Răng Sữa Bị Sâu Xử Lý Sao An Toàn? Có Nên Nhổ Không?
Răng sữa bị sâu là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ răng sữa sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn nên lơ là không quan tâm đúng mức đến trẻ. Tuy nhiên, các triệu chứng sâu răng sữa như đau nhức, ê buốt khiến trẻ mệt mỏi, khó ăn uống và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất về lâu dài.
Răng sữa của trẻ có vai trò gì?
Răng sữa là tên gọi chung để chỉ những chiếc răng mọc lên đầu tiên và được hình thành trong giai đoạn trẻ đang phát triển. Có tổng cộng 20 chiếc răng sữa được mọc lên gồm 10 chiếc ở hàm trên và 10 chiếc ở hàm dưới. Răng bắt đầu mọc khi trẻ bước vào tháng thứ 6 và hoàn thiện khi trẻ được 30 tháng. Những chiếc răng này sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Khi trẻ được 6 tuổi, răng sữa sẽ tự lung lay và rụng đi để thay bằng các răng mới, quá trình này kéo dài cho đến khi trẻ 13 – 14 tuổi thì hoàn thiện.
Mặc dù thời gian tồn tại của răng sữa không dài nhưng nó lại đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ. Cụ thể như:
- Thực hiện chức năng ăn nhai và nghiền nhuyễn thức ăn vì thường bắt đầu từ tháng thứ 6 trẻ đã có thể bắt đầu ăn dặm được.
- Giúp trẻ phát âm đúng, nên nếu răng sữa bị hư phải nhổ bỏ sớm để tránh việc trẻ nói ngọng.
- Kích thích sự phát triển của xương hàm, tăng cường chức năng các cơ, xương hàm phát triển bình thường và hoàn thiện cấu trúc khuôn mặt.
- Từng chiếc răng sữa là tiền đề để răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí và ngay ngắn trên cung hàm. Nên nếu răng sữa bị sâu, hư hỏng sớm khi chưa đến tuổi thay rất dễ khiến răng vĩnh viễn mọc lệch, ảnh hưởng đến khớp cắn toàn hàm khi trưởng thành.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đến quá trình mọc răng sữa của trẻ để khắc phục ngay khi có sai lệch. Đồng thời, quan tâm chăm sóc để tránh vấn đề răng miệng xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguyên nhân gây sâu răng sữa ở trẻ nhỏ
Sâu răng sữa là tình trạng răng sữa của trẻ bị vi khuẩn tấn công các mô trên bề mặt răng, theo thời gian chúng xâm nhập vào bên trong tạo thành lỗ sâu và khiến trẻ đau nhức. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và tính thẩm mỹ. Theo một thống kê, tỷ lệ trẻ bị sâu răng sữa khá cao, chiếm hơn 85% trong tổng số các vấn đề răng miệng nói chung.
Các chuyên gia cho rằng, việc răng sữa của trẻ bị sâu thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Trẻ ăn nhiều đồ ngọt
Hầu như đứa trẻ nào cũng có sở thích ăn bánh kẹo, nước ngọt… Và việc phụ huynh nuông chiều ý thích của con, để trẻ thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm này chính là nguyên nhân dẫn đến sâu răng sữa. Đường chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây sâu răng phát triển. Chúng phân hủy, lên men đường và bám vào răng, theo thời gian hình thành các lỗ sâu li ti.
Vệ sinh răng miệng kém
Ý thức vệ sinh miệng của trẻ còn kém chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra sâu răng sữa. Độ tuổi xảy ra sâu răng nhiều nhất là khi trẻ 2 – 4 tuổi. Giai đoạn này trẻ rất thích ăn uống đồ ngọt khiến mảng bám thức ăn tích tụ nhiều trong khoang miệng. Khi trẻ không chịu thực hiện vệ sinh răng miệng thường xuyên, các mảng bám này sẽ là điều kiện để vi khuẩn phát triển và hình thành sâu răng.
Răng sữa mọc lệch do bẩm sinh
Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ bị thiếu canxi hoặc mắc phải các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu răng… thì nguy cơ thai nhi bị di truyền là rất cao. Nguyên nhân là do sự lây truyền vi khuẩn từ mẹ sang con thông qua dây rốn. Điều này khiến trẻ chào đời với các khiếm khuyết về cấu tạo men răng, ngà răng mỏng, kém khoáng, dễ mẻ, răng sữa mọc lệch, mọc chen chúc… tạo điều kiện thuận lợi cho sâu răng sữa phát triển.
Những tác hại khi trẻ bị sâu răng sữa
Đa phần các bậc làm cha mẹ đều nghĩ rằng răng sữa bị sâu là không đáng lo ngại vì trước sau thì răng sữa cũng sẽ rụng đi để thay bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây là quan niệm hết sức sai lầm và gây ra những hậu quả khó phục hồi đến cấu cũng như chức năng hàm răng của trẻ.
