Cách Chữa Hôi Miệng Bằng Gừng Từ Mẹo Dân Gian
Hôi miệng là tình trạng thường gặp ở nhiều người, do nhiều nguyên nhân gây ra. Có nhiều phương pháp trị hôi miệng tại nhà đơn giản, hiệu quả, một trong số đó là cách chữa hôi miệng bằng gừng. Phương pháp này được đánh giá cao về hiệu quả, được nhiều người biết đến và áp dụng. Nếu bạn không biết cách dùng gừng chữa hôi miệng như thế nào cho đúng thì có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Công dụng chữa hôi miệng của gừng
Gừng là cây thân thảo sống lâu năm, được đặc biệt ưa chuộng và trồng nhiều tại Việt Nam. Gừng không chỉ là gia vị giúp tăng thêm hương vị cho món ăn mà còn là vị thuốc quý, đa công dụng trong y học cổ truyền. Trong Đông y, gừng còn có một số tên gọi khác như sinh khương (gừng tươi), can khương (gừng khô), bào khương (gừng khô đã chế biến). Gừng vị cay, tính ấm, mùi thơm nhẹ, thường được dùng để trị ho, viêm họng, viêm amidan, chữa lạnh tay chân, tụt huyết áp, sốt rét do hàn ngược…
Gừng còn được dân gian thường sử dụng để trị hôi miệng và các bệnh lý về răng miệng khác. Có rất nhiều nghiên cứu về hiệu quả của gừng trong điều trị hôi miệng. Trong đó, nổi bật nhất là nghiên cứu của Đại học Kỹ Thuật Munich (TUM), Đức, trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tác dụng trị hôi miệng của chất 6-gingerol trong gừng.
Đây là một chất tạo nên vị cay trong gừng, có thể kích thích tăng tiết hàm lượng enzyme sulfhydryl oxidase trong miệng. Các enzyme này có trong nước bọt, có tác dụng phá vỡ các chất gây mùi ở miệng, làm phân hủy các hợp chất chứa lưu huỳnh độc hại (nguyên nhân gây hôi miệng hàng đầu). Theo nghiên cứu này thì gừng làm tăng lượng enzyme lên đến 16 lần, khiến quá trình oxy hóa của 2-furfurylthiol suy giảm, từ đó cải thiện đáng kể tình trạng hôi miệng.
Ngoài ra, gừng cũng chứa nhiều thành phần như linalool, hợp chất geraniol, zingeron, zingiberen, zingerol, tinh dầu, curcurmen… Đây là những hợp chất tốt cho sức khỏe, có thể hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp, giải quyết một số nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp ở nhiều người. Như vậy, có thể thấy, chữa hôi miệng bằng gừng cũng là một trong những phương pháp điều trị có cơ sở mà bạn có thể áp dụng.
Cách chữa hôi miệng bằng gừng
Hiện nay, có rất nhiều cách chữa hôi miệng bằng gừng, tùy vào tình trạng hôi miệng và điều kiện cá nhân mà bạn lựa chọn phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Có thể tham khảo một số cách thực hiện dưới đây:
1. Súc miệng bằng nước gừng chữa hôi miệng
Súc miệng bằng nước gừng là cách chữa hôi miệng bằng gừng tươi đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn thời gian mà bạn có thể áp dụng. Với phương pháp này, bạn chỉ cần bỏ vài phút để chuẩn bị là đã có ngay một loại nước súc miệng bằng nguyên liệu tự nhiên an toàn, có thể dùng ngay tại nhà.
