Con Sâu Răng Là Gì? Hình Dạng Thế Nào? Có Thật Không?
“Con sâu răng là gì? Hình dạng thế nào?” là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi hiện nay trên mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh, cách bắt con sâu răng. Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, con sâu răng không tồn tại. Nguyên nhân chính gây sâu răng là sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.
Con sâu răng là gì? Có thật không?
Sâu răng là một trong những vấn đề răng miệng có thể gặp ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Có một số quan điểm cho rằng, bệnh sâu răng xảy ra là do con sâu răng tấn công, đục khoét lỗ sâu trên răng và gây đau nhức, ê buốt, khó chịu. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh sâu răng là do vi khuẩn.
Vi khuẩn Streptococcus mutans là nguyên nhân chính gây ra bệnh sâu răng. Loại vi khuẩn này sinh sống sẵn trong khoang miệng với ở mức độ cân bằng. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn sẽ phát triển quá mức, tấn công vào men răng, gây tổn thương và hình thành các lỗ sâu có màu nâu, đen.
Theo cấu tạo, vi khuẩn Streptococcus mutans có hình dáng như chuỗi hạt. Chúng sẽ sản xuất ra men chuyển hóa đường sucrose thành glucan (đặc tính không tan, độ bám dính cao) nên có khả năng bám chặt lên răng. Khi gặp mảng bám, chúng sẽ phát triển mạnh và tạo thành vôi răng.
Vi khuẩn sẽ tiết ra axit làm tăng quá trình hủy khoáng và dẫn đến hình thành các lỗ sâu li ti trên bề mặt răng. Thực tế, quá trình hủy khoáng và tái khoáng xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, sâu răng xảy ra khi hủy khoáng nhanh hơn so với quá trình tái khoáng.
Từ đó, có thể kết luận không có con sâu răng như nhiều lời đồn trên mạng xã hội hiện nay. Các chuyên gia cũng đã chứng minh, bệnh xảy ra do vi khuẩn gây hại trong khoang miệng, điển hình là Streptococcus mutans. Do đó, nếu mắc phải bệnh lý này, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Có bắt được con sâu răng không?
Trên mạng xã hội lưu truyền nhiều cách bắt con sâu răng được nhiều người tin tưởng như dùng nước tía tô hoặc hạt “bí kíp gia truyền”. Những cách chữa này mặc dù không được kiểm chứng trên phương diện khoa học về độ an toàn cũng như hiệu quả nhưng được nhiều người tin dùng.
Dùng nước lá tía tô
Cách bắt con sâu răng bằng lá tía tô được thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 ít lá tía tô, sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo
- Giã nát dược liệu rồi vắt lấy nước cốt
- Dùng nước lá tía tô nhỏ vào mắt liên tục đến khi thấy sâu răng thì ngưng
Theo kinh nghiệm dân gian, nước lá tía tô có thể khắc chế được con sâu răng, sau khi nhỏ vào mắt thì chúng sẽ chui ra ngoài bằng đường mắt. Nhiều người thấy con sâu răng có màu trắng, thân nhỏ vài tầm vài mm.
Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học nhận thấy, thành phần Fibrin trong lá tía tô khi tiếp xúc trực tiếp với mắt có thể gây kích ứng, phát sinh phản ứng viêm. Lúc này, mắt có xu hướng tiết ra nhiều sợi có màu trắng, mảnh nên nhiều người nhầm tưởng đây là sâu răng. Việc lạm dụng nước lá tía tô nhỏ mắt còn có thể gây mù lòa.
Bắt con sâu răng bằng hạt tiêu
Bên cạnh nhỏ mắt bằng nước tía tô, nhiều người còn truyền tai nhau cách bắt con sâu răng bằng hạt tiêu. Cách này được thực hiện như sau:
- Đun nóng 1 viên gạch rồi đặt hạt tiêu lên
- Sau đó dùng một chiếc phễu sạch úp lên viên gạch rồi đưa vào miệng sao cho hơi hạt tiêu xông thẳng vào khoang miệng.
