môn
Hiện nay, có nhiều kỹ thuật mổ rò hậu môn đang được tiến hành tại các bệnh viện. Tùy theo tính chất phức tạp của lỗ rò, bạn có thể được chỉ định điều trị bằng một trong những phương pháp sau:
Cắt đường rò:
Kỹ thuật này được áp dụng cho những trường hợp có lỗ rò đơn giản, không nằm sát hậu môn. Bạn sẽ cần làm trống ruột già bằng cách sử dụng thuốc xổ và tiêm thuốc gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật.
Tiếp theo, bác sĩ cắt mở lỗ rò, cắt bỏ các mô bị nhiễm trùng, đưa ra ngoài rồi làm phẳng bề mặt lỗ rò và khâu đóng lại. Đối với những lỗ rò phức tạp, có nhiều ngóc ngách hoặc phải cắt bỏ một lượng đáng kể cơ vòng thì ca mổ sẽ được tiến hành qua hai giai đoạn.
Phẫu thuật đặt seton điều trị rò hậu môn:
Phương pháp phẫu thuật rò hậu môn này được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện trên thế giới từ năm 1956. Nó được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Rò hậu môn xuyên cơ thắt
- Rò trên cơ thắt
- Đường rò hậu môn phức tạp
Bác sĩ phẫu thuật tiến hành đặt một ống cao su vào trong lỗ lò để dẫn lưu mủ và dịch tiết ra khỏi ổ nhiễm trùng trước khi phẫu thuật. Thời gian đặt seton có thể kéo dài từ 6 tuần trở lên.
Phẫu thuật chuyển vạt niêm mạc:
Bác sĩ loại bỏ lỗ mở bên trong của lỗ rò, sau đó chuyển vạt niêm mạc được lấy từ thành trực tràng che lấp khu vực này. Kỹ thuật mổ rò hậu môn này có thể giúp giảm thiểu số lượng cơ vòng bị cắt bỏ.
Lấp đầy lỗ rò bằng keo:
Trước tiên, lỗ mở bên trong đường rò sẽ được khâu đóng lại. Chất keo đặc biệt làm từ protein sợi (fibrin) sau đó được tiêm qua lỗ mở bên ngoài của lỗ rò. Đường rò hậu môn cũng có thể được bịt kín bằng một nút protein collagen và sau đó đóng lại.
Cần chuẩn bị gì trước khi mổ rò hậu môn?
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn biết nên làm những gì để để chuẩn bị tốt nhất cho ca phẫu thuật rò hậu môn. Nếu bạn hút thuốc, bạn sẽ được yêu cầu dừng lại, vì hút thuốc làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và làm chậm quá trình hồi phục sức khỏe cũng như vết mổ.
Thuốc gây mê thường dẫn đến tác dụng phụ buồn nôn, nôn ói. Vì vậy, bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong sáu giờ trước khi làm thủ thuật.
Bạn cũng cần thảo luận với bác sĩ để nắm rõ được tất cả những lợi ích cũng như nguy cơ phải đối mặt trong và sau ca mổ. Nếu đã sẵn sàng đồng ý làm phẫu thuật thì ký vào giấy cam kết để hoàn tất thủ tục.
Một số trường hợp được tiêm thuốc chống nhiễm trùng Heparin hoặc mang vớ nén ở chân để ngăn ngừa sự hình thành của huyết khối tĩnh mạch xảy ra sau phẫu thuật rò hậu môn.
Phẫu thuật rò hậu môn có đau không?
Trong quá trình mổ rò hậu môn, bạn đã được tiêm thuốc gây mê nên sẽ không cảm nhận được bất kỳ cảm giác khó chịu nào.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc phẫu thuật, cảm giác đau và khó chịu có thể xảy ra trong một thời gian ngắn. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau để bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Biến chứng sau mổ rò hậu môn
Bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đi kèm với một số rủi ro nhất định. Nếu không may mắn, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng đau nặng và kéo dài sau ca mổ. Ngoài ra, phẫu thuật mổ rò hậu môn còn có thể đem lại các biến chứng sau:
- Mất nhiều máu
- Không thể kiểm soát việc đi đại tiện
- Nhiễm trùng, lở loét vết mổ
- Để lại sẹo xấu mất thẩm mỹ
- Bí tiểu
- Táo bón
- Ống hậu môn bị thu hẹp gây khó khăn cho việc đi cầu
- Tái phát lỗ rò
Tham khảo thêm: 3+thuốc bôi dạng kem trị nứt kẽ hậu môn hiệu quả an toàn
Sau phẫu thuật rò hậu môn bao lâu thì lành?
Hầu hết bệnh nhân đều được bác sĩ cho phép xuất viện ngay trong ngày phẫu thuật hoặc sau đó một ngày sau khi đã đảm bảo chắc chắn không có biến chứng nghiêm trọng nào xảy ra.
Nếu tiến triển thuận lợi, vết mổ có thể lành lại trong vòng sáu tuần nhưng cũng có khi lâu hơn. Điều này còn tùy thuộc vào phương pháp mổ, việc vệ sinh sau mổ rò hậu môn, chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể trạng của người bệnh.
Hãy thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc sau phẫu thuật rò hậu môn để hạn chế được nguy cơ gặp biến chứng và phục hồi sức khỏe trong thời gian nhanh nhất.
Cách chăm sóc sau phẫu thuật rò hậu môn
Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được đẩy vào phòng hậu phẫu nghỉ ngơi cho đến khi hết tác dụng của thuốc gây mê. Một số triệu chứng khó chịu sẽ bắt đầu xuất hiện khi thuốc gây mê mất đi. Hãy đề nghị bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau nếu cần thiết.
