Cách xử lý, điều trị thai ngoài tử cung hiện nay
Mang thai ngoài tử cung là một trong những vấn đề sản khoa nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp để thai vỡ gây chảy máu ồ ạt vào trong ổ bụng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người mẹ. Vậy cách xử lý thai ngoài tử cung như thế nào là đúng và đảm bảo an toàn?
Thế nào là mang thai ngoài tử cung?
Mang thai ngoài tử cung được hiểu đơn giản là trứng sau khi được thụ tinh không nằm trong buồng tử cung mà thay vào đó là một vị trí khác bên ngoài tử cung. Một số vị trí ngoài tử cung mà thai thường bám vào để làm tổ phổ biến nhất là:
- Ở vòi tử cung: Có đến 95% trường hợp mang thai ngoài tử cung đều nằm ở vị trí này. Điều này được lý giải đó là do quá trình phôi thai di chuyển từ vòi trứng đến tử cung gặp trục trặc và khiến thai bám vào làm tổ tại đây.
- Các vị trí khác: Bên cạnh đó, phôi thai có thể làm tổ ở nhiều vị trí khác như cổ tử cung, ổ bụng, buồng trứng…
Theo thông tin từ các chuyên gia, những nhóm đối tượng phụ nữ có tiền sử mắc bệnh viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu hay có dị tật bẩm sinh ở ống dẫn trứng, thực hiện nạo phá thai nhiều lần, có tiền sử bị u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung… sẽ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn so với những người bình thường.
Những dấu hiệu điển hình khi mang thai ngoài tử cung
Trong thời gian đầu mang thai ngoài tử cung, những dấu hiệu mang thai của chị em cũng tương tự những người mang thai bình thường như tắt kinh, ốm nghén, căng tức ngực, khó chịu với mùi lạ… Tuy nhiên, bắt đầu đến giai đoạn thai phát triển lớn hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng bất thường như:
- Đau bụng: Những cơn đau bụng bắt đầu nhen nhóm xuất hiện, ban đầu tần suất ít và cơn đau cũng chỉ ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, càng về sau cơn đau càng nhiều hơn và mức độ dữ dội, co thắt từng cơn khiến chị em hết sức đau đớn và khó chịu.
- Xuất huyết âm đạo: Đây cũng là một trong những triệu chứng điển hình của mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chị em nhầm lẫn giữa máu kinh và ra máu do thai ngoài tử cung. Thực tế, máu do thai ngoài tử cung thường ra ít và khó đông, tốt nhất khi thấy dấu hiệu này chị em nên đến bệnh viện khám ngay.
- Đau lưng dữ dội: Mang thai bình thường cũng có thể gây ra đau lưng do sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn. Tuy nhiên, cơn đau lưng do thai ngoài tử cung sẽ có mức độ hoàn toàn khác, đau dữ dội và diễn ra mạnh hơn ở vùng lưng dưới.
- Nồng độ hCG trong máu giảm: Khi đi khám và thực hiện xét nghiệm nước tiểu cho thấy nồng độ hCG trong máu giảm hoặc đứng lại không tăng thêm chứng tỏ bạn đã bị mang thai ngoài tử cung.
- Một số triệu chứng khác: Ngoài những triệu chứng vừa kể trên, chị em còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như cảm thấy khó chịu mỗi lần đi vệ sinh, mệt mỏi, vã mồ hôi, mặt tái xanh, ngất xỉu…
Đây chính là những hiệu điển hình của tình trạng mang thai ngoài tử cung mà chị em cần phải hết sức lưu ý. Nếu xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng cùng lúc, hãy nhanh chóng đến bệnh viện và thăm khám để được xử lý kịp thời.
Thai ngoài tử cung mấy tuần thì vỡ?
Trên thực tế, đây là câu hỏi rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác bởi thời gian thai vỡ ngoài tử cung phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:
- Vị trí thai làm tổ: Việc thai làm tổ và phát triển tại các vị trí như vòi trứng sẽ khiến thai vỡ nhanh hơn so với các vị trí khác.
- Kích thước của cơ quan thai làm tổ: Cơ địa cũng như cấu tạo cơ thể của mỗi người phụ nữ hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, kích thước của buồng trứng, ổ bụng hay vòi trứng cũng sẽ có kích thước khác nhau. Đây chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian thai vỡ.
- Sự phát triển của thai nhi: Thai nhi nằm ngoài tử cung càng phát triển nhanh thì thời gian thai vỡ cũng sẽ diễn ra nhanh hơn.
