Bệnh viêm gan B có lây không, qua đường nào?
Trong bối cảnh việc kiểm soát virus viêm gan siêu vi B vẫn là một trong những thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay thì vấn đề “bệnh viêm gan B có lây không” luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đây là căn bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan cho người khỏe mạnh qua nhiều con đường khác nhau.
Bệnh viêm gan B có lây không?
Viêm gan B là bệnh lý gây ra bởi virus viêm gan B (gọi tắt là HBV). Tác nhân gây bệnh có thể gây tổn thương và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của gan.
Được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm nên viêm gan B có thể lây lan từ các đối tượng nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh. Virus HBV được ghi nhận là có cơ chế lây nhiễm tương tự như virus HIV. Tuy nhiên, khả năng lâu nhiễm của HBV còn cao gấp cả 100 lần so với virus HIV.
Bên cạnh đó, virus HBV còn có thể sống ở ngoài tự nhiên tới khoảng 1 tháng hoặc hơn trong khi virus HIV thì không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể cũng như không thể lây nhiễm trong môi trường tự nhiên. Chính vì thế mà virus HBV được cảnh báo là còn nguy hiểm hơn cả virus HIV.
Virus viêm gan B hiện đang là mối đe dọa rất lớn với toàn nhân loại. Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) ghi nhận, hiện trên thế giới có khoảng 400 triệu người mắc bệnh viêm gan B mãn tính. Riêng ở Việt Nam, số người nhiễm virus viêm gan B chiến tới khoảng 20% dân số. Bệnh kéo dài có thể gây ra các biến chứng như xơ gan, suy gan hay thậm chí là ung thư gan.
Cần lưu ý rằng, mặc dù bệnh có thể lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau nhưng lại không lây qua tiếp xúc thông thường hay qua ăn uống. Tuy vậy, mọi người cũng không nên chủ quan trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh, nhất là khi trong gia đình có người được chuẩn đoán mắc viêm gan B.
Xem thêm: Triệu chứng của bệnh viêm gan B – Khám ngay trước khi quá muộn
Bệnh viêm gan B lây qua đường nào?
Dưới đây là 3 con đường lây nhiễm chính của virus viêm gan B mà bạn cần nắm rõ để chủ động phòng tránh:
1. Lây nhiễm từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh viêm gan B thì khả năng truyền bệnh sang con là tương đối cao. Tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể của thai kỳ mà sẽ có tỷ lệ lây truyền bệnh khác nhau.
Cụ thể, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con chỉ khoảng 1% nếu ở 3 tháng đầu thai kỳ nhưng khi đến 3 tháng giữa thì đã lên đến 10% và ở 3 tháng cuối là tận 70%. Đặc biệt, khảo sát cho thấy, nguy cơ lây nhiễm sang con sẽ lên tới tận 90% sau khi sinh nếu mẹ không có biện pháp bảo vệ khắt khe.
2. Viêm gan B lây qua đường máu
Đây cũng là một con đường lây truyền rất phổ biến của bệnh viêm gan B mà bạn cần đặc biệt chú ý. Virus HBV sẽ lây truyền rất dễ dàng qua hiến máu, truyền máu hay kể cả xăm hình… nếu các dụng cụ được dùng không được khử trùng đúng cách.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chung một số đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh viêm gan B cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh. Điển hình như dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu, bấm móng…
3. Lây truyền qua quan hệ tình dục
Ở nước ta, đã có rất nhiều trường hợp ghi nhận bệnh viêm gan B lây truyền qua đường tình dục. Nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ rất cao nếu thực hiện hành vi quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh.
Virus HBV có trong dịch tiết của người bệnh sẽ dễ dàng lây nhiễm hay thâm nhập vào cơ thể của bạn chỉ thông qua những vết xước nhỏ và di chuyển vào máu. Một cá nhân có khả năng lây nhiễm qua tất cả các hành vi tình dục khác giới hay đồng giới.
Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan B
Hiện nay, việc tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B được cho là biện pháp phòng tránh lây nhiễm hiệu quả nhất. Sau khi sinh, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B càng sớm càng tốt (trong vòng khoảng 24 giờ).
Còn 2 – 3 liều sau đó cần được tiêm với khoảng thời gian cách nhau ít nhất là 4 tuần. Bên cạnh việc tiêm vắc xin thì một số khuyến cáo sau cũng có thể giúp bạn phòng tránh, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh:
- Quan hệ tình dục an toàn, cần sử dụng bao cao su dù quan hệ với bất cứ hình thức nào.
- Sử dụng bơm kim tiêm mới đã được vô trùng. Tuyệt đối không sử dụng chung bơm kim tiêm với bất cứ ai.
- Không làm răng, xăm hình, châm cứu… ở những cơ sở không đảm bảo uy tín.
- Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải răng, kìm bấm móng… với người khác.
- Cần băng kín khi cơ thể có những vết thương hở.
- Thăm khám để tầm soát bệnh nếu vợ chồng bạn có ý định mang thai. Khi mắc bệnh hãy thực hiện các biện pháp dự phòng truyền nhiễm mà bác sĩ chỉ định.
- Trường hợp không may mắc bệnh khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý nghiêm túc điều trị theo phác đồ từ bác sĩ. Đồng thời chủ động thăm khám thường xuyên để dự phòng bệnh tái nhiễm và đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Đến đây thì thắc mắc “bệnh viêm gan B có lây không?” và các con đường lây nhiễm của bệnh đã được làm sáng tỏ. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức về việc phòng tránh bệnh viêm gan B thông qua việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, thực hiện quan hệ tình dục an toàn kết hợp khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu không may bị nhiễm bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Bị viêm gan B nên kiêng ăn gì, bổ sung gì để cải thiện?
- Các xét nghiệm viêm gan B và lưu ý khi thực hiện
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!