Đau tinh hoàn và bụng dưới – Nguyên nhân, cách khắc phục
Bị đau tinh hoàn và bụng dưới có thể khởi phát do một số thói quen thiếu lành mạnh như quan hệ tình dục quá độ, căng thẳng, béo phì, chấn thương khi chơi thể thao… Ngoài ra, triệu chứng này cũng có thể dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn như viêm tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, sỏi thận, nhiễm trùng bàng quang.
Tại sao bị đau tinh hoàn và bụng dưới?
Tinh hoàn là cơ quan nằm bên trong bìu và phía dưới dương vật. Tinh hoàn có vai trò sản xuất tinh dịch, tinh trùng và hormone testosterone. Mặc dù chỉ có kích thước nhỏ nhưng cơ quan này đảm nhiệm vai trò quan trọng đối với sức khỏe, sinh lý và chức năng sinh sản ở nam giới.
Tuy nhiên bạn có thể bị đau tinh hoàn và bụng dưới do một số thói quen thiếu lành mạnh như quan hệ tình dục quá độ, căng thẳng, béo phì,…
Bên cạnh đó, triệu chứng này cũng có thể dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn như viêm tinh hoàn, nang mào tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh,… Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng đau nhức tinh hoàn và bụng dưới, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và can thiệp điều trị kịp thời.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra cơn đau ở bụng dưới và tinh hoàn ở nam giới, bao gồm:
1. Viêm bao quy đầu
Viêm bao quy đầu là hiện bao quy đầu ở dương vật bị viêm và sưng. Bệnh lý này có thể khởi phát do vệ sinh vùng kín kém, bao quy đầu bị dài hoặc hẹp, thủ dâm quá mức, quan hệ tình dục quá độ và không an toàn.
Dấu hiệu nhận biết viêm bao quy đầu là vùng bao quy đầu xuất hiện các mụn nước, nốt đỏ, sưng tấy và đau nhức. Hiện tượng sưng ở cơ quan này có thể gây đau tinh hoàn, bìu và bụng dưới.
Trong trường hợp không điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan sang niệu đạo, tuyến tiền liệt,… và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
2. Viêm tinh hoàn/ mào tinh hoàn
Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn là bệnh lý đặc trưng bởi cơn đau ở tinh hoàn, bìu và dương vật. Tuy nhiên trong trường hợp hiện tượng viêm nặng nề, bạn có thể bị đau bụng dưới và vùng bẹn.
Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn khởi phát chủ yếu do virus và vi khuẩn xâm nhập. Bệnh thường gặp ở người có đời sống tình dục phóng túng và vệ sinh vùng kín kém.
3. Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng tĩnh mạch ở tinh hoàn bị giãn một cách bất thường. Tình trạng giãn mạch xảy ra chủ yếu ở tinh hoàn trái.
Bệnh khởi phát do van tĩnh mạch suy yếu khiến máu không tuần hoàn về tim mà chảy ngược xuống vùng tĩnh mạch thấp hơn, gây ra hiện tượng ứ huyết và sưng đau. Thông thường bệnh chỉ gây đau ở tinh hoàn nhưng với trường hợp giãn mạch nặng nề, cơn đau có thể lan đến vùng bụng dưới và xương chậu.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng đặc trưng trong giai đoạn đầu. Vì vậy phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều phát hiện và điều trị muộn.
4. Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng tinh hoàn quay khiến dây thừng tinh bị xoắn lại và làm cản trở quá trình lưu thông máu ở cơ quan này. Tinh hoàn bị thiếu oxy hóa và dưỡng chất thường có dấu hiệu sưng đau và suy giảm chức năng.
Trong trường hợp dây thừng tinh bị xoắn hoàn toàn, tinh hoàn có thể bị sưng đỏ nghiêm trọng, gây đau đột ngột ở toàn bộ cơ quan sinh dục và bụng dưới. Khi không kịp thời can thiệp, bệnh nhân có thể bị hoại tử và mất tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường gặp ở nam giới từ 12 – 18 tuổi.
5. Viêm tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là cơ quan dẫn tinh trùng ra bên ngoài khi xuất tinh. Cơ quan này có thể bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc chấn thương. Nhiễm trùng ở tuyến tiền liệt đặc trưng bởi triệu chứng tiểu buốt, bí tiểu, nước tiểu có mùi hôi và chứa mủ.
Viêm tuyến tiền liệt thể cấp tính thường được điều trị bằng kháng sinh và thuốc giảm đau. Tuy nhiên với người bị viêm mãn tính, nhiễm trùng ở cơ quan này có thể gây đau tinh hoàn, đau bụng dưới, tổn thương niệu đạo,…
6. Quan hệ tình dục thô bạo
Quan hệ tình dục thô bạo là nguyên nhân khiến tinh hoàn và bụng dưới bị đau. Tinh hoàn là cơ quan dễ bị tổn thương khi có tác động mạnh. Do đó nếu bạn thực hiện các hoạt động tình dục mạnh bạo, bụng dưới và tinh hoàn có thể bị sưng và đau nhức.
Với trường hợp nhẹ, cơn đau có thể thuyên giảm sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên nếu triệu chứng tiếp tục kéo dài, bạn nên chủ động thăm khám để tránh tình trạng tinh hoàn bị chấn thương và xuất huyết.
7. Tinh hoàn bị chấn thương và xuất huyết
Tinh hoàn bị chấn thương và xuất huyết có thể là hệ quả do quan hệ tình dục quá độ, thô bạo hoặc do chấn thương khi chơi thể thao, sinh hoạt, tai nạn,… Khi có tác động mạnh, các mao mạch xung quanh tinh hoàn có thể bị vỡ, gây ra hiện tượng tắc mạch và xuất huyết.
