Sâu răng Khi mang thai: Có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi?
Sâu răng khi mang thai là bệnh lý phổ biến trong thai kỳ. Thường gặp nhất là trong các trường hợp mẹ bầu vệ sinh răng miệng kém, ăn uống không phù hợp. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu sâu răng sớm, cần chủ động thăm khám để có hướng điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Sâu răng là bệnh nha khoa có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh thường xảy ra do các hại khuẩn thường trú trong khoang miệng phát triển mạnh, trong đó phổ biến nhất là Streptococcus mutans. Theo đó, vi khuẩn sẽ tấn công vào men cứng, làm mòn men răng và tấn công vào ngà, thậm chí là tủy răng. Bệnh lý gây ra các biểu hiện đau nhức, ê buốt, khó chịu trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc phải các bệnh răng miệng nói chung và sâu răng nói riêng. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng các triệu chứng của bệnh lý lại gây ra nhiều phiền toái trong ăn uống, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ cũng như sự phát triển của thai nhi.
Biểu hiện nhận biết sâu răng khi mang thai
Các dấu hiệu bệnh sâu răng nói chung và sâu răng khi mang thai nói riêng khá đa dạng. Tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển, mức độ tổn thương đến cấu trúc của răng sẽ có các biểu hiện khác nhau. Mẹ bầu khi bị sâu răng có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện sau:
- Răng đau nhói, ê buốt tự phát hoặc trong quá trình ăn uống
- Các mô xung quanh răng bị sâu sưng đỏ
- Khi quan sát sẽ thấy các đốm màu nâu, đen trên răng. Trường hợp sâu nặng sẽ nhìn thấy lỗ hổng trên răng
- Răng nhạy cảm hơn khi dùng đồ ăn ngọt, chua, nóng, lạnh
- Một số trường hợp mẹ bầu bị sâu răng đi kèm với biểu hiện sốt nhẹ
Sâu răng khi mang thai do đâu?
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu thường nhạy cảm trước những tác động từ môi trường do sự thay đổi hormone. Do đó, đây là đối tượng dễ mắc phải các vấn đề về răng miệng, bao gồm sâu răng. Các chuyên gia Răng hàm mặt nhận thấy, bệnh sâu răng ở phụ nữ mang thai có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau như chế độ ăn uống, sinh hoạt, thay đổi nội tiết tố, thiếu hụt dưỡng chất hoặc mắc các bệnh lý nha khoa.
Dưới đây là một số nguyên nhân khởi phát bệnh lý:
- Thay đổi nội tiết tố: Tình trạng hormone nữ tăng cao trong thai kỳ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một số hại khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh và gây ra các vấn đề răng miệng như viêm nha chu, sâu răng, hôi miệng,…
- Thiếu hụt canxi: Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cần lượng lớn canxi để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi cũng như nhu cầu của sức khỏe, bao gồm xương khớp và răng. Tình trạng thiếu hụt canxi ở mẹ bầu có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Thói quen ăn uống: Thói quen ăn uống thay đổi đột ngột khi mang thai là nguyên nhân phổ biến gây sâu răng ở phụ nữ mang thai. Theo đó, mẹ bầu ăn quá nhiều đồ ăn chứa nhiều đường, tinh bột hoặc nhiều gia vị sẽ kích thích vi khuẩn gây hại trong khoang miệng phát triển, gây tổn hại đến mô cứng, men răng và hình thành các lỗ sâu.
- Vệ sinh răng miệng kém: Chải răng không đúng cách, không dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng sát khuẩn,… Là những nguyên nhân gây ra các bệnh về răng miệng nói chung và sâu răng khi mang thai nói riêng.
- Ốm nghén: Thông thường trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu thường mắc phải tình trạng ốm nghén. Theo đó, tình trạng nôn mửa sẽ khiến dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Axit trong dịch vị sẽ phá hủy men răng, tạo điều kiện cho hại khuẩn tấn công và gây sâu răng cũng như nhiều bệnh lý nha khoa khác.
Sâu răng khi mang thai có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi không?
Sâu răng khi mang thai là bệnh lý thường gặp ở mẹ bầu và có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị đúng cách. Thông thường, giai đoạn đầu bệnh lý gần như không gây ra các biểu hiện bất thường nên rất ít được phát hiện sớm. Đến khi được phát hiện, bệnh thường chuyển sang giai đoạn nặng và cần can thiệp các phương pháp nha khoa.
