Nhiệt Miệng và Tay Chân Miệng: Cách Phân Biệt và Chữa Trị
Nhiệt miệng và tay chân miệng là các bệnh lý thường gặp, rất dễ bị nhầm lẫn ở trẻ em. Nhiệt miệng là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Trong khi đó, tay chân miệng thể nhẹ có thể tự khỏi nhưng nếu nghiêm trọng, không được sớm thăm khám và điều trị sẽ rất nguy hiểm. Để tránh nhầm lẫn giữa hai bệnh này, bạn có thể tham khảo cách phân biệt nhiệt miệng và tay chân miệng dưới đây.
Phân biệt nhiệt miệng và tay chân miệng
Nhiệt miệng và tay chân miệng là hai bệnh tương đối dễ nhầm lẫn do đều gây ra các tổn thương dạng phỏng nước sau vỡ ra thành các vết loét đỏ trong miệng. Hai căn bệnh này đều rất thường gặp ở trẻ em, để có phương pháp xử lý, chăm sóc trẻ phù hợp các bậc phụ huynh nên nắm được cách phân biệt được nhiệt miệng và tay chân miệng. Nhìn chung, hai bệnh này dễ bị nhầm lẫn với nhau nhưng cũng không khó để phân biệt.
Bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Về nguyên nhân gây bệnh
Trước hết, nhiệt miệng và tay chân miệng có thể giống nhau ở một vài triệu chứng nhưng 2 căn bệnh này hoàn toàn khác nhau, không phải là một. Xét về nguyên nhân gây bệnh thì:
Bệnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng là một trong những bệnh lý lành tính đặc biệt phổ biến, có khoảng 20% dân số thường xuyên gặp phải vấn đề này. Đến nay, khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân cụ thể gây bệnh nhiệt miệng. Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, nhiệt miệng có liên quan đến các yếu tố như thay đổi nội tiết tố, suy giảm miễn dịch, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, do sinh vật gây nhiễm trùng tác động. Ngoài ra, nhiệt miệng cũng có thể xuất hiện do tự cắn trúng niêm mạch hoặc do chấn thương tổn thương trong quá trình thực hiện thủ thuật – phẫu thuật nha khoa.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng rất phổ biến ở trẻ em, có nguy cơ lây lan cao, dễ bùng phát thành dịch. Căn bệnh này do chủng virus thuộc họ virus đường ruột Enterovirus gây ra, trong đó phổ biến nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Nhóm virus này có sức sống bền bỉ, khả năng tồn tại tốt trong môi trường nhiệt độ cao, nguy hiểm hơn, virus này có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài lên đến 3 tuần, trên các bề mặt như vật dụng ăn uống, bàn, ghế, giường, đồ chơi…
Nếu mắc tay chân miệng do các chủng virus khác thì không quá nghiêm trọng, sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu nhiễm EV71 mà không được thăm khám điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như viêm màng não, tổn thương cơ tim thậm chí có thể gây tử vong.
Về dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu nhận biết chính là yếu tố quan trọng giúp ta có thể dễ dàng phân biệt nhiệt miệng và tay chân miệng. Cụ thể:
Nhiệt miệng
Các triệu chứng của bệnh nhiệt miệng có thể dễ bị nhầm lẫn với tay chân miệng nhưng cũng rất đặc trưng. Thường là:
- Ban đầu, vùng niêm mạc miệng, lưỡi có cảm giác nóng hoặc ngứa ran
- Vài ngày sau, ở vị trí bị nóng, ngứa ấy xuất hiện các đốm đỏ hoặc vết sưng có hình bầu dục, kích thước 1 – 2mm
- Sau vài ngày, nốt nhiệt miệng này to dần, có thể lên đến 10mm, hơi mọng nước giống vết phỏng nước
- Sau đó, vết loét sẽ vỡ ra gây đau xót, khó chịu trong miệng, nhất là khi sử dụng các thực phẩm cay nóng hoặc đồ mặn.