Răng sữa của trẻ bị sâu nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra những hệ lụy như:
- Sâu răng sữa khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình ăn uống, thức ăn không được nghiền nát kỹ trước khi đưa xuống dạ dày. Tình trạng này kéo dài vô tình làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến trẻ biếng ăn, suy giảm thể trạng, nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng, chậm lớn hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
- Hư hỏng răng sữa do sâu viêm khiến trẻ phát âm không được chuẩn, ảnh hưởng đến chức năng ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ.
- Những chiếc răng sữa sâu nặng, gãy hoặc tự rụng sớm trước khi đến tuổi thay răng dễ khiến răng vĩnh viễn mọc lệch hàm, mọc chậm hoặc thậm chí không mọc do tiêu xương hàm. Từ đó ảnh hưởng đến cấu trúc hàm răng ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ của khuôn miệng.
- Răng sữa bị sâu không được điều trị đúng cách còn có thể làm hại đến tủy răng khiến trẻ luôn bị đau nhức dù không tác động. Một số trường hợp nặng, viêm tủy răng còn kéo theo nguy cơ áp xe răng ở trẻ em, hoại tử, nhiễm trùng lây lan hòa vào máu, nhiễm trùng mặt… cực kỳ nguy hiểm.
Bố mẹ cần làm gì khi răng sữa của trẻ bị sâu?
Việc phát hiện và tích cực xử lý răng sữa bị sâu càng sớm càng tốt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn cấu trúc và chức năng hàm răng khi trẻ trưởng thành. Vậy sâu răng sữa có phải nhổ bỏ không? Thực tế, không phải trường hợp răng sữa bị sâu nào cũng đều phải nhổ bỏ. Còn tùy vào từng trường hợp cụ thể mức độ sâu nhiều hay ít để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.
- Trường hợp răng sữa bị sâu giai đoạn đầu: Các triệu chứng sâu chỉ vừa mới chớm, các lỗ sâu li ti màu trắng ngà xuất hiện nhưng chưa nhiều. Giải pháp xử lý là dùng thuốc trị sâu răng cho trẻ dạng dung dịch, chấm trực tiếp vào vị trí sâu để diệt khuẩn, ngăn chặn tiến triển sâu và giảm đau.
- Trường hợp răng sữa có lỗ sâu lớn: Vi khuẩn phát triển quá mức trong thời gian dài và đục thủng bề mặt răng tạo thành các lỗ sâu lớn nhưng chưa ăn vào tủy. Trường hợp này nha sĩ sẽ tiến hành nạo bỏ tổ chức sâu và làm sạch lỗ hổng, sau đó hàn răng sâu kín lại bằng vật liệu trám chuyên dụng để phục hồi chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ.
- Trường hợp trẻ bị sâu răng nặng: Khi răng sữa của trẻ bị sâu nặng thì cách tốt nhất chính là nhổ bỏ răng sâu để ngăn chặn các biến chứng răng miệng khác. Cụ thể một số trường hợp được chỉ định nhổ răng sữa như: răng sữa đã bị lung lay nhưng không tự rụng, răng sâu hành sốt, đau nhức ảnh hưởng ăn uống, viêm tủy hoặc nhiễm trùng chóp răng…
Biện pháp chăm sóc phòng ngừa sâu răng sữa ở trẻ
Răng sữa bị sâu gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng nói riêng và sự phát triển của trẻ nói chung. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ hàm răng sữa của con chính là thực hiện các biện pháp phòng ngừa sâu răng ngay từ sớm. Dưới đây là một số biện pháp phụ huynh nên tham khảo:
- Trong giai đoạn thai kỳ, người mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D thông qua các loại thực phẩm (như tôm, cua, cá, sữa…) hoặc các loại viên uống thực phẩm chức năng. Đồng thời, duy trì tinh thần ổn định, hạn chế căng thẳng, stress khiến thai nhi kém phát triển.
- Đối với trẻ nhỏ bắt đầu bước vào độ tuổi mọc răng sữa và biết ăn dặm, bố mẹ cần vệ sinh răng miệng cho con hàng ngày bằng cách dùng rơ lưỡi, bàn chải răng và súc miệng với nước muối ấm. Đây là cách tốt nhất để loại bỏ mảng bám thức ăn thừa và vi khuẩn gây sâu răng.
- Hạn chế cho trẻ sử dụng nhiều đồ ngọt, đặc biệt là vào ban đêm. Đối với trẻ trên 1 tuổi khuyến khích chỉ cho trẻ uống nước lọc trước khi đi ngủ.
- Bố mẹ dạy trẻ cách ăn uống đúng, không ngậm đồ ăn thức uống quá lâu trong miệng vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp xúc vào răng nướu, dễ hình thành sâu răng.
- Thường xuyên cho trẻ tắm nắng để tăng cường khả năng tự tổng hợp vitamin D tốt cho phát triển xương và mọc răng.
- Ngay khi phát hiện các triệu chứng sâu răng sữa ở trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến nha khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng răng sữa bị sâu. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh trong việc phát hiện, xử lý điều trị và phòng ngừa sâu răng sữa kịp thời. Đồng thời, bảo vệ sức khỏe răng miệng và xương hàm, giúp trẻ có hàm răng đều, chắc khỏe khi trưởng thành.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!