Cách tốt nhất để xác định thời gian khối thai sẽ bị vỡ ra đó là thai phụ nên thăm khám tại bệnh viện để được thực hiện siêu âm. Hình ảnh siêu âm sẽ giúp bác sĩ có cơ sở đánh giá và dự đoán thời gian khối thai bị vỡ.
Cách xử lý, điều trị thai ngoài tử cung được áp dụng phổ biến hiện nay
Mang thai ngoài tử cung là một trong những tình trạng sản khoa cực kỳ nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bởi chỉ có tử cung mới là nơi duy nhất có khả năng chứa và bảo vệ thai nhi trong suốt 9 tháng 10 ngày cho đến khi chào đời. Việc phôi thai nằm ở bất kỳ vị trí nào khác cũng có thể làm vỡ túi thai gây chảy máu và ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.
Vì vậy, cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và bảo toàn chức năng sinh sản của người phụ nữ đó là chủ động thực hiện các biện pháp xử lý, điều trị ngay từ khi vừa phát hiện các triệu chứng thai ngoài tử cung.
1. Cách xử lý thai ngoài tử cung có kích thước nhỏ và chưa vỡ
Đối với trường hợp kết quả chẩn đoán thai ngoài tử cung giai đoạn sớm, túi thai chưa vỡ và có kích thước từ 3cm trở lại, tim thai chưa hoạt động sẽ được chỉ định điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc. Loại thuốc được sử dụng không phải là thuốc uống mà là thuốc tiêm.
Cách thực hiện cũng khá đơn giản, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc Methotrexate bằng cách tiêm bắp đơn liều hoặc đa liều. Tác dụng của thuốc sẽ giúp ức chế quá trình phân chia tế bào của phôi thai, ngăn chặn sự phát triển của thai và làm chết các tế bào hình thành tổ chức thai.
Sau đó, phôi thai sẽ được cơ thể hấp thu và đào thải ra ngoài bằng con đường tự nhiên nhất, nhẹ nhàng, an toàn mà không gây xâm lấn, hoàn toàn không gây tổn thương cho cơ thể. Thời gian điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc thường kéo dài khá lâu, ít nhất là 3 tháng, thời gian theo dõi từ 2 – 6 tuần và phải đợi ít nhất 3 tháng sau mới có thể mang thai lại vì tác dụng của thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nếu mang thai sớm.
Liều dùng Methotrexate phổ biến hiện nay là liều đơn 50mg/ m2 tiêm bắp 1 lần hoặc chia 2 lần để tiêm bắp 2 mông. Tuy nhiên, thường sẽ ưu tiên sử dụng liều đơn hơn bởi vì liều dùng thấp, số lần tiêm ít và cũng hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Ưu điểm:
- Ưu điểm của phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc là có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên biện pháp này chỉ được áp dụng cho trường hợp thai chưa vỡ và dưới 7 tuần tuổi.
- Tránh được việc thực hiện phẫu thuật, hạn chế tối đa rủi ro cũng như các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc mê.
- Bảo toàn chức năng của vòi trứng và duy trì khả năng sinh sản.
Nhược điểm:
- Sử dụng Methotrexate cần hết sức cân nhắc và tuân thủ liều lượng vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, viêm đường ruột, viêm dạ dày, tiêu chảy, tăng men gan… Một số phản ứng nặng như viêm da, viêm phổi, rụng tóc, viêm màng phổi, ngăn cản quá trình tổng hợp xương…
- Chống chỉ định sử dụng Methotrexate gồm:
- Những người nhạy cảm và có cơ địa dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Phụ nữ đang cho con bú, suy giảm hệ miễn dịch, bị bệnh gan do nghiện rượu
- Bệnh viêm loét dạ dày tá ràng, rối loạn gan thận, suy giảm bạch cầu, rối loạn tạo máu, rối loạn huyết học…
2. Cách xử lý thai ngoài tử cung có kích thước to và đã vỡ
Trường hợp thai đã vỡ sẽ thường sẽ được áp dụng điều trị bằng phương pháp ngoại khoa. Lúc này, tùy vào tình trạng sức khỏe và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật mổ hở hoặc mổ nội soi thai ngoài tử cung nhằm lấy thai ra ngoài nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe của sản phụ.
Mổ nội soi thai ngoài tử cung
Đây là một trong những phương pháp phổ biến và được nhiều chị em phụ nữ ưu tiên chọn lựa. Phương pháp được tiến hành khi sản phụ trong trạng thái được gây mê nội khí quản. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ có gắn camera và đèn vào bên trong ổ bụng thông qua một vết rạch nhỏ rồi bắt đầu cắt bỏ khối thai đã vỡ.