Vết loét nhiệt miệng nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ có thể gây ra tình trạng sưng tấy, đau buốt, viêm cấp. Đôi khi một số trường hợp người bị nhiệt miệng gặp phải các vấn đề như đau đầu, mất ngủ, sốt cao, nổi hạch góc hàm, rối loạn tiêu hóa…
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng cần sớm được nhận biết để có biện pháp xử lý, điều trị kịp thời. Nhất là khi trẻ mắc loại virus EV71 nhằm ngăn ngừa các biến chứng về tim mạch, về não và nguy cơ tử vong cho trẻ. Các dấu hiệu nhận biết tay chân miệng có thể kể đến như:
- Sau khi nuốt phải virus gây bệnh tay chân miệng, thời gian ủ bệnh thường từ 3 – 7 ngày mới xuất hiện triệu chứng
- Bệnh bắt đầu với các biểu hiện đặc trưng là có các ban dạng phỏng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Các vết phỏng này tồn tại dưới 7 ngày, sau đó để lại vết thâm, hiếm khi tiến triển thành vết loét hay bội nhiễm
- Loét miệng giống nhiệt miệng là biểu hiện đặc trưng, thường gặp của căn bệnh này. Vị trí các vết loét thường ở niêm mạc má, môi, vùng hầu họng (gần lưỡi gà) hoặc ở lưỡi
- Số lượng vết loét trong miệng có thể là 1 hoặc vài vết loét, kích thước 2mm – 3mm khiến trẻ bị đau rát, khó chịu, tăng tiết nước bọt, không muốn ăn, gặp khó khăn trong ăn uống.
- Đặc biệt, khi mắc tay chân miệng, trẻ thường bị sốt nhẹ ở nhiệt độ từ 37.5 độ C – 38 độ. Với những trẻ sốt cao từ trên 39 độ C liên tục khoảng 2 ngày thì cần nhanh chóng cho con nhập viện để theo dõi và điều trị.
- Ngoài ra, trẻ còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như tiêu chảy, rối loạn tri giác, mê sảng, mông bị rộp da hoặc xuất hiện các nốt mụn lở…
Như vậy, giữa nhiệt miệng và tay chân miệng giống nhau ở chỗ xuất hiện các vết ban dạng phỏng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, sau vài ngày sẽ vỡ ra tạo thành vết loét khiến người bệnh bị đau rát, khó chịu, ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên, khác với nhiệt miệng, ngoài ban dạng phỏng nước ở miệng, trẻ còn bị ở bàn tay, bàn chân, gối mông kèm theo sốt nhẹ ở 37.5 – 38 độ C. Số lượng vết loét ở miệng thường là 1 hoặc vài vết loét, kích thước 2 – 3mm. Trong khi đó, ban đầu vết loét nhiệt miệng có kích thích nhỏ sau lớn dần lên có thể lên đến 10mm, vết loét có hình lòng chảo, bờ màu đỏ, lòng màu trắng.
Về cách điều trị
Việc phân biệt nhiệt miệng và tay chân miệng rất quan trọng, cần thiết để có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời, đúng cách trong từng trường hợp. Do cách điều trị nhiệt miệng và tay chân miệng hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể tham khảo cách điều trị cụ thể của từng bệnh như sau:
Bệnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau khi vết loét xuất hiện từ 10 – 12 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu chăm sóc không đúng cách vết loét có thể gây đau rát nhiều và lâu khỏi hơn. Thường thì nhiệt miệng sẽ được chữa bằng cách:
- Chăm sóc vệ sinh răng miệng nhằm hạn chế nhiễm trùng vết loét, với trường hợp nhẹ, có thể giúp vết loét nhanh lành bằng cách súc miệng với nước muối pha loãng, ngậm hoặc thoa mật ong hoặc áp dụng các phương pháp dân gian như thoa, ngậm chiết xuất tự nhiên từ cam thảo, nha đam, hoa cúc… Trong đó, việc sử dụng tinh chất từ hoa cúc trắng được đánh giá cao trong hiệu quả kháng viêm, thúc đẩy làm lành vết loét nhiệt miệng.
