Da bé bị khô và sần có phải do viêm da cơ địa?
Da bé bị khô và sần là dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên triệu chứng này còn có thể khởi phát do một số yếu tố khác như da thiếu độ ẩm, thời tiết thay đổi, mắc bệnh vảy nến, á sừng hoặc viêm da tiết bã.
Da bé bị khô và sần – Dấu hiệu của viêm da cơ địa?
Tình trạng da khô và sần ở trẻ nhỏ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó viêm da cơ địa được cho là một trong những vấn đề da liễu có mối liên hệ mật thiết với triệu chứng này.
Viêm da cơ địa là tổn thương da mãn tính có triệu chứng đặc trưng là da đỏ, khô, bong vảy, sần sùi và ngứa ngáy. Bệnh lý này có xu hướng khởi phát trong những năm đầu đời và thường thuyên giảm dần khi trưởng thành.
Viêm da cơ địa không có tính lây nhiễm. Tuy nhiên bệnh có xu hướng di truyền ở những người thân cận huyết và thường bùng phát khi có các yếu tố kích thích (căng thẳng, nhiễm trùng, suy nhược, dị ứng, sinh sống trong môi trường ô nhiễm,…).
Tổn thương thực thể do viêm da cơ địa có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Vì vậy nếu nhận thấy trẻ bị khô da, sần sùi, đỏ,… kèm theo hiện tượng ngứa ngáy dữ dội, bạn nên chủ động đưa con trẻ đến gặp bác sĩ da liễu để thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Các nguyên nhân khác khiến da trẻ sần sùi và khô ráp
Ngoài nguyên nhân do viêm da cơ địa, tình trạng da bé bị khô và sần cũng có thể khởi phát do một số yếu tố khác, như:
1. Da thiếu độ ẩm
Da của trẻ nhỏ thường có cấu trúc mỏng và nhạy cảm hơn da người lớn. Làn da của trẻ thường không giữ được độ ẩm trong da quá lâu và thường có xu hướng mất nước khi có yếu tố tác động.
Do đó tình trạng da khô sần ở trẻ có thể do làn da mất độ ẩm vào thời tiết khô hanh hoặc không cung cấp đủ nước cho cơ thể.
2. Bệnh vảy nến
Vảy nến là bệnh da liễu có liên quan đến rối loạn miễn dịch, thường gặp ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. Bệnh đặc trưng bởi tổn thương da dạng mảng hoặc đốm, trên bề mặt thường có vảy trắng, ít gây ngứa nhưng có thể khiến da khô ráp, sần sùi,…
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh vảy nến đều ở thể lành tính (thể mảng, thể giọt, thể đồng tiền,…). Tuy nhiên nếu không tiến hành khắc phục, triệu chứng của bệnh có thể bùng phát mạnh và lan ra phạm vi da rộng.
3. Bệnh á sừng
Bệnh á sừng có thể gây khô và nứt nẻ da ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng của bệnh thường xảy ra ở gót chân, lòng bàn chân và bàn tay.
Bệnh lý này có tiến triển dai dẳng và bùng phát mạnh vào mùa đông. Nếu không điều trị cho trẻ, tổn thương da có thể xuất hiện các vết nứt, gây chảy máu và đau đớn.
4. Bệnh vảy cá
Bệnh vảy cá thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh có đặc tính dai dẳng và kéo dài trong suốt cuộc đời. Vảy cá đặc trưng bởi tình trạng da khô, sần sùi, bong vảy nhẹ, bề mặt da thô ráp, lớp thượng bì xuất hiện các vết nứt có hình dạng như vảy cá.
5. Viêm da tiết bã nhờn
Viêm da tiết bã nhờn là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể khiến da xuất hiện các mảng đỏ, nhiều dầu đi kèm với tình trạng bong vảy và ngứa ngáy.
Triệu chứng của viêm da tiết bã nhờn thường xảy ra ở vùng đầu, trán, mũi, má,… Bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có thể gây ngứa dữ dội và khiến trẻ khó chịu, thường xuyên quấy khóc,…
Da bé bị khô và sần – Mẹ phải làm sao?
Tình trạng da khô ráp và sần sùi có thể khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, ngứa ngáy, chán ăn, mất ngủ,… Do đó khi thấy con trẻ có triệu chứng này, bạn nên thực hiện các biện pháp khắc phục sau:
- Bổ sung nước cho trẻ dựa trên cân nặng nhằm duy trì độ ẩm cho da và tránh tình trạng mất nước.
- Sau khi tắm cho, cần lau khô cơ thể trẻ và sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ hoặc tinh dầu tự nhiên (dầu oliu, dầu argan, dầu dừa,…) để giảm tình trạng bay hơi nước khiến da khô ráp, bong tróc,…
- Nên sử dụng sản phẩm sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ nhỏ. Dùng sữa tắm có độ pH cao có thể khiến da trẻ bị kích ứng, sần sùi và thô ráp.
- Ngâm bàn chân và bàn tay của trẻ trong nước yến mạch ấm có thể giảm ngứa và loại bỏ vảy da chết.
- Cho trẻ mặc quần áo ấm khi thời tiết chuyển lạnh. Đồng thời cần sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà khi thời tiết khô hanh.
- Không cho trẻ vui chơi và hoạt động trong thời gian cường độ ánh nắng cao (10:00 – 16:00).
- Duy trì sức đề kháng cho da của trẻ bằng cách xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin, acid béo,…
Khi nào đưa trẻ đến bệnh viện?
Da bé bị khô và sần có thể bắt nguồn từ các bệnh tiềm ẩn như viêm da cơ địa, vảy cá, vảy nến, viêm da tiết bã nhờn,… Vì vậy nếu nhận thấy triệu chứng trên da không có cải thiện sau khi áp dụng các mẹo chữa tại nhà, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.
Bên cạnh đó bạn cũng cần chủ động cho trẻ gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
- Vùng da khô ráp, sần sùi xảy ra trên diện rộng
- Trẻ ngứa ngáy dữ dội
- Da nứt nẻ và bị chảy máu
- Xuất hiện các nốt mụn mủ, sưng nóng
- Trẻ sốt cao và ớn lạnh
Da bé bị khô và sần thường xảy ra do cơ thể thiếu nước hoặc do thời tiết thay đổi. Tuy nhiên nếu nghi ngờ triệu chứng này là dấu hiệu của các bệnh da liễu mãn tính, bạn nên đưa con trẻ đến bệnh viện để thăm khám và tiến hành các can thiệp y tế.
KHÔNG NÊN BỎ QUA:
- 10 kem dưỡng ẩm cho bé bị viêm da cơ địa lành tính, tốt nhất
- Dấu hiệu viêm da cơ địa ở mặt và cách xử lý hiệu quả
Bình luận (1)
E chào bs.con e 7 tuổi da cháu lúc nào cũng khô. Nhất là mùa đông. Da khô sần sùi và bong tróc toàn thân. Thỉnh thoảng có ngựa.Cháu bị như vậy từ khi 3tuổi. E cho cháu đi khám da liễu nhưng bs bảo do cơ địa.ko chữa đc. Cháu nhà e ít uống nước. Ép mãi uống đc vài miếng. Sk cháu cũng yếu. Hay ho khó thở nữa. Cháu lúc nào cũng mệt mỏi ko tỉnh táo tập trung vào việc học hay những việc khác. Mong bs giúp e cho e lời khuyên ạ. E cảm ơn bs nhiều