Sâu răng ở mẹ bầu không chỉ gây ra tình trạng đau nhức, khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt mà còn gây ra một số ảnh hưởng đến mẹ cũng như thai nhi nếu không được khác phục sớm. Cụ thể:
- Trẻ sinh non, nhẹ cân
- Trẻ sinh ra có nguy cơ sâu răng cao hơn bình thường
- U hạt khi mang thai
- Mẹ bầu tăng nguy cơ mắc các vấn đề răng miệng khác như viêm nha chu, viêm tuỷ răng, áp xe chân răng, thậm chí là mất răng
Cách chữa sâu răng cho mẹ bầu an toàn và hiệu quả
Có thể nhận thấy, sâu răng ở phụ nữ mang thai là bệnh lý phổ biến nhưng nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi. Thông qua chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị cũng như hướng dẫn phòng ngừa sâu răng tiến triển.
Dưới đây là một số phương pháp thường được chỉ định trong chữa sâu răng cho mẹ bầu:
1. Biện pháp cải thiện tại nhà
Các biện pháp cải thiện tại nhà không có khả năng điều trị sâu răng dứt điểm mà chỉ giúp cải thiện tình trạng đau nhức và một số biểu hiện đi kèm. Cách chữa này tận dụng các thảo dược tự nhiên nên có độ an toàn cao, phù hợp với mẹ bầu và hạn chế tối đa phát sinh tác dụng phụ.
Dưới đây là một số mẹo cải thiện tình trạng sâu răng ở mẹ bầu:
Lá trầu không:
- Chuẩn bị khoảng 5 – 7 lá trầu không, ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng rồi để ráo
- Đun sôi 500ml rồi cho thảo dược vào đun thêm 5 – 10 phút nữa rồi tắt bếp
- Đợi đến khi nước nguội thì cho vào chai, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh
- Sau khi chải răng xong thì dùng nước này súc miệng
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 – 3 lần để giảm tình trạng đau nhức, hôi miệng do sâu răng gây ra.
Gừng tươi:
- Chuẩn bị vài lát gừng tươi
- Sau khi chải răng sạch thì đắp lát gừng tươi lên răng bị sâu và nhai nhẹ để các tính chất trong dược liệu thẩm thấu vào răng bị sâu
- Mỗi ngày thực hiện từ 1 – 2 lần để đạt được kết quả tốt nhất
Súc miệng với nước muối ấm:
- Pha muối và nước ấm theo tỉ lệ nhất định
- Sau khi đánh răng thì dùng nước muối ấm để súc miệng khoảng 30 giây
- Mỗi ngày thực hiện 3 lần để làm giảm đau nhức răng và một số biểu hiện đi kèm do bệnh lý gây ra.
Lá lốt:
- Dùng cả thân, rễ, lá lốt ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng rồi để ráo
- Cho tất cả vào nồi cùng với lượng nước vừa đủ và đun sôi
- Dùng nước này súc miệng mỗi ngày để cải thiện tình trạng đau nhức răng, sưng mô nướu, hôi miệng do bệnh lý gây ra.
2. Ứng dụng florua tại chỗ
Florua được biết đến là khoáng chất có trong răng và xương. Khoáng chất này được chứng minh có tác dụng phòng ngừa sâu răng, đồng thời làm giảm số lượng lỗ sâu li ti. Đối với trường hợp mẹ bầu sâu răng ở mức độ nhẹ, sử dụng vecni florua giúp hỗ trợ quá trình tái khoáng men răng, đồng thời ngăn ngừa lỗ sâu tiến triển.
3. Sử dụng thuốc điều trị
Trường hợp sâu răng đi kèm biểu hiện đau nhức, sưng mô nướu và có dấu hiệu nhiễm trùng. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau, gây tê tại chỗ hoặc thuốc kháng sinh để kiểm soát tiến triển bệnh lý.
