Trào ngược bàng quang niệu quản là gì? Cách điều trị
Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) đề cập tới tình trạng dòng nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên niệu quản. Nếu không sớm phát hiện và điều trị thì các biến chứng nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra.
Trào ngược bàng quang niệu quản là gì?
Đường tiết niệu là hệ thống thoát nước của cơ thể có nhiệm vụ loại bỏ chất thải và nước thừa. Bình thường, nước tiểu sẽ được đào thải ra bên ngoài qua các cấu trúc chính của đường tiết niệu. Bao gồm:
- Thận: Gồm 2 quả hình hạt đậu có kích thước bằng nắm tay. Mỗi quả thận nằm 1 bên cột sống ngay dưới khung xương sườn. Cơ quan ày có chức năng lọc máu và sản xuất nước tiểu.
- Niệu quản: Là 2 ống cơ mỏng. Một ống gắn liền với mỗi thận, có tác dụng dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
Bàng quang: Là cơ quan rỗng có hình quả bóng nằm giữa xương chậu. Bàng quang có khả năng mở rộng để chứa nước tiểu. - Niệu đạo: Ống mỏng ở dưới cùng của bàng quang, qua đây nước tiểu sẽ thoát ra bên ngoài cơ thể. Niệu đạo nam giới nằm trong dương vật. Còn niệu đạo nữ giới kết thúc ở vùng âm hộ.
Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) đề cập đến tình trạng nước tiểu bị trào ngược từ bàng quang lên niệu quản, thậm chí là lên thận. Tùy từng trường hợp mà nước tiểu có thể chảy ngược vào 1 hoặc cả 2 bên niệu quản.
Trên thực tế, tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Ngoài ra, trẻ lớn hơn hoặc người lớn (hiếm khi) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trẻ có thận hay đường tiết niệu bất thường sẽ có nhiều khả năng bị trào ngược niệu quản. Tình trạng này phổ biến ở bé gái hơn là bé trai.
Phân loại trào ngược bàng quang niệu quản
Dựa vào mức độ nước tiểu chảy ngược vào đường tiết niệu cũng như chiều rộng của niệu quản mà trào ngược bàng quang niệu quản được chia làm 5 cấp độ. Bao gồm:
- Độ 1: Nước tiểu chỉ chảy ngược đến niệu quản. Lúc này kích thước của niệu quản vẫn bình thường.
- Độ 2: Nước tiểu trào ngược vào vùng bể thận qua niệu quản có kích thước bình thường. Tuy nhiên, đài thận và bể thận đã có kích thước lớn hơn.
- Độ 3: Niệu quản, bể thận và đài thận tăng kích thước từ nhẹ tới vừa phải. Nguyên nhân là do dự trữ nước tiểu.
- Độ 4: Niệu quản cong và giãn vừa phải. Cùng với đó, bể thận và đài thận cũng giãn vừa phải do chứa nhiều nước tiểu.
- Độ 5: Niệu quản có xu hướng bị biến dạng và tăng kích thước rất nhiều. Lúc này bể thận và đài thận cũng bị giãn rất lớn do giữ lại quá nhiều nước tiểu. Hình ảnh của đài thận không còn hiển thị rõ.
Nguyên nhân gây trào ngược bàng quang niệu quản
Trào ngược bàng quang niệu quản có thể được phân chia thành 2 loại. Cụ thể là nguyên phát và thứ phát với các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Đối với trào ngược niệu quản nguyên phát
Nguyên nhân phổ biến nhất của trào ngược niệu quản ở trẻ em là bất thường niệu quản. Cụ thể là van ngăn giữa niệu quản và bàng quang của trẻ không đóng lại hiệu quả do khiếm khuyết.
Tình trạng này sẽ khiến cho nước tiểu trào ngược từ bàng quang về phía thận. Khi trẻ lớn lên, các cơ quan và cấu trúc hoàn thiện thì van ngăn này có thể đóng mở một cách chính xác. Nhờ đó mà tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát cũng sẽ được cải thiện.
2. Đối với trào ngược niệu quản thứ phát
Nguyên nhân được cho là phổ biến nhất của trào ngược niệu quản thứ phát là tắc nghẽn một mô hay bị hẹp ở cổ bàng quang hoặc niệu đạo. Những vấn đề này sẽ khiến cho nước tiểu trào ngược vào niệu quản thay vì được thoát ra bên ngoài qua niệu đạo.
Ngoài ra, một số dây thần kinh chi phối hoạt động của bàn quang cũng có thể không hoạt động tốt. Tình trạng này khiến cho bàng quang không co bóp và thư giãn một cách bình thường. Từ đó gây ra tình trạng trào ngược nước tiểu lên niệu quản.
