Vảy Nến Đỏ Da Toàn Thân Có Nguy Hiểm? Cần Làm Gì?
Vảy nến đỏ da toàn thân là một trong những dạng vảy nến nặng và nguy hiểm nhất trong tất cả các thể bệnh. Người mắc thể bệnh này nếu không được điều trị sớm, tích cực và không cấp cứu kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Vảy nến đỏ da toàn thân là gì?
Vảy nến đỏ da toàn thân hay còn được gọi bằng cái tên khác là viêm da tróc vảy toàn thân. Đây là tình trạng da đỏ bong vảy lan tỏa trên 90% diện tích cơ thể. Kèm theo những tổn thương ngoài da bệnh còn kèm theo các triệu chứng toàn thân. Bệnh lý này tiến triển trong thời gian dài, có thể phát triển từ vảy nến thể giọt hoặc do biến chứng viêm nhiễm của các thể bệnh vảy nến nhẹ, do dùng thuốc trị không đúng cách…
Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là từ 40 – 60 tuổi hoặc lớn hơn. Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tỷ lệ mắc bệnh vảy nến đỏ da toàn thân khá thấp, ít gặp và chỉ chiếm khoảng 1%.
Triệu chứng vảy nến đỏ da toàn thân
Người bệnh vảy nến đỏ da toàn thân thường có các triệu chứng nặng và nghiêm trọng hơn so với các thể bệnh vảy nến thông thường. Chúng thường xuất hiện đột ngột và bùng phát dữ dội hoặc cũng có nhiều trường hợp triệu chứng bệnh tiến triển dần dần sau khi người bệnh bị vảy nến thể mảng. Bao gồm:
Triệu chứng ngoài da
Làn da của người bệnh vảy nến đỏ da toàn thân thường có những đặc điểm sau:
- Hơn 90% diện tích cơ thể có làn da bị đỏ;
- Một số vùng kẽ xuất hiện vảy nến như cám, trắng và dễ bong tróc thành từng mảng;
- Xuất hiện các đốm mụn nước trên bề mặt da bị đỏ, có thể chảy dịch hoặc không;
- Phù nề trên nền da dày, có thể xảy ra toàn thân hoặc ở chi dưới;
- Bóng, nhiễm cộm, căng…;
- Da ở lòng bàn tay, bàn chân bị tăng sừng quá mức, bong tróc thành từng mảng, nứt nẻ, da khô ráp, ngứa ngáy dữ dội gây đau nhức, khó cử động và sinh hoạt;
- Rối loạn sắc tố da như giảm hoặc tăng sắc tố trên da;
- Rụng tóc, dày móng, rụng lông mày, lông mi;
- Tổn thương niêm mạc gây viêm miệng, viêm lưỡi, viêm kết mạc…;
Triệu chứng toàn thân
Một vài trường hợp bị vảy nến đỏ da toàn thân nặng có thể xảy ra các triệu chứng toàn thân nguy hiểm như:
- Sốt cao;
- Rét run;
- Rối loạn tiêu hóa;
- Nhịp tim tăng bất thường;
- Thay đổi nhiệt độ cơ thể;
- Dần dần suy kiệt thể lực;
- Gây tử vong do nhiễm khuẩn;
Nguyên nhân gây vảy nến đỏ da toàn thân
Cho đến nay, nguyên nhân gây vảy nến đỏ da toàn thân vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra, tương tự như bệnh vảy nến nói chung. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu chuyên sâu các nhà khoa học cho rằng bệnh lý này có liên quan đến sự rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền.
Khi hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc hoạt động quá mức khiến cơ thể của người mang gen bệnh vảy nến (NST số 6) sẽ sản xuất nhiều các tế bào T. Đây là một loại tế bào bạch cầu có khả năng chống lại các loại virus, vi khuẩn. Và đối với người mắc bệnh vảy nến khi tế bào T này sản sinh quá mức sẽ tấn công ngược lại các tế bào da khỏe mạnh. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vảy nến nói chung và vảy nến đỏ da toàn thân nói riêng.