Một số loại thuốc thường được dùng trong điều trị sâu răng ở mẹ bầu:
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen, Meperidine, Morphine
- Thuốc gây tê tại chỗ: Prilocaine, Lidocain, Etidocaine, Prednisolone
- Kháng sinh: Metronidazole, Amoxicillin, Penicillin, Erythromycin, Clindamycin, Cephalosporin
Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bởi việc tự ý sử dụng thuốc trong thời gian mang thai có thể gây ra nhiều rủi ro, tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mẹ cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi.
4. Hàn trám răng
Các kỹ thuật nha khoa xâm lấn thường không áp dụng trong thời gian mang thai vì có thể tác động đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp trám răng sâu để khắc phục tình trạng đau nhức cùng các biểu hiện đi kèm. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn ngăn ngừa lỗ sâu tiến triển đến tủy răng.
Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch lỗ sâu rồi dùng vật liệu nhân tạo để trám lại răng bị sâu. Kỹ thuật trám răng bằng hỗn hợp bạc có chứa thuỷ ngân không được chỉ định cho phụ nữ mang thai.
5. Điều trị tuỷ răng
Phương pháp điều trị tủy răng không chống chỉ định trong thai kỳ. Theo đó, phương pháp này được thực hiện trong trường hợp sâu răng tiến triển ở mức độ nặng, lan rộng đến tủy và gây đau nhức dữ dội. Tuy nhiên, nếu không phải là trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đợi đến khi sinh xong.
6. Nhổ răng
Nhổ răng là phương pháp điều trị sau cùng khi các biện pháp trên không đáp ứng. Tương tự như điều trị tủy răng, nhổ bỏ răng có thể được chỉ định trong trường hợp khẩn cấp. Bởi việc thực hiện phương pháp này trong thời gian mang thai có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý.
Các phương pháp điều trị nha khoa thích hợp nhất từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi. Vì lúc này thai nhi đã dần ổn định. Tuy nhiên, chăm sóc nha khoa khẩn cấp có thể được thực hiện vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Để đảm bảo an toàn cũng như đạt được kết quả chữa trị tốt nhất, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Phòng ngừa sâu răng khi mang thai
Sâu răng khi mang thai là một trong những bệnh lý nha khoa phổ biến, có thể khởi phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và được kiểm soát tốt nếu được thăm khám và điều trị sớm.
Song song với các biện pháp y tế, mẹ bầu có thể phòng ngừa sâu răng tiến triển thông qua một số cách sau:
- Duy trì thói quen chải răng 2 lần mỗi ngày là một trong những cách giúp phòng ngừa sâu răng và các bệnh về răng miệng hiệu quả
- Sau bữa ăn, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa trong kẽ răng để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển mạnh.
- Mẹ bầu nên súc miệng với nước muối ấm hoặc nước súc miệng chuyên dụng để tăng tác dụng làm sạch cũng như ngăn ngừa sâu răng tiến triển.
- Nếu có thể, bạn nên thăm khám sức khỏe răng miệng trước khi lên kế hoạch mang thai. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, điều trị cần thiết trước khi sinh con.
- Có thể dùng kem đánh răng có chứa fluor để hỗ trợ quá trình tái khoáng men răng, bù lấp những lỗ sâu li ti do sâu răng gây ra.
- Hạn chế các thức uống, món ăn chứa nhiều đường và tinh bột. Thay vào đó, mẹ bầu nên ưu tiên các loại trái cây tươi có vị ngọt tự nhiên.
- Tập thói quen súc miệng bằng nước sạch sau khi ăn vặt để ngăn ngừa sâu răng cũng như các vấn đề răng miệng khác.
- Mỗi ngày uống từ 2 – 2.5 lít nước để ngăn ngừa tình trạng khô miệng. Bởi khô miệng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng ở phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, có thể sử dụng kẹo cao su không đường để kích thích hoạt động tiết nước bọt.
- Trong trường hợp cần thiết, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ sử dụng viên uống canxi để củng cố độ chắc khoẻ của răng cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ để hỗ trợ làm sạch khoang miệng, cải thiện chức năng tiêu hoá, đồng thời làm giảm tình trạng trào ngược axit.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 3 tháng/ lần để sớm phát hiện và khắc phục các vấn đề nha khoa ở mẹ bầu.
Sâu răng khi mang thai có thể được kiểm soát tốt nếu được thăm khám và điều trị sớm. Trường hợp chủ quan có thể gây ra các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Do đó, cần chủ động đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!