- Bên cạnh đó, nếu không muốn áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn có thể sử dụng các loại gel bôi trị nhiệt miệng như Fluocinonide, hydrogen peroxide, benzocaine; thuốc trị nhiệt miệng đường uống như kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng; nước súc miệng kháng viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn như capocaine, dexamethasone…
- Đối với trường hợp mắc nhiệt miệng kéo dài không khỏi hoặc tái đi tái lại nhiều lần và kèm theo các triệu chứng khác như người mệt mỏi, chán ăn, sút cân, gầy yếu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng nặng như mạch nhanh, sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn… thì nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đến nay vẫn chưa có vacxin phòng ngừa và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị căn bệnh này chủ yếu là điều trị triệu chứng. Ban đầu, khi mắc căn bệnh này, trẻ sẽ có một số triệu chứng như biếng ăn, người mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau đó, bệnh sẽ toàn phát với các triệu chứng điển hình như loét miệng, phát ban ở dạng phỏng nước, sốt nhẹ, nôn…
Trường hợp trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên trong 2 ngày, mẹ nên nhanh chóng đưa con thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Ngoài ra, cũng nên đưa con đến bệnh viện ngay khi có một trong các dấu hiệu nặng như:
- Giật mình, hốt hoảng, chới với
- Sốt cao, thở hụt, thở nhanh, rút lõm ngực, thở rít thanh quản, nhịp thở bất thường, quấy khóc liên tục
- Rung tay, chân hoặc co giật
- Khó ngủ hoặc ngủ li bì, ngủ gà
- Đi loạng choạng, ngồi không vững
- Nôn ói nhiều, vã mồ hôi, yếu tay chân, bỏ ăn, bỏ bú, người xanh tái, da nổi bông…
Đối với các triệu chứng nhẹ thì có thể theo dõi, đưa trẻ thăm khám rồi chăm sóc tại nhà bằng cách:
- Bù đủ nước và điện giải cho trẻ bằng cách cho uống dung dịch điện giải oresol, hydrite
- Hạt sốt khi con sốt cao từ 38.5 độ C trở lên với thuốc hạ sốt, liều lượng phù hợp cho từng độ tuổi
- Lau sạch miệng trước và sau khi ăn với dung dịch glycerin borat hoặc dùng các loại rơ miệng có tác dụng giảm đau, sát khuẩn nhằm giúp con cải thiện đau rát, khó chịu và dễ ăn uống hơn.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất, chế biến ở dạng lỏng, dễ nuốt để nhằm nâng cao thể trạng, đảm bảo dinh dưỡng cho bé
- Vệ sinh răng miệng, cho con nghỉ ngơi, tái khám mỗi 1 – 2 ngày trong 5 – 10 ngày đầu mắc bệnh.
Về biện pháp phòng ngừa
Nhiệt miệng là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 10 – 12 ngày khi vết loét xuất hiện. Bệnh này hoàn toàn không lây lan, không gây ra biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, tay chân miệng là bệnh lý có mức độ lây lan nhanh, chưa có vaccine hay thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng ngừa riêng với từng bệnh như sau:
Nhiệt miệng
Đối với bệnh nhiệt miệng, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh tái phát bằng cách:
- Chăm sóc răng miệng thường xuyên, đúng cách, chọn sản phẩm chăm sóc răng miệng phù hợp, tránh các loại nước súc miệng, kem đánh răng có chứa Sodium Lauryl Sulfate
- Chải răng thường xuyên, khoảng 2 – 3 lần/ngày, dùng bải chải lông mềm, kích thước phù hợp, không chải răng với lực quá mạnh để tránh làm tổn thương niêm mạc gây nhiệt miệng
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, sắt, kẽm, đạm, các loại vitamin để nâng cao sức khỏe, thúc đẩy làm lành và ngăn ngừa vết loét nhiệt miệng tái phát
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị, các món ăn khô, khó nhai, rượu bia, nước ngọt có gas, chất kích thích
- Học cách thư giãn, tránh căng thẳng, mệt mỏi, uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, tương đương với 1.5 – 2 lít nước.