3. Các yếu tố rủi ro
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược bàng quang niệu quản, bao gồm:
- Rối loạn chức năng bàng quang và ruột: Trẻ bị rối loạn bàng quang và ruột thường bị giữ nước tiểu và phân. Từ đó làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Đây là yếu tố có thể góp phần làm phát triển chứng trào ngược niệu quản.
- Giới tính: Thực tế cho thấy, bé gái có nguy cơ bị trào ngược niệu quản cao hơn nhiều so với bé trai. Tuy nhiên có một ngoại lệ là nếu xảy ra khi mới sinh thì các bé trai lại có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
- Tuổi tác: Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi có nhiều khả năng bị trào ngược bàng quang niệu quản hơn là các trẻ lớn hơn.
- Tiền sử gia đình: Trào ngược niệu quản nguyên phát thường có liên quan tới yếu tố di truyền. Nếu trẻ có cả cha và mẹ mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
- Thói quen xấu: Các thói quen xấu như nhịn tiểu hay nhịn đi ngoài nhiều cũng làm tăng nguy cơ bị trào ngược niệu quản.
Dấu hiệu nhận biết trào ngược bàng quang niệu quản
Trong một số trường hợp, trào ngược dạ dày niệu quản có thể không gây ra bất cứ triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, đa số những người gặp phải tình trạng này đều có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Những triệu chứng có thể gặp phải bao gồm:
- Cảm giác buồn tiểu nhiều và kéo dài
- Tiểu buốt nên người bệnh thường có xu hướng nhịn tiểu
- Tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu mỗi lần ít
- Nước tiểu có màu đục, nặng mùi hoặc tiểu ra máu
- Sốt
- Đau ở vùng hông lưng hoặc bụng
- Trẻ sơ sinh mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, kém ăn, tiêu chảy và hay quấy khóc
- Trẻ lớn hơn mắc bệnh thường có biểu hiện hay tè dầm, táo bón, suy thận
Khi trẻ gặp phải các triệu chứng này, tốt nhất nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay. Chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn phát sinh.
Trào ngược bàng quang niệu quản có nguy hiểm không?
Trên thực tế, tổn thương thận là mối quan tâm hàng đầu khi mắc bệnh trào ngược bàng quang niệu quản. Tình trạng trào ngược càng nặng thì khả năng phát triển các biến chứng sẽ càng nghiêm trọng.
Một số biến chứng thường gặp nhất bao gồm:
- Sẹo thận: Nhiễm trùng đường tiểu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới sẹo. Đây là tổn thương vĩnh viễn đối với các mô thận. Sẹo lan rộng có thể dẫn tới huyết áp cao và làm tăng nguy cơ suy thận.
- Huyết áp cao: Thận làm nhiệm vụ loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Do đó tổn thương thận sẽ làm tăng sự tích tụ chất thải và dẫn tới tăng huyết áp.
- Suy thận: Sẹo thận có thể làm giảm hoặc mất chức năng lọc của thận. Điều này sẽ dẫn tới suy thận. Có thể xảy ra nhanh chóng (suy thận cấp tính) hoặc cũng có thể phát triển theo thời gian (bệnh thận mãn tính).
Chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản
Trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ sơ sinh có thể được bác sĩ phát hiện trước khi em bé sinh ra trong quá trình siêu âm định kỳ. Xét nghiệm này cho phép phát hiện em bé bị thận ứ nước hoặc giãn nở đường tiết niệu.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu một hoặc nhiều thử nghiệm khác. Bao gồm:
- Chụp X-quang bàng quang – niệu quản (VCUG): Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng một ống nhựa mỏng để bơm chất lỏng cản quang vào bàng quang. Sau đó máy chụp X-quang sẽ quay lại video khi bạn đi tiểu để xem liệu chất lỏng có di chuyển ngược lại từ bàng quang tới 1 hay 2 thận không. Trẻ có thể bị khó chịu trong quá trình kiểm tra này. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ dùng một số loại thuốc để làm giảm cảm giác này.
- Xạ hình hạt nhân phóng xạ (RNC): Xét nghiệm này được thực hiện tương tự như phương pháp VCUG với 1 ống thông được đặt bên trong niệu quản và bàng quang. Tuy nhiên một chất lỏng khác sẽ được thay thế chất cản quang để làm nổi bật đường tiết niệu.
- Siêu âm ổ bụng: Sử dụng sóng âm thanh an toàn và không đau để chiếu vào các cơ quan nhằm tạo ra hình ảnh của toàn bộ đường tiết niệu. Từ đó giúp bác sĩ tìm hiểu hoạt động của thận. Bao gồm cả việc phát hiện sẹo thận và các vấn đề khác nếu có.