Xuất huyết tinh hoàn thường gây sưng đau dữ dội ở bìu và bụng dưới. Trong trường hợp này, cần tiến hành phẫu thuật kịp thời để tránh những rủi ro đáng tiếc. Ở một số trường hợp không phát hiện sớm, tinh hoàn có thể bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ.
8. Các bệnh ở đường tiết niệu
Viêm cầu thận, sỏi thận, viêm bàng quang,… là những bệnh lý thuộc đường tiết niệu. Khi các bệnh lý này khởi phát, bạn có thể gặp phải triệu chứng đau bụng dưới, tiểu buốt, khó tiểu, tiểu nhiều lần, nước tiểu có màu sắc kỳ lạ, đau tinh hoàn và dương vật.
Tổn thương ở đường tiết niệu có thể tiến triển xấu và gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục ở nam giới.
9. Nang mào tinh hoàn
Nang mào tinh hoàn là hiện tượng ống dẫn tinh ở phía trên tinh hoàn xuất hiện u nang. Phần lớn u nang ở cơ quan này đều lành tính và hoàn toàn có thể chữa trị được.
Người mắc bệnh nang mào tinh hoàn thường bị sưng đau tinh hoàn và nặng bìu. Tuy nhiên nếu nang phát triển quá to, bạn có thể bị đau cục bộ ở cơ quan sinh dục, bụng dưới và vùng chậu.
10. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân trên, triệu chứng đau tinh hoàn và bụng dưới cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như:
- Ung thư tinh hoàn
- Teo tinh hoàn
- Tràn dịch tinh hoàn
- Căng thẳng quá mức
- Béo phì
- Tổn thương dây thần kinh sinh dục
Triệu chứng đau tinh hoàn và bụng dưới có nguy hiểm không?
Để xác định được mức độ nguy hiểm của triệu chứng đau tinh hoàn và bụng dưới, bạn cần tiến hành chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân. Trong trường hợp do quan hệ tình dục thô bạo, chấn thương nhẹ, căng thẳng hoặc béo phì, triệu chứng thường không quá nguy hiểm và có thể được cải thiện sau khi bạn thay đổi một số thói quen xấu.
Tuy nhiên với những nguyên nhân bệnh lý (viêm cầu thận, sỏi thận, viêm tinh hoàn, nang mào tinh hoàn,…) bạn cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất.
Nếu để kéo dài, các bệnh lý này có thể làm tổn thương tinh hoàn và gây ra các biến chứng nguy hiểm như áp xe tinh hoàn, giảm chất lượng đời sống tình dục, giảm khả năng sinh sản ở nam giới và tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.
Cách khắc phục đau bụng dưới và tinh hoàn
Để khắc phục hoàn toàn triệu chứng đau bụng dưới và tinh hoàn, cần tiến hành chẩn đoán để xác định nguyên nhân cụ thể. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc can thiệp một số kỹ thuật xâm lấn khác.
Việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng, điều trị bệnh dứt điểm và hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm.
Khi bị đau tinh hoàn và bụng dưới cần lưu ý điều gì?
Trong quá trình điều trị, ngoài việc thực hiện các phương pháp điều trị chuyên sâu bạn cần hạn chế một số thói quen để giảm thiểu tình trạng triệu chứng bùng phát mạnh.
Khi điều trị đau tinh hoàn và bụng dưới, cần lưu ý:
- Không nên quan hệ tình dục trong thời gian điều trị. Hoạt động vợ chồng trong thời gian này có thể khiến tinh hoàn bị tổn thương nghiêm trọng, kích thích hiện tượng sưng viêm và cơn đau bùng phát. Ngoài ra, quan hệ tình dục còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bạn tình.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas và cà phê. Cồn, đường, caffeine và chất kích thích trong những đồ uống này có thể khiến bệnh tình chuyển biến xấu và tạo điều kiện cho triệu chứng bùng phát mạnh.
- Đồ ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ cũng có thể khiến tinh hoàn đau nhức và sưng viêm nặng hơn. Vì vậy bạn nên hạn chế các loại thực phẩm này.
- Hạn chế vận động mạnh, đứng hoặc ngồi quá lâu.
- Uống nhiều nước để hỗ trợ thận và bàng quang bài tiết vi khuẩn, virus.
- Bổ sung các thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn như nghệ, gừng, cá hồi, bơ, mật ong,… để hạn chế nhiễm trùng phát triển mạnh. Đồng thời nên ăn nhiều rau xanh và trái cây nhằm trung hòa nước tiểu và giảm kích thước sỏi thận.
Đau tinh hoàn và bụng dưới có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp nhận thấy triệu chứng này, bạn nên chủ động thăm khám để kịp thời can thiệp các phương pháp khắc phục. Tiến hành điều trị sớm có thể giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh và đem lại kết quả khả quan nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Dấu hiệu và phương pháp điều trị viêm tinh hoàn sau quai bị
- Khi nào phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh? Có nguy hiểm không?
Bình luận (3)
Em bị đau tinh hoàn vs đau bụng dưới
Em bị đau ở bụng dưới bên phải và ở phía trên tinh hoàn bên phải ạ
chào bác sĩ em muốn hỏi.em có cảm giác đau nhẹ bụng dưới với tinh hoàn bên trái hơn 1 tuần nay rồi..em có tham khảo trên mạng khá nhiều .tất cả triệu chứng giống như bệnh(tĩnh mạch thừng tinh) giống như em tham khảo trên mạng ạ.xin hỏi bác sĩ có thể giải thích..để em thăm khám đe biết rõ hơn về bệnh ạ