Bên cạnh đó, môi trường bên ngoài cùng nhiều yếu tố nguy cơ khác cũng có thể làm kích hoạt bùng phát vảy nến đỏ da toàn thân như:
- Do người bệnh ngừng đột ngột các biện pháp điều trị vảy nến do bác sĩ đưa ra;
- Phát triển từ vảy nến thể giọt;
- Nhiễm trùng;
- Stress, căng thẳng quá mức trong thời gian dài;
- Lạm dụng các loại thuốc uống chống viêm, đặc biệt là thuốc corticoid tiêm bắp, dùng thuốc nam chữa vảy nến không đúng cách;
- Lạm dụng rượu bia;
- Bị cháy nắng;
- Phản ứng dị ứng dẫn đến phát ban;
Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân nguy hiểm như thế nào?
Vảy nến đỏ da toàn thân thường tiến triển rất lâu và nếu không được chăm sóc điều trị tích cực, kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Biến chứng của bệnh
Do ảnh hưởng của bệnh tác động đến hầu hết các bộ phận trên cơ thể, gây bỏng rát trên diện rộng khiến lớp bảo vệ da bị suy yếu dẫn đến toàn bộ môi trường bên trong cơ thể bị gián đoạn. Điển hình với một số biến chứng sau:
- Người bệnh dễ rơi vào trạng thái mất nước hoặc mất protein và càng khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn;
- Cơ thể giữ nước nhiều dẫn đến sưng quá mức;
- Dễ bị nhiễm trùng nghiêm trọng bao gồm nhiễm trùng huyết hoặc viêm phổi;
- Suy tim sung huyết;
Biến chứng do dùng thuốc
Dùng thuốc trị vảy nến đỏ da toàn thân là phương pháp được nhiều người áp dụng nhằm kiểm soát các triệu chứng bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, vì đem lại hiệu quả cao tức thì nên đi kèm theo đó là nhiều tác dụng phụ khó lường. Chẳng hạn như:
- Biến chứng lên gan gây suy gan, xơ gan;
- Biến chứng lên thận gây suy thận, viêm cầu thận;
- Tăng nguy cơ dị tật thai nhi, quái thai nếu phụ nữ mang thai dùng thuốc trị vảy nến khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Cách điều trị vảy nến đỏ da toàn thân
Mặc dù ít gặp nhưng vảy nến đỏ da toàn thân được xem là căn bệnh nguy hiểm và khó chữa trị nhất, đặc biệt ở những trường hợp đã có biến chứng. Thông thường, khi tiếp nhận các trường hợp bị vảy nến đỏ da toàn thân, tùy theo nguyên nhân và mức độ của bệnh sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nguyên tắc chung khi điều trị vảy nến đỏ da toàn thân là kết hợp song song vừa điều trị triệu chứng vừa điều trị loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị tại chỗ
Mục đích của phương pháp điều trị tại chỗ là làm giảm thiểu tối đa mức độ kích ứng da, dưỡng ẩm da và cải thiện tình trạng viêm. Để đạt được điều này người bệnh cần dùng đến các loại thuốc bôi ngoài da sau:
- Đối với vảy nến đỏ da toàn thân thể khô: Dùng các loại thuốc bôi chữa vảy nến có tác dụng cấp ẩm, làm mềm da như Urea 10%, Axit salicylic làm bạt sừng, bong vảy, mỡ salicyle 5 – 10%, hồ nước, dầu kẽm…
- Đối với vảy nến đỏ da toàn thân thể ướt: Tức có sự xuất hiện của mụn nước, dịch mủ, da ướt cần được tiến hành chăm sóc giống như người bị bỏng da, dùng dung dịch sát khuẩn xanh metylen hoặc eosin 2%, ngâm tắm nước thuốc tím 1/10.000. Đồng thời sử dụng thuốc kháng sinh (nếu cần) và thuốc bôi corticoid để phòng ngừa bội nhiễm.
- Ngoài ra, kết hợp tắm nước suối khoáng và chiếu tia cực tím, tắm trong bồn nước ấm pha bột yến mạch, dùng băng gạc ướt đắp lên da… Đặc biệt, điều trị vảy nến da đỏ toàn thân cũng có thể điều trị hiệu quả bằng PUVA (quang hóa liệu pháp), đem lại kết quả chữa bệnh cao đến 80 – 90%, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cũng lên đến 40% hoặc nhiều hơn. Phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như rối loạn miễn dịch, ung thư da, tổn thương gan, thận, máu… Vì vậy, hãy tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ về phương pháp điều trị này.