- Sau khoảng 10 phút sẽ xuất hiện con sâu răng
Thực chất những con sâu răng này không có thật, chúng chỉ được dựng lên để lừa gạt người bệnh. Việc bắt con sâu răng bằng hạt tiêu gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ hô hấp và chắc chắn không thể điều trị dứt điểm bệnh sâu răng.
Các chuyên gia Răng hàm mặt khẳng định, các cách bắt con sâu răng được lan truyền trên mạng xã hội không thể kiểm soát sâu răng. Bởi đây là những chiêu trò lừa gạt để chuộc lợi. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bệnh sâu răng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị con sâu răng hiệu quả
Thực chất không có con sâu răng, thuật ngữ này thường được dùng để chỉ Streptococcus mutans – vi khuẩn gây ra bệnh sâu răng. Hiện nay, nhiều người vì lợi nhuận mà lừa gạt người dân về các cách bắt con sâu răng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn không thể điều trị dứt điểm bệnh sâu răng.
Sâu răng là vấn đề răng miệng có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau. Bệnh được chia thành nhiều giai đoạn với mức độ tổn thương và biểu hiện lâm sàng khác nhau. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Dưới đây là các phương pháp thường được chỉ định trong điều trị sâu răng:
1. Tận dụng các thảo dược tự nhiên
Trường hợp xuất hiện các biểu hiện sâu răng nhẹ, người bệnh có thể tận dụng các thảo dược tự nhiên để giúp giảm đau nhức, hỗ trợ tái khoáng men răng, bù lấp lỗ sâu li ti và làm giảm mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
Các thảo dược tự nhiên mặc dù có độ an toàn cao nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ. Theo đó, bạn cần sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Dùng lá ổi:
- Chuẩn bị khoảng 5 – 7 lá ổi non
- Sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo
- Dùng lá ổi nhai trực tiếp rồi dùng lưỡi đẩy đến răng bị sâu
- Giữ khoảng 10 phút rồi súc miệng lại với nước sạch
- Thực hiện đều đặn trong vòng 1 tuần để giúp cải thiện các triệu chứng do sâu răng gây ra
Lá trầu không:
- Chuẩn bị khoảng 50g lá trầu không, sau khi rửa sạch thì để ráo
- Dược liệu sau khi giã nát thì ngâm với rượu trắng
- Trước khi dùng, mang hỗn hợp đun cách thủy trong vòng 30 phút
- Đến khi nguội thì dùng nước súc miệng hoặc sử dụng tăm bông thấm vào chỗ răng sâu
Chữa sâu răng với hoa cúc vàng:
- Dùng 5 hoa cúc vàng, sau khi ngắt cánh hoa thì rửa sạch rồi để ráo nước
- Đun một ít nước sôi rồi cho hoa cúc vào đun thêm vài phút nữa rồi tắt bếp
- Sau khi đánh răng thì dùng nước này để súc miệng
- Áp dụng đều đặn mỗi ngày 2 – 3 lần để đạt được kết quả tốt nhất
2. Trám răng
Trám răng thường được chỉ định trong điều trị sâu răng, nhất là trường hợp sâu ở mức độ vừa, lúc này răng đã xuất hiện các lỗ sâu có màu nâu, đen, người bệnh có cảm giác đau nhức, ê buốt trong quá trình vệ sinh răng miệng, ăn uống. Kỹ thuật trám răng giúp ngăn ngừa sâu răng tiến triển, phục hồi các lỗ sâu ở men và ngà răng.
Hiện nay, có nhiều vật liệu thường được dùng trong hàn trám răng như trám inlay – onlay, amalgam, sealant, composite,… Tùy vào mong muốn và tình trạng sâu răng, bác sĩ sẽ lựa chọn vật liệu phù hợp để trám răng.
