Răng Sâu Bị Vỡ: Biểu Hiện và Cách Khắc Phục, Ngăn Ngừa
Răng sâu bị vỡ xảy ra do các yếu tố va đập, bị tác động mạnh hoặc cũng có thể là do tự vỡ khi cấu trúc răng bị hư hại hoàn toàn. Tình trạng cần được điều trị ngay lập tức để ngăn chặn sâu răng lây lan sang các răng bên cạnh, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến cho sức khỏe chung.
Nguyên nhân khiến răng sâu bị vỡ
Răng sâu bị vỡ là tình trạng không hiếm gặp ở những người bị sâu răng nặng nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách. Ban đầu sâu răng chỉ hình thành ở bề mặt răng do sự phát triển của các vi khuẩn và axit từ mảng bám thức ăn. Theo thời gian, chúng làm mòn men răng và ăn sâu vào trong ngà răng, tấn công làm hư tủy, chết tủy. Lúc này, răng không còn đủ các chất dinh dưỡng nên trở nên giòn và vỡ răng chỉ còn lại chân răng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng sâu bị vỡ như:
- Do vi khuẩn: Trong khoang miệng luôn tồn tại song song lợi khuẩn và hại khuẩn. Trong đó, sự phát triển quá mức của vi khuẩn Streptoccous Mutans phân hủy các mảng bám thức ăn chứa đường, tinh bột tạo thành axit và bám vào răng. Lâu ngày dẫn đến sâu răng, phá hủy mô răng, vào tủy và khiến răng sâu bị vỡ.
- Viêm tủy răng: Tương tự như giải thích trên, khi mắc viêm tủy răng sẽ làm tăng nguy cơ làm vỡ răng sâu. Kèm theo đó là những hệ lụy rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng, gây mất răng vĩnh viễn. Trường hợp này thường xảy ra ở những người bị sâu răng lâu năm nhưng không điều trị kịp thời.
- Do các tác động vật lý: Người bị sâu răng gặp các chấn thương, tai nạn hoặc có những tác động vật lý mạnh khác từ thói quen ngủ hay nghiến răng, ăn thức ăn cứng, chứa nhiều axit,… là những nguyên nhân khiến răng bị mài mòn, sứt mẻ và nứt bể.
- Thiếu canxi: Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là canxi, khoáng chất gây ra hiện tượng hủy khoáng. Tình trạng này khiến răng mất đi một lượng lớn mô cứng, suy giảm cấu trúc và dễ vỡ hơn.
Các biểu hiện khi răng sâu bị vỡ
So với cơn đau nhức răng sâu thông thường, các triệu chứng khi răng sâu bị vỡ sẽ nặng hơn gấp nhiều lần. Cụ thể như sau:
- Vì răng sâu nặng có khả năng chịu lực kém, giòn nên rất dễ vỡ khi ăn uống. Hoặc chải răng cũng có thể làm rơi các mảnh vỡ răng li ti.
- Đau răng sâu bị vỡ xảy ra liên tục, chia thành từng cơn, kèm theo ê ẩm và buốt tận óc. Mỗi cơn đau thường kéo dài từ 10 – 30 phút, thậm chí kéo dài cả ngày lẫn đêm.
- Răng chuyển sang màu đen một phần hoặc toàn bộ trước khi bị nứt vỡ.
- Đối với các vị trí răng sâu bị vỡ là răng hàm có thể quan sát trong gương và thấy cả ống răng bị ăn mòn tạo thành khoảng trống lớn.
- Sau khi bị vỡ hoàn toàn chỉ còn lại phần cổ và chân răng nằm dưới mô nướu, xương ổ răng.
- Tổ chức mô nướu xung quanh răng sâu bị vỡ chuyển sang màu đỏ sẫm, phù nề, sưng viêm và đau nhức.
- Khoang miệng có mùi hôi khó chịu và vị lạ trong miệng.
Răng sâu bị vỡ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe?
Tình trạng răng sâu bị vỡ gây ra những ảnh hưởng vô cùng rõ ràng đối với chức năng ăn nhai, đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.