Điều trị toàn thân
Phác đồ điều trị toàn thân cho người vảy nến đỏ da toàn thân như sau:
- Dùng thuốc chống ngứa, giảm ngứa kháng histamine.
- Dùng thuốc corticoid toàn thân và thuốc ức chế miễn dịch. Tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể với nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp, tránh gây nhờn hoặc phụ thuộc thuốc. Theo dõi sát sao khi dùng thuốc để điều chỉnh liều lượng, khi thấy bệnh thuyên giảm có thể hạ liều dần xuống.
- Kết hợp bổ sung nước và các chất điện giải theo điện giải đồ.
- Tăng cường dùng vitamin thông qua dạng viên uống hoặc thực phẩm để tăng cường sức đề kháng, thể trạng.
- Tránh nằm nhiều, nằm lâu đề phòng tắc tĩnh mạch hoặc viêm loét.
Lưu ý: Việc dùng thuốc trị vảy nến đỏ da toàn thân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được dùng thuốc theo cảm tính, tăng liều giảm liều liên tục bất thường để tránh làm giảm tác dụng của thuốc, vừa dễ gây tác dụng phụ có hại cho sức khỏe vừa không mang đến kết quả điều trị như mong đợi.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa biến chứng vảy nến đỏ da toàn thân
Quá trình điều trị bệnh vảy nến đỏ da toàn thân rất khó khăn, mất nhiều thời gian nên người bệnh cần chủ động phối hợp tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc hỗ trợ phục hồi và phòng ngừa các biến chứng của bệnh. Các chuyên gia cho biết những thói quen sinh hoạt, sống lạc quan, vui khỏe chính là chìa khóa để giúp đẩy lùi và kiểm soát bệnh tốt nhất. Cụ thể như sau:
- Giữ vệ sinh mỗi ngày bằng cách tắm rửa vệ sinh toàn bộ cơ thể bằng nước ấm, dùng xà phòng, sữa tắm có đặc tính sát khuẩn, ưu tiên sản phẩm thiên nhiên, không chứa chất hóa học dễ gây kích ứng. Sau đó nên bôi kem dưỡng ẩm phù hợp với cơ địa làn da, tránh dùng sản phẩm chứa hóa chất tổng hợp dễ dị ứng, làm tăng nặng các triệu chứng bệnh.
- Hạn chế cọ xát mạnh, cào gãi lên da vì sẽ càng khiến vùng da bị vảy nến tổn thương sâu hơn,. Thậm chí việc chà xát liên tục như vậy còn dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và tiếp cận vào da nhiều hơn, hoàn toàn không tốt cho tình trạng bệnh hiện tại.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất độc hại cho da, nhất là trong thời kỳ các triệu chứng vảy nến đang bùng phát mạnh. Hãy thay thế các loại mỹ phẩm, sữa tắm, dầu gội, nước rửa chén… tổng hợp bằng các sản phẩm chiết xuất thiên nhiên và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi, củ quả, uống nhiều nước và hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá hay các loại chất kích thích khác.
- Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ sớm, ngủ đủ giấc, không thức khuya, giữ tinh thần thoải mái, tránh làm việc quá sức gây căng thẳng kéo dài.
- Rèn luyện vận động thể dục thể thao mỗi ngày, tập vừa sức giúp tăng cường hệ miễn dịch, khỏe mạnh và phòng ngừa tái phát vảy nến đỏ da toàn thân.
- Khuyến khích người bệnh nên kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/ năm để sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản về căn bệnh vảy nến đỏ da toàn thân. Có thể thấy mặc dù ít gặp nhưng bệnh này rất nguy hiểm, khó chữa và nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời, đúng cách. Vì vậy, cách tốt nhất chính là hãy chữa bệnh tích cực ngay từ giai đoạn đầu, kết hợp chăm sóc vệ sinh đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng, lấy lại khả năng sinh hoạt và làn da khỏe mạnh như ban đầu.
Có thể bạn quan tâm
- Vảy Nến Ở Tay, Chân: Cách Chăm Sóc và Điều Trị
- Vảy Nến Sinh Dục (Vùng Kín): Cách Trị và Sống Chung
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!