- Động lực học: Phương pháp này kiểm tra bàng quang xem nó thu thập, giữ và thải nước tiểu như thế nào. Từ đó giúp đánh giá các vấn đề trong bàng quang có phải là một phần của trào ngược bàng quang niệu quản không.
- Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm giúp tìm protein hay máu có trong nước tiểu. Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán bạn có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không.
Các phương pháp điều trị trào ngược bàng quang niệu quản
Dựa vào việc thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh trào ngược bàng quang niệu quản. Bệnh được chia làm 5 cấp độ, số cấp độ càng cao thì bệnh càng nghiêm trọng.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ bệnh và hiện trạng sức khỏe tổng thể để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Với các cấp độ thấp, tình trạng bệnh có thể tự biến mất mà không cần điều trị y tế.
Phương pháp điều trị trào ngược bàng quang niệu quản có thể bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
Bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh kịp thời để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu di chuyển tới thận. Còn trường hợp để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu thì bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng sinh với liều lượng thấp hơn so với liều điều trị.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiêm vào bàng quang (gần lỗ niệu quản) một chất lỏng giống như gel. Việc tiêm thuốc sẽ tạo ra một khối phồng khiến cho nước tiểu khó chảy ngược lên niệu quản.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện với mục đích sửa chữa khiếm khuyết trong van giữa bàng quang và các niệu quản bị ảnh hưởng. Một khiếm khuyết trong van sẽ khiến cho van không thể đóng lại và ngăn nước tiểu chảy ngược.
Các phương pháp phẫu thuật chữa trào ngược bàng quang niệu quản bao gồm:
– Phẫu thuật mở:
Được thực hiện bằng cách gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ tiến hành rạch một vết ở bụng dưới để khắc phục sự cố. Loại phẫu thuật này thường phải nằm viện trong vòng vài ba ngày. Trong thời gian này, một ống thông tiểu được giữ nguyên nhằm dẫn lưu bằng quang. Trào ngược dịch niệu quản có thể tồn tại ở một số trường hợp. Tuy nhiên đa phần sẽ tự khỏi mà không cần bất cứ can thiệp nào thêm.
– Phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot:
Tương tự như phẫu thuật mở, thủ thuật này sẽ bao gồm việc sửa van giữa niệu quản và bàng quang. Tuy nhiên nó được thực hiện bằng cách dùng các vết rách nhỏ. Ưu điểm là vết mổ nhỏ và có thể ít gây co thắt bàng quang hơn so với phẫu thuật mở.
Tuy nhiên, những phát hiện sơ bộ cho thấy, phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ có thể tỷ lệ thành công cao như phẫu thuật mở. Quy trình này cũng liên quan tới thời gian phẫu thuật dài hơn nhưng thời gian nằm viện sẽ ngắn hơn.
– Phẫu thuật nội soi:
Trong thủ thuật bày, bác sĩ sẽ đưa một ống soi bàng quang qua niệu đạo nhằm xem bên trong bàng quang của người bệnh. Sau đó tiêm một chất làm phồng xung quanh lỗ của niệu quản bị ảnh hưởng nhằm tăng cường khả năng đóng lại đúng cách của van.
Phương pháp này xâm lấn tối thiểu so với phẫu thuật mở và ít xảy ra rủi ro hơn. Mặc dù nó có thể không mang lại hiệu quả. Thủ tục này yêu cầu gây mê toàn thân nhưng nói chung có thể được thực hiện giống như phẫu thuật ngoại trú.
3. Chăm sóc tại nhà
Ngoài điều trị y tế, cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc tại nhà. Thực hiện tốt một số biện pháp sau đây sẽ giúp hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị. Đồng thời ngăn ngừa tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản tái phát.
Các biện pháp được đề cập bao gồm:
- Đảm bảo sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tùy ý ngưng dùng thuốc hay tăng giảm liều khi chưa được bác sĩ yêu cầu.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Đáp ứng đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ bớt vi khuẩn ra khỏi đường tiểu. Tránh uống nước trái cây hay nước ngọt đóng chai bởi chúng có thể gây kích thích bàng quang.
- Có thể dùng khăn ấm hay túi chườm ấm lên vùng bụng. Nhiệt độ ấm sẽ giúp người bệnh bớt đau hay áp lực vùng bụng.
Trào ngược bàng quang niệu quản mặc dù là tình trạng không quá nghiêm trọng nhưng cần phát hiện và điều trị kịp thời. Tốt nhất khi nhận thấy các triệu chứng hãy chủ động thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc đúng cách.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm bàng quang xuất huyết nguy hiểm không? Cách điều trị
- Dấu hiệu sỏi thận rơi xuống bàng quang và cách xử lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!