- Bên cạnh đó, bạn cũng nên lấy vôi răng định kỳ 6 tháng/lần và thăm khám nha khoa thường xuyên để kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng.
Tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh có nguy cơ lây lan cao, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây trực tiếp thông qua việc tiếp xúc với dịch của các bọng nước của người bệnh, dịch tiết mũi họng, phân… Hơn nữa, bệnh cũng có nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, vì vậy, chúng ta nên chủ động phòng chống bằng cách:
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng đối với cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là những người lớn trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc trẻ
- Nên vệ sinh cá nhân đúng cách, chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng, tắm rửa thường xuyên với dung dịch xà phòng, sữa tắm diệt khuẩn
- Xây dựng chế độ, thói quen ăn uống phù hợp, nên ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch để sinh hoạt. Hạn chế mớn thức ăn cho trẻ, không cho con mút tay, ngậm mút đồ ăn, bốc tay. Không cho con dùng chung bát đĩa, thìa, đồ chơi, khăn ăn, khăn tay khi chưa được khử trùng
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, lau sạch bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như sàn nhà, mặt bàn, đồ chơi, tay nắm cửa, ghế… bằng chất tẩy rửa hoặc xà phòng
- Không cho con tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh
- Trường hợp trẻ xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng kèm theo sốt thì cần nhanh chóng đưa con thăm khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Vì sao cần phân biệt nhiệt miệng và tay chân miệng?
Nhiệt miệng với tay chân miệng đều có xuất hiện các vết dạng phỏng nước ở khoang miệng rồi vỡ ra tạo thành vết loét. Thông thường, khi bị nhiệt miệng, người bệnh thường chỉ bị 1 vết loét duy nhất, trẻ cũng hay xuất hiện các triệu chứng như chảy nước miếng, đau miệng, sốt nhẹ. Trong khi đó, tay chân miệng ngoài vết loét ở miệng thì còn các các vết chấm loét xung quanh và có thêm các vết ở lòng bàn tay, bàn chân, mông…
Theo các bác sĩ, 90% các ca mắc tay chân miệng không quá nghiêm trọng, đều ở thể nhẹ, có thể được chăm sóc điều trị tại nhà và thường tự khỏi trong 7 – 10 ngày. Tay chân miệng là bệnh quanh năm, hay xuất hiện từ tháng 4 – tháng 6 và từ tháng 9 – tháng 12. Trẻ đã bị tay chân miệng có thể tái nhiễm nhiều lần, do hệ miễn dịch của trẻ tương đối yếu và không có khả năng chống lại loại virus này.
Tay chân miệng được chia là 4 cấp độ bệnh, trong đó, cấp độ 1 thì chỉ cần điều trị theo dõi tại nhà và tái khám thường. Nếu mắc tay chân miệng từ cấp độ 2 trở lên, trẻ cần được điều trị nội trú tại bệnh viện. Trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nghiêm trọng, nếu không sớm kịp thời và phát hiện sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Bị viêm màng não virus với các triệu chứng đặc trưng như sốt, đau lưng, đau đầu, cứng cổ
- Một số biến chứng khác như viêm não, tê liệt, bại liệt. Nghiêm trọng hơn, một số trẻ mắc tay chân miệng còn có nguy cơ tử vong cao, nhất là khi nhiễm virus EV71.
Chính vì vậy, ba mẹ không nên chủ quan khi con xuất hiện vết loét trên miệng. Nên kiểm tra, đối chiếu các triệu chứng để xác định con có mắc tay chân miệng hay không. Tay chân miệng cũng không quá nguy hiểm, nếu được can thiệp kịp thời, đúng lúc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm, đặc biệt là khi con mắc các chủng virus nguy hiểm sẽ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong vì căn bệnh này.
Trên đây là một số thông tin giúp các bậc phụ huynh phân biệt nhiệt miệng và tay chân miệng. Hai căn bệnh này có triệu chứng tương đối giống nhau nhưng nếu cẩn thận quan sát sẽ rất dễ nhận biết. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh nhiệt miệng và tay chân miệng.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!