Đừng lái xe, uống rượu, vận hành máy móc hoặc ký bất cứ thứ gì quan trọng trong vòng 24 giờ sau mổ. Hãy nhờ người thân đi cùng và đưa bạn về nhà.
Một số vấn đề khác cũng lần được lưu ý sau mổ rò hậu môn:
- Giữ cho vết thương sạch sẽ và khô ráo để mau lành và không bị nhiễm trùng
- Nếu thấy vết mổ chảy máu hay rỉ dịch hãy dùng thuốc sát khuẩn do bác sĩ kê để làm sạch và băng gạc vết thương lại.
- Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày nhưng cần chú ý giữ cho vết thương không được dính nước. Tốt nhất là bạn nên tắm với nước ấm vì nó có thể giúp xoa dịu cảm giác đau. Tránh dùng xà bông hoặc thêm bất cứ thứ gì vào nước tắm vì điều này có thể gây kích ứng vết mổ.
- Bạn có thể được cho dùng thuốc nhuận tràng để làm mềm phân, giúp đi cầu dễ dàng hơn sau phẫu thuật và không làm vết thương bị đau. Tuy nhiên hãy uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, đừng quá lạm dụng bởi thuốc nhuận tràng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ xấu cho sức khỏe.
- Trong thời gian chờ vết mổ bình phục hoàn toàn, bạn chỉ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng. Tránh để táo bón, làm việc nặng hoặc ngồi xổm.
- Mặc quần rộng rãi và giặt giũ thường xuyên. Tránh sử dụng trang phục có chất liệu thô cứng, bó chặt gây cọ sát vào vết mổ.
- Vệ sinh sau mổ rò hậu môn: Sát trùng và thay băng vết thương hàng ngày. Bạn có thể nhờ người thân tự thay băng tại nhà hoặc tìm đến bệnh viện, trung tâm y tế để được giúp đỡ. Lưu ý đảm bảo điều kiện vệ sinh để vết mổ không bị nhiễm khuẩn.
Xem thêm: Bài thuốc đông y điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn hiệu quả
Mổ rò hậu môn nên ăn gì và các thực phẩm cần kiêng?
Bên cạnh việc chăm sóc sau phẫu thuật rò hậu môn đúng cách, bạn cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày. Bữa ăn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp vết thương nhanh liền sẹo hơn.
Thức ăn, thực phẩm người mổ rò hậu môn nên ăn:
- Các món mền: Trong những ngày đầu sau mổ, bạn cần ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Chẳng hạn như cháo thịt bằm, súp, canh rau củ. Thức ăn cũng nên được chế biến dưới dạng hầm nhừ, băm nhỏ để giảm gánh nặng tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón.
- Trái cây, rau xanh: Đây là các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Nó giúp nâng cao hệ miễn dịch, phòng chống nhiễm khuẩn và kích thích tái tạo các tế bào mới để sửa chữa tổn thương nhanh lành hơn.
- Các loại rau có tính mát, giúp nhuận tràng: Táo bón là một trong những biến chứng phổ biến nhiều bệnh nhân phải đối mặt sau mổ rò hậu môn. Việc rặn mạnh khi đi cầu có thể tác động tiêu cực tới vết mổ. Để ngăn ngừa táo bón, bạn nên tăng cường các thực phẩm có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt như rau đay, mồng tơi, diếp cá, cà rốt, rau lang, rau dền…
- Thực phẩm giàu protein: Các thực phẩm chứa nhiều protein như thịt nạc lợn, trứng, sữa, nấm… sẽ giúp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ phục hồi tổn thương.
- Các thức ăn nhạt: Thức ăn cho người mổ rò hậu môn cần được chế biến nhạt hơn bình thường. Không nên nêm quá nhiều muối và gia vị sẽ phát sinh các triệu chứng khó chịu ở bụng.
- Thực phẩm có tính kháng viêm: Gừng, nghệ
- Uống 8 – 10 ly nước một ngày: Cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ giúp đảm bảo quá trình đại tiện được thông suốt. Ngoài nước lọc thì nước ép hoa quả cũng là một sự lựa chọn tốt cho bạn.
Thực phẩm cần kiêng sau khi phẫu thuật rò hậu môn:
Bên cạnh những thức ăn có lợi thì một số thực phẩm lại làm ảnh hưởng không tốt đến vết mổ và kéo dài thời gian bình phục. Bạn nên hạn chế hoặc kiêng tuyệt đối nhóm thực phẩm sau:
- Gia vị cay, nóng: Tiêu, ớt, mù tạt, cà ri, củ hành
- Hạn chế các thực phẩm có thể gây ngứa: Hải sản, thịt bò, tôm, cua
- Các món mặn như dưa muối, đồ kho, cá khô
- Các món chiên xào, thịt mỡ: Chúng vừa khó tiêu, vừa gây hiện tượng nóng trong khiến bạn bị táo bón và gặp khó khăn khi đi cầu.
- Đồ uống có ga, cồn và caffein: Chẳng hạn như bia, rượu, trà đặc, cà phê, soda…
Bài viết vừa cung cấp đến bạn một số thông tin về phương pháp phẫu thuật rò hậu môn. Hy vọng nó sẽ giúp bạn yên tâm hơn và có sự chuẩn bị tốt nhất cho ca mổ.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh rò hậu môn ở trẻ – Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Địa chỉ mổ rò hậu môn uy tín, chất lượng (có chi phí cụ thể)
Bình luận (1)
Em bị rò hậu môn
Em cần phẫu thuật
Cho em hỏi là phẫu thuật ở bệnh viện nào ạ