Lúc này, tùy thuộc vào tổn thương nặng hay nhẹ, nhiều hay ít mà có thể cắt bỏ vòi tử cung triệt để hoặc chỉ cắt vòi tử cung từ eo lên đến loa hoặc ngược lại. Ưu điểm của phương pháp này chính là có thể loại bỏ được những thai đã to, bị vỡ với tỷ lệ thành công cao, an toàn, tránh được các biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, tắc ruột, không xâm lấn nhiều, thời gian phục hồi nhanh, đặc biệt vết sẹo mổ rất nhỏ, có tính thẩm mỹ cao.
Không những vậy, mổ nội soi thai ngoài tử cung còn giúp bảo tồn chức năng của tai vòi, duy trì khả năng sinh sản cho phụ nữ chưa từng sinh con hoặc những người mong muốn có thêm con trong tương lai. Chỉ cắt bỏ tai vòi hoàn toàn trong trường hợp không thể nào bảo tồn được nữa.
Hầu hết các sản phụ sau khi mổ nội soi thai ngoài tử cung đều có thể về nhà ngay trong ngày hoặc ở lại bệnh viện thêm 1 ngày để theo dõi. Sau đó nếu chú trọng chăm sóc kỹ lưỡng tại nhà thì chỉ cần khoảng 7 – 14 ngày là đã có thể hoạt động bình thường và chỉ mất 1 tháng là cơ thể chị em sẽ hoàn toàn hồi phục.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp mổ nội soi thai ngoài tử cung là đòi hỏi phải được thực hiện ở nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, am hiểu và nắm vững kỹ thuật thực hiện vì đây là một trong những kỹ thuật ngoại khoa khá khó và phức tạp. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện mổ nội soi thai ngoài tử cung khá đắt, cao hơn so với phương pháp mổ hở truyền thống nên khó tiếp cận được với nhiều người bệnh.
Kỹ thuật mổ hở thai ngoài tử cung
Phương pháp phẫu thuật này thường được áp dụng trong trường hợp cấp cứu khẩn khi phôi thai bị vỡ kéo theo vỡ ống dẫn trứng và chảy máu ồ ạt trong ổ bụng kèm theo triệu chứng choáng, ngất xỉu. Lúc này, sản phụ cũng sẽ được gây mê toàn thân tương tự như mổ nội soi thai ngoài tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường lớn trên ổ bụng và bắt đầu các thao tác kỹ thuật loại bỏ khối thai đã vỡ.
Đây cũng chính là nhược điểm của phương pháp mổ hở nay vì vết rạch lớn bắt buộc phải cần có thời gian hồi phục lâu hơn so với mổ nội soi thai ngoài tử cung. Không những vậy, nếu chăm sóc không kỹ lưỡng có thể gây biến chứng nhiễm trùng hoặc tắc dính ruột.
Một số lưu ý khi áp dụng các cách xử lý thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung chắc chắn không giữ được nên việc xử lý điều trị càng sớm sẽ giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người phụ nữ. Để việc điều trị diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và an toàn, chị em cần lưu ý một số điều sau:
- Tùy từng trường hợp thai ngoài tử cung lớn hay nhỏ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án xử lý phù hợp. Chị em nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Tuyệt đối không tự ý phá thai tại nhà hoặc loại bỏ thai bằng các biện pháp dân gian chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn.
- Tuân thủ theo đúng liệu trình và nguyên tắc xử lý khối thai ngoài tử cung theo chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện vệ sinh vùng kín sạch sẽ và chăm sóc sức khỏe kỹ lưỡng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp nhiều loại thực phẩm, ưu tiên rau xanh, củ quả, trái cây tươi cùng thực phẩm giàu đạm như cá, thịt gà, thịt lợn. Tránh sử dụng các loại thực phẩm dễ gây thích thích xuất huyết như gừng, đu đủ xanh, nha đam hay các loại hải sản.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, chất kích thích và kiêng quan hệ vợ chồng cho đến khi vết mổ lành hẳn và cơ thể hồi phục hoàn toàn.
- Không lao động, làm việc quá sức hay tham gia các hoạt động yêu cầu thể lực cao khi vết mổ chưa lành hẳn. Thay vào đó, nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe.
Nhìn chung, mang thai ngoài tử cung là mối hiểm họa đối với sức khỏe và tính mạng của người mẹ. Việc chần chừ và chậm trễ trong điều trị có thể khiến người phụ nữ mất mạng bất kỳ lúc nào. Vì vậy, tốt nhất chị em cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân bằng cách khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần, trường hợp xuất hiện dấu hiệu mang thai nên thăm khám càng sớm càng tốt để phát hiện sự bất thường của phôi thai và có hướng điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!