Nguyên liệu:
- 1 – 2 củ gừng tươi
- Ấm đun nước
Cách thực hiện:
- Gừng tươi rửa sạch, giữ nguyên vỏ, cắt thành lát mỏng
- Cho gừng vào nồi hoặc ấm, đun với 350ml nước sạch
- Sau khi sôi, bạn tiếp tục đun khoảng 5 phút thì tắt bếp
- Để nguội, cho nước gừng vào chai rồi dùng dần
- Mỗi ngày bạn lấy nước gừng ngậm súc miệng
- Kiên trì thực hiện 2 – 3 lần/ngày trong nhiều ngày để thấy hiệu quả
2. Trị hôi miệng bằng gừng với chanh
Chanh cũng là một trong những nguyên liệu thiên nhiên được nhiều người sử dụng để trị hôi miệng. Chanh giàu chất chống oxy hóa, axit ascorbic, có tác dụng diệt khuẩn, làm giảm mùi hôi, loại bỏ các mảng bám trong răng và các vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Chanh còn có mùi thơm tự nhiên, có tính khử mùi cao. Kết hợp chanh với gừng cũng là một trong những phương pháp được đánh giá cao về mức độ an toàn mà bạn có thể thử áp dụng.
Nguyên liệu:
- 1 củ gừng tươi
- 1 quả chanh tươi
- Nước ấm
Cách thực hiện:
- Gừng tươi rửa sạch, cạo hoặc để vỏ đều được, cắt thành lát mỏng
- Chanh vắt lấy nước cốt, để vào một chén nhỏ
- Cho gừng vào máy xay, thêm một ít nước rồi xay nhuyễn
- Lọc lấy nước gừng qua rây, bỏ phần bã
- Trộn đều nước cốt chanh, nước gừng vào cốc nước ấm
- Dùng nước này súc miệng 2 – 3 lần/ngày, kiên trì trong nhiều ngày để thấy hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt một lát chanh và một lát gừng mỏng, nhai thường xuyên trong miệng và nhả bã để hỗ trợ khử mùi hôi miệng. Nhai, ngậm gừng cũng được đánh giá là mang đến nhiều tác dụng trong việc cải thiện mùi hơi thở.
3. Súc miệng bằng gừng và muối trị hôi miệng
Muối được biết đến với tính sát trùng, sát khuẩn cao, có thể hỗ trợ loại bỏ hiệu quả vi khuẩn trong khoang miệng. Ngoài ra, súc miệng bằng nước muối có thể loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa trong miệng, giúp phục hồi các vùng niêm mạc bị sưng viêm, tổn thương do bệnh viêm nướu, viêm chân răng gây ra. Kết hợp muối và gừng sẽ giúp khử mùi, giảm hôi miệng, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về răng miệng và hô hấp.
Nguyên liệu:
- 1 củ gừng tươi
- 1/2 thìa muối biển
Cách thực hiện:
- Gừng tươi rửa sạch, cạo bỏ vỏ, cắt thành lát mỏng
- Cho gừng và muối vào máy, thêm ít nước, xay nhuyễn
- Lọc hỗn hợp qua rây để lấy nước cốt, phần bã có thể bỏ hoặc nhai đều được
- Dùng nước này súc miệng 2 – 3 lần/ngày
- Kiên trì thực hiện trong nhiều ngày để thấy hiệu quả.
4. Uống trà gừng và trà xanh trị hôi miệng
Trà xanh giàu chất chống oxy, các hoạt chất chống oxy hóa trong trà xanh hoạt động rất mạnh mẽ, có thể loại bỏ các hợp chất lưu huỳnh gây hôi miệng. Không chỉ vậy, trà xanh còn giúp làm giảm các vi khuẩn có hại trong miệng, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về răng miệng, cải thiện sức khỏe đáng kể.
Đã có một số nghiên cứu tìm hiểu về hiệu quả của trà xanh trong điều trị hôi miệng so với nước súc miệng. Kết quả là việc uống trà xanh mang lại nhiều hiệu quả đáng ngạc nhiên, có thể so sánh với nước súc miệng sát trùng. Do đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng kết hợp gừng và trà xanh để hỗ trợ điều trị hôi miệng tại nhà.