Gây khó khăn trong việc ăn uống
Răng sâu thường rất nhạy cảm và yếu hơn so với những chiếc răng bình thường. Tuy có ảnh hưởng đến khả năng ăn uống nhưng không bằng việc răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng, nhất là đối với răng hàm, răng nanh. Lúc này, chức năng nhai và nghiền nát thức ăn sẽ bị suy giảm, thậm chí mất hoàn toàn khả năng nhai. Nếu cố gắng nhai thức ăn sẽ càng gây đau nhức dữ dội.
Nhiễm trùng lây lan sang các răng bên cạnh
Các ổ sâu răng phát triển mạnh không được xử lý dứt điểm sẽ nhanh chóng lây lan sang các răng khỏe mạnh bên cạnh. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng khác như: viêm nha chu, áp xe răng, viêm tủy răng… Thậm chí phần nướu răng cũng sẽ bị ảnh hưởng, viêm nhiễm gây tụt lợi, mất khả năng cố định chân răng và dẫn đến mất răng vĩnh viễn.
Ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa
Chức năng chính của răng là nghiền nát thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày nhằm giảm tải áp lực cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, khi răng sâu bị vỡ mất, chức năng này không được thực hiện tối đa. Từ đó, luôn nạp vào dạ dày những loại thức ăn thô, cứng, bắt buộc hệ tiêu hóa phải tăng công suất hoạt động mới có thể tiêu hóa hết chúng.
Tình trạng này kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến nhiều vấn đề, bệnh lý tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản… Ngoài ra, một số trường hợp răng bị sứt mẻ trong lúc ăn uống, các mảnh vỡ răng sắc nhọn theo thức ăn xuống dạ dày và gây nguy hiểm cho đường ruột.
Kém thẩm mỹ và ảnh hưởng đến phát âm
Nếu răng sâu bị vỡ là răng cửa hoặc các răng lân cận nằm ở vị trí dễ nhìn thấy sẽ khiến cho nụ cười của bạn kém thẩm mỹ hơn. Răng khi bị sâu sẽ ngả sang màu vàng, khi sâu ăn vào tủy chuyển sang màu đen khác biệt hoàn toàn với các răng còn lại. Hoặc khi răng đã rơi mất chỉ còn lại chân răng không chỉ khiến bạn tự ti, không dám mở miệng để cười nói mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát âm, thể hiện rõ nhất với các âm bật hơi như “s”, “th”, “ph”…
Hướng xử lý và khắc phục răng sâu bị vỡ
Điều trị răng sâu bị vỡ là một trong những kỹ thuật nha khoa phổ biến. Đối với những trường hợp này có 3 phương pháp để xử lý gồm: trám răng, bọc răng sứ và trồng răng Implant. Tùy theo từng mức độ răng sâu bị vỡ và nhu cầu mong muốn của người bệnh mà nha sĩ sẽ tư vấn, chỉ định thực hiện biện pháp phù hợp.
1. Trám răng sâu bị vỡ
Những trường hợp chân răng còn khỏe, chưa hư hại nhiều và lỗ sâu bị đục thủng không quá lớn sẽ được chỉ định thực hiện hàn răng sâu. Cách này nhằm xử lý dứt điểm ổ sâu, ngatrám trám bít lỗ sâu ngăn chặn sự phá hủy của vi khuẩn và phục hồi chức năng ăn nhai, tính thẩm mỹ cho răng.
Quy trình thực hiện hàn răng không quá phức tạp, đầu tiên nha sĩ sẽ tiến làm nạo bỏ tổ chức sâu răng, viêm nhiễm và vệ sinh làm sạch bên trong. Sau đó, dùng miếng trám nha khoa đã được chọn lựa trước (thường là vật liệu Composite hoặc Amalgam) đắp vào vị trí thiếu khuyết mô răng. Cuối cùng là chỉnh sửa và tạo hình sao cho tự nhiên, chiếu đèn để miếng trám bám chặt vào răng hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, dù đem lại hiệu quả cao nhưng độ bền của miếng trám lại không được lâu. Nhiều trường hợp miếng trám bị thấm nước, bong khỏi răng và tái sâu răng. Vì vậy, chỉ được áp dụng cách này với những trường hợp răng sâu bị vỡ nhẹ.