Sau khi lựa chọn vật liệu trám, bác sĩ sẽ làm sạch lỗ sâu, vệ sinh sạch rồi đặt vật liệu vào chỗ cần trám, kế đến chiếu tia sáng để làm đông lại. Lúc này, miếng trám che lấp lỗ sâu, giúp bảo vệ bề mặt răng và phòng ngừa sâu răng tiến triển. Bạn dễ dàng hơn trong việc vệ sinh răng miệng, ăn uống mà không lo đau nhức, ê buốt.
Miếng trám răng không tồn tại vĩnh viễn, theo đó sau vài năm bạn nên thay miếng dán một lần hoặc ngay khi nhận thấy miếng trám răng bị bong tróc. Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt, sâu răng có thể tiến triển đến tủy và gây tổn thương, viêm tủy răng.
3. Lấy tủy răng
Cấu tạo răng gồm 3 phần là men răng, ngà răng và tủy răng nằm trong cùng. Sâu răng xảy ra ở lớp men răng. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển nặng nề và dẫn đến sâu ngà và tủy răng. Khi sâu răng ảnh hưởng đến tủy, lúc này người bệnh cần loại bỏ tủy bị viêm để tránh các biến chứng nặng nề.
Phần tủy bị tổn thương, viêm do sâu răng gây ra sau khi được loại bỏ, bác sĩ sẽ trám bít khoang tủy rồi bọc răng sức nhằm bảo vệ răng bị sâu, đảm bảo chức năng sinh lý và thẩm mỹ của răng. Bên cạnh đó, trường hợp loại bỏ tủy hoàn toàn, tủy răng không có khả năng phục hồi. Việc bọc sứ còn có tác dụng bảo vệ răng răng thật, tránh tình trạng răng vỡ, gãy rụng do không được tủy nuôi dưỡng.
Các biện pháp phòng ngừa con sâu răng phát triển
Sâu răng thường là hệ quả của việc vệ sinh răng miệng không đúng cách, từ đó hình thành các mảng bám, vi khuẩn phát triển mạnh tấn công vào men răng và làm tăng quá trình hủy khoáng. Sự mất cân bằng của quá trình hủy khoáng và tái khoáng sẽ làm tăng nguy cơ bị sâu răng.
Việc phòng ngừa sâu răng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Do đó, bạn cần chủ động thực hiện một số phương pháp phòng ngừa sau:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách thông qua việc chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng sát khuẩn. Những biện pháp này giúp làm sạch răng miệng, hạn chế mảng bám, vôi răng và sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng và lấy vôi răng từ 2 lần/ năm để phòng ngừa sâu răng và các vấn đề nha khoa khác. Việc thăm khám nha khoa còn giúp sớm phát hiện vấn đề răng miệng bất thường và can thiệp điều trị kịp thời.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng, đồng thời hạn chế sự phát triển quá mức của những tác nhân gây sâu răng. Theo đó, bạn nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, vitamin B, C, magie,…
- Để phòng ngừa con sâu răng, bạn cần hạn chế đường và tinh bột, các thức uống chứa cồn, có gas,… Người có thói quen hút thuốc lá nên lên kế hoạch để từ bỏ thói quen này.
- Tập thói quen súc miệng với nước sạch và nhai kẹo cao su sau khi ăn đồ ngọt, nhiều tinh bột để làm sạch khoang miệng, hạn chế mảng bám.
Từ những thông tin trên, có thể nhận thấy con sâu răng không tồn tại. Nguyên nhân chính gây ra bệnh sâu răng là do vi khuẩn Streptococcus mutans. Bệnh lý cần được thăm khám và điều trị đúng cách. Do đó, bạn cần đến gặp nha sĩ ngay khi nhận thấy các biểu hiện của sâu răng. Tránh tin tưởng, thực hiện các cách bắt con sâu răng được lan truyền trên mạng xã hội.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!