Nguyên liệu:
- 1 nắm lá trà xanh
- 1 củ gừng tươi
Cách thực hiện:
- Trà xanh, gừng tươi rửa sạch, để ráo nước
- Gừng cạo vỏ, thái lát mỏng
- Cho trà xanh vào ấm, thêm 300ml nước, đun sôi
- Sau khi sôi thì cho gừng vào, đun ở lửa nhỏ thêm vài phút
- Tắt bếp, uống trà khi còn ấm để đạt kết quả tốt nhất.
Không áp dụng phương pháp này cho người mắc viêm loét dạ dày, tá tràng, người bị bệnh gan, bệnh sỏi mật, người hay bị xuất huyết, có tiền sử huyết áp cao hoặc bệnh tim. Ngoài ra, trà gừng còn không thích hợp cho phụ nữ mang thai nửa cuối thai kỳ, người đang sử dụng một số loại thuốc trị bệnh như thuốc giảm huyết áp, chống loạn nhịp tim…
Chữa hôi miệng bằng gừng có thật sự hiệu quả không?
Có thể thấy, việc dùng gừng chữa hôi miệng quả thật là có cơ sở. Thế nhưng, chữa hôi miệng bằng gừng có thật sự hiệu quả hay không thì không thể đưa ra kết luận chính xác. Mặc dù cũng có một số nghiên cứu nhận thấy gừng có hiệu quả trong việc chữa hôi miệng, tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ dừng ở mức quy mô nhỏ, vẫn chưa có các công bố chắc chắn.
Đối với việc sử dụng gừng chữa hôi miệng, bạn chỉ nên áp dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị. Lý do là chỉ có một số ít hoạt chất trong gừng có tác dụng chữa hôi miệng. Hàm lượng mà chúng ta sử dụng không đủ mạnh để điều trị hiệu quả tình trạng hôi miệng. Đồng thời, nếu sử dụng gừng quá nhiều, quá thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa.
Chữa hôi miệng bằng gừng chỉ là phương pháp dân gian, không thể thay thế thuốc đặc trị. Hơn nữa, hôi miệng thường do nhiều nguyên nhân gây ra. Chỉ khi bạn xác định được nguyên nhân gây hôi miệng của mình thì mới có cách trị hôi miệng dứt điểm. Ngoài ra, hiệu quả của phương pháp này còn tình thuộc vào cơ địa, cách thực hiện và tình trạng hôi miệng của mỗi người.
Một số lưu ý khi chữa hôi miệng bằng gừng
Khi áp dụng phương pháp chữa hôi miệng bằng gừng từ mẹo dân gian, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Dùng gừng chữa hôi miệng là mẹo dân gian, chỉ thích hợp với những trường hợp hôi miệng ở mức độ nhẹ. Với tình trạng hôi miệng chữa rõ nguyên nhân, kéo dài thì phương pháp này chỉ có tác dụng khử mùi, khiến mùi hơi thở dễ chịu hơn mà thôi.
- Với phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý về tiêu hóa, người bị cao huyết áp, đái tháo đường… chỉ nên áp dụng bằng cách súc miệng với gừng, tuyệt đối không nên uống gừng để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
- Bạn nên xác định được nguyên nhân gây hôi miệng, nhất là với bệnh lý thì nên điều trị dứt điểm bệnh rồi mới tính đến việc cải thiện mùi hơi thở.
- Người mắc hôi miệng trong thời gian dài nên tìm đến các trung tâm nha khoa uy tín để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
- Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị, người bệnh cần điều chỉnh thói quen ăn uống, chăm sóc răng miệng, hạn chế sử dụng các thực phẩm có mùi hăng như hành, tỏi, hành tây…
Trên đây là một số mẹo chữa hôi miệng bằng gừng tại nhà đơn giản, dễ thực hiện, được đánh giá cao về mức độ an toàn mà bạn có thể áp dụng. Tuy nhiên, dùng gừng trị hôi miệng chỉ là phương pháp tạm thời, chỉ “trị được ngọn mà không trị được gốc”. Do đó, nếu sau khi áp dụng mà không thấy chuyển biến thì bạn nên tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ, nha sĩ có chuyên môn, trình độ cao.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!