2. Bọc răng sứ
Sau thăm khám, nếu vị trí răng sâu chạm tủy nhưng chưa vỡ nhiều, mô răng vẫn còn thường sẽ được tư vấn bọc răng sứ để bảo tồn phần răng thật còn lại. Phần răng này sẽ được tận dụng để làm trụ bám cho mão sứ. Quy trình thực hiện như sau:
- Vệ sinh cả bên trong và bên ngoài xung quanh chân răng, loại bỏ phần lợi thừa lấp kín răng đã vỡ.
- Đối với chân răng bị viêm sẽ được tiến hành chữa tủy gồm các bước loại bỏ tủy răng, làm sạch và trám bít ống tủy.
- Tái tạo thân răng bằng cách mài mòn phần răng yếu, chỉ giữ lại phần cứng để làm trụ bọc mão sứ.
- Cuối cùng, chụp răng sứ ở bên ngoài. Răng sứ này được chế tác riêng phù hợp với kích thước, hình dáng và màu sắc của răng theo mẫu dấu răng đã lấy trước đó.
Riêng đối với răng hàm bị sâu và vỡ thì quy trình này phức tạp hơn do răng hàm có nhiều chân. Lúc này nha sĩ sẽ tiến hành chia tách các chân răng, chỉ giữ lại 1 chân răng còn tốt để làm khung đỡ mang mão sứ, các chân răng còn lại nhỏ bỏ đi. Tiếp đó là thực hiện quy trình bình thường, chữa tủy, tái tạo lại thân răng và chụp mũ sứ bên ngoài.
3. Nhổ bỏ răng và trồng Implant
Những trường hợp răng sâu bị vỡ hoàn toàn chỉ còn lại chân răng, nhưng chân răng cũng quá yếu, mất hoàn toàn chức năng và là nguồn lây lan vi khuẩn cho các răng còn lại bắt buộc phải nhổ bỏ và trồng răng giả. Quy trình thực hiện như sau:
- Nhổ bỏ chân răng sâu, nạo sạch tổ chức viêm nhiễm. Bước này phải được thực hiện kỹ lưỡng để tránh còn sót viêm, tái phát nhiễm trùng và lây lan rộng hơn gây các biến chứng nguy hiểm về sau.
- Sau đó, thay thế chiếc răng sâu bị vỡ đó bằng phương pháp trồng Implant. Phương pháp này sẽ sử dụng các trụ Implant thay thế cho chân răng, đặt trực tiếp vào trong ổ răng và cố định bằng vít chất liệu titan có độ tương thích cao với cấu trúc xương hàm của con người. Sau đó sẽ bọc mão sứ như bình thường để phục hồi chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ, đồng bộ cho toàn hàm răng.
Hướng dẫn cách chăm sóc trong quá trình điều trị răng sâu bị vỡ
Chăm sóc răng miệng là việc làm cần thiết hàng ngày ngay cả khi bạn không bị răng sâu bị vỡ hoặc các bệnh lý về răng miệng khác. Việc làm này giúp loại bỏ các mảng bám thức ăn thừa và vi khuẩn – 2 yếu tố dẫn đến sâu răng, từ đó bảo vệ sức khỏe răng miệng tối đa. Để đạt được điều này, bạn cần:
- Chải răng 2 lần/ ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Ưu tiên chọn lựa sử dụng các loại kem đánh răng, nước súc miệng chứa Flour có khả năng tái khoáng men răng. Đồng thời làm sạch, hạn chế hình thành mảng bám, hỗ trợ làm phục hồi các tổn thương trên bề mặt răng.
- Sau các bữa ăn trong ngày nên sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng sát khuẩn để làm sạch khoang miệng, loại bỏ thức ăn thừa, vi khuẩn tích tụ và khử mùi hôi.
- Tránh sử dụng các loại thức ăn cứng, dai, nhiều đường, thực phẩm nhiều tinh bột, đồ uống chứa cồn, axit… để ức chế sự phát triển của răng sâu.
Răng sâu bị vỡ xảy ra khi tình trạng sâu đã chuyển biến nghiêm trọng, tổn thương nặng nề, nhiều trường hợp còn mất răng vĩnh viễn do không điều trị kịp lúc. Do đó, để bảo tồn tối đa răng thật, nhất là với những răng quan trọng như răng hàm, răng cửa, răng